Ngô Quảng - DienDanCTM
Mặc dù
chính sách Thái Dương nhằm viện trợ cho Bắc Triều Tiên là do cựu Tổng thống Hàn
quốc Kim Đại Trọng đề xướng, nhưng người đẩy mạnh chính sách này lại là vị Tổng
thống kế nhiệm Lô Vũ Huyễn. Người dân Hàn quốc nói chung, và đảng đối lập nói
riêng (tức đảng Hannara hay Grand National Party) kinh ngạc về những khoản viện
trợ quá lớn và gần như vô điều kiện cho Bắc Hàn. Chính cá nhân Tổng thống Lô Vũ
Huyễn cũng có nhiều tuyên bố có lợi cho Bình Nhưỡng trước thế giới mà giới quan
sát cho là không hoàn toàn sát với thực tế.
Tuy nhiên,
công luận chỉ nghĩ rằng Tổng thống Huyễn nhượng bộ Bắc Hàn vì cá nhân ông không
thích Hoa Kỳ cũng như vì ông muốn tận dụng không khí bực mình với Mỹ trong dân
chúng Nam Hàn nói chung dưới thời Tổng thống Kim Đại Trọng. Lúc đó, chưa ai tưởng
tượng nổi Nam Hàn lại có một tổng thống ngây thơ, thông đồng với chế độ quá tàn
ác tại Bắc Hàn.
Trong
khoảng thời gian Tổng thống Huyễn nắm quyền, cũng đã có tin đồn là trong cuộc hội
đàm tay đôi với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhật vào năm 2007, Tổng thống Lô Vũ
Huyễn đã nói rằng Hàn quốc sẽ bãi bỏ hàng phòng thủ biên giới bờ biển giữa hai
miền Nam Bắc. Cuộc hội đàm tay đôi này có được ghi lại trong hồ sơ nhưng phải giữ
kín vì được xếp vào loại bí mật quốc gia. Chỉ sau một số năm theo quy định và với
sự cho phép của chính phủ đương quyền vào lúc đó, thì người dân Nam Hàn mới có
thể đọc các chi tiết về nội dung cuộc họp nêu trên. Thế nhưng vào năm ngoái
(2012), trong khi cuộc vận động bầu cử Tổng thống Hàn quốc đang diễn ra sôi nổi
thì tin tức thuộc loại bí mật quốc gia này được rò rỉ ra bên ngoài và đã làm
cho đảng Dân Chủ mất lợi thế. Kết quả là ứng viên Văn Tại Dần của đảng này thất
cử với tỷ lệ khít khao, chỉ thua bà Phác Cận Huệ chừng 3,6% tổng số phiếu. Nếu
không có việc tiết lộ này thì kết quả bầu cử có thể đã khác.
Ai là kẻ
tiết lộ tin tức này? Dù không có bằng chứng cụ thể, đảng Dân Chủ vẫn khẳng định lỗ rò rỉ phải từ Cục Tình báo Hàn quốc, và nạp
đơn khởi tố ngay Cục này về tội vi phạm luật pháp quốc gia, đặc biệt là luật bầu
cử. Tòa án Hàn Quốc, một cơ chế độc lập với bên Hành Pháp, đã chấp nhận đơn kiện
của đảng Dân Chủ.
Trong lúc
ông Cục trưởng Cục Tình báo Hàn quốc chờ ngày vác chiếu ra hầu tòa và chưa biết
kết quả sẽ ra sao, thì nữ Tổng thống Phác Cận Huệ đề nghị Quốc hội cũng triệu tập
người đứng đầu Cục Tình báo ra giải trình vấn đề. Ngày 20/06/2013 vừa qua, phần
lớn người dân Hàn quốc đã phải sững sờ khi biết được những lời phát biểu vượt
quá quyền hạn, dù là quyền hạn tổng thống, của ông Lô Vũ Huyễn là có thật và đã
được ghi trong hồ sơ ''Cực Mật'' mà Cục Tình báo Hàn quốc đã trình riêng cho bộ
phận Thường vụ Quốc hội. Chỉ có một số ít trong công luận cố chống chế cho cựu
Tổng thống Lô Vũ Huyễn rằng đó chỉ vì ông Huyễn quá muốn hòa bình, và thống nhất
đất nước.
Sau đó,
giới truyền thông Hàn quốc nhập cuộc với những yêu cầu Thường vụ Quốc hội phải
công bố những chuyện bí mật đó ra cho người dân được biết. Lý do chính họ nêu lên
là vì mọi chuyện đã qua rồi, không còn là bí mật có tính chiến lược của quốc
gia nữa. Và toàn dân cần biết để phòng ngừa, không cho những chuyện như thế xảy
ra thêm lần thứ hai.
Trước áp
lực của công luận, qua sự đại diện của giới truyền thông, Quốc hội Hàn quốc buộc
phải đáp ứng và trả lời rằng theo luật định thì khi một hồ sơ bí mật quốc gia
chưa đến thời hạn giải mật mà muốn công bố thì phải có sự đồng ý của tất cả các
đảng chính trị ở Quốc hội. Điều luật này đang làm đảng Dân chủ lâm vào thế kẹt.
Nếu họ không đồng ý công khai hóa hồ sơ thì sẽ bị xem là cố tình giấu diếm và mất
thêm sự ủng hộ của người dân. Còn nếu đồng ý thì cũng thiệt hại không kém vì đảng
Dân Chủ đã có một lãnh đạo vượt quá quyền hạn, vi phạm qui định của hiến pháp,
và đi ngược với nguyện vọng của nhân dân. Theo tin mới nhất ghi nhận được qua một
số phát biểu của các dân biểu, nghị sĩ đảng Dân Chủ thì họ đành chọn con đường công
khai, chứ không thể bao che cho việc làm sai trái của ông Lô Vũ Huyễn. Như vậy
khá chắc trong những ngày tới, các đại diện đảng Dân Chủ sẽ chính thức xin lỗi
dân chúng và xây lại niềm tin tưởng và ủng hộ mới của người dân.
Nhờ hệ
thống đa đảng trong thể chế cai trị và sinh hoạt đa nguyên trong xã hội dân sự
mà người dân Hàn quốc biết được việc làm
sai trái của các lãnh tụ và liên tục cải tiến guồng máy cai trị tại nước này từ
những vị trí cao nhất. Hệ quá là cả đất nước thăng tiến về mọi mặt càng lúc càng
nhanh, từ kỹ thuật đến văn hóa đến đóng góp cho nhân loại.
So sánh
hiện tượng nêu trên với những gì đang diễn ra tại Việt Nam, mới thấy rõ ràng thể
chế độc tài, độc đảng đang là mối nguy lớn cho đất nước. Những cuộc thương lượng
với Trung Quốc về lãnh thổ, lãnh hải, và chủ quyền của Việt Nam tiếp tục là
chuyện riêng của đảng cai trị. Ngay cả các tấm bản đồ đi kèm với với hiệp ước
biên giới ký công khai từ năm 1999 (tức 14 năm trước) vẫn là bí mật của lãnh đạo
đảng CSVN. Người dân chỉ lâu lâu lại được biết Việt Nam đã mất gần hết Thác Bản
Giốc, mất hẳn Ải Nam Quan, mất một nửa Bãi Tục Lãm, mất hàng ngàn cây số vuông
trên Vịnh Bắc Bộ, v.v.... Trong khi đó, những người dân yêu nước nêu vấn đề Việt
Nam đang bị mất dần chủ quyền -- từ người ở độ tuổi 60 như Điếu Cày đến độ tuổi
50 như Cù Huy Hà Vũ, 40 như Phạm Văn Trội, 30 như Lê Quốc Quân, và cả độ tuổi
20 như Phương Uyên, Nguyên Kha -- đều bị ném ngay vào tù với đủ loại tội trạng,
kể cả tội "dùng bao cao su" và tội "trốn thuế".
Lịch sử
nhân loại cho thấy một trong những lý do khiến các lãnh tụ độc tài nhất quyết bám
giữ quyền lực cho kỳ được chính là vì những việc đen tối họ đã làm đối với đất nước,
và dân tộc. Những tội tày trời ngoài sức tưởng tượng của họ sẽ chắc chắn lộ ra ánh
sáng một khi họ không còn khả năng ám hại các nhân chứng và bịt miệng các tiếng
nói công thẳng nữa.
0 comments:
Đăng nhận xét