Tản mạn về truyền thông, Biển Đông và lòng yêu nước

Nguyễn Thị Hậu

1.
Cách đây không lâu tôi tham gia Ban giám khảo một cuộc thi tìm hiểu về Lịch sử Việt Nam. Người dự thi đủ lứa tuổi đủ thành phần, nghề nghiệp… Tất cả bài viết đều thể hiện sự hiểu biết lịch sử dân tộc và tình yêu đất nước sâu sắc, không bài nào giống bài nào tuy cùng một nội dung, chung một câu hỏi. Kiến thức của những người dự thi còn thể hiện việc tự rút ra bài học từ những câu chuyện về các sự kiện lớn lao của đất nước, hay đơn giản hơn là cách hành xử của người xưa trong những hoàn cảnh khó khăn: phải lựa chọn giữa việc đứng lên chống ngoại xâm hay cam chịu quỳ gối làm nô lệ? Tin tưởng lựa chọn người hiền tài gánh vác việc nước hay chỉ dựa vào người thân quen mà ít tài kém đức?

Nếu chỉ căn cứ vào những thông tin gần đây có phần tiêu cực về chất lượng dạy và học môn lịch
sử, về sự hiểu biết của thanh niên đối với văn hóa truyền thống, ta không khỏi bi quan cho tương lai đất nước khi mà một bộ phận không nhỏ trong lớp trẻ và không ít người lớn nữa lại thờ ơ với lịch sử dân tộc như thế! Cuộc mưu sinh mỗi ngày và vô vàn lý do khác khiến cuộc sống của mỗi chúng ta dường như bị đứt gãy với quá khứ của dân tộc. Nhưng qua cuộc thi đó, và nhất là qua những hành động, thái độ của nhân dân ta, thanh niên ta về những sự kiện gần đây trên Biển Đông, đã mang lại một niềm tin: lịch sử dân tộc vẫn sống trong nhiều con tim Việt Nam, tình yêu đất nước vẫn mạnh mẽ trong con người Việt Nam.

Những hoàn cảnh lịch sử có thể sẽ lặp lại, nhưng sự lựa chọn cách hành xử lại tùy thuộc vào bản lĩnh, vào cái tài, cái tâm đối với đất nước của mỗi con người, mỗi thế hệ. Đã có những sự lựa chọn để lại tiếng thơm muôn đời, nhưng cũng có sự lựa chọn mang đến hậu quả cay đắng cho thế hệ sau gánh chịu! Tìm hiểu, nhận thức và chia sẻ với mọi người những bài học hào hùng, những kinh nghiệm đau xót từ quá khứ là để cho thấy lịch sử không bao giờ xưa cũ.

Lịch sử không bao giờ xưa cũ không chỉ vì giá trị của những bài học, mà còn vì lịch sử là những gì mới xảy ra hôm qua, năm ngoái… những gì mà chính thế hệ hôm nay chứng kiến.

2.
 Vài năm trước khi ta nghe dự báo thời tiết báo “bão xa” thì hàng ngàn ngư dân Việt Nam trên biển đã phải đối mặt và chịu thiệt hại về người và của. “Bão xa”… phải chăng vì cơ quan dự báo thời tiết ở Hà Nội – trung tâm của châu thổ Bắc bộ – nhìn ra biển chỉ thấy mịt mù xa tít tắp, chỉ thấy “tầm nhìn xa trên 10km”, và ngoài 10km ấy vẫn là “biển trời bao la, đẹp như gấm hoa…”. Chỉ khi nào bão sắp vào tàn phá đất liền thì mới là “tin bão khẩn cấp”! Tôi tự hỏi có ai làm công tác dự báo thời tiết nhìn biển và hiểu biển như những người ngư dân sống trên biển, như những con người đã hàng trăm năm sống kề cận biển hay không?

Dọc dài hơn 3000 km bờ biển từ Móng Cái đến Kiên Giang là hàng trăm ngàn km2 thềm lục địa, hàng trăm đảo, quần đảo lớn nhỏ, sao nói về Việt Nam chỉ thấy nói đến văn minh trồng lúa nước? Gần như ít nói đến văn hóa – văn minh vùng duyên hải Việt Nam (từ miền Trung vào Nam) là “mặt tiền” nhìn ra Biển Đông với ngư trường truyền thống hàng trăm năm, nay còn là vùng thềm lục địa giàu có “vàng đen”… Vùng duyên hải còn có nhiều nơi làm ra loại gia vị độc đáo từ cá biển là nước mắm – gia vị chủ đạo để chế biến một thức ăn rất đặc biệt Việt Nam: món kho: cá kho, thịt kho, đậu kho, trứng kho, thịt quay (món ăn gốc Tàu?) cũng kho, rau củ cũng kho (trám, củ cải, măng…), loại thức ăn mặn mòi, ăn cơm ngon miệng mà lại tiết kiệm thức ăn, còn dư hay để dành bữa sau, ngày mai…cũng không bị thiu hỏng trong thời tiết nóng nực. Những cách chế biến hải sản khác như phơi khô mực/ cá/ tôm… thì nhiều nơi trên thế giới vẫn làm, chế biến kiểu lên men như các loại mắm làm từ cá nước ngọt và cá biển thì phổ biến ở ĐNA cả vùng biển và trong đất liền… Đấy chỉ là một trong vô vàn yếu tố văn hóa biển hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân ta. Nếu tìm hiểu ta còn có thể nhận biết nhiều dấu tích văn hóa vật thể và phi vật thể trong “trầm tích” văn hóa biển lắng đọng trong di sản văn hóa Việt nam.

Tài liệu khảo cổ học cho biết đã có những di tích người nguyên thuỷ sinh sống ở các miền ven biển cách đây khoảng 6.000 – 3.000 năm, hình thành các văn hóa Khảo cổ như văn hóa Hạ Long (Quảng Ninh), Cái Bèo (Hải Phòng), Đa Bút, Hoa Lộc (Thanh Hóa), văn hóa Quỳnh Văn (Nghệ An), Thạch Lạc (Hà Tĩnh), Bàu Tró (Quảng Bình). Các nền văn hóa ven biển này có nhiều yếu tố gần gũi với văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn ở miền núi và thung lũng, có niên đại từ khoảng 12 – 8000 năm cách ngày nay. Dấu tích thức ăn của con người để lại là lớp vỏ ốc dày hàng mét trong các hang động miền núi, vỏ sò điệp tạo thành cồn dài hàng chục mét ven biển, trong đó còn có mộ táng, công cụ đá mài, mảnh gốm, bếp và than tro lẫn xương thú, xương cá… Động vật thủy sinh là nguồn thức ăn đạm động vật phổ biến của những lớp cư dân cổ. Những nhóm cư dân miền núi và ven biển này là những cộng đồng cư dân sinh sống bằng nghề trồng trọt sơ khai và khai thác sản phẩm tự nhiên từ rừng núi, từ sông từ biển. Phải chăng sự thật lịch sử này đã được huyền thoại hóa thành truyền thuyết khởi nguyên của người Việt “con rồng, cháu tiên“, chia đôi con cháu nửa lên núi, nửa xuống biển khai phá mở mang Đất – Nước?

Vào khoảng nửa sau thế kỉ thứ nhất trước công nguyên, hoạt động giao thông đường biển đã phát triển ở Việt Nam, tạo điều kiện cho việc đi lại, tiếp xúc, trao đổi giữa các nhóm cư dân ven biển nước ta với khu vực hải đảo Đông Nam Á. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trên mặt trống đồng Đông Sơn có khắc hình chiếc thuyền lớn với hình người cùng những nghi lễ, đầy đủ lương thực, vũ khí… chính là hình dáng của những con thuyền của tổ tiên ta vươn ra khai thác sông biển từ rất sớm. Đảo Sulawesi, hòn đảo lớn thứ tư của Indonesia, còn được gọi là vương quốc của những mái nhà cao vút hình con thuyền mà cư dân ở đây, người Toraja gọi đó là những Tongkonan. Những Tongkonan xếp thành hàng chạy dài thẳng tắp trông giống như những chiếc thuyền buồm kiêu hãnh đang neo đậu giữa một vùng sơn cước. Theo truyền thuyết của bộ tộc Toraja, tổ tiên họ từng sống ở đồng bằng trong lục địa phía bắc từ hàng ngàn năm trước, do những biến cố xã hội cả cộng đồng Toraja đã giong buồm vượt biển đi tìm đất mới. Họ đã đến được vùng đất mà ngày nay gọi là Makassar, phía nam đảo Sulawesi. Họ quyết định chọn nơi đó làm quê hương thứ hai, và những mái nhà Tongkonan hình con thuyền lớn vượt đại dương được dựng lên và luôn hướng về hướng bắc như để con cháu không quên cội nguồn, quê hương…
Ở phía Nam, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Đồng Nai ở vùng biển Đông Nam Bộ đã để lại dấu ấn của những đoàn thương thuyền đến từ Ấn Độ, như đồ trang sức bằng ngọc, bằng thủy tinh, bằng vàng… Dấu tích thương mại Trung Hoa là những đồng tiền Ngũ Thù, gương đồng, bình gốm thời Hán tìm thấy khá nhiều ở một số di tích khảo cổ ven biển. Quan hệ buôn bán với Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra ở vùng ven biển từ rất sớm, khoảng 1,2 thế kỷ trước công nguyên. Đặc biệt đồ gốm trong mộ táng chum vò của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai rất giống đồ gốm trong các di tích mộ táng ở Philippine, mà các nhà khảo cổ cho rằng đó là bằng chứng của sự trao đổi sản phẩm và kỹ thuật sản xuất giữa cư dân vùng ven biển và hải đảo.

Đến đầu công nguyên, các vương quốc cổ Phù Nam, Chămpa ở phía Nam hình thành và phát triển thành những vương quốc giàu mạnh nhờ khai thác thủy hải sản, lâm sản, nông nghiệp và nhất là nhờ có hệ thống cảng thị ven biển để buôn bán và làm dịch vụ cho con đường thương mại trên biển nối liền lục địa Ấn Độ đến lục địa Trung Hoa. Ở phía Bắc, từ đầu thế kỉ 10 quốc gia Đại Việt dành được nền độc lập tự chủ. Các triều đại Lý – Trần bắt đầu mở cảng Vân Đồn tiếp nhận thương thuyền nước ngoài. Đến thời Lê, Dư địa chí của Nguyễn Trãi còn nhắc đến các cửa biển Càn Hải, Hội Thống (Nghệ An), Hồi Triều (Thanh Hoá)… Từ thế kỉ 17, chính quyền Chúa Nguyễn đàng trong đã tiếp tục phát triển Đại Chiêm hải khẩu thành cảng thị Fai Fố – Hội An, xây dựng cảng Bến Nghé mở đường ra biển cho vùng Gia Định – Đồng Nai. Trong thời Nguyễn nhiều đảo và quần đảo ven biển Đông đã được khám phá, khai thác tài nguyên và xác lập chủ quyền, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ khỏang thế kỷ VIII – XII, XIII và sau đó, biển Đông của Việt Nam  không chỉ là nơi trung chuyển mà còn tích cực tham gia vào con đường thương nghiệp biển. Con đường tơ lụa, con đường gốm sứ trên biển nhộn nhịp quanh năm. Ven biển Đông Nam Á khảo cổ học đã khai quật được nhiều tàu đắm chở hàng hóa xuất xứ từ nhiều nước.

Thương nghiệp đường biển mang đến Đông Nam Á một số đặc điểm như:
-  Sự du nhập tôn giáo và ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ.
- Sự hình thành các đô thị thương nghiệp: cửa biển, bến cảng. Phát triển nhanh mà lụi tàn cũng nhanh, nếu như đô thị đó mất chức năng “cảng thị”.
- Dịch vụ thương nghiệp, nghề đóng và sửa chữa tàu. Các đô thị ven biển mang tính chất đa văn hóa, pha trộn, giao lưu và cởi mở.
- Các quốc gia coi trọng nguồn lợi từ biển mang lại (mặt biển, lòng biển, ven biển, xa bờ…)

Tất cả những điều trên cho thấy, từ thời xa xưa những tộc người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay đã biết khai thác nguồn lợi từ biển, thông thạo buôn bán, trao đổi bằng đường biển, phát triển nghề đi biển và tiến ra khai thác các đảo và quần đảo.  Đường bờ biển dài chính là một lợi thế của Việt Nam: đây là “mặt tiền” nhìn, hướng ra biển Đông, một vùng giàu tài nguyên và là đường giao thông quan trọng của khu vực Đông Nam Á và châu Á. Khai thác lòng biển, thềm lục địa không chỉ có tài nguyên thiên nhiên, mà còn có tài nguyên văn hóa chưa đựng nhiều giá trị. Đó là việc ngành khảo cổ học phát hiện và khai quật di tích tàu đắm trong vùng biển nước ta, những con tàu chở đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, mà nay những cổ vật gốm này có giá trị không chỉ về lịch sử- văn hóa mà còn có giá trị cao về kinh tế. Đó là những di sản văn hóa phi vật thể như lễ Cầu Ngư và nhiều lễ hội khác, những phong tục tập quán lối sống của cư dân vùng ven biển chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa Đông Nam Á … Tất cả đều góp phần tạo nên lớp trầm tích quý giá của truyền thống văn hóa – lịch sử nước Việt Nam đa dạng và thống nhất

Nói đến văn hóa Việt Nam và ĐNA không chỉ là “văn hóa, văn minh lúa nước” mà còn là văn hóa biển: thương nghiệp, cảng thị, giao lưu. Do những hòan cảnh lịch sử mà nhiều quốc gia ĐNA phát triển nông nghiệp trồng lúa với tộc người chiếm đa số cư trú ở trung du, đồng bằng. Văn hóa nông nghiệp trồng trọt dần trở thành chủ đạo, “Văn hóa biển” còn lưu lại dấu ấn trong nhiều yếu tố truyền thống. Truyền thống văn hóa biển của khu vực ĐNA cũng cần được coi là cơ sở dữ liệu để nghiên cứu vấn đề lịch sử và pháp lý liên quan biển Đông. Việc Hội thảo An ninh hàng hải biển Đông được tổ chức vào tháng 6/2011 tại Mỹ vừa qua, nhìn từ góc độ lịch sử có thể coi là một “sự nhắc nhớ” về việc khai thác nguồn lợi của Biển Đông:  không chỉ trong lòng biển, dưới thềm lục địa, mà còn ngay trên mặt biển. Sự có mặt của những đội thương thuyền cũng như tàu đánh bắt cá xa, gần bờ của các nước ĐNA trên biển Đông là thể hiện một cách cụ thể chủ quyền của mình ở  biển Đông.

Tôi còn nhớ mãi một điều Giáo sư Trần Quốc Vượng “khai tâm” cho chúng tôi trong bài học đầu tiên về Khảo cổ học “Lịch sử là địa lý trong thời gian, Địa lý là lịch sử trong không gian”. Lịch sử “đã qua” của nước ta là một minh chứng cho điều này. Lịch sử đang và sẽ tới của chúng ta có tiếp tục minh chứng điều này không?

3.
Xét từ góc độ lịch sử, trong bất cứ thời đại nào cũng có 4 yếu tố cần và đủ để con người tạo nên sản phẩm vật chất, đó là: chất liệu, kỹ thuật, năng lượng và thông tin. Thông tin giữa vai trò liên kết và xuyên suốt 3 yếu tố kia, vì vậy thông tin luôn là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy quá trình phát triển của xã hội. Nhu cầu rất cơ bản của con người và xã hội là quyền được thông tin và biết thông tin, Truyền thông không chỉ là “thông tin”, mà còn là sự giao lưu, giao tiếp, còn là sự bày tỏ, thể hiện con người cá nhân trong sự tương tác với cộng đồng và xã hội. Các kiểu truyền thông trong lịch sử: bằng bản thân con người thì có âm hiệu – tiếng kêu, ngôn ngữ; chỉ hiệu – hành động, hành vi; Ngòai con người thì có công cụ phương tiện: bộ gõ, bộ hơi thay thế cho âm hiệu, các dấu hiệu, ký hiệu, hình vẽ rồi chữ viết, rồi hệ thống các biểu tượng, biểu trưng văn hóa… Phương tiện truyền thông và phương thức truyền thông thể hiện tốc độ phát triển của xã hội, ngày càng phong phú và hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, nhanh chóng, chính xác của xã hội lòai người.

Xã hội Việt Nam cổ truyền có 2 kiểu thông tin: theo kiểu “kinh nghiệm chủ nghĩa”, phần lớn thông tin này là kinh nghiệm dân gian về thời tiết, về kỹ thuật lao động sản xuất, kinh nghiệm ứng xử trong cộng đồng… Lọai này được tích lũy dần theo thời gian thành ca dao, tục ngữ thành ngữ, có sự trải nghiệm thực tế và “chuyển giao trực tiếp” từ thế hệ này sang thế hệ khác nên thông tin lọai này có giá trị lâu bền. Kiểu thứ hai là thông tin “chính thống” liên quan đến những việc quản lý nhà nước từ phía chính quyền. Lọai này được thông tin phổ biến theo kiểu “mõ làng”. Đó là cơ chế chỉ có một lọai thông tin từ trên xuống, một chiều thông tin về nội dung, người tiếp nhận thông tin “bị động” vì chỉ có nghe chứ không có/ không được phản hồi, không được đối thọai để hiểu và chủ động tiếp nhận thông tin. Cách thông tin này không tạo điều kiện cho con người giao tiếp, giao lưu để hiểu đúng, hiểu rõ thông tin mình đang tiếp nhận, càng không khuyến khích người ta bộc lộ chính kiến, ý kiến, quan điểm đối với những thông tin ấy. Dễ hiểu, thông tin như vậy nên xã hội cổ truyền Việt Nam chậm thay đổi, chậm phát triển, ngay từ nền tảng quan trọng nhất là kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, ngàn đời vẫn là “con trâu đi trước cái cày theo sau” (và con người theo sau rốt!), và trên đó là cấu trúc nhà nước (kiểu) phong kiến theo khuôn mẫu có sẵn.

Cả hai lọai thông tin trên đều có cùng một phương thức chủ yếu: truyền miệng. Cơ chế thông tin truyền miệng có đặc điểm: trực tiếp mặt đối mặt, nói và nghe trực tiếp (thành ngữ “trăm nghe không bằng một thấy” cũng có hàm nghĩa này), dẫn đến việc tin người nói, chú ý đến người truyền đạt thông tin hơn là chính nội dung thông tin! Điều này có hai mặt: một là tiếp nhận/tin vào thông tin mà ít suy xét, lười suy nghĩ, vô trách nhiệm với việc tiếp nhận thông tin của chính mình. Nhưng mặt thứ hai là không coi trọng thông tin nhất là khi không còn tin vào người truyền đạt. Từ đó xuất hiện một kiểu thông tin khác, không “chính thống”, đó là dư luận. Có thể thấy trong lịch sử VN những ví dụ “dư luận” được tận dụng tạo nên “sấm truyền”, đồng dao của trẻ nhỏ, qua những chuyện đồn thổi… góp phần dẫn đến một sự kiện làm thay đổi xã hội.

Vì sao cơ chế thông tin truyền miệng, dư luận tồn tại lâu dài trong xã hội Việt Nam cổ truyền? Nguyên nhân chủ yếu là do chữ viết không phổ biến, do tình trạng mù chữ kéo dài hàng ngàn năm. Do tiếp nhận thông tin như vậy nên tạo thành thói quen hầu như không quan tâm, chú ý đến thông tin “đọc” mà thường coi trọng thông tin “nghe”, vì thông tin “nghe” được diễn giải, diễn dịch dễ hiểu hơn (ở đây chưa nói đến mức độ chính xác) cùng với vai trò của “người thông tin” nên càng làm cho cách thông tin này được duy trì lâu dài. Nếu chú ý đến đặc điểm này những phương tiện truyền thông nghe nhìn sẽ phát huy tối đa hiệu quả thông tin. Có thể so sánh: Khi còn ít chữ thì quen nghe (mõ rao, đài phát thanh, truyền hình), khi đã biết chữ thì quen đọc (báo chí in, sách in…), và khi đã quen internet thì sẽ quen với việc tự mình tìm kiếm và chọn lọc thông tin. Hiểu một cách đơn giản, xã hội thông tin phát triển như vậy.
Ngày nay sự thay đổi trong ứng xử truyền thông khi chuyển từ “truyền miệng” sang truyền thông đại chúng có liên quan chặt chẽ với những thay đổi khác về ứng xử trong hệ thống xã hội. Trong xã hội hiện đại “một hệ thống truyền thông chính là một dấu chỉ đồng thời là một tác nhân của sự thay đổi trong toàn bộ một hệ thống xã hội”. Nói khác đi, hệ thống truyền thông đại chúng đã trở thành một trong những động lực của sự phát triển đồng thời là biểu hiện của quá trình dân chủ trong xã hội. Bởi vì những phương thức, phương tiện truyền thông mới  mang lại cho con người thông tin đa dạng, nhiều chiều, phong phú… đồng thời tạo điều kiện cho con người bộc lộ ý kiến, quan điểm cá nhân, thể hiện quyền và trách nhiệm của mình với xã hội khi bộc lộ ý kiến, quan điểm của mình, đồng thời qua trao đổi, tranh luận con người cũng nâng cao hiểu biết và tri thức cho bản thân.

***
Trong thời đại thông tin, truyền thông về LỊCH SỬ hay THỜI SỰ đều cần sự chính xác, khoa học, công khai và minh bạch. Bởi vì, những sự kiện ngày hôm nay cũng sẽ trở thành lịch sử. Nếu thiếu những điều đó thì có “truyền” mà không “thông”, xã hội tiếp nhận không đầy đủ sẽ không hiểu rõ, hiểu đủ và hiểu đúng thông tin, do đó không thể biến thông tin thành kiến thức, tri thức. “Làm chủ” thông tin là một dấu chỉ quan trọng của xã hội dân sự.
Lịch sử – văn hóa vùng biển đảo Việt Nam cần được phổ biến sâu rộng hơn, để mỗi người chúng ta có thể đứng trước biển với tâm thức của người sống nhờ biển, sống vì biển như đã sống nhờ đất, vì đất, để thực sự coi tấc biển đảo là tấc bạc tấc vàng… Bạn và tôi, những con người Việt Nam, dù chúng ta ở đâu, khi đồng lòng với những bài học từ lịch sử, cùng đồng cảm “một tấc bản đồ vạn tấc quê hương” thì chắc chắn chúng ta sẽ có chung cách hành xử khi đất nước đòi hỏi sự chọn lựa của mỗi chúng ta!

Theo Viet-Studies
DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More