Thông tin cơ bản về cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR)


Bản dịch của Luna Nguyen

(Defend the Defenders)
Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền

Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là gì?

Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) là quy trình độc nhất bao gồm kiểm điểm định kỳ những ghi nhận về nhân quyền của tất cả 193 thành viên Liên Hiệp Quốc. Quy trình UPR là một sáng kiến có ý nghĩa quan trọng của Hội đồng Nhân Quyền dựa trên việc đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia. Nó tạo cơ hội cho tất cả các quốc gia công bố những hành động mà họ đã thực hiện nhằm cải thiện tình tình nhân quyền ở đất nước mình và vượt qua các thách thức đối với việc thụ hưởng nhân quyền. Quy trình UPR còn bao gồm sự chia sẻ cách thực thi nhân quyền tốt nhất trên khắp thế giới. Hiện nay, không một cơ chế nào khác thuộc loại này tồn tại.

Quy trình UPR được thiết lập như thế nào?

Quy trình UPR được Hội đồng Nhân quyền LHQ thiết lập vào ngày 15 tháng 3 năm 2006 theo nghị quyết 60/251 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nó cho phép Hội đồng “tiến hành kiểm điểm định kỳ phổ quát, dựa trên những thông tin khách quan và đáng tin cậy, đối với việc thi hành nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của mỗi nước theo một cách thức qua đó giúp đảm bảo tính phổ quát và sự đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia.” Ngày 18 tháng 6 năm 2007, một năm sau kỳ họp đầu tiên, các thành viên Hội đồng Nhân quyền mới đã tán thành gói đề xuất xây dựng thể chế (A/HRC/RES/5/1), đưa ra một lộ trình giúp chỉ dẫn cho những hoạt động sắp tới của Hội đồng. Một trong những yếu tố chủ chốt của đề xuất này là quy trình Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát mới. Cơ chế này được hoàn thiện thêm trong suốt quá trình xem xét với nghị quyết 16/21 và quyết định 17/119. Hai văn kiện này đã đưa ra sự điều chỉnh cần thiết cho các phương thức kiểm điểm trong chu kỳ thứ hai và sau đó.

Mục đích của quy trình UPR là gì?

Mục đích cuối cùng của quy trình UPR là cải thiện tình trạng nhân quyền tại mỗi quốc gia với tác động đáng kể đối với người dân trên toàn cầu. Quy trình UPR được thiết kế nhằm khuyến khích, hỗ trợ và mở rộng việc thúc đẩy cũng như bảo vệ nhân quyền trong đời sống. Để đạt được điều này, quy trình UPR bao gồm việc đánh giá thành tích nhân quyền ở các quốc gia và giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền khi xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Quy trình UPR cũng nhằm mục đích hỗ trợ chuyên môn cho các nước và nâng cao khả năng giải quyết một cách hiệu quả những đòi hỏi về nhân quyền, đồng thời chia sẻ những cách thực thi tốt nhất trong lĩnh vực nhân quyền giữa các quốc gia và các bên có liên quan khác.

Khi nào thì thành tích nhân quyền của các nước được kiểm điểm theo quy trình UPR?

Trong suốt chu kỳ đầu, tất cả thành viên Liên Hiệp Quốc đều được kiểm điểm, với 48 quốc gia được kiểm điểm mỗi năm. Chu kỳ thứ hai chính thức bắt đầu vào tháng 5 năm 2012 bằng kỳ họp lần thứ 13 của nhóm thực hiện quy trình UPR, sẽ kiểm điểm 42 quốc gia mỗi năm. Việc kiểm điểm này diễn ra trong suốt các kỳ họp của nhóm thực hiện UPR (xem bên dưới), các kỳ họp diễn ra 3 lần trong một năm. Trình tự kiểm điểm tương tự như trong chu kỳ đầu. Số lượng quốc gia được kiểm điểm tại mỗi kỳ họp hiện nay là 14 thay vì 16.

Ai tiến hành kiểm điểm?

Nhóm Công tác UPR bao gồm 47 thành viên của Hội đồng là tổ chức tiến hành các cuộc kiểm điểm; tuy nhiên, bất kì quốc gia thành viên LHQ nào cũng có thể tham gia thảo luận/đối thoại với các quốc gia được kiểm điểm. Mỗi một cuộc kiểm điểm quốc gia sẽ do một nhóm ba nước hỗ trợ, được gọi là “bộ tam” (“troika”), thực hiện nhiêm vụ như các báo cáo viên. Việc lựa chọn ra bộ tam cho mỗi nước được thực hiện bằng các rút thăm sau các cuộc bầu cử thành viên Hội đồng nhân quyền trong Đại Hội đồng LHQ.

Các kiểm điểm dựa trên những cơ sở nào?

Các tài liệu cơ sở cho việc kiểm điểm là: 1/ Các thông tin nhà nước cung cấp cho việc kiểm điểm, có thể dưới dạng một “báo cáo quốc gia”; 2/ Thông tin trong các báo cáo của các chuyên gia độc lập và nhóm nhân quyền, được xem như là những Thủ tục Đặc biệt, các cơ quan được thành lập theo các hiệp ước nhân quyền, và các cơ quan LHQ khác; 3/ Thông tin từ các bên liên quan khác bao gồm các cơ quan nhân quyền quốc gia và các tổ chức phi chính phủ.

Các cuộc kiểm điểm được tiến hành như thế nào?

Các cuộc kiểm điểm diễn ra thông qua một cuộc thảo luận tương tác giữa quốc gia đang được kiểm kiểm với các quốc gia thành viên LHQ. Điều này này diễn ra trong một cuộc họp của Nhóm Công tác UPR. Trong quá trình thảo luận, bất kì quốc gia thành viên nào của LHQ đều có thể đặt ra câu hỏi, bình luận và/hoặc đưa ra khuyến nghị cho quốc gia đang được kiểm điểm. Nhóm bộ tam có thể tập hợp chung các vấn đề hoặc câu hỏi để cùng chia sẻ với quốc gia đang được kiểm điểm nhằm bảo đảm đối thoại tương tác diễn ra suôn sẻ và theo trình tự. Thời lượng cho việc kiểm điểm là ba tiếng cho mỗi quốc gia trong nhóm thực hiện trong chu kỳ đầu. Từ chu kỳ thứ hai trở đi thời lượng sẽ được tăng lên thành 3 tiếng rưỡi.

Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) có thể tham gia quy trình UPR không?

Có. Các NGO có thể nộp những thông tin được thêm vào bản báo cáo của “các bên liên quan khác”, bản báo cáo này được xem xét trong quá trình kiểm điểm. Thông tin các NGO cung cấp có thể được tham khảo bởi bất kì quốc gia tham dự thảo luận tương tác trong quá trình kiểm điểm tại cuộc họp của Nhóm Công tác. Các NGO cũng có thể tham gia các phiên họp của Nhóm Công tác UPR và có thể phát biểu tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng Liên Hiệp Quốc khi các kết quả của quốc gia được kiểm điểm được xem xét. Văn phòng Cao uỷ LHQ về Nhân quyền (OHCHR) đã phát hành “Hướng dẫn kỹ thuật cho việc đệ trình của các bên liên quan.”

Những nghĩa vụ nhân quyền nào được đề cập?

Quy trình UPR sẽ đánh giá mức độ tôn trọng nghĩa vụ nhân quyền của các quốc gia như thể hiện trong: (1) Hiến chương LHQ; (2) Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền; (3) Các văn kiện nhân quyền mà quốc gia là thành viên (các hiệp ước nhân quyền đã được quốc gia có liên quan phê chuẩn); (4) Những hứa hẹn và cam kết tự nguyện của quốc gia (vd các chính sách và/hoặc chương trình nhân quyền quốc gia đã được thực thi; (5) Luật nhân đạo quốc tế có thể áp dụng.

Kết quả kiểm điểm là gì?

Sau khi Nhóm Công tác UPR hoàn tất kiểm điểm, nhóm bộ tam chuẩn bị bản báo cáo với sự tham gia của quốc gia được kiểm điểm và hỗ trợ từ OHCHR. Bản báo cáo này, được gọi là “báo cáo kết quả”, đưa ra tóm tắt từ những thảo luận đã diễn ra. Vì thế nó bao gồm cả các câu hỏi, bình luận, khuyến nghị của các quốc gia thành viên LHQ đối với quốc gia được kiểm điểm, cũng như là phản hồi của quốc gia được kiểm điểm.

Bản kiểm điểm được thông qua như thế nào?

Trong phiên họp của Nhóm Công tác, một nửa giờ được dành ra để thông qua một “báo cáo kết quả” của các quốc gia tham gia kiểm điểm trong phiên họp đó. Việc thông qua các bản báo cáo này không diễn ra sớm hơn 48 giờ sau việc kiểm điểm quốc gia. Quốc gia được kiểm điểm có cơ hội để đưa ra những ý kiến sơ bộ đối với các khuyến nghị mà họ đồng thuận hoặc lưu ý. Cả khuyến nghị được đồng thuận hoặc lưu ý đều được đưa vào bản báo cáo. Sau khi báo cáo được thông qua, các quốc gia có thể điều chỉnh những tuyên bố của chính quốc gia đó trong bản báo cáo trong vòng hai tuần. Sau đó báo cáo sẽ được thông qua trong phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân Quyền. Trong suốt phiên họp toàn thể, quốc gia được kiểm điểm có thể trả lời các câu hỏi và các vấn đề chưa được đề cập một cách thích đáng trong Nhóm Công tác và phản hồi các khuyến nghị của các quốc gia đã nêu ra trong quá trình kiểm điểm. Thời gian cũng được phân bổ các các nước thành viên và các quan sát viên khi họ muốn bày tỏ ý kiến đối với kết quả kiểm điểm, đồng thời cũng được dành cho các viện nhân quyền quốc gia (NHRI), NGO và các bên liên quan khác để đưa ra những nhận xét chung.

Những bước thực hiện hậu kiểm điểm là gì?

Quốc gia được kiểm điểm chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các khuyến nghị đưa ra trong kết quả sau cùng. Quy trình UPR bảo đảm tất cả các quốc gia có trách nhiệm trong sự tiến bộ hoặc thất bại khi thực thi các khuyến nghị. Trong quá trình kiểm điểm lần hai, quốc gia được kiểm điểm cần cung cấp thông tin về những gì họ đã làm để thực thi các kiến nghị được nêu ra trong quá trình kiểm điểm thứ nhất cũng như về bất kì diễn biến nào trong lĩnh vực nhân quyền. Cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ trong việc thực thi những khuyến nghị và kết luận liên quan đến việc xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, trên cơ sở tham vấn quốc gia liên quan. Nếu cần thiết Hội đồng Nhân quyền sẽ xử lý những trường hợp các quốc gia bất hợp tác.

Điều gì sẽ xảy ra nếu một nhà nước bất hợp tác với UPR?

Hội đồng Nhân quyền sẽ quyết định các biện pháp cần thiết trong trường hợp một nhà nước cứ cố tình bất hợp tác với UPR.
- See more at: http://vietnamhumanrightsdefenders.net/2013/06/16/thong-tin-co-ban-ve-co-che-kiem-diem-dinh-ky-pho-quat-upr/#sthash.d4I2YGoH.dpuf

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More