Nguyệt Quỳnh
Họ bắt con đi vào lúc rạng sáng,
Mẹ đi theo con như bước theo quan tài.
…Trời ơi, mẹ không thể nào quên được!
Mẹ sẽ làm như các bà vợ lính trung đoàn chiến
binh
Đến vật vã gào khóc dưới tháp điện Cẩm-Linh
(Anna
Akhamatova – Ca Khúc Tưởng Niệm)
Hơn tám mươi năm trước, tiếng
gào khóc con của một người mẹ trước thềm điện Cẩm Linh, chỗ ở của các lãnh tụ cộng sản
Nga là một nét khắc mạnh mẽ lên cái khung
cảnh ảm đạm của những ngày mùa đông ở Moskva. Người mẹ đau khổ đó là thi sĩ
Anna Akhmatova.
Không
ai ngờ rằng sau gần một thế kỷ, khi chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung ngay tại
cái nôi của nó thì ở Việt Nam tiếng gào khóc của những người mẹ vẫn vang lên
khắp nơi, tại các trại giam, trước phiên toà, hay ngoài đường phố. Ngày
23/05/13 tại phiên toà phúc thẩm xử tám thanh niên yêu nước, mẹ của anh Nguyễn
Đình Cương, bà Nguyễn thị Hoá, không được phép vào dự phiên xử của con mình. Bà
chỉ còn biết đứng gào, gọi tên con thảm thiết bên ngoài cổng toà án.
Vài
tuần trước đó, bà Nguyễn thị Nhung, mẹ của sinh viên Nguyễn Phương Uyên, khi
đến thăm con tại trại giam, mới biết rằng cô con gái 20 tuổi của mình đã bị
đánh đến ngất xỉu trong tù.
Nhìn con với những vết thâm tím trên người, trái
tim chị Nhung chắc đã rướm máu. Khi thấy Phương Uyên dùng tay ép vào lồng ngực
kêu đau và khó thở, tôi có thể hình dung được chị Nhung muốn gào thật to vào mặt
các quản giáo: “Trời ơi! lương tâm của các người ở đâu?”
Tất cả là một tấn bi kịch hãi
hùng của những người mẹ, nỗi khổ đau vô cùng tận của họ khi bất lực nhìn thấy
con mình bị bắt giam, bị hành hạ, tra tấn bởi cả một guồng máy côn đồ. Tiếng
nức nở trong lặng lẽ của biết bao nhiêu bà mẹ có con trong lao tù đã được Anna
Akhmatova ghi lại trong trường ca “Requiem” (Ca khúc tưởng niệm).
Suốt mười bảy tháng trời mẹ kêu vang,
Cố gọi con trở về nhà,
Mẹ phải phủ phục dưới chân tên đao phủ,
Vì con của mẹ cũng là nỗi kinh hoàng của mẹ.
Mọi sự mãi mãi rối tung
Và mẹ không còn phân biệt nổi
Giờ đây ai là con
thú, ai là con người,
(Anna Akhamatova – Ca Khúc Tưởng Niệm)
Là người được dân Nga và thế giới công nhận như một nhà thơ kinh điển của
thi ca nước Nga nhưng Anna Akhmatova mang số phận bi đát của một người
vợ, người mẹ của những tù nhân lương tâm dưới chế độ cộng sản. Người chồng đầu
tiên của bà bị bắt và bị giết chết vì bị ghép vào tội âm mưu lật đổ chính
quyền. Người
chồng thứ hai là một sử gia về nghệ thuật cũng bị cộng sản giam cầm nhiều năm
và cuối cùng bị chết trong tù.
Đọc Anna Akhmatova tôi liên
tưởng đến hoàn cảnh những người mẹ Việt Nam, trong đó có những người mẹ của 14
thanh niên yêu nước. Các con của họ, những thanh niên công giáo, tin lành gương
mẫu, những người chuyên phụng sự xã hội và là thành viên của nhóm Bảo Vệ Sự
Sống, đã bị bắt cóc, bị tống giam và bị kết án nhiều năm tù; chẳng khác gì nhà sử học Lev Gumiliov, con trai của Anna Akhmatova, là một thanh niên lý tưởng và
đầy nhiệt huyết. Ông đã từng tham gia vào quân đội để chiến đấu chống lại quân
phát xít. Sau này, Lev Gumiliov được người dân Nga dựng tượng đài với
dòng chữ: “Tượng một người Nga đã bảo vệ cho người Tartar khỏi sự vu khống”. Chủ nghĩa Cộng Sản đã hủy diệt những trí thức, những
tinh hoa của mọi quốc gia nơi nào có sự hiện diện của nó.
Trong
“Requiem” Anna Akhmatova mô tả lại hình ảnh người con trai ưu tú của mình cúi
hôn lên tượng thánh giá giá lạnh vào một buổi sáng ảm đạm khi mật vụ Nga còng
tay ông dẫn đi. Tiếng gào của bà là tiếng gào uất nghẹn của những bà mẹ nước
Nga. Chính những bà mẹ này đã góp phần vào sự sụp đổ của thành trì cộng
sản tại Liên sô. Anna Akhmatova kể lại rằng: vào cái thời gian cả nước Nga đang
chìm đắm trong nỗi sợ hãi dưới sự khủng bố của chính quyền Stalin, một hôm khi bà đang đứng xếp hàng trước nhà tù ở
Leningrad, một người đàn bà nhận ra thi sĩ. Với đôi môi thâm tím, người đàn bà
tiến đến gần và thì thầm vào tai thi sĩ: “Chị có thể tả lại chuyện này được
không?” Khi thi sĩ trả lời lại, cũng bằng những tiếng thì thầm rằng bà có thể,
bà chợt nhìn thấy một nụ cười thoáng qua gương mặt đã chai cứng vì khổ đau của
người đàn bà kia. Nụ cười của một niềm tin son sắt rằng dù bạo lực có tàn bạo
đến đâu, cái ác rồi sẽ bị vạch mặt.
Khi
chị Nguyễn thị Nhung nén nỗi đớn đau trong lòng để gởi thông điệp cho người con
gái thương yêu của chị trong lao tù, tôi nhìn thấy cả một dòng chảy lịch
sử và tương lai của đất nước tôi. Nghe con than đau và nhìn những dấu vết hành
hạ trên người Phương Uyên, chị Nhung đã phải cố gắng lắm mới kềm chế được
mình. Chỉ có 20 phút ngắn ngủi gặp gỡ con gái trước ngày con ra toà, chị dặn
lòng phải bình tĩnh để nói hết được những điều cần phải nói với con. Điều cần
thiết đó là gì – chị dặn con hãy đứng thẳng trước toà, hiên ngang trước bọn xâm
lược và lũ bán nước. Chị đã nuốt nước mắt vào trong, chị đã làm một việc quá
sức của một người mẹ nhưng chị đã giúp con gái mình tuyên bố một thông điệp
lịch sử của tuổi trẻ Việt Nam.
Ôi! những bà mẹ sẵn sàng nén
nỗi đau trong lòng mình để con đi lo cho đất nước và dân tộc. Từ bao đời đã thế
và bao đời sau cũng vậy, đất nước Việt không chỉ trường tồn nhờ xương máu của "Cha
Ông" mà còn lớn mạnh nhờ những giòng nước mắt, sự dũng cảm và trái tim của
những "Người Mẹ".
Tôi nhớ một câu ru đã được
nghe mẹ hò từ những ngày còn thơ bé: Ru con con ngủ cho lành/ để mẹ
gánh nước rửa bành ông voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ có bà Triệu tướng cỡi voi,
đánh cồng. Từ những câu ru của mẹ, của bà, đất nước Việt Nam đã có những Nguyễn
Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Đình Cương, Đỗ thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng
Vi và biết bao nhiêu những người trẻ đang âm thầm góp mặt.
Xin cám ơn những giọt nước
mắt, những tiếng gào trong lặng lẽ của mẹ. Xin cám ơn nỗi đau đớn giấu kín
trong lòng, những câu ru và lời dặn dò để chúng con lớn lên xứng đáng là con
của mẹ. Xứng đáng là một người Việt Nam.
1 comments:
Cảm phục và cám ơn các bà mẹ của Nguyễn Phương Uyên,Đinh Nguyên Kha,Nguyễn Đình Cương,Đỗ Thị Minh Hạnh,Nguyễn Hoàng Vi và những người mẹ âm thầm khác trên khắp mọi miền đất nước.Nhờ quý mẹ mà biết bao người con trẻ tuổi yêu nước hiến dâng thời thanh xuân để đòi công bằng,nhân quyền cũng như tranh đấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ,lãnh hải Việt Nam.
Đăng nhận xét