Bên lề chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang

Lê Vĩnh - DienDanCTM
Đồng bào Việt biểu tình trước
Tòa Bạch Ốc trong lúc T.T. Obama
tiếp ông Trương Tấn Sang
Mặc dù chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ Tịch Nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang được chuẩn bị quá vội vã và tin tức về chuyến đi này cũng được đưa ra khá trễ, nhưng trong khoảng hai ba tuần qua những tin tức và nhận định về cuộc viếng thăm này xuất hiện dày đặc trên nhiều cơ quan truyền thông. Tuy nhiên cũng có một số chuyện bên lề đáng chú ý nhưng chỉ được nói phớt qua hoặc không được đề cập đến. Những khoảng khuất lấp trong tin tức hoặc những chuyện bên lề bị bỏ qua như vậy tuy nhỏ nhưng có khi lại khiến cho những đánh giá về chuyến đi không đầy đủ, hoặc thậm chí trở thành xa sự thực, đặc biệt là đối với quần chúng ở VN, nơi mà thông tin vẫn còn bị vặn vẹo hoặc dấu diếm để phục vụ cho nhu cầu cai trị của đảng CSVN. Chuyến đi Âu Châu đầu năm nay của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng với một “khoảng tối về tin tức” đã khiến nhiều người tưởng rằng, ông Trọng và chế độ tại VN được các quốc gia Liên Âu “ngưỡng mộ” như báo chí của nhà nước đưa tin, là một thí dụ điển hình cho sự khuất lấp thông tin này.

Trở về sau chuyến đi vừa kể, ông Nguyễn Phú Trọng đã tự hãnh nói rằng: “Mình phải thế nào người ta mới mời mình chứ !” Thực ra thì trong chuyến đi đó, ông Trọng đã bị khối các quốc gia Liên Âu gọi đến để “mắng mỏ” về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Giới truyền thông Tây Phương thường chỉ săn đón những tin tức nóng hổi, nên lá thư của Tổng Thư Ký khối Liên Âu, ông Ranieri Sabatucci gửi ra sau đó cho biết về điều này đã bị những tin tức mới dồn dập làm khuất đi, vì vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng có được khoảng thời gian khoác lác như vừa kể trên.

Trở lại chuyến đi Mỹ vừa qua của ông Trương Tấn Sang, giới truyền thông đua nhau đưa tin về sự tiếp đón tẻ nhạt của nước chủ nhà dành cho ông Sang (dù rằng người ta vẫn gọi ông là president), cũng như sự thờ ơ của các cơ quan truyền thông lớn Hoa Kỳ trước những sự kiện diễn ra tại toà Bạch Ốc khi ông Trương Tấn Sang đến đó để hội kiến với tổng thống Obama. Thường thì đây là điều được giới truyền thông Mỹ chú mục vào, nhưng lần này chẳng có hệ thống truyền hình lớn nào đưa tin. Quả là sự bất thường của giới truyền thông Mỹ  và cũng  là sự bẽ bàng cho ông Trương Tấn Sang. Tuy nhiên, sự bẽ bàng của ông Sang không dừng ở đó. Một mẩu tin nhỏ không mấy ai để ý về lịch trình hàng ngày của tổng thống Mỹ trên trang Face Book của toà Bạch Ốc rất có thể là nguyên nhân cho sự ... “lạnh lùng” của giới truyền thông như vừa nêu. Trang Face Book của toà Bạch Ốc hôm đó không liệt kê việc tổng thống Obama hội kiến với chủ tịch Trương Tấn Sang.

Về phía phái đoàn của ông Trương Tấn Sang, tin tức chỉ đề cập sơ sài về cuộc tiếp đón chẳng “trọng thị” chút nào dành cho ông ở phi trường quân sự Andrew. Thế nhưng khán giả truyền hình ở Việt Nam thấy ống kính truyền hình chỉ quay ở một chỗ cũng có thể đoán được cuộc tiếp đón rất là...”đìu hiu”. Có người (chắc ở phái đoàn ra tiếp đón) còn than phiền là nơi đón tiếp chật quá không có chỗ chụp ảnh! Phi trường quân sự và phi trường quốc tế ở Mỹ thì cái nào cũng rộng mênh mông. Thế mà chỗ tiếp đón dành cho một vị “nguyên thủ quốc gia” như ông Sang và phái đoàn lại chật chội như vậy thì quả là lạ kỳ.

Những nhận định về kết quả chuyến đi của ông Trương Tấn Sang phần lớn đều đánh giá rất thấp. Tuy nhiên, nếu biết ông Trương Tấn Sang muốn đạt được điều gì cụ thể trong chuyến Mỹ du (dĩ nhiên cũng là mong muốn của bộ chính trị đảng CSVN, vì ông Sang chỉ là người được 'lập trình' sẵn để đi Mỹ) để so sánh với kết quả thì thì sự đánh giá sẽ chẳng sai trật được. Về điểm này cần phải nhắc lại một sự kiện khuất lấp, ít được giới truyền thông đề cập đến. Đó là, khi từ phi trường Andrew về đến toà đại sứ Việt Nam, ông Sang đã dành chút thì giờ nói chuyện và cảm ơn các cán bộ và nhân viên sứ quán, những người trong khi chờ đợi ra phi trường để đón ông đã chịu khó tập tành vỗ tay, để chuẩn bị cho việc nghênh đón được xôm tụ. Sau lời thăm hỏi và cám ơn, ông Sang đã nói về chuyến đi Mỹ rất quan trọng này, và cần có những ký kết nhất định để mang về. Ông Sang đã chấm dứt cuộc viếng thăm mà chẳng có một ký kết nào như ông mong muốn. Ông ra về .... tay trắng.

Cũng trong cuộc nói chuyện 20 phút ngắn ngủi vừa kể, ông Trương Tấn Sang gọi phía Mỹ là “bạn”. Trước đây cách gọi này chỉ được đảng dùng khi nói về các nước XHCN anh em và các đảng Cộng Sản hoặc các đảng cánh tả, chứ không bao giờ được dùng cho các nước tư bản “đối phương”. Chẳng biết đây có phải là “một nhận thức mới” của ông Sang hay không? Trong số những người tháp tùng ông Sang có hai ông tướng “mật thám” có gốc Bắc Kinh là tướng công an Tô Lâm và tướng quân đội Nguyễn Chí Vịnh. Hai người này tuy cấp chức nhỏ hơn ông Sang, nhưng biết đâu uy quyền ngầm lại chẳng lớn hơn? Không biết họ có “nhất trí” với cách gọi của ông Sang hay không. Cách gọi lẽ ra chỉ được dùng để nói đến “nước bạn” cùng ý thức hệ  là Trung Quốc ?

Giới truyền thông cũng châm biếm khá nhiều về sự “keo kiệt” của toà Bạch Ốc khi ông Sang và đoàn tuỳ tùng đông đảo đi nửa vòng trái đất sang nước Mỹ mà không mời một bữa ăn tối linh đình như thông lệ thường có trong việc tiếp đón một nguyên thủ quốc gia. Đã thế cả một bữa ăn trưa nhẹ (working lunch) cũng không có nốt. Bữa ăn “chùa” cho phái đoàn ông Sang ở bộ ngoại giao Mỹ chỉ được báo chí đề cập qua loa mà không để ý đến việc ông Sang có bị nghẹn trong bữa ăn đó hay không. Trước bữa ăn, ông Sang được ngoại trưởng Mỹ giới thiệu “làm quen” với bà Uzra Zeya, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, và ông Luis Cdebaca, Đại sứ Lưu động đặc trách việc chống tệ nạn buôn người. Hai nhân vật này vẫn hay “truy” CSVN về những “thành tích” trong lãnh vực họ phụ trách. Các báo cáo của họ trước quốc hội Hoa Kỳ chưa bao giờ làm cho bộ mặt của CSVN được sáng sủa hơn. Do đó có thể đoán được là ông Sang nuốt chẳng trôi trong bữa ăn ngoại giao duy nhất này trên đất Mỹ. Bên cạnh đó, các “đồng chí” chức sắc tôn giáo được ông Sang mang theo để làm “nhiêm vụ giải độc” có thuyết phục được “đối tác” của họ không thì cũng chẳng ai biết vì trong chương trình nghị sự chẳng có cơ quan hành pháp, lập pháp nào của chính phủ Mỹ muốn gặp họ cả. Lôi đi rồi lại kéo về.

Bên cạnh những chuyện bên lề thì vấn đề quan trọng nhất và cũng được nhắc đến nhiều nhất trong chuyến đi Mỹ của ông Sang là vấn đề nhân quyền.  Về điểm này ông Sang nhắc đi nhắc lại về “nhận thức khác biệt” của đảng CSVN mà ông đang là một trong những nhân vật lãnh đạo, dù rằng chính đảng ông đã đồng ý về những nguyên tắc và định nghĩa về nhân quyền để ký kết các công ước quốc tế nhân quyền, chứ chẳng hề bị ai áp đặt. Còn về phía tổng thống Obama, ông đã xác định nhận thức về nhân quyền của mình qua nhiều bài diễn văn. Trong bài diễn văn trước quốc hội Úc ngày 17/11/2011 ông đã đề cập đến những quyền căn bản và mang tính phổ quát của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo và tự do lựa chọn người lãnh đạo. Ông nhấn mạnh rằng, đó không phải là quyền của người Mỹ, quyền của người Úc, hay quyền của người Tây Phương, mà là quyền của từng con người trên trái đất này.  Một năm sau, ngày 19/11/2012, trong bài diễn văn đọc trước hàng ngàn sinh viên đại học Ngưỡng Quảng (Miến Điện) ông Obama nói nhiều hơn về quyền con người, về các quyền tự do; mà điều đầu tiên là quyền của người dân được bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình.

“Nhận thức” về nhân quyền của hai bên cách biệt là như thế. Ông Obama có nói đến việc hai bên phải từng bước tiến lại gần nhau. Phía Mỹ thì chắc chỉ cần đứng yên một chỗ, vì nhận thức của họ đã phù hợp với các nguyên tắc và định nghĩa về nhân quyền của nhân loại ngày nay. Vấn đề còn lại là phiá CSVN lúc nào sẽ....”cất bước”. Blogger Cầu Nhật Tân có nhận xét sâu sắc về việc này khi ông nhìn lại 13 năm sau cuộc viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Clinton vào năm 2000:

"Ông Clinton nói chuyện tại Đại Học Quốc gia Hà Nội đề cao tầm quan trọng của công dân với các quyền tự do, tầm quan trọng của nhà nước pháp quyền trong phát triển kinh tế, tầm quan trọng của nền kinh tế thị trường, vai trò của kinh tế tư nhân.”

“Hơn 10 năm sau, những nội dung mà Clinton nhắc nhở đối với VN còn nguyên giá trị đến ngày nay tại nước ta. Hãy suy ngẫm mà xem: Vấn đề hiến pháp dân chủ. Các quyền tự do cơ bản được tôn trọng thế nào? Xây dựng nhà nước pháp quyền ra sao? Trách nhiệm của nhà nước đối với nhân dân, vấn đề chống tham nhũng, tư pháp độc lập, vai trò của báo chí tự do, sự phát triển kinh tế tư nhân … Những sợi chỉ trên tại Việt Nam dường như càng ngày càng rối rắm trong một định hướng mà đích đến còn rất mịt mờ với cái đuôi XHCN (nên nhớ rằng văn kiện ký kết Hiệp định và văn kiện VN gia nhập WTO không có chỗ nào có cái đuôi XHCN – cái này là sản phẩm thuần túy “nội địa hóa”). Hơn chục năm sau, những người nông dân mất sinh kế, mất ruộng đồng và những công nhân mất nhà máy, mất việc làm giật mình tự hỏi họ đang đi về đâu với cái đuôi XHCN này?” (2)

Như thế có nghĩa là trong suốt 13 năm, phía CSVN chẳng bước một bước nào .

Tổng thống Obama cũng nói đến, từng bước hai nước Mỹ Việt cần xây dựng lòng tin. Lòng tin cũng còn là một “ẩn số”. Khi mà CSVN vẫn ra rả trên báo Quân Đội Nhân Dân và nhiều tờ báo con, báo cháu khác những bài “cảnh giác” về các “lực lượng thù địch” mà Mỹ là “kẻ cầm đầu”, thì làm sao có thể xây dựng lòng tin được?

Nhiều người có khuynh hướng cho rằng, để xem từ nay đến vài tháng nữa xem Hà Nội có thả tù nhân lương tâm nào theo đòi hỏi của Hoa Kỳ để “xây dựng lòng tin” không? Điều này nếu xẩy ra cũng khò mà biết được “thiện chí” của CSVN như thế nào. Vì chuyện nay thả mai bắt để phục vụ nhu cầu cai trị của đảng là điều vẫn diễn ra thường xuyên.

***

Hiển nhiên cuộc viếng thăm Hoa Kỳ vừa qua của ông Trương Tấn Sang là một nhu cầu của Hà Nội để gia tăng mối quan hệ với Hoa Kỳ. Những nhóm từ ngữ như “đối tác chiến lược”, “đối tác toàn diện” đã được nhắc đến khá nhiều. Tuy nhiên, với một số những diễn tiến của cuộc viếng thăm như vừa được điểm lại ở trên, chặng đường  để hai bên tiến lại gần nhau vẫn còn khá nhiều chông gai, khi mà Hà Nội vẫn không thay đổi cung cách ứng xử của họ, đặc biệt là trong quan hệ giữa họ với người dân trước khi đối với các quốc gia khác.  Trước đây chính phủ Miến Điện cũng ở tình trạng tương tự  như Việt Nam hiện nay, nhưng chỉ cần 2 năm cải thiện mối quan hệ với chính người dân Miến, thế giới đã nhìn chính phủ đó bằng những cặp mắt hoàn toàn khác. Lập tức những mối quan hệ tích cực khai mở khắp mọi phương hướng, đặc biệt đối với Hoa Kỳ.

Về mối quan hệ với bên ngoài, trong cuộc hội thảo khoa học về biển Đông tại New York hồi tháng tư vừa qua, một nhà khoa học nhận định rằng: Việt Nam hiện tại có quan hệ ngoại giao với hơn 150 nước nhưng không có nước nào là bạn, dù là một vài nước nhỏ cũng không có. Bởi vì, khi quan hệ với Trung quốc và các nước XHCN khác là để giữ sự tồn vong của chế độ, còn quan hệ với Mỹ và các nước tư bản khác chủ yếu là để trục lợi. Cả hai cách quan hệ này đều không phù hợp trong thế giới ngày nay.

Tóm lại, cả cách quan hệ với người dân lẫn cách quan hệ với bên ngoài của CSVN hiện nay đều không phù hợp với xu thế thời đại. Liệu đảng CSVN có thực tâm muốn điều chỉnh lại những cách quan hệ đó sau chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang không ?


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More