Công lý Việt Nam

Trần Nhơn
Tác giả gửi đến DienDanCTM

        Không phải chiến đấu cơ, tàu lặn,
          Mà chính là chí khí Phương Uyên,
          Hà Vũ, Điếu Cày, Phong Tần... tỏa sáng,
          Xua Hán Mao “công lý cường quyền”!

“Nay ở Việt Nam mình, Công Lý
Chỉ là tên một diễn viên hài!”
Dân diễu cợt sao mà thâm thúy!
Nghĩa bóng, nghĩa đen đúng cả hai.

(Cám ơn nghệ sĩ hài Công Lý,
Dấn thân vì công lý nước nhà.
Những vai diễn cười rơi nước mắt,
Cố nuốt vào lại cứ trào ra!)

Đảng chủ ngồi xổm trên công lý,
Luật rừng biến rừng luật bằng không.
Đánh đồng Đảng, Nhân dân, Tổ quốc,
Cướp đoạt chính danh, đánh lộn sòng.

Nền “công lý” độc tài đảng trị
Bao trùm phường xã tới trung ương.
Đảng “vĩ đại”, “mặt trời chân lý”,
Mãi theo ngôi sao “lạ” dẫn đường!?

Nền “công lý” một mình một chợ,
Sợ thi đua bình đẳng cạnh tranh.
Thị trường tổ chức luôn tức chỗ,
Vào mùa Đại hội giá tăng nhanh.

Nền “công lý” bảo kê nhóm lợi ích,
Cân bằng trục Tư S Ba D.
Anh cả đỏ cưng chiều yêu thích,
Dân doanh vừa, nhỏ đứng bên lề.

Nền “công lý” coi bất đồng chính kiến
Là đồng mưu “diễn biến hòa bình”.
Theo đó các lực lượng thù địch
Kết đồng minh lật đổ “triều đình”!?

Nền “công lý” loa, còng, lưỡi gỗ,
Sợ ánh sáng, hòa quyện bóng đêm.
Chuyên “định hướng” bẻ cong, lấp liếm,
“Cố đấm ăn xôi”, “ngậm miệng ăn tiền”.

Nền “công lý” tim đen thẻ đỏ,
Cúi đầu “Hán tặc”, cưỡi đầu dân.
Trơ mặt thớt ký nhăng, hứa cuội,
Bán giang sơn, Tổ quốc ăn dần.

Nền “công lý” nói vậy không phải vậy,
Vô nguyên tắc là nguyên tắc tối cao.
Lõi Tập trung bọc vỏ Dân chủ,
Kiên trì toàn trị Mác Lê Mao.

(Thêm các khoản vào Điều Năm tám
Của Bộ luật Hình sự Liên Xô,
Stalin “tống tiễn” nhiều Đô đốc,
Thống chế, tướng lĩnh xuống nhà mồ.

Là ví dụ điển hình sinh động
Về “tính vô nguyên tắc Lê nin”.
Luật là ta, ta là Luật, là Đảng,
Stalin vận dụng rất “tài tình”!) (1)

Nền “công lý” Điều Bốn Hiến pháp,
Vả các Điều tự sát “Đảng ta”:
Bảy chín, Tám tám, Hai năm tám,(2)
Khóa mồm dân, phụ chính, phù tà.

Nền “công lý” ngu trung bá đạo,
Xã hội đen côn đồ đỏ lộng hành.
Thẩm phán cuội, phiên tòa chuột ngụy tạo,
Xây vương triều “còn đảng còn mình”.

Nền “công lý” trừ khử đối lập,
Phò đảng trị, bợ đỡ độc tài.
Bịp quốc tế trên trường văn trận bút,
Luật pháp mình: “đặc sản quái thai”!

Cãi lý giữa phiên tòa đảng chủ
Như cãi với đầu gối, cẳng chân.
Kẻ đắc tội xử người vô tội,
Lại ngụy xưng Tòa án nhân dân!?

Luật sư làm cây cảnh phô tương,
Người đưa thoi dàn xếp hậu trường.
Án lệnh nằm trong tay thẩm phán,
Nghĩa gì đâu, tranh tụng pháp đường!

Hiến pháp chỉ là vật trang trí,
Pháp luật chẳng có giá trị gì.
Hiệp ước Hiệp định là giấy lộn,
Chữ ký còn tươi xé bỏ đi!

Công dân đóng góp lời mẫn tuệ,
“Đối thoại” bằng khám lớn, gông xiềng.
Lời cảnh tỉnh bạn bè quốc tế
Là “can thiệp thô bạo chủ quyền”!?

Muốn từng bước giải Trung thoát Hán,
Phải vào đối tác TPP.
Thôi “treo đầu dê bán thịt chó”,
Dân buồn phiền, nhân loại cười chê.

Mua vé vào Hội đồng Nhân quyền,
Tập quen dần đa đảng đa nguyên!
Giã toàn trị, hòa giải hòa hợp,
Vượt vũ môn phát triển vững bền!

Nền “công lý” kang-ga-ru đảng chủ,
Sáu thập niên kìm kẹp dân ta.
Bỗng hôm nay giữa ngày tháng Tám,
Một niềm vui chưa trọn vỡ òa!

Đảng độc trị cựa mình thức giấc,
Biết sợ hãi hay dám sửa lỗi lầm?
Tòa phúc thẩm Long An khởi sắc
Đã đi vào lịch sử Việt Nam!(3)

Uyên – Kha làm nước non rạng rỡ,
Kết tinh truyền thống bốn ngàn năm.
Nền “công lý” vô luân, man rợ
Cúi đầu trước tuổi trẻ Việt Nam?!(4)

Tháng 8/2013
TS Trần Nhơn

(1) Một ví dụ điển hình vể “Vô nguyên tắc là nguyên tắc tối cao”:
 Tháng Sáu năm 1934, để chuẩn bị cho cuộc thanh trừng đẫm máu sắp bắt đầu, Stalin đã thêm vào điều 58 bộ Luật Hình Sự Liên Xô được ban hành  năm 1927 những khoản quy định các bản án dành cho các tướng lãnh quân đội và ngay sau đó chiếu vào các khoản này để xử bắn bốn trong số năm đô đốc, ba trong số năm thống chế, mười ba trong số mười lăm tướng lãnh ba sao và bốn sao, năm mươi trong số năm mươi bảy tư lệnh binh đoàn và toàn bộ mười sáu chính ủy cao cấp thuộc các binh chủng của Hồng Quân Liên Xô.

(2) Các Điều 79, 88, 258 Bộ Luật Hình sự.

(3) Ngày 16/8/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 2 bị cáo Đinh Nguyên Kha (SN 1988) và Nguyễn Phương Uyên (SN 1992) (tại tỉnh Long An) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Tòa đã tuyên phạt Đinh Nguyên Kha 4 năm tù (giảm 4 năm tù so với án sơ thẩm); Nguyễn Phương Uyên (sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.(tại phiên xét xử sơ thẩm, Uyên bị phạt 6 năm tù).

(4) Có sử dụng một số ý trong bài “Nhân quyền đã được cải thiện?” của Le Nguyen

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More