RadioCTM
Thanh Thảo thực hiện
Sau 33 ngày tuyệt thực để phản đối
tình trạng tồi tệ của nhà tù và những ngược đãi tù nhân phải gánh chịu, ông
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã ngưng tuyệt thực khi Bộ Công An của nhà cầm quyền
CSVN phải nhượng bộ và chấp nhận đơn khiếu nại của ông. Trước đây không lâu,
cũng đã có cuộc tuyệt thực của ông Cù Huy Hà Vũ và mới nhất là vụ 4 thanh niên
yêu nước – gồm các anh Hồ Văn Oanh, Trần Hữu Đức, Trần Minh Nhật và Chu Mạnh
Sơn – đã tuyệt thực để phản đối chế độ lao tù vô nhân đạo của CSVN. Xin mời quý
vị theo dõi buổi nói chuyện với ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân, về
những nỗ lực đấu tranh trước tình trạng ngược đãi tù nhân tại Việt Nam.
(RadioCTM) Trước hết, xin ông cho biết thêm về hoàn cảnh và diễn biến liên quan tới những cuộc đấu tranh chống ngược đãi của một số tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Chúng ta cần nhìn rõ về chính sách đối xử với người tù của chế độ CSVN, không riêng gì những
tù nhân lương tâm hay tù chính trị mà tất cả những người bị kết án tù với bất cứ tội gì. Nói chung thì so với những nước phát triển và tiến bộ, tình trạng nhà tù ở Việt Nam có thể nói là tồi tệ trên nhiều mặt từ đời sống, điều kiện y tế, tới tình trạng đánh đập, ngược đãi đối với người tù. Dĩ nhiên, tình trạng tồi tệ này không chỉ có riêng ở VN mà ở nhiều quốc gia khác tạm gọi là kém phát triển và mức độ văn minh trong cách cư xử của con người còn chậm tiến. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta, những người dân Việt Nam, có chấp nhận đất nước và xã hội VN cũng ở vào tình trạng thiếu văn minh hay kém phát triển như vậy hay không?
Chính vì tình trạng tồi tệ này mà mới đây vào cuối tháng 6 đã có cuộc nổi dậy của một số tù nhân tại nhà tù Z30A tại Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, để phản đối tù nhân bị đánh đập, phần ăn bị cắt xén và tình trạng khắc nghiệt nói chung tại nhà tù. Nhà tù này cũng là nơi giam giữ một số tù nhân chính trị nổi tiếng như ông Trần Huỳnh Duy Thức và nhạc sĩ Việt Khang. Ngoài việc đánh đập người tù như trường hợp anh Paulus Lê Sơn bị cai tù đánh gẫy chân chỉ vì anh không cúi đầu chào, cai tù còn dùng những biện pháp khác như mượn tay du đãng trong tù để khủng bố và đánh bị thương như trường hợp nhà văn Trần Khải Thanh Thủy trước đây; buộc người tù phải lao động trong những công việc nặng nề và nguy hiểm như trường hợp chị Trần Thị Thúy; ép cung buộc phải nhận tội hay phải khai gian để tố cáo người khác như trường hợp của anh Nguyễn Văn Oai hay anh Lê Sơn; tra tấn và dùng nhục hình như trường hợp của anh Đặng Xuân Diệu và chị Đỗ Thị Minh Hạnh. Có thể nói những biện pháp vô nhân đạo, thiếu văn minh, vi phạm công pháp quốc tế của nhà tù CSVN thì nhiều không kể xiết.
Tuy nhiên, gần đây hai vụ tuyệt thực của ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và ông Cù Huy Hà Vũ đã tạo được tiếng vang và sự chú ý của quốc tế về tình trạng đối xử tàn tệ với người tù, đặc biệt là tù chính trị tại VN. Qua hai vụ này, điều đáng mừng là các tổ chức nhân quyền quốc tế, truyền thông và chính giới nước ngoài đã rất quan tâm và lên tiếng hỗ trợ và tranh đấu cho những người tù VN, nhất là những tù nhân lương tâm. Mặc dù chế độ phải nhượng bộ đối với ông Điếu Cày và ông Cù Huy Hà Vũ, nhưng việc tranh đấu để chống lại chính sách nhà tù hà khắc của chế độ mới chỉ bắt đầu mà thôi. Chúng ta hãy còn rất nhiều việc phải làm đối với vấn đề này.
(RadioCTM) Giữa những nỗ lực đấu tranh này có sự khác biệt gì hay không? Ông có nhận xét gì về trường hợp của những người tù này?
Điểm qua những cuộc tranh đấu gần đây, một điều giống nhau rất hiển nhiên là động lực đều khởi đi từ việc phản đối những hành động áp bức, khủng bố và trả thù dã man của chế độ, đồng thời hy vọng đánh động được dư luận để từ đó áp lực chế độ phải thay đổi chính sách này. Đây là điểm đáng phục vì sự can đảm của những người dám dấn thân, nhất là trong hoàn cảnh họ đang ở trong nhà tù, đang ở trong tay của cai tù, biết rằng có thể sẽ bị trả thù còn dã man hơn nữa, chưa kể tới tính mạng bị đe dọa như trường hợp ông Điếu Cày đã tuyệt thực tới 33 ngày.
Nhưng ở đây điểm khác biệt mà chúng
ta cần quan tâm là không phải người tù chính trị nào cũng nổi tiếng hay được dư
luận biết tới nhiều như trường hợp của ông Điếu Cày hay ông Cù Huy Hà Vũ. Những
người nổi tiếng còn tương đối dễ được sự chú ý của dư luận, nhất là từ quốc tế;
thế mà cũng hãy còn khó khăn như việc ông Điếu Cày tuyệt thực phải nhờ nhà văn
Nguyễn Xuân Nghĩa can đảm thông tin ra ngoài thì dư luận mới biết được và ông
Nghĩa đã bị trả thù bằng sự biệt giam từ cả tháng nay. Sự thực là có rất nhiều
người tù lương tâm hay tù chính trị khác cũng bị áp bức, bị trả thù hay ngược
đãi nặng nề và họ đã và đang tranh đấu nhưng dư luận lại biết rất ít về họ.
Điển hình là trường hợp của nhóm 14 thanh niên yêu nước bị chế độ kết án tại Nghệ An vào đầu năm nay. Đây là những người trẻ, tuổi từ ngoài 20 cho tới dưới 40. Họ tham gia vào những hoạt động trong lãnh vực tôn giáo, bảo vệ nhân quyền, giúp đỡ người nghèo và chống lại sự xâm lăng của Tàu tại Biển Đông. Gần đây nhất có 4 người trong số này cũng đã tuyệt thực để chống lại sự hà khắc của nhà tù gồm các anh Hồ Văn Oanh, Trần Minh Nhật, Trần Hữu Đức và Chu Mạnh Sơn. Trong số này còn có nhiều anh chị em khác rất can đảm với lòng yêu nước cao độ như cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn, mới ngoài 20 tuổi, đã từng vẽ khẩu hiệu xác nhận Hoàng Sa & Trường Sa là của VN và tham gia vào những hoạt động chống sự xâm lăng của Tàu tại Biển Đông. Cô đã bị công an bắt nhiều lần và cuối cùng bị kết án 8 năm tù. Hai người bị kết án nặng nhất trong số 14 thanh niên là anh Hồ Đức Hòa 13 năm tù và anh Đặng Xuân Diệu cũng 13 năm tù. Anh Hòa và anh Diệu là những người thanh niên có nhiều uy tín trong cộng đồng Công giáo tại Vinh, tham gia vào các hoạt động tôn giáo và xã hội. Vì ảnh hưởng và uy tín của hai anh tại địa phương nên chế độ lo ngại về họ. Chế độ đã kết tội họ vi phạm Điều 79 tức âm mưu chống lại chế độ và kết án họ với những bản án nặng nề. Họ vẫn can đảm xác nhận những việc họ làm là để phục vụ xã hội và đất nước chứ không phải là tội. Chính vì vậy mà họ bị chế độ ngược đãi. Nhưng như tôi vừa nói, điều đáng tiếc là dư luận lại không biết nhiều về họ. Đây là những trường hợp chúng ta cần quan tâm và hỗ trợ họ nhất là khi họ vẫn tiếp tục tranh đấu ngay cả trong nhà tù.
(RadioCTM) Ông có nghĩ rằng những nỗ lực này sẽ đem lại được kết quả gì hay không và tất cả chúng ta có thể làm được gì để hỗ trợ?
Tôi nghĩ những nỗ lực này có đem lại kết quả hay không tùy thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là chính sự can đảm và chấp nhận hy sinh, chấp nhận gian khổ và nhất là chấp nhận sự trả thù của chế độ của chính những người tù lương tâm. Những hành động của họ như tuyệt thực là tiếng chuông đánh động dư luận, đánh động lương tâm của thế giới. Không có những tiếng chuông can đảm này thì làm sao thế giới hay dư luận bên ngoài có thể biết được hết tình trạng khắc nghiệt và dã man của nhà tù cộng sản.
Yếu tố thứ hai chính là sự tiếp tay của chúng ta. Tất cả mọi người trong chúng ta cần phải tiếp tay quảng bá những nỗ lực tranh đấu của các tù nhân lương tâm, cần thông tin để dư luận và nhất là thế giới hiểu được sự thật của nhà tù cộng sản VN như thế nào. Quan trọng nhất là chúng ta cần tiếp tay vận động áp lực từ bên ngoài để buộc chế độ phải thay đổi chính sách đối xử với người tù, trước hết là những tù nhân lương tâm hay tù chính trị, và sau đó là chính sách đối xử với tất cả người tù vì bất cứ tội gì. Nếu chúng ta muốn đất nước và xã hội VN văn minh hơn, tiến bộ hơn và nhân bản hơn thì chúng ta cần quan tâm đến việc cải thiện chính sách nhà tù tại VN.
(RadioCTM) Vụ ông Điếu Cày tuyệt thực lên cao điểm đúng vào lúc ông Trương Tấn Sang đến thăm nước Mỹ, ông có nghĩ sự trùng hợp này đã có ảnh hưởng gì lên diễn biến và phản ứng của chế độ hay không?
Tôi nghĩ là có vì chúng ta đều biết quốc tế nói chung và nước Mỹ nói riêng vẫn thường xuyên đặt vấn đề vi phạm nhân quyền đối với chế độ CS tại VN. Trong chuyến đi Mỹ vừa qua của ông Trương Tấn Sang, vấn đề nhân quyền đã được chính giới Mỹ rất quan tâm tới và ngay cả trong bản tuyên bố chung 9 điểm giữa 2 nước vào cuối chuyến đi thì vấn đề nhân quyền là 1 trong 9 điểm đó. Chúng ta có thể tin rằng vụ ông Điếu Cày tuyệt thực vào đúng thời điểm của chuyến đi nhiều phần đã đặt ông Trương Tấn Sang vào tình trạng khó xử, khó ăn nói hơn với dư luận quốc tế và khó che giấu được tình trạng vi phạm nhân quyền tại VN thể hiện qua chính sách nhà tù khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, nỗ lực hỗ trợ của chính thân nhân ông Điếu Cày và những nhà dân chủ khác ở trong nước đã góp phần đánh động dư luận thế giới, điển hình là việc nhiều người đã kéo nhau tới văn phòng Viện Kiểm Sát, văn phòng công an để đòi xác nhận việc ông Điếu Cày tuyệt thực cũng như tìm hiểu tình trạng sức khỏe của ông. Ngoài ra, qua sự vận động của người Việt tại hải ngoại, các hãng thông tấn ngoại quốc đã đi tin rất nhiều về sự việc này, và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, nhiều chính giới ngoại quốc đã gửi thư yêu cầu chính quyền của họ phải can thiệp. Tất cả chắc chắn đã tăng sức ép lên chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang và lên chế độ khiến họ phải lùi bước và phải nhận đơn khiếu nại của ông Điếu Cày. Đây là một thành công, nhưng chúng ta cần phải tiếp tục tranh đấu vì hãy còn nhiều người tù lương tâm khác đang tuyệt thực, đang phản đối chính sách nhà tù hà khắc. Chúng ta phải tiếp tục cho tới khi có những cải thiện cụ thể chứ không phải chỉ là những lời hứa suông của chế độ.
(RadioCTM) Nhìn xa hơn thì tình trạng đàn áp, bắt bớ những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền gia tăng rất nhiều trong những năm gần đây, ông lượng định ra sao hiện tượng này và chúng ta có thể chờ đợi gì trong thời gian sắp tới?
Có thể nói là kể từ năm 2007, chế độ độc tài ở VN đã bắt đầu gia tăng đàn áp và nhất là trong 2 năm gần đây thì tình trạng bắt bớ những người tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ, tranh đấu chống sự xâm lăng của Trung Quốc đã gia tăng khá nhiều. Tổng số người bị bắt trong 6 tháng đầu năm nay nhiều hơn tất cả số người bị bắt trong năm 2012, và con số đó lại còn nhiều hơn số người bị bắt trong năm trước nữa, tức là năm 2011. Tôi e rằng trong thời gian tới, tình trạng bắt bớ và đàn áp sẽ tiếp tục như thế này và có thể sẽ còn gia tăng vì Nghị định số 72 vừa mới được nhà cầm quyền CS ban hành, kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng mạng xã hội như là Facebook để thông tin, sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 tới đây. Chế độ đang sử dụng luật pháp làm công cụ để đàn áp, từ việc dùng Điều 79 và Điều 88, cho tới gần đây họ bắt đầu dùng Điều 258 và bây giờ sắp có thêm Nghị Định 72. Tất cả chỉ là phương tiện để giới hạn những quyền tự do căn bản của con người mà chính chế độ đã ký kết phải tôn trọng theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và công pháp quốc tế.
Tuy nhiên, hiện tượng này lại cho chúng ta thấy hai điều. Thứ nhất là rõ ràng đàn áp có gia tăng, bắt bớ ngày càng nhiều, nhưng hiện tượng những người can đảm đứng lên tranh đấu cho lẽ phải, cho quyền làm người và cho dân chủ vẫn không dừng. Chế độ tưởng rằng càng bắt thì người ta càng sợ và sẽ không còn ai dám tranh đấu nữa. Nhưng thực tế thì trái ngược lại, trong suốt 6 năm qua, dường như cứ bắt người này thì lại có người khác lên tiếng, và số người tham gia hàng ngũ tranh đấu cho dân chủ ngày càng gia tăng chứ không giảm.
Và thứ hai là sự gia tăng đàn áp này thực sự không thể hiện sức mạnh của chế độ, trái lại nó chỉ thể hiện sự thật là chế độ đang lo ngại trước sức phát triển của phong trào dân chủ. Chính vì lo ngại nên chế độ mới gia tăng đàn áp. Chúng ta cần nhìn thấy điểm này vì đối với các chế độ độc tài, họ cai trị bằng bạo lực nhưng duy trì bạo lực cũng tốn nhiều sức của họ. Và họ sẽ chỉ gia tăng bạo lực, gia tăng đàn áp nếu họ cảm thấy lo ngại, cảm thấy bị đe dọa và buộc phải đối phó, nếu không thì lâm nguy. Chúng ta cần hiểu rằng nỗ lực đấu tranh của chúng ta cho tự do, dân chủ và nhân quyền đang đem lại kết quả và được đo lường hay thể hiện một cách gián tiếp qua sự kiện chế độ phải gia tăng đàn áp. Chúng ta đang đạt được những bước tiến đáng kể, chúng ta sẽ phải tiếp tục đẩy tới cho đến khi nào đất nước thực sự có được nhân quyền và dân chủ; khi đó chúng ta sẽ có điều kiện để xây dựng một xã hội nhân bản và tiến bộ hơn, thể hiện cụ thể qua những chính sách nhà tù nhân đạo và văn minh./.
0 comments:
Đăng nhận xét