Thái độ khác biệt giữa Nhật - Phi với Việt Nam về sự lấn át của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngô Quảng - DienDanCTM
Lập trường của chính phủ Hoa Kỳ là không đứng về bên nào cả trong vấn đề tranh chấp chủ quyền những quần đảo ở biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng lên án bất cứ quốc gia nào sử dụng vũ lực quân sự để mưu đồ thay đổi hiện trạng ở hai vùng biển này. Ngoài ra Hoa Kỳ còn có những hiệp ước Bảo an với một số quốc gia ở Á châu như Nhật Bản, Philippines nên sẵn sàng bảo vệ mỗi khi các nước này bị tấn công. Mới đây, hồi tháng 6, tại California, trong cuộc hội đàm tay đôi giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama, Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc nên tự chế. Sau khi ông Bình trở về nước thì Trung Quốc lại tiếp tục đưa tàu hải giám, tàu thăm dò hải dương lẫn máy bay đến vùng quần đảo Senkaku. Lẽ đương nhiên lực lượng phòng vệ của Nhật sẵn sàng ứng chiến nếu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm hải phận và không phận.

Trong khi đó ở vùng biển Đông thì 9000 tàu cá Trung Quốc được các tàu hải giám, tàu chiến hộ tống đến bắt cá ở ngay trong lãnh hải Việt Nam khiến các ngư dân của ta không dám kéo ra hành nghề, thế nhưng chính quyền CSVN chỉ phản đối chiếu lệ chứ không có một hành động cụ thể nào để bảo vệ ngư dân. Philippines thì không bị Trung quốc uy hiếp như Việt Nam vì quân đội của quốc gia này quyết chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Tin mới nhất cho hay là lực lượng hải quân và không quân Philippines sẽ dời căn cứ đến cảng Subic trên đảo Luzon (trước đây là căn cứ hải quân Mỹ) để có thể đối phó kịp thời mỗi khi Trung Quốc xâm phạm không phận và hải phận. Việc di chuyển này sẽ làm cho Philippines tốn phí một ngân sách khá lớn trên 5,1 tỷ peso (115 triệu USD), nhưng Quốc hội Philippines đã chấp thuận.

Đứng trước tình trạng Trung Quốc leo thang gây bất ổn ở biển Đông và biển Hoa Đông bằng vũ lực quân sự nên vào ngày 29/07/2013 vừa qua, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một quyết nghị lên án việc sử dụng vũ lực để dành chủ quyền lãnh thổ đối với những hòn đảo trên biển Đông và Hoa Đông. Tokyo và Manila hoan nghênh quyết nghị này và coi đó như là một dấu hiệu tích cực trong chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ sang vùng Á châu- Thái Bình dương nhằm kiềm chế hành vi hung hãn của Trung Quốc.

Việt Nam là quốc gia trong vùng bị Trung Quốc lấn áp nhiều nhất, thế mà Hà Nội vẫn im tiếng không đả động gì đến quyết nghị này, ngược lại còn đón tiếp Ngoại trưởng Bắc Kinh – kẻ lên tiếng kịch liệt phản đối quyết nghị này vì cho rằng Hoa Kỳ đã không dựa vào lịch sử và sự thực để rồi lên án Trung Quốc một cách vô cớ.

Trung Quốc một mặt kháng nghị Hoa Kỳ, mặt khác thì hăm he các nước trong vùng bằng cách loan báo cho biết sẽ gia tăng hoạt động kiểm soát biển Đông và biển Hoa Đông. Trong phiên họp Quốc hội Nhật vào ngày 01 tháng 8 vừa rồi, Thủ tướng Abe đã tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ quyết sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ lãnh hải và lãnh thổ của mình nếu như Trung Quốc có bất cứ hành động đổ bộ nào lên khu vực đảo Senkaku.

Thủ tướng Abe không phải tuyên bố suông để được lòng dân mà còn ra lịnh tăng cường thêm lực lượng tuần duyên ở vùng đảo Senkaku. Cùng ngày hôm đó Thủ tướng Abe đã điện đàm trực tiếp với Tổng thống Akino của Philippines để yêu cầu hiệp tác với nhau khi hữu sự. Ông Akino không những vui vẻ chấp thuận mà còn phát biểu rằng Nhật và Philippines có chung một mối đe dọa từ Trung Quốc nên chuyện hiệp tác với nhau để chống lại kẻ xâm lược là điều cần thiết.

Vào chiều tối cùng ngày (01/08/2013), trên báo điện tử của nhà cầm quyền Việt Nam có cho đi một bản tin về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điện đàm với Thủ tướng Nhật. Bản tin này viết rằng Thủ tướng Abe sang để cám ơn những tình cảm tốt đẹp mà chính phủ và nhân dân Việt Nam [đã dành cho ông trong chuyến thăm Hà Nội vào đầu năm nay], khẳng định chính phủ Nhật coi trọng quan hệ với Việt Nam như một đối tác tin cậy ở khu vực, hai Thủ tướng đã trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, đồng thời nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN-Nhật Bản.

Đúng là ông Abe đã điện đàm với ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng hai vấn đề chính mà Thủ tướng Nhật muốn yêu cầu Việt Nam hợp tác thì báo điện tử của Việt Nam lại lờ đi không nói đến, may nhờ trên trang mạng của bộ Ngoại giao Nhật có ghi rõ nên xin trình bày ra đây cho mọi người biết. Chuyện thứ nhất, ông Abe muốn trong thời gian làm Thủ tướng của mình phải giải quyết cho xong vụ người dân Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc và yêu cầu Việt Nam ủng hộ và hợp tác với Nhật Bản trong vấn đề này. Chuyện thứ hai là yêu cầu hợp tác trong việc ngăn chận Trung Quốc sử dụng vũ lực quân sự ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Người dân Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam còn bị nhà nước CSVN ngăn cấm, bắt ở tù thì làm gì nói đến chuyện hợp tác với Nhật chống bá quyền phương Bắc nên báo điện tử của Việt Nam đã lờ đi chuyện này. Có người cho rằng Thủ tướng Nhật khờ khạo, chọn lầm đối tượng, thật ra thì trên cương vị Thủ tướng Nhật, ông Abe phải tìm đủ mọi cách ngăn chận sự hung hãn của Trung quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông, có thêm được một quốc gia hợp tác thì càng tốt còn không thì Nhật vẫn phải cùng với các quốc gia đồng minh khác đương đầu.

Những sự việc trên cho thấy rõ thái độ khác biệt của ba nước Nhật - Phi - Việt trong cách hành xử bảo vệ quyền lợi quốc gia của mình. Nhật và Phi thì luôn tìm đủ mọi cách để hợp tác, để có đồng minh chống lại bá quyền Trung Quốc. Còn CSVN thì yên lặng và ngoan ngoãn đứng nhìn từng bước lấn áp của Trung Quốc. 

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More