Le Monde: Xin chớ quên các tự do cơ bản của người dân Việt trong cuộc đối tác Pháp-Việt

Hôm qua 24-9-2013, trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Pháp công du nhân đánh dấu "40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước", nhật báo Le Monde nổi tiếng của giới trí thức và chính trị Pháp, đã cho đăng bài viết của ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, dưới tựa đề “Xin chớ quên các tự do cơ bản của người dân Việt trong cuộc Đối tác Pháp Việt”.

 Dưới đây là bản dịch Việt ngữ bài báo trên, do Cơ sở Quê Mẹ phổ biến:
* 
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến Paris công du hôm 24.9.2013 theo lời mời của chính phủ Pháp với chủ ý nâng tầm đối tác chiến lược với Việt Nam trong niên khóa 2013 – 2014 được tuyên xưng là “Năm Pháp Việt” vào dịp 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Ngoài mối quan hệ lịch sử, kinh tế, và nghĩa tình giữa hai quốc gia, cuộc hôn nhân này tựa hồ như cuộc hôn nhân giữa mỹ nhân với kẻ súc sinh, một cuộc hôn nhân giữa “tổ quốc của nhân quyền” với kẻ đào huyệt chôn sống tự do.

Cuộc công du xẩy ra vào lúc Việt Nam chuẩn bị bước vào Hội đồng Nhân quyền LHQ cho năm tới, song song với việc gia tăng cuộc đàn áp chống các bloggers và công dân mạng, chống các nhà hoạt động dân chủ, các nhà bảo vệ nhân quyền và những nhà bất đồng chính kiến và tôn giáo. Chế độ tại Việt Nam mắc chứng tâm thần phân liệt kể từ thời Đổi Mới để thực hiện chính sách kinh tế vào năm 1986: Làm sao cho vừa lòng cộng đồng quốc tế ưu tư cho nhân quyền (nhằm lôi hút đầu tư và viện trợ), song song với việc đàn áp nhân dân (nhằm bám giữ quyền bính).

Một quán Cà-phê Internnet tại Hà Nội
Photo Tran Van Minh/AP
31 triệu Công dân Mạng

Tự do ngôn luận trực tuyến là điều chế độ ghét nhất. Hà Nội vừa thông qua Nghị định về Internet mang số 72/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1.9, nhằm xử phạt triệt để tất cả những ai biểu tỏ ý kiến mình. Trong thực tế, Việt Nam nhắm vào các trang mạng để phát triển kinh tế khiến cho Việt Nam trở thành quốc gia nối mạng rộng rãi nhất tại Đông Nam Á chỉ trong vài năm. Kết quả đưa tới là: kể từ năm 2000 số công dân mạng gia tăng 15 lần hơn, đạt con số 31 triệu người sử dụng, chiếm một phần ba dân số. Trước đây phải vào các quán Cà-phê Internet để nối mạng, thì nay gia đình nào cũng có thể truy cập bằng điện thoại di động để vào mạng (130 triệu người sử dụng hệ thống này trên một dân số 90 triệu).

Sự cất cánh vĩ đại của Internet làm thức dậy trong lòng dân chúng mối khát khao thông tin, trao đổi, đối thoại và tham dự vào hiện tình đất nước. Hàng triệu blogs và tiểu blogs nẩy sinh để lẩn tránh các nguồn thông tin một chiều và bè phái của nền báo chí nhà nước theo lệnh đảng Cộng sản. Thực tế là mầm mống của nền báo chí độc lập và tự do ra đời thông qua các blogs. Những blogs tiêu biểu có thể kể như Bauxite Việt Nam hay Dân Làm Báo…

Đồng thời, dân chúng có thể vận động nói lên các vấn nạn họ quan tâm. Như vấn đề đất đai nông dân bị cưỡng chiếm, nạn tham nhũng của các cán bộ cấp cao, nguy cơ Trung quốc khai thác bô xít vùng Tây nguyên. Nhất là nỗi bất mãn của nhân dân trước sự yếu hèn của chính quyền trong cuộc tranh chấp biển đảo trên Biển Đông. Giữa tháng 6 và 8 năm 2011, nhờ kỹ năng SMS và Facebook, nhiều cuộc biểu tình được tổ chức vào mỗi ngày chủ nhật tại Hà Nội và Saigon để chống chính quyền Trung quốc. Nhưng các cuộc biểu tình này đều bị nhà cầm quyền đàn áp.

Sách nhiễu và bạo hành

Là nước nối mạng đông đảo nhất tại Đông Nam Á, nhưng Việt Nam lại là quốc gia vi phạm tự do ngôn luận sỗ sàng nhất. Nhận thấy ngay từ đầu Internet là mối hăm dọa, nhà cầm quyền dấn việc chống đối các“tác dụng tiêu cực”, tức sự tự do gieo đạt trong quần chúng. Gần đây báo chí nhà nước quan ngại rằng“Với sự nổ bùng Internet, tự do ngôn luận và tự do báo chí trở thành vấn nạn toàn bộ”.

Sự nổ bùng ngôn luận trên Internet gây bất ngờ cho nhà cầm quyền Việt Nam, nên họ trả đũa bằng sự trấn áp các bloggers và công dân mạng: sách nhiễu, công an sử dụng bọn côn đồ tấn công, bắt giam vào bệnh viện tâm thần, công an bạo hành, kể cả xâm phạm thô bạo thân thể phụ nữ, và bắt giam tùy tiện, hay tổ chức các phiên tòa giả trá mà chìa khóa giải quyết là những án tù nặng nề.

Điều chắc chắn là Việt Nam đang trấn áp tồi tệ các nhà hoạt động dân chủ và các bloggers. Chỉ trong năm 2013 đã có 49 nhà bất đồng chính kiến bị bắt cầm tù !

Với thái độ vô sỉ, chính quyền Nguyễn Tấn Dũng thoa lên vết sơn bóng loáng của cái gọi là pháp luật với một kho điều luật gian ác, mà ta có thể thấy qua Nghị định 72 như ví dụ cuối cùng.

“An ninh quốc gia”, một khái niệm hổ lốn

Việt Nam áp đặt sự kiểm soát chặt chẽ người sử dụng cũng như các chủ quán Cà-phê Internet bằng cách cài đặt những phần mềm gián điệp vào các máy vi tính. Nhà cầm quyền thiết lập đội ngũ Công an Mạng để tẩy xóa những “thông tin cấm đoán”. Đồng thời áp đặt lên công dân mạng trách nhiệm hình sự những chi họ đăng tải trên mạng, kể cả những thư từ điện tử mà họ nhận được. Chế độ cũng tấn công các trang mạng ở nước ngoài và sử dụng phần mềm gián điệp phá hỏng hàng nghìn máy vi tính. Hình thành các trang Facebook hay Twitter cạnh tranh, nhằm kiểm soát công dân mạng, mà việc đăng ký bó buộc trưng dẫn lý lịch người xin.

Về Nghị định Internet số 72, cả một loạt hành xử bị cấm đoán khiến người sử dụng chẳng biết mình còn được những quyền gì. Nghị định bắt buộc giới cung cấp dịch vụ Internet ngoại quốc phải cung cấp mọi thông tin về khách hàng người Việt của họ. Cấm không cho công dân mạng đề cập chuyện thời sự trên blog của mình, trên trang nhà tư hữu hay mạng xã hội. Chỉ được đăng tải các thông tin “cá nhân”.

Nhà cầm quyền giải thích ngọt ngào rằng Nghị định 72 ra đời để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà thôi...

Bên cạnh những biện pháp đặc thù như thế, Việt Nam hưởng thụ một kho văn kiện chống đối tự do ngôn luận về phổ thông pháp. Trước hết là các điều trong bộ Luật Hình sự với khái niệm hổ lốn của “an ninh quốc gia” mà LHQ đã bao lần tố cáo từ lâu.

Bắt giam những ký giả ham biết

Những ai thông tin ra nước ngoài đều có thể bị khép tội “gián điệp” (điều 80 của bộ Luật Hình sự). Điều 88 về “tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN” sẽ bị án tù giam từ 3 đến 20 năm, thường được sử dụng hàng loạt nhằm đàn áp mọi phê phán. Điều luật ngột ngạt nhất kiểu Kafka là điều 258 của bộ Luật Hình sự về “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi nhà nước” có thể bị án tới 7 năm tù giam.

Tất cả những điều luật nói trên tạo ra một không gian sợ hãi dẫn tới sự tự kiểm duyệt, là hình thức kiểm duyệt tối hậu. Các nhà báo phải trả tiền bồi thường cho những cá nhân nêu tên trong bài viết. Ký giả nào ham biết sẽ bị bắt như trường hợp Võ Thanh Tùng cùng với các người phụ tá ông tháng 8 vừa qua, hay Nguyễn Văn Khương bị bắt năm 2012. Tất cả họ chỉ viết về nạn công an tham nhũng nhưng cuối cùng chính họ lại bị truy tố… tham nhũng.

Trấn áp tự do ngôn luận và tự do báo chí chỉ là phần nổi thấy được của tảng băng. Trong thực tế, toàn bộ xã hội Việt Nam đều bị trấn lột: nông dân bị cướp đất tùy tiện, các dân tộc thiểu số (người Thượng, người Hmong, người Khmers krom, v.v…), và các tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo và Tin Lành) không ngừng bị sách nhiễu, hành hung, bắt bớ và giam cầm tùy tiện. Từ năm 2003, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, năm nay 86 tuổi, bị quản chế trong ngồi chùa-tù không có lý do.

Nhưng tất cả những vấn nạn này có thể chẳng bao giờ được nêu ra tại điện Matignon.

Võ Văn Ái
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More