Xuất hiện quá nhiều "ác quỷ" trong ngành y

Tony Tran
Website quảng cáo của Thẩm mỹ viện
Cát Tường. Hình chụp lại trên website.
Cách đây không lâu, tôi đọc bài “Ác quỷ áo trắng” trên Người Việt Online. Khi đó, tôi cho rằng tác giả, một độc giả trong nước, có hơi “nặng lời” với một số người trong ngành y. Nhưng giờ đây, tôi chưa tìm ra từ ngữ nào chính xác hơn từ ấy.

Tôi thật sự bị shock khi đọc bản tin “Bác sỹ thẩm mỹ làm chết bệnh nhân, vát xác xuống sông”. Ông bác sỹ này mắc nhiều lỗi: thẩm mỹ viện Cát Tường-nơi ông làm chủ, chưa có giấy phép mà đã hoạt động; khách hàng bị biến chứng mà lại bỏ ra về; khi biết khách hàng của mình đã chết thì lại tìm cách phi tang. Vì sao một bác sỹ tuổi không còn trẻ (40 tuổi) để nói là “trẻ người, non dạ” đã làm chết người, lại còn nhẫn tâm vứt xác họ xuống sông, để rồi mấy ngày sau xác vẫn chưa được tìm thấy. Chỉ có ác quỷ mới làm như thế thôi!
  
Trở lại vụ thay thuỷ tinh thể “dỏm” cho 3,000 bệnh nhân. Giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội, cũng là một bác sỹ, nhẫn tâm thu tiền nhiều nhưng lại thay thuỷ tinh thể rẻ tiền cho người bệnh; sử dụng ống dịch nhầy, bộ dao mổ chung cho 5-10 bệnh nhân, bất chấp quy định chỉ được dung một lần cho một bệnh nhân. Người bình thường, hơn nữa lại là một “lương y như từ mẫu” sao có thể làm như vậy!

Trước đó ít lâu, cũng tại Hà Nội, dư luận rung động vì chuyện tày Trời, được gọi là “nhân bản kết quả xét nghiệm”. Theo con số thống kê chưa chính xác vào thời điểm đó, có khoảng 1,000 mẫu xét nghiệm được...dùng chung; số bệnh nhân có chung xét nghiệm có thể lên đến 2,000 người !!! Việc làm này rất ác nhân, vì nếu một người đi xét nghiệm máu vì nghi mắc bệnh tiểu đường, khi lấy kết quả dương tính (của một xét nghiệm khác), họ sẽ không được điều trị, và bệnh sẽ ngày càng nặng hơn. Được biết ngay cả với các ca cấp cứu thì bệnh viện này cũng không làm xét nghiệm mà lấy một kết quả...có sẵn đưa vào hồ sơ bệnh án! Không là ác quỷ, không thể làm chuyện như vậy!

Cũng cách đó không lâu, chỉ cách nhau vài ngày, có đến 5 trẻ sơ sinh tử vong khi đi được chích ngừa vaccine. Mới đây, kết quả điều tra cho thấy có 3 trẻ ở Quảng Trị chết giống nhau là vì chúng bị chích lầm thuốc co tử cung, thay vì vaccine! “Oh my Godness!”, tôi đã phải kêu lên như thế vì một sự nhầm lẫn không thể chấp nhận được của những người của ngành y. Vì sao vaccine viêm gan B lại được cất chung với thuốc gây co tử cung? Vì sao không có hệ thống bảo quản thuốc phòng khi cúp điện? Vì sao cúp điện không dùng đèn, mà dùng ánh sáng của chiếc điện thoại đi lấy thuốc để xảy ra chết người, mà lại là những thiên thần nhỏ vô tội như thế? Những câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu tôi. 

Trên Facebook hôm thứ Sáu tuần trước, tôi bất chợt đọc được câu chuyện của một bạn (cũng là dân Hà Nội), kể về “sự kỳ diệu” của một đứa bé gần nhà anh ta. Xin được kể lại câu chuyện:

“Đang ăn tối, ông nội T. alo: Con thằng C. sáng hôm qua đi cấp cứu ở BV Nhi Trung Ương, đến18g chiều bác sỹ trả về (nói thẳng): chờ giờ lo liệu...Đêm qua hai họ bốn bên quây quần bên cháu, và...kỳ diệu thay, nó tỉnh lại và ngày hôm nay thì chạy, nhảy bình thường.

Mình gọi ngay thằng em, nó kể (anh em mình ngoài ngành, không hiểu y thuật, bệnh lý nhé): cháu có tiền sử u, vì khi mới hình thành là thai đôi, rồi 1 thai bị chết, thành cục máu lặn vào bụng đứa bé còn lại. Rồi cháu ra đời bình thường. 5 tháng trước, khi cháu 22 tháng tuổi thì mổ để lấy cục máu kia ra. Sau mổ, kiểm tra, BS bảo không hết, nó thành u ác gì gì đó...

Sáng qua, cháu bị ho (dạo này hay ốm vặt, 27 tháng tuổi, nhưng giờ tụt xuống chỉ hơn 10kg), bố mẹ đưa ra BV Nhi kiểm tra, khi kiểm tra thì cháu nôn, rồi ngất (xỉu), nên chuyển ngay cấp cứu. Đến chiều tối, cháu vẫn lịm thiếp, BS kiểm tra, vạch mắt soi...rồi nhóm họp và kết luận: Bệnh viện đã cố hết sức, gia đình nên đưa cháu về. Rồi họ (các BS) cẩn thận, ưu ái: đề phòng trên đường về cháu ...đi, BV sẽ cho gia đình mượn bình oxy, về đến nhà rút ra lúc nào thì cháu đi lúc đó (???)

Về nhà, cả họ tập trung đông đủ động viên chia sẻ đôi vợ chồng trẻ, và bàn việc hậu sự cho bé. Đứa bé vẫn nằm thiếp trên giường, nó đau không nói được, nước mắt giàn giụa, người cứ ưỡn cong lên. Bình oxy cũng gần cạn, các cụ cũng xem giờ nhưng không ai đủ can đảm để rút bình oxy. Rồi bình oxy cũng cạn, và như 1 phép tiên, từ không dùng bình oxy thì nó không "đi" như BS nói, nó động đậy, nó đòi ăn...và bố nó bảo, ngày hôm nay cháu lại ăn uống, hoạt động bình thường. Chuyện thật của thằng em họ gần nhà mình.”

Đọc xong câu chuyện này, dù chuyện của một người xa lạ, cách xa tôi nửa vòng trái đất, tôi vẫn mừng quýnh lên vì cháu không “đi” như lời bác sỹ “phán”, nhưng tôi lại nổi cơn thịnh nộ với cái đám ác quỷ nhẫn tâm cho cháu về mà không chịu cứu chữa. Tôi phải gọi là đám, vì chúng không chỉ có một, hay hai, mà người kể dung từ “họ”, có nghĩa là đông, là một đám, và có nhóm họp. Đám người ấy có đáng được gọi là y tá, bác sỹ không? Hay là chúng đã mất hết tính người, tình người?

Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia, Hippocrates là người soạn thảo "Lời thề Đạo đức Y khoa" (còn gọi là "Lời thề Hippocrates") để y sinh noi theo, mở đầu luôn bằng câu:“Tôi xin thề trước Apollon thần chữa bệnh, trước Æsculapius thần y học, trước thần Hygieia và Panacea, và trước sự chứng giám của tất cả các nam nữ thiên thần, là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây:...”

Lời thề thiêng liêng này được bác sỹ trang trọng xưng tụng trước khi bắt đầu hành nghề y. Tuy nhiên, thời điểm xuất hiện của lời thề này vào khoảng thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, do vậy, nó đã được sửa chữa nhiều để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử qua từng giai đoạn khác nhau. Song, có những nội dung theo tôi không thể thay đổi được vì cho đến nay nó còn nguyên giá trị. Ví dụ, bác sỹ khi tuyên thệ sẽ phải đọc câu:”Tôi sẽ chỉ dẫn mọi cách có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”; “Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”; “Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại,...”

Bản gốc lời thề Hippocrates bằng
tiếng Hy Lạp. Nguồn: vi.wikipedia.org
Bản gốc lời thề Hippocrates bằng tiếng Hy Lạp. Nguồn: vi.wikipedia.org

Ai có thể chấp nhận cho những người khoác trên vai chiếc áo “lương y” mà lại vi phạm những lời thề thiêng liêng ấy?
Song, điều tôi muốn nói thêm là về trách nhiệm của những người đứng đầu ngành y. Vì sao chỉ trong vài tháng, đã xảy ra quá nhiều vụ “rúng động”, mà những người lãnh đạo từ trên xuống dưới, từ cấp quận lên cấp thành phố, từ cấp bệnh viện lên cấp Bộ, vẫn cứ tỉnh queo, như không phải chuyện của mình (??!) 

Theo dõi báo chí trong nước mấy ngày qua, thấy bà Bộ trưởng Y tế VN Nguyễn Thị Kim Tiến không những không nhận trách nhiệm, mà còn đổ hết tội cho cấp dưới. Bà cho rằng: Để một thẩm mỹ viện hoạt động khi chưa có giấy phép hành nghề là lỗi của ngành, là công tác quản lý, thanh tra chưa tốt. Việc một thẩm mỹ viện hoạt động không đúng chức năng trong nửa năm là trách nhiệm trực tiếp của Sở Y Tế Hà Nội, cụ thể là Thanh tra Sở và Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng. Thế là bà đã yêu cầu UBND Hà Nội phải “xử lý nghiêm tất cả những cá nhân và tập thể có liên quan.” Rồi bà Bộ trưởng này cũng cho rằng Bộ Y tế của bà “tuân thủ các quy định của pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, nghiêm minh. Người nào làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bị pháp luật trừng phạt.” Lập ra bộ y tế chỉ để đi “xử lý” thôi sao? Vậy thì ai cũng làm bộ trưởng chẳng được! 
 
Bà Bộ trưởng Y tế VN.
Hình: tuoitre.vn
Ai cũng biết trách nhiệm chính ở đây là những vị đứng đầu. Để xảy ra quá nhiều sai phạm trong ngành của mình, Bộ trưởng Y tế mà có lòng tự trọng thì đã từ chức từ lâu rồi. Nhưng bà Bộ trưởng này đã không có lòng tự trọng, bà vẫn bám rất chắc cái ghế Bộ trưởng, mặc cho cả xã hội lên án, chửi rủa!

Nếu bà Bộ trưởng không chịu từ chức, có người cho rằng: Cách chức bà bộ trưởng sẽ có tác dụng xốc lại ngành y tế đang rệu rã tinh thần. Tìm người đứng đầu mới, với ưu tiên kỷ luật sắt trong áp dụng đúng quy trình khám chữa bệnh, công khai cho người dân biết để kiểm tra, chứ chưa cần tầm nhìn gì to lớn, chắc chắn ngành y sẽ khá hơn hiện nay. 

Lại có người nói cách chức bộ trưởng là chuyện...không tưởng ở VN. Nếu vậy thì ngành y tế sẽ tiếp tục rệu rã mà không gì “xốc” lại được. Và chắc chắn những tên “ác quỷ áo trắng” là “tay chân” của bà Bộ trưởng kia sẽ vẫn còn tồn tại để tiếp tục đe doạ tính mạng và làm hại người dân mà thôi!

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More