Chuyện Quốc hội thông qua Hiến pháp

Osin Huy Đức
Đây là ý kiến (STT) của nhà báo Nguyễn Vạn Phú, nhà báo Đoan TrangBlogger Sao Hồng, Osin Huy Đức đăng trên Facebook của mình sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp.

*

Nhà báo Nguyễn Vạn Phú: 
Ủa, sao lạ vậy. Theo báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới đây (ghi ngày 17-10-2013) tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thì:
- Có 88/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 1 nêu rõ các thành phần kinh tế và vai trò của từng thành phần kinh tế như đã ghi trong Cương lĩnh;
- Có 145/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 2 quy định khái quát vai trò của các thành phần kinh tế nhưng cần khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước;
- Có 158/357 đại biểu Quốc hội tán thành với Phương án 3 quy định khái quát mà không quy định cụ thể vai trò của thành phần kinh tế để vừa thể hiện được nội dung Cương lĩnh, vừa phù hợp với tính chất và cách thể hiện của Hiến pháp.
Nói cách khác, khi được hỏi ý kiến (ghi phiếu đàng hoàng à nghe) thì đa số đại biểu nói là không nên quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Nhưng nay khi bỏ phiếu thông qua Hiến pháp thì gần như tất cả đều đồng ý với nội dung “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Cái này chưa hiểu vì sao 158 vị này thay đổi ý kiến nhanh thế?
Cuối năm tôi thường đọc lướt qua chồng báo của cả năm để cảm nhận được những vấn đề chính của năm đó. Thật bất ngờ khi đọc lại thấy tin lớn nhất của tuần lễ đầu tiên của năm 2013 là gì, các bạn biết không? Đó là dự thảo Hiến pháp mới nhất (lúc đó) không còn quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nữa.
Vì sao đến cuối năm lúc Hiến pháp sắp sửa được thông qua người ta lại quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo? Đó là câu chuyện hấp dẫn của năm nay mà có lẽ vài ba năm nữa mới được tiết lộ đầy đủ.
Vấn đề là bây giờ dường như mọi người không còn quan tâm nữa. Ai ưa nói gì thì nói. Chẳng hạn một ông “chuyên gia kinh tế” nói như thế này mà cũng chẳng có ai thèm phản ứng mảy may: “Về nội hàm thống kê nhà nước, Kinh tế nhà nước bao gồm:…. các đơn vị tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội như Đảng Cộng sản VN, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Mặt trận Tổ quốc; Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, như: Liên minh HTX, Hội nhà văn, Hội điện ảnh, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, Hội nhà báo, Hội sân khấu, Hội luật gia...”
Hì hì. Đúng là ai ưa nói gì thì nói. Và có lẽ cũng không ai quan tâm ông “chuyên gia kinh tế” này là ai nữa.
Thêm nữa: Trong số 25 thành viên Chính phủ được lấy ý kiến về một số vấn đề của Hiến pháp (các thành viên này đồng thời là đại biểu Quốc hội, có tên tuổi đầy đủ) thì:
-24/25 vị không đồng ý quy định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Nay cả 24 vị này đều đổi ý.
-12/25 vị không nhất trí với quy định thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế và đề nghị chỉ thu hồi đất “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”. Nay 12 vị này cũng đổi ý luôn.
Đây là tài liệu công khai trên trang duthaoonline.quochoi.vn chứ không có gì gọi là nhạy cảm cả nhé.
* * *
Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang: 
Một trong các đặc điểm giúp ta dễ nhận ra độc tài nhất, đó là tỷ lệ người đi bầu và tỷ lệ bỏ phiếu tán thành chủ trương chính sách bao giờ cũng cao thật là cao.
Độc tài đúng là rất thích các con số, thích lượng hóa, kiểu như “ba phe, bốn mâu thuẫn”, “năm dòng thác cách mạng”, “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, v.v. Độc tài cũng thích những con số thống kê có lợi cho họ, tức là phải rất cao, ít nhất là trên 90%, còn thì càng gần sát mức tuyệt đối càng tốt.
Năm 1973, Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines tuyên bố thông qua Hiến pháp mới với tỷ lệ 95% đại biểu Hội đồng Nhân dân ủng hộ. Cũng năm đó, Philippines tiến hành trưng cầu dân ý với câu hỏi “có muốn Tổng thống Marcos tiếp tục tại vị không”, và 90,67% câu trả lời là có.
Năm 1979, cuộc trưng cầu dân ý của Giáo chủ Khomeini ở Iran thu được kết quả 98% người bỏ phiếu tán thành việc xây dựng nước cộng hòa Hồi giáo Iran.
Năm 2002, Tổng thống Iraq Saddam Hussein được 100% phiếu bầu.
Năm 2012 Tổng thống Turkmenistan Berdimuhamedov tái đắc cử với tỷ lệ 97% số phiếu ủng hộ. Năm 1992, người tiền nhiệm của ông này, Niyazov, còn được “tín nhiệm” cao hơn thế nữa: 99,5%.
Anh em nhà Tổng thống Cuba, Fidel và Raul Castro, thường xuyên được 99% phiếu bầu.
Các cuộc bầu cử ở Liên Xô ngày trước, tỷ lệ trúng cử của các đảng viên vào các soviet địa phương trung bình là 99%.
Và hôm nay, 28/11/2013, là ngày Quốc hội Việt Nam (với 95% thành viên là đảng viên cộng sản, số còn lại là không tham gia đảng phái nào hoặc (có lẽ) sắp được kết nạp vào Đảng Cộng sản) bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp sửa đổi với kết quả như trong hình.
*
Blogger Sao Hồng:
KHI QUỐC HỘI… “LAI” (LIKE)
Trong suốt 6 tuần mài đũng quần của các ông bà Nghị (kỳ họp thứ 6 của Quốc Hội Việt Nam khóa 13), có lẽ ngày hôm nay, Thứ Năm, 28/11/2013, là buổi họp được… chờ đợi nhất đối với các cử tri… xã hội chủ nghĩa Cu Mác (Mark Facebook). Hi hi…

Chủ Nhật này, các ông bà Nghị mới xả hơi. Nên mình chưa chém gió về nội dung cái… “Luật Mẹ” (Hiến Pháp 2013) vừa được gần như “chăm phần chăm” LIKE của các nghị sỹ.

Hôm nay mình chỉ chia sẻ cái sự lăn tăn khi QH13 nhấn nút LIKE (HP2013).
Lăn tăn của mình là: trong khoảng thời gian từ 8:00 đến 10:30 ( 28/11/2013), QH13 đã LIKE mấy dự luật (ngoài bản HP2013) ??

Sở dĩ mình hỏi thế là có lý do. Sáng sớm nay đọc báo biết có sự LIVE của VTV1. Khoảng gần 10 giờ bật TV không thấy VTV1 Live gì cả. Chỉ thấy chạy quảng cáo. Nhưng một lúc sau lại thấy VTV1 LIVE Quốc Hội. Không khí nghị trường thấy rất rầu rầu. Đa số Nghị sỹ buồn xo. Ông Chủ tịch thì đang nói nhỏ nhẹ và có vẻ mệt mỏi.

Khi ống kính "dzum" lên cái màn hình xanh lét mình thấy hiện "Kết quả Bỏ Phiếu”, tại “thời điểm: 00:00’ là 491/491 (~98,59%) LIKE (tán thành/tham gia). Không có ai DISLIKE cả. (xem hình 4)
Rồi vẻ mặt rất mệt mỏi, ông chủ tịch QH13 tuyên bố “xin mời các đại biểu…nghỉ” ! Khi ông TT xếp tập tài liệu trên bàn thì mình tắt TV...

Trưa nay vô mạng thì thấy kết quả LIKE HP2013 khác với mình coi trên VTV1. Từ báo Nhân Dân, Thanh Niên, Tiền Phong cho đến báo của... Cu Mark đều đưa ra con số rất khác: 486/488 (97,59/97,99%) LIKE (tại thời điểm 00:00’). (hinh 3)

Đáng chú ý là trước đó 32 giây (Thời gian 00;32), có 02 ĐB nhấn DISLIKE (“KHÔNG TÁN THÀNH”); 10 ĐB “KHÔNG BIỂU QUYẾT”). Nhưng kết quả cuối cùng mình xem trên TV không có ai DISLIKE & “KHÔNG BIỂU QUYẾT”! (xem hình minh họa)

Mình có lướt FB trên mobile một chặp và định… “cãi” nhau với bạn bè. Nhưng rồi để tối “xác minh” lại xem đã. Giờ thì xem lại các báo kể cả Video đều thấy kết quả 486/488 (97,59%/97,99%) LIKE !

Bình luận của mình về con số LIKE HP2013:

- Đó là con số rất đẹp như thường thấy của QHVN. Con số đó mình chẳng bất ngờ và cũng biết trước NÓ PHẢI THẾ! (bác nào còn lăn tăn thì nên đóng Facebook mà nghiên cứu lại các… CƯƠNG LĨNH của ĐCSVN qua các kỳ từ 1960 nhé!)
- Với HP2013, ít nhất cái “màn hình” của Vê-Tê-Vê có vấn đề. Chẳng cần tính toán cũng biết nó là con số… tào lao (491/491 + 0 + 0 ĐB ~ 98, 59% + 0,00% + 0,00% = 100%?)
- 97, 98 hay 100% thì con số đó không có nghĩa là “ý nguyện của toàn dân” như ông chủ tịch phát biểu. Bỡi vì mỗi đại biếu chỉ được bầu tại một cụm dân cư với 100 đến 200 ngàn cử tri thôi!
- Thực ra đa số dân chúng nhất là người lao động chân tay, họ có quan tâm đâu chuyện LIKE hay DISLIKE HP2013 đâu mà!

Khi ngành giáo dục có kết quả từ 90 đến 100 % học sinh tốt nghiệp phổ thông thì nhiều ông bà Nghị phán cần chi phải tổ chức kỳ thi TỐT NGHIỆP cho lãng phí tiền của sức lực các cháu.
Cũng con số gần 100% gần như ai cũng biết trước là như thế, thì tại sao các ông bà Nghị QH13 lại phí phạm thời gian và tiền của nhỉ ?
...
Hic!
 





* * *
Osin Huy Đức
Tại sao nhiều người lại tỏ ra quá bức xúc khi 97% đại biểu quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp? Tôi nhớ khi nghe Trần Quang Đức nói, ngay tượng Lý Thái Tổ ở Hồ Gươm, người ta cũng cho ngài mặc bộ trang phục có cái dải quần của đàn bà. Tôi quắc mắt: “Những người có học ở đâu, sao lại để cho người ta làm thế?”. Đức nói: “Anh ơi, nếu làm gì họ cũng hỏi dân chúng để làm cho đúng thì hóa ra chúng ta không phải đang sống trong thời mạt pháp sao!”.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More