Nguy đâu cứu đấy - Nguy đấy cứu đâu? - Cứu đâu nguy đấy!

Vũ Thạch

 

Câu phán của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với hàng ngũ đảng viên ở cuối Hội nghị Trung ương Đảng 8, “Dựng nước đi đôi với giữ nước, giữ nước từ khi nước chưa nguy”, để lại trong đầu người nghe nhiều câu hỏi. (Bác Tổng Lú cứ hay làm thế. Nói những câu nghe lạ mà "kêu", nhưng sau đó dù cố gắng cũng ít ai hiểu được bác muốn nói gì.)
Trước hết, bác và các đồng chí của bác không hề dựng nên đất nước này nên nửa câu đầu "dựng nước ĐI ĐÔI với giữ nước" bác đang muốn nói với ai? Không lẽ bác đang nhắn gởi tổ tiên, cha ông đã khai sáng ra đất nước Việt Nam? Tổ tiên đều đã khuất và các ngài có cần lời nhắn nhủ của bác Tổng không?

Thế là người nghe "bó tay" ngay về nửa câu đầu, chỉ còn nửa câu sau: "giữ nước từ khi nước chưa nguy". Vừa nghe đến đây, trong lòng nhiều người Việt Nam đã bật ngay lên câu hỏi "nước nguy chưa?" hay "phải đến thế nào mới đủ gọi là nguy?"

Ngay tại cửa phòng họp hội nghị Thành Đô năm 1990, chính miệng ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã đau đớn thốt lên: "Thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu". Lời tiên đoán đã thành hiện thực. Đến ngày hôm nay, Bắc Kinh đã lấy nhiều phần đất biên giới phía Bắc mà 13 năm sau lãnh đạo đảng CSVN vẫn không dám tiết lộ các bản đồ; lấy một vùng biển rộng lớn trong vùng vịnh Bắc Bộ; chiếm vĩnh viễn quần đảo Hoàng Sa; chiếm nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa; biến nhiều vùng biển xưa nay của Việt Nam thành "vùng tranh chấp" rồi thành "vùng khai thác chung"; chiếm gần trọn biển Đông làm lãnh hải của Tàu và thẳng tay bắn, giết, cướp, đánh, đâm đắm thuyền ngư dân Việt; mở hàng trăm khu biệt lập dọc theo biên giới, trên nóc nhà Đông Dương, và giữa các tỉnh thành; mở sẵn nhiều con đường lớn xuyên biên giới, nối kết các khu biệt lập bằng xe tải vận chuyển "hàng hóa kín" ngày đêm; ... 

Đối với đại khối dân tộc Việt thì tình hình đã nguy lắm rồi!

Nhưng riêng bác Tổng Lú thì ngay cả khi đang ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội, giữa lúc hải quân Tàu bắn giết hàng loạt ngư dân Việt, bác vẫn khẳng định: "Tình hình Biển Đông không có gì mới" và cấm đưa chuyện đó vào nghị trình. Và đến giờ phút này bác vẫn bảo: "nước chưa nguy". Bác không chỉ nói bằng lời mà còn có hành động cụ thể, từ việc ký kết cho mở thêm các khu biệt lập, cho xây thêm Viện Khổng Tử, cho các hãng xưởng Tàu trúng thêm nữa và hầu hết các hợp đồng xây dựng lớn trên đất Việt để họ lại có lý cớ mở thêm các khu "công nhân" mới. (Trong lúc lao động Việt vẫn long đong xin việc ở nước ngoài).
Tóm tắt là bác Tổng rất an nhàn tự tại với tình hình "nước chưa nguy". Và cách "giữ nước từ khi nước chưa nguy" của bác Tổng là mời thêm Bắc Kinh vào đất Việt, mời nắm thêm các lãnh vực mà họ còn chưa nắm chặt lắm.
Nhưng nếu với tâm trạng như thế thì bác Tổng đặt thành vấn đề và Ban Tuyên Giáo chỉ thị cho báo đài đăng lời bác về "nguy" để làm gì? Ngẫm nghĩ mãi và đặt mình vào bối cảnh bác Tổng đang nhắn nhủ đảng viên cấp cao ở cuối Hội nghị Trung ương đảng, người ta mới chợt nghĩ ra ý của bác ấy phải là: "Dựng chế độ đi đôi với giữ chế độ". Và như thế mới giải thích được ý nghĩa và nhu cầu của nửa câu sau: "Giữ chế độ từ khi chế độ chưa nguy". Rõ ràng đây là lời cảnh báo khi bác Tổng nhìn sang Bắc Phi, Libya, Syria, và nước láng giềng Miến Điện. Nói nôm na là chế độ sắp tới mức nguy rồi đấy, đừng để nước đến chân mới nhẩy. Bác Tổng chỉ đồng hóa "chế độ" với "nước" vì thói quen xưa nay và vì không muốn "các thế lực thù địch" biết rõ quá là bác đang lo lắng.

Điều gì khiến bác, và hiển nhiên các lãnh tụ khác quanh bác, lo lắng về chế độ đến thế?

Phải chăng vì nền kinh tế thị trường theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” (do chính bác đặt tên) đã lụn bại đến hết thuốc chữa vì ngân sách cạn kiệt và tham nhũng đã vào đến gan ruột, óc não chứ không phải ghẻ ngoài da như bác trấn an quần chúng đảng viên. Thế giới đã không còn tin tưởng để đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Hiện nay các hệ thống làm ăn có gốc rễ từ Bộ Chính trị chỉ còn trông cậy vào con đường "cạp đất mà ăn", tức cưỡng chế hết khu này đến vùng khác cho các "quỹ đất". Tập thể dân oan đang lan nhanh khắp mọi miền đất nước và lan đến đủ loại thành phần trong xã hội. Mức độ uất ức cũng tăng nhanh và cao như những tòa nhà đang xây trên đất vừa chiếm đoạt.

Phải chăng vì ngày càng đông đảng viên đi theo tiếng gọi lương tâm của "diễn biến hòa bình". Họ bảo nhau rời bỏ đảng nếu còn muốn giữ chút đạo đức với dân và chút danh dự với con cháu. Bên cạnh đó, ngày càng đông hàng ngũ trí thức cả trong và ngoài cơ chế lên tiếng kêu gọi bỏ điều 4 hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng và tiến dần đến thể chế dân chủ vì đó là con đường duy nhất ở đầu thế kỷ 21 để đưa đất nước ra khỏi lạc hậu, bất công và đói nghèo. Họ liệt kê hàng loạt dữ kiện từ khắp thế giới và từ lịch sử cận đại của Việt Nam. Cả hệ thống lý luận của đảng không biết cãi lại thế nào ngoài biện pháp lôi điều luật 74, 79, 88, 258 ra dùng để bịt miệng.
Phải chăng vì các trò bạo hành của công an với sự trợ lực của vòng rào côn đồ, các đòn hù dọa bằng "các phiên tòa vài giờ để đọc các bản án vài năm", các thủ thuật bao vây kinh tế, bôi nhọ tên tuổi, dán nhãn khủng bố, ... đều mất nhanh tác dụng tạo sợ hãi. Sự liên kết của người Việt từ khắp 3 miền, từ trong ra tới ngoài nước, từ đời thật đến mạng ảo, và với ra cả công luận quốc tế đang nhanh chóng hóa giải các phương tiện mà chế độ đã đầu tư nhiều tiền bạc, công sức xây dựng trong nhiều thập kỷ qua.
Phải chăng vì 800 báo đài và đội quân 80.000 dư luận viên dưới sự điều động của ngành công an mạng đã trở nên vô dụng trước mạng lưới dân báo. Mạng lưới này không chỉ bao gồm những cư dân mạng mà còn có cả hàng triệu người dân và nhiều đảng viên với chiếc máy điện thoại lưu động nhỏ gọn trong tay, sẵn sàng chụp hình những cán bộ ác ôn cướp nhà cướp đất, những cảnh công an đánh dân đòi tiền, những tội ác của những kẻ xả lũ không báo trước, và thu âm từ những câu nói vô giáo dục của các cán bộ phòng tiếp dân đến các bài giảng trơ trẽn của các quan chức lớn cho nội bộ đảng viên.
Và còn nhiều lý do để lo lắng khác nữa, nhưng các mối lo đó đều hướng về cùng một cốt lõi. Đó là sự kiện đã trở thành hiển nhiên: hiện nay sự an toàn và nguy hiểm của đảng, của chế độ ngược chiều 180 độ với sự an toàn và nguy hiểm của đất nước, của dân tộc.

Suốt từ hội nghị Thành Đô, lãnh đạo đảng càng dựa sâu vào lòng Bắc Kinh để giữ an toàn cho chế độ thì đất nước càng mất thêm chủ quyền và càng bị đẩy đến bờ vực hiểm nguy của đồng hóa rồi đô hộ. Khi lãnh đạo đảng càng ban phát cơ hội tham nhũng cho hàng ngũ cán bộ, công an để thêm nhiều kẻ trung thành bảo vệ chế độ thì càng đông người dân bị đẩy vào cảnh trắng tay, khốn cùng, và ngay cả chết thảm trong đồn công an, trên bàn mổ bệnh viện, dưới các khối nước xả lũ, hay trôi theo sông trên đường tới trường. Khi lãnh đạo đảng càng "giải quyết dứt khoát" (như lời Nguyễn Chí Vịnh) lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam để tăng sự an toàn cho chế độ thì dân khí quốc gia càng bạc nhược trong nhiều năm trước mặt. Và còn nhiều những đau xót ngược chiều khác nữa.
Nhưng đất nước và dân tộc càng bị đẩy vào tình trạng nguy kịch thì lãnh đạo đảng càng khó biện minh cho khả năng điều hành và bản chất guồng máy cai trị độc tài của họ, càng khó giữ lại tập thể những đảng viên còn lương tâm, và càng khó chận đứng sự phẫn nộ gia tăng liên tục trong quần chúng. Cả 3 yếu tố này đã lần lượt lật sập hết chế độ độc tài quân chủ này đến chế độ độc tài cộng sản khác trên khắp thế giới. Các biện pháp an toàn ngắn hạn cho chế độ đều trở thành cái nguy dài hạn cho chính họ.
Do đó, có thể nói chắc rằng: nếu tiếp tục con đường dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lê, sinh mạng của cả đất nước lẫn đảng CSVN đều trở nên "chỉ mành treo chuông".

Liệu còn có ai trong guồng máy nghiên cứu chính trị, tư tưởng của đảng có thể mách nước cho bác Tổng Lú không? Chỉ có con đường dân chủ mới trả lời được câu hỏi "Nguy đấy Cứu đâu?" và mới tránh được cái vòng lẩn quẩn "Cứu đâu Nguy đấy!"

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More