Ngô Quảng
Nổ ở quảng trường Thiên An Môn hôm 28-10-2013 |
Một ngày sau khi vụ nổ xe ở quảng đường Thiên An Môn
xảy ra, nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố đây là một cuộc tấn công của các tổ
chức khủng bố thuộc sắc dân thiểu số Uyghur ở Tân Cương và cho công an truy
lùng "quân khủng bố" rầm rộ khắp thủ đô. Vào ngày 30/10/2013, tức gần 2 ngày sau, Bắc Kinh lại công bố đã bắt
giữ được 5 nghi phạm khủng bố. Trong khi đó, trên trang mạng Internet của đài
truyền hình nhà nước Trung quốc thì lại viết rằng các nghi phạm bị bắt chỉ 10
tiếng đồng hồ sau sự cố. Giới phân tích tình hình ghi nhận ngay các khác biệt này
như những chứng cớ cho thấy các dữ kiện không phải phát xuất từ các nguồn liên
quan đến việc bắt giữ, nếu có bắt thật, nhưng từ hệ thống đảng ủy cùng lúc với
hệ thống Ban Tuyên Giáo Trung Ương.
Giới truyền thông Tây Phương bày tỏ nhiều ngờ vực về
toàn bộ sự việc. Phần lớn cho rằng nhà cầm quyền Trung quốc không thông tin một
cách khách quan và khó có thể kiểm chứng những điều họ tuyên bố.
Các phóng viên,
dù là của truyền thông quốc tế hay nội địa, đều bị cấm đến gần hiện trường để
chụp hình, phỏng vấn. Riêng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn đi xa hơn. Họ cho biết:
"Tại thời điểm này chúng tôi chưa có thể khẳng định rằng đó là một vụ tấn
công, khủng bố của sắc tộc Uyghur như chính phủ Trung quốc công bố. Nhưng qua
sự việc này Hoa Kỳ lo ngại việc người Uyghur sẽ bị chính phủ Trung quốc đàn áp
mạnh hơn."
Ngày 04/11/2013, trong một buổi họp báo định kỳ của
bộ Ngoại giao Trung quốc, phát ngôn viên Hồng Lỗi đã tức giận ra mặt trách rằng:
tại sao truyền thông thế giới lẫn chính phủ Hoa Kỳ không lên án bọn khủng bố mà
còn quay ngược lại chỉ trích các chính sách của Trung quốc. Cùng lúc, các nhà dân
chủ Trung Quốc cho biết lực lượng ‘’Dư luận viên’’ đã được tung ra tràn ngập trên
mạng với những lời lẽ rất giống nhau, như "(Hệ thống truyền thông) CNN ủng
hộ thành phần khủng bố Tân Cương, CNN phải cút khỏi Trung quốc ngay"; hay "BBC
không có quyền biết đến bí mật quốc gia của Trung quốc"; hay "(Hệ thống
truyền thông) NHK của Nhật là kẻ ủng hộ những phần tử muốn phân chia Trung quốc".
Và còn có rất nhiều lời kêu gọi tẩy chay không đọc, không xem báo đài nước
ngoài.
Trò khủng bố và chống khủng bố tại thủ đô Bắc Kinh
đưa kịp xẹp xuống thì những tiếng nổ đã liên tiếp vang lên vào sáng ngày 06
tháng 11 trước trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn Tây, đặt tại thành phố Thái
Nguyên. Giới quan sát chưa hiểu lý do tại sao toàn bộ báo đài nhà nước đồng loạt
không dùng chữ "khủng bố" nữa khi nói đến vụ này, mà chỉ gọi đây là hành
động của những phần tử quá khích. Đặc biệt khi vụ việc nổ xe tại Thiên An Môn
không có chỉ dấu gì liên quan đến chất nổ trong khi vụ tại Sơn Tây được chính báo
đài nhà nước tường thuật rằng các vật liệu "mìn tự chế" còn vương vãi
ở hiện trường.
Lực lượng dư luận viên đang cố gắng loan truyền
nguyên nhân những vụ nổ liên tiếp này là do những người bất mãn chế độ quan
liêu, tham nhũng hoặc người bị chính quyền cướp đoạt hết tài sản. Họ ám chỉ đây
là hệ quả của thời Hồ Cẩm Đào. Theo họ, khi lên nắm quyền Tổng bí thư đảng
CSTQ, ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố sẽ nỗ lực xóa đi khoảng cách giàu nghèo qua chính
sách ‘’Xã Hội Hài Hòa’’. Hài hòa đâu không biết nhưng chỉ thấy chỉ nội trong
năm 2011đã có trên 180 ngàn cuộc biểu tình khắp cả nước để chống bất công, tham
nhũng, chống cướp đoạt tài sản đủ cách, đủ kiểu của quan chức mọi cấp. Các dư
luận viên còn khuyến khích dân chúng trông chờ vào chính sách mới - ‘’Giấc Mộng
Trung Quốc’’ - của ông Tập Cận Bình.
Để
hỗ trợ cho nỗ lực bẻ lái công luận nêu trên, công an trong vòng 48 tiếng đồng hồ
đã công bố đã bắt được thủ phạm. Họ còn nhấn mạnh đây là hành động của một người
chứ không có tổ chức khủng bố nào phía sau cả. Nhưng giới phân tích hồ nghi khả
năng của một người có thể thu thập, gài đặt, và cho nổ phối hợp bằng đó nơi.
Chính vì tình trạng bưng bít và độc quyền thông tin
của nhà cầm quyền Trung Quốc mà cả dân chúng lẫn thế giới bên ngoài đều nghi rằng
cả 2 vụ nêu trên đều là các trò cố ý của phe Tập Cận Bình hoặc đối phương của họ
để hạ uy tín lẫn nhau hoặc để có lý cớ truy lùng, sát phạt lẫn nhau. Các đối thủ
của ông Tập muốn hạ uy tín về khả năng kiểm soát xã hội của ông ta đối với tập
thể đảng viên ngay trước Hội Nghị Trung Ương Đảng (ngày 9 đến 12/11) mà báo đài
tung hô là mang tính bẻ lái quan trọng. Ngược lại, người ta cũng nghi ngờ chính
phe của ông Tập cố tình tạo ra 2 sự việc này để có cớ bóp chặt xã hội làm diện,
và thanh trừng các đối thủ của ông là điểm trong thời gian ngay sau Hội Nghị.
Dù nguyên nhân thật là gì đi nữa, thì đây vẫn là những
chỉ dấu đầu tiên cho thấy việc chuyển quyền lực qua cho Tập Cận Bình, Lý Khắc
Cường không suông sẻ, khác hẳn với sự chuyển quyền lãnh đạo đã trở nên quá bình
thường trong các thể chế dân chủ trên khắp thế giới.
Và hiển nhiên, thế giới chẳng dại gì tiếp tay cho bất
kỳ cánh khủng bố nào đang đấu đá tới hồi sinh tử ở thượng tầng lãnh đạo đảng Cộng
sản Trung Quốc.
0 comments:
Đăng nhận xét