Tiềm Năng của Ba Lan

Tôn Vân Anh
So với những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền khác của Việt Nam thì có lẽ tôi được xếp vào hạng được truyền thông của "Tây" ưu ái. Không phải ngày nào tôi cũng được "lên đài" nhưng qua chục năm hoạt động, số lần tôi lên truyền thanh truyền hình riêng tại Ba Lan có thể đạt mức "vô kể". 

Tiềm năng Ba Lan

Ở tôi không có gì nổi trội so với các anh chị em hoạt động tại những nước khác, nhưng có một điều chắc chắn là tôi may mắn khi trưởng thành và hoạt động xã hội chính trị trong môi trường thiện chí, tại Cộng Hòa Ba Lan. Ở nước tôi đang sinh sống, "nhân quyền", "dân chủ" hay "hỗ trợ nạn nhân cộng sản" là những cụm từ thực sự được quan tâm nghiêm túc. 

Ở các nước khác, "dân chủ", "nhân quyền" cũng rất quan trọng nhưng Ba Lan có hành trang lịch sử vừa viết xong. Người Ba Lan dễ dàng liên hệ và chia sẻ trải nghiệm khó phai của nạn nhân độc tài với các quốc gia chưa được giải thoát như Việt Nam.
Sự đồng cảm luôn túc trực trong lòng người Ba Lan, công việc của những người hoạt động như tôi là làm sao tận dụng được tình cảm đó và hướng nó cho Việt Nam mà thôi.

Nếu không có truyền thông, dĩ nhiên tôi không thể thực hiện được việc đánh động lương tâm và loan báo thông tin về hiện trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Không có truyền thông, tôi sẽ không phát huy hay kích thích được sự đồng cảm, thông hiểu của người Ba Lan dành cho người Việt. 

Tôi không rõ mình bắt đầu được truyền thông ưu ái từ bao giờ và do đâu số điện thoại cũng như email của tôi được lưu trong sổ sách của các kí giả và các ban biên tập của gần như là tất cả các cơ quan truyền thông Ba Lan. Nghe các cuộc điện thoại gọi lần đầu, tôi rất thỏa mãn khi được biết các biên tập viên tìm tôi với mục đích cụ thể - để làm đề tài chưa rõ hoặc tìm tôi để tranh luận trao đổi về một sự việc nhất định và họ nói chung đã biết kha khá về tôi. Điều này rất quan trọng – không ảo tưởng về người cần tiếp cận khiến việc soạn bài, soạn chương trình rất chặt chẽ và đề tài trao đổi cũng đúng với khả năng của tôi.

Có lần, một biên tập chương trình tâm lý mời tôi đi nói chuyện về hôn nhân giữa các nền văn hóa, xung quanh việc lấy vợ/chồng ngoại quốc có "hay" không. Tôi rất băn khoăn vì vừa không muốn phật lòng chủ chương trình, vừa tiếc chương trình "lá cải" đông người xem được phát vào giờ cao điểm. Nhưng cuối cùng tôi từ chối tham gia vì thấy chương trình chẳng mang lợi gì cho nạn nhân cộng sản mà sự có mặt của tôi trong chương trình đó có khi khiến việc nhìn nhận tôi khó thống nhất. Tôi muốn được nhìn nhận như người hoạt động nhân quyền, chứ không phải người ôm đồm mọi đề tài. 

Hội ý để tận dụng

Một thuận lợi khác là tôi luôn có người để hội ý về những quyết định của mình. Đám bạn của tôi là những nhà báo, nhà hoạt động xã hội, chính trị dày dạn kinh nghiệm. Khi không biết quyết định thế nào, tôi có thể phó mặc cho họ đưa ra quyết định giúp tôi. Tôi luôn hội ý với người Ba Lan, ít khi hội ý với người Việt, vì người Ba Lan cảm nhận tốt hơn về những gì đang tiềm ẩn trong xã hội, quê hương của họ. 

Đó là những tiềm năng tôi có khi hoạt động tại Ba Lan mà nếu ở những quốc gia khác thì tôi không rõ liệu mình sẽ được thuận tiện bằng đấy hay không. Tôi cũng biết rằng nhiều người, vì những hoạt động dân chủ nhân quyền của tôi mà đâm ra quý tôi hơn, nhiều khi không rõ họ quý việc mình làm hay quý mình. Nhưng dĩ nhiên đó không phải thắc mắc quá lớn, vì nếu mình không là mình thì cũng sẽ không có những việc do mình làm ra. Tôi chỉ băn khoăn khi cảm thấy tôi được ưu đãi hơn mức xứng đáng và phải đứng trước lựa chọn hoặc phát huy những gì đã có, hoặc bỏ lỡ cơ hội người khác trao cho mình.

Trong bài sau, tôi sẽ trao đổi về các trải nghiệm tôi gặt hái được từ những lần tiếp cận truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình. Từ chuyện búa rìu dư luận, ăn vận tới chuyện nói năng và hành xử trong trường quay – những điều đối với tôi trước kia là mới mẻ và bí ẩn, nay là điều mà có lẽ tôi nên chia sẻ với các nhà hoạt động khác để cùng phát huy. 

Ba Lan
Tôn Vân Anh

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More