Vẽ đường Lưỡi Bò mới ... trên không trung

Ngô Quảng
Năm 1948, lần đầu tiên người ta thấy đường 11 đoạn công khai xuất hiện trên phụ đồ của bản đồ vị trí các đảo Nam Hải do Cục Phương vực Bộ Nội chính của chính quyền Tưởng Giới Thạch tự ý vẽ. Sau khi Mao Trạch Đông cướp được chính quyền tại Hoa lục, nhà nước Cộng sản Trung quốc vẫn duy trì đường 11 đoạn này. Đến năm 1953, Bắc Kinh bỏ bớt 2 đoạn nằm sâu trong vịnh Bắc Bộ của Việt Nam để trở thành bản đồ 9 vạch mà đại khối người Việt gọi là Đường Lưỡi Bò.

Điều đáng lưu ý là tuy đường 11 đoạn lúc đầu hay đường lưỡi bò đã xuất hiện trên bản đồ do Trung quốc tự ý vẽ, nhưng chính quyền ông Tưởng Giới Thạch lẫn ông Mao Trạch Đông chưa bao giờ chính thức nói rõ ý nghĩa của ranh giới đó là gì. Nó là ranh giới cho chủ quyền đối với các đảo hay cho cả chủ quyền đối với các vùng nước. Vì thế, hầu như cả thế giới làm ngơ những bản đồ này ngoại trừ những văn bản thừa nhận rất hiếm hoi như bức Công Hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 của những người lãnh đạo nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa .

Mãi đến năm 1988, Bắc Kinh mới mở đầu bằng việc cho một số học giả Trung quốc, bất chấp mọi bằng chứng lịch sử, lên tiếng bảo rằng đó là ranh giới lãnh hải và lãnh đảo của Trung quốc.
Rồi nhà nước Cộng sản Trung quốc lập tức đồng ý với các bằng chứng lịch sử đó và khẳng định đó là vùng "quyền lợi hạch tâm", "quyền lợi cốt lõi", hay "quyền lợi bất khả xâm phạm" của họ, Kể từ đó máu của cả binh lính lẫn ngư dân Việt lại đổ thêm trên biển Đông; lãnh đạo đảng CSVN lại nhượng thêm đảo, thêm biển, thêm tài nguyên và xem như chuyện đã rồi. Những vùng biển hàng ngàn năm của Việt Nam bỗng nhiên trở thành "vùng tranh chấp" rồi đổi thành "vùng khai thác chung" nhưng độc quyền cho tàu cá và tàu dầu Trung Quốc. Tàu đánh cá Việt bị bắn hoặc đâm chìm. Tàu dầu Việt chỉ mới tới thăm dò dầu khí đã bị cắt cáp và làm nhục ngay trước mũi các tàu quân sự Việt hộ tống và không dám trở lại nữa.

Nhưng trò lấn lướt đó của Bắc Kinh không làm được đối với Nhật Bản. Khi Bắc Kinh bỗng nhiên tuyên bố tuyên bố quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) là quyền lợi hạch tâm của họ, chính quyền Nhật Bản lập tức gởi thêm quân thêm tàu chiến đến bảo vệ đảo và vùng  biển quanh đảo. Họ tuyên bố tàu bè Trung quốc nào xâm lấn lãnh hải của Nhật sẽ bị lực lượng tuần duyên của Nhật đối phó ngay. Sau vài lần đưa tàu lớn tàu nhỏ -- và có lúc còn hăm dọa sẽ phóng cả ngàn tàu tới cùng lúc -- đến thử sức hải quân Nhật, đã khá lâu không còn nghe các tàu chiến, tàu dầu , tàu cá hay ngay cả tàu sân bay của Bắc Kinh thử lại kiểu gây hấn này nữa.

Có lẽ chính vì bí lối trên mặt biển đó mà vào thứ bảy ngày 23/11/2013, Bắc Kinh đột ngột và đơn phương vẽ thêm một đường lưỡi bò khác trên không và gọi đó là ‘’Vùng Nhận Dạng Phòng Không’’ trên vùng biển Hoa Đông, bao gồm khu vực quần đảo Senkaku (Điếu Ngư). Bắc Kinh đòi buộc mọi phi cơ quốc tế bay qua vùng trời mới này phải khai báo trước với họ.

Thủ tướng Nhật, ông Abe, trong phiên chất vấn ở Quốc hội Nhật đã phản ứng ngay rằng tuyên bố của Trung quốc về ‘’Vùng Nhận Dạng Phòng Không’’ trên biển Hoa Đông là hết sức nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả xấu ngoài ý muốn". Bộ Ngoại Giao Nhật lập tức triệu đại sứ Trung quốc ở Tokyo đến để phản đối chính thức.

Vẫn với thủ thuật vừa ăn cướp vừa đóng vai nạn nhân, ngày 25 tháng 11 (tức 2 ngày sau khi tung ra Vùng Nhận Dạng Phòng Không", sứ quán Trung quốc tại Tokyo đăng một thông tri trên trang nhà của họ kêu gọi các công dân Tàu đang trú ngụ trên đất Nhật hãy nhanh chóng đăng ký địa chỉ cư ngụ, số điện thoại  của mình với sứ quán để được cứu giúp nhanh chóng khi hữu sự. Điều làm nhiều người phì cười là thông tri này còn cố ý ghi ngày công bố là 08/11/2013, nghĩa là không dính dáng gì đến công bố lưỡi bò trên không nói trên. Công luận quốc tế cũng phì cười về kiểu suy nghĩ lạc hậu hàng nửa thế kỷ của Bắc Kinh khi họ cố tạo ấn tượng một chính phủ dân chủ pháp quyền và đang có đủ loại quan hệ quốc tế như tại Nhật Bản lại lập tức đi truy lùng hãm hại kiều dân nước khác trên đất mình vì có chạm trán giữa 2 nước. Giới bình luận bảo ngay rằng Bắc Kinh đang mô tả chính họ.  

Về thái độ của Hoa Kỳ trước lưỡi bò trên không này, Ngoại trưởng John Kerry cho biết Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về hành động vừa rồi của Trung quốc. Việc làm tăng sự bất ổn trong vùng, hành động đơn phương muốn làm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông là rất nguy hiểm. Cùng lúc đó quân đội Mỹ cho 2 máy bay quân sự B52 bay ngang qua vùng không phận nói trên rồi  tuyên bố công khai là vừa làm điều đó và không hề khai báo gì như Bắc Kinh đòi hỏi.

Hơi mất mặt trước phản ứng mạnh của Nhật và Mỹ, những kẻ lãnh đạo tại Bắc Kinh bèn quay sang các vùng biển dễ bắt nạt hơn. Phát ngôn viên Hồng Lỗi của bộ Ngoại giao Trung quốc thông báo Trung quốc cũng sắp công bố ‘’Vùng nhận dạng phòng không’’ cho vùng biển Hoàng Hải và vùng biển Đông.

Hàn quốc hiện đang có mối bang giao khá thân thiện với Trung quốc với nhiều trao đổi mậu dịch và nhu cầu giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên nhưng vẫn lập tức lên tiếng phản đối kịch liệt về ý định của Bắc Kinh muốn đụng đến vùng trời trên biển Hoàng Hải.


Chỉ Hà Nội là không thấy giới lãnh đạo tuyên bố gì cả. Nhiều phần có lẽ vì họ còn đang bận rộn với chiến dịch dò xét nội bộ rất sâu rộng để nhận dạng những đảng viên bức xúc về các thỏa thuận vừa ký với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngay sau đám ma tướng Võ Nguyên Giáp.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More