Hai năm giải quyết Fukushima: một công việc dơ bẩn vẫn chưa thấy kết cuộc

DienDanCTM - Hoàng Thuyên lược dịch
The Guardian
Một thỏi nhiên liệu hạt nhân được kéo lên từ
lò phản ứng số bốn. Hình: TEPCO/HANDOUT/EPA
Cơn sóng thần tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi dẫn đến việc dọn dẹp hạt nhân khó khăn nhất từ trước đến nay. Nước phóng xạ vẫn còn nhiễm độc vùng nước biển – và có thể mất 40 năm để giải quyết sự việc. Nhật bản có đủ khả năng không?
  
Việc tháo gỡ các hộp chứa thỏi nhiên liệu hạt nhân tại nhà máy Fukushima đã bắt đầu. Kế hoạch đã được vạch ra trước đó cả tháng trời. Công việc tháo gỡ quan trọng, phức tạp, và đầy rủi ro. Đây là bước đầu trong việc chấm dứt hoạt động của một nhà máy điện hạt nhân khó khăn nhất từ trước đến nay.

Fukushima có sáu lò phản ứng hạt nhân với ba lò đang hoạt động khi cơn sóng thần ùa đến vào ngày 11 tháng Ba 2011. Tòa nhà của lò số bốn là nơi để làm việc tháo gỡ nhiên liệu. Mặc dầu lò số bốn không hoạt động, tất cả các nhiên liệu phóng xạ được lưu trữ trong bể chứa ở tầng trên. Bình thường thì bể chứa bên trên lò phản ứng rất an toàn. Nhưng bốn ngày sau tai nạn thì có một vụ nổ phá nát tòa nhà. Ưu tiên hàng đầu là dời khối nhiên liệu phóng xạ từ tòa nhà đổ nát này qua một nơi khác an toàn hơn.

Nhân viên phải dùng cần cẩu để nâng các hộp chứa thỏi nhiên liệu từ bể chứa lên rồi cho vào một cái thùng đặc biệt chứa được 22 hộp. Thùng chứa sau đó sẽ được đưa qua nơi trữ an toàn. Tiến trình làm thì không gì phức tạp. Tuy nhiên có khoảng 1.533 hộp nhiên liệu trong toà nhà số bốn. Nhóm 36 nhân viên phải làm việc các ca ngày đêm liên tục cho đến cuối năm 2014 thì mới xong. Đó là nếu không gặp phải trục trặc gì. Nhưng đó chỉ mới là nhiên liệu trong lò số bốn. Còn các lò phản ứng một, hai, ba cũng có khoảng 1.573 hộp nhiên liệu nằm trong các bể chứa. Ba lò này đang chạy khi cơn sóng thần ập vào và cả ba bị chảy nóng. Độ phóng xạ bên trong các toà nhà đó vẫn còn rất cao, và việc ra vào bị giới hạn.

Mặc dầu công việc tháo gỡ nhiên liệu đòi hỏi sự khéo léo và cẩn thận, đây cũng chưa phải là công việc khó khăn nhất. Công việc đầy thử thách hơn là đào lấy các lõi bị chảy bên trong lò phản ứng. Công việc này phải đợi đến năm 2020 mới bắt đầu.

Để ngừng hoạt động lò hạt nhân Fukushima hoàn toàn có thể phải cần đến 40 năm và không ai mong đợi đây là một công việc dễ dàng. Việc dọn dẹp cho đến nay có đầy trục trặc. Giới chuyên gia hoài nghi về khả năng của TEPCO (Tokyo Electric Power) và đề nghị có một nhóm chuyên gia quốc tế đứng ra xử lý việc này.

Theo lời của một nhà khoa học Hoa Kỳ thì TEPCO là một công ty điện lực hạt nhân, chứ không phải một nhóm quét dọn. Mỗi khi gặp vấn đề thì họ mất nhiều thời gian để có giải pháp mà cũng chưa chắc là giải quyết trọn vẹn. TEPCO cần phải mời thêm nhiều giới chuyên gia với kinh nghiệm về việc chấm dứt hoạt động một lò phản ứng hạt nhân.

---oOo---

Chung quanh vùng Fukushima không có mấy tin tức tốt đẹp. Độ phóng xạ vẫn cao hơn 50 millisieverts, so với độ phóng xạ bình thường trong bầu trời là 2 đến 3 millisieverts. Việc tẩy sạch các vùng đất nhiễm phóng xạ không theo kịp thời hạn chấm dứt của tháng 3 năm 2014. Giới thẩm quyền lần đầu tiên phải nhìn nhận là hàng ngàn người di tản khỏi các vùng bị nhiễm nặng sẽ có thể không bao giờ quay trở về lại quê quán. Đảng Dân Chủ Tự Do đang cầm quyền thì đề nghị một giải pháp thực tế hơn: bồi thường cho 160.000 người di tản để họ làm lại cuộc đời nơi khác.

Trên một ngọn đồi nhìn xuống Fukushima người ta có thể thấy viễn tượng thê thảm của cuộc chống chọi với tai nạn. Vùng đất trước đây đầy cây xanh đã bị đốn ngã hoàn toàn để lấy chỗ cho 1.000 bể chứa nước khổng lồ. Các bể này chứa tổng cộng 360.000 tấn nước phóng xạ, tương đương với 140 hồ bơi Olympic. Khối lượng nước gia tăng mỗi ngày. Trong vòng ba năm trước mặt, TEPCO muốn chứa thêm 270.000 tấn nước thải phóng xạ. Cuối cùng rồi thì khối nước này phải trở về Thái Bình Dương vì chẳng có chỗ nào khác để thoát.

Lượng nước phóng xạ này đến từ nước tưới vào lò phản ứng để làm giảm nhiệt. Lượng nước nhiễm phóng xạ này khoảng 300 tấn mỗi ngày cần phải được giữ lại chứ không thể thải ra biển được. Một số chuyên gia đặt câu hỏi về quyết định trữ lượng nước phóng xạ này. Nếu có một cuộc động đất xảy ra có thể làm rạn nứt các bể chứa và nước phóng xạ sẽ thoát ra ngoài. Tuy đến nay chưa có tai hoạ xảy ra nhưng đã có những sự cố nho nhỏ như vào tháng Tám 300 tấn nước phóng xạ bị rò rỉ.

Lượng nước bị nhiễm nhiều loại phóng xạ khác nhau. Đáng lo nhất là strontium-90. Nếu nước thoát ra biển, strontium sẽ thấm vào cá và không an toàn để tiêu thụ. Mối nguy này tồn tại rất lâu vì strontium phải mất 30 năm mới giảm xuống còn phân nửa.

Để làm sạch lượng nước nhiễm phóng xạ này, TEPCO dùng một hệ thống xử lý chất lỏng cao cấp (advanced liquid processing system, gọi tắt là ALPS). Trên nguyên tắc ALPS có thể lọc hết các chất phóng xạ ra khỏi nước nhiễm trừ có tritium vẫn còn. Khi vào hoạt động, ALPS có thể làm sạch hơn 500 tấn nước mỗi ngày. Nhưng ngay cả với tốc độ đó làm sạch khối lượng nước đang lưu trữ cũng mất nhiều năm.

TEPCO ước lượng có khoảng 300 tấn nước ngầm bị nhiễm phóng xạ chảy ra biển mỗi ngày. Lượng phóng xạ trong đó tuy nhỏ nhưng sẽ tích tụ lâu ngày trong các loại hải sản và không an toàn để tiêu thụ. Ảnh hưởng đến kỹ nghệ hải sản của Nhật Bản sẽ rất lớn.

Sẽ còn có tai nạn xảy ra tại Fukushima. Tiến trình chấm dứt hoạt động sẽ kéo dài nhiều thập niên với công việc khó nhọc, phức tạp. Tại Nhật Bản và các quốc gia khác, cơn khủng hoảng này đã làm cho công chúng mất tin tưởng ở năng lượng hạt nhân.

Hoàng Thuyên lược dịch

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More