Lý Thái Hùng
Bản hiến pháp vừa mới được quốc hội Cộng sản Việt Nam
khóa 13 thông qua hôm 28 tháng 11, đã dấy lên hai luồng suy nghĩ khác nhau:
Một là lãnh đạo Hà Nội đã coi thường những phản biện của
dư luận về nhu cầu cải cách chính trị, tiếp tục duy trì hệ thống chính trị độc
tôn nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của đảng Cộng sản. Điều này cho thấy là Hà
Nội rất tự tin về khả năng kiểm soát tình hình và sẵn sàng trấn áp mọi xu hướng
đòi đối lập chính trị hiện nay, ít nhất là 5 năm tới.
Hai là lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã không thể làm
khác hơn, tiếp tục giữ nguyên trạng với hy vọng là có thể giữ được quyền lực
trong tình trạng nội bộ đang bị phân hóa do những tác động của cao trào dân chủ
hóa xã hội. Điều này cho thấy là Hà Nội lo ngại rằng nếu có bất cứ những thay đổi
nào vào lúc này sẽ khiến cho họ mất kiểm soát và gặp những rối loạn nội bộ.
Cả hai luồng suy nghĩ đều đến từ những nhận định liên
quan đến cách phản ứng của lãnh đạo CSVN đối với những góp ý ở trong và ngoài đảng
về nội dung của bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 trong suốt năm 2013 vừa qua.
Nửa Nạc - Nửa Mỡ
Vào cuối năm 2012, khi ông Phan Trung Lý tuyên bố trong
cuộc họp báo phổ biến bản dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 rằng mọi góp ý không
có vùng nào “cấm kỵ”. Lúc đó Hà Nội tự tin nghĩ rằng họ còn khả năng kiểm soát chặt
chẽ hệ thống truyền thông và coi thường các hoạt động của lực lượng dân chủ.
Nhưng khi 72 trí thức, cựu cán bộ cao cấp đứng tên trong
một kiến nghị 7 điểm yêu cầu cải cách hệ thống chính trị và hàng loạt những bài
viết của các nhà dân chủ phân tích về nhu cầu thay đổi của xã hội để đất nước
tiến bộ đã dấy lên làn sóng phản biện rộng lớn chưa từng thấy trước đây, đặt
lãnh đạo Hà Nội ở vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Kết quả của hiện tượng “tiến thoái lưỡng nan” nói trên
chính là sự ra đời của bản hiến pháp có nội dung ‘nửa nạc, nửa mỡ”.
Nếu xét trên hệ thống chính trị và kinh tế của quốc gia,
Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì sự độc quyền của đảng Cộng sản trên cả hai lãnh vực
chính trị (điều 4 hiến pháp) và kinh tế (điều 51). Nhưng nếu xét trên mặt xu thế
thời đại, Hà Nội đã có một sự bày hàng khá mới khi dành đến 36 Điều, chiếm ¼ nội
dung bản hiến pháp để quy định về quyền con người và quyền công dân, trong đó
có 5 điều rất mới rút từ bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
Sở dĩ có nội dung ‘nửa nạc, nửa mỡ” là vì lúc đầu, lãnh đạo
Hà Nội chỉ muốn sửa đổi vài điều trong hiến pháp nhằm trang trí lại bộ mặt “tôn
trọng quyền con người” để tránh những công kích phi nhân quyền của thế giới và tái
cân bằng quyền lực giữa đảng và nhà nước
trong bối cảnh hệ thống đảng không còn có nhiều khả năng quyết định hết mọi thứ
như quá khứ.
Nói cách khác, Hà Nội dùng việc sửa đổi hiến pháp để giải
quyết nhu cầu của nội bộ đảng hơn là đáp ứng các yêu cầu thay đổi của xã hội.
Chính vì vậy mà lãnh đạo Hà Nội luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng các góp ý sửa đổi
phải nằm trong khuôn khổ Cương lĩnh của đảng.
Một trong những điểm nổi bậc của việc dùng hiến pháp giải
quyết nhu cầu nội bộ đảng là ở các Chương quy định về trách nhiệm và quyền hạn
của Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ.
Nếu trước đây, vị trí Tổng bí thư được coi là quyền lực
nhất ở trong đảng thì các vị trí như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội
chỉ là sự phân công nội bộ, mang tính hình thức. Trong 10 năm qua, vai trò của
Thủ tướng chính phủ đã không những lấn lướt hơn cả Tổng bí thư đảng mà còn trở
thành một bộ máy siêu quyền lực vây chung quanh những nhóm lợi ích đe dọa quyền
lực của đảng.
Hiến pháp lần này, Hà Nội đã nâng vị trí chủ tịch nước và
quốc hội lên rất lớn. Chủ tịch nước có quyền đề nghị quốc hội bầu, miễn nhiệm,
bãi nhiệm Phó chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ. Chủ tịch nước thống lĩnh lực
lượng võ trang, quyết định phong, thăng giáng, tước quân hàm cấp tướng… Trong
khi đó, Thủ tướng chính phủ thu hẹp vào vai trò điều hành chính phủ và phiếu của
Thủ tướng cũng là chỉ là một phiếu trong chế độ tập thể của chính phủ.
Nói cách khác, kể từ đầu năm 2014 trở đi quyền lực của
ông Nguyễn Tấn Dũng bị suy giảm rất nhiều so với quyền hạn và tư thế chính trị
càng ngày càng gia tăng của ông Trương Tấn Sang, khi hiến pháp mới được áp dụng.
Thống Nhất Quyền Lực
Sự nâng cao vị trí chủ tịch nước trong bản hiến pháp mới
cho thấy là Hà Nội đang chuẩn bị dọn đường thống nhất quyền lực giữa đảng và
nhà nước để không còn tình trạng cá mè một lứa như hiện nay.
Càng ngày, Hà Nội thấy rõ là mô hình phân quyền giữa tứ
trụ của đảng trở thành gánh nặng cho chính chế độ khi các phe tranh cố giành
nhau quyền lợi nhưng lại không chịu lãnh trách nhiệm về chính trị.
Trung ương đảng đã từng dành cả hai Hội nghị trung ương đảng
5 và 6 chứng kiến cảnh hai phe đảng (Nguyễn Phú Trọng) và chính phủ (Nguyễn Tấn
Dũng) tấn công lẫn nhau với kết quả bất phân thắng bại. Diễn tiến này đã đặt
cho lãnh đạo Hà Nội phải cải tổ ở thượng tầng.
Đó là sẽ áp dụng mô hình của Trung Quốc qua việc Tổng bí
thư kiêm luôn Chủ tịch nước để thu tóm quyền lực vào trong tay một phe hầu có
thể kiếm soát chặt chẽ ở bên trong lẫn bên ngoài đảng.
Trước đây có người hỏi Nguyễn Phú Trọng về dự kiến nói
trên, ông Trọng không trả lời trực tiếp nhưng hé mở cho dư luận thấy là vị thế
của ông như hiện nay là quá khó để cầm chịch quyền lực như những Tổng bí thư tiền
nhiệm Lê Duẫn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười.
Vị trí Tổng bí thư bắt đầu suy yếu và bộ chính trị trở
thành tình trạng “cá mè một lứa” kể từ ông Lê Khả Phiêu bị nhóm Thái thượng
hoàng gồm các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt truất phế, đưa ông Nông Đức
Mạnh lên làm trái độn từ năm 2001.
Vấn đề đặt ra cho Hà Nội là nhân vật nào sẽ được chọn để
tiến hành việc thống nhất quyền lực vào thời điểm 2016. Nhân vật này không thể
chọn từ hàng ngũ Trung ương đảng hiện nay mà phải từ 16 ủy viên bộ chính trị
thì mới đủ tư cách để kiêm nhiệm hai trách vụ Tổng bí thư lẫn Chủ tịch nước.
Trong tình hình hiện nay, chỉ có hai nhân vật được coi là
có nhiều điều kiện để nắm giữ vị trí này: Trương Tấn Sang hoặc Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Sang đang nắm Chủ tịch nước nên kiêm nhiệm thêm trách
vụ Tổng bí thư đảng sau khi ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu vào đầu năm 2016 là một
diễn tiến bình thường nhất. Nhưng liệu ông Nguyễn Tấn Dũng và những phe nhóm
còn lại có đồng lòng để cho ông Sang thống lĩnh quyền lực hay không là một dấu
hỏi rất lớn?
Ông Nguyễn Tấn Dũng tuy bị gặp khó khăn sau hàng loạt các
Tập đoàn kinh tế sụp đổ; nhưng qua hai trận đấu với phe ông Nguyễn Phú Trọng tại
Hội nghị Trung ương 5 và 6, chứng tỏ là ông Dũng nắm giữ nhiều thế lực trong bộ
máy địa phương, kinh tế và chính phủ trung ương. Đây là những nơi nắm số phiếu
quyết định ở Trung ương đảng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ không tiếp tục vị trí Thủ tướng và
ông Dũng chỉ có hai con đuờng chọn lựa: ra tranh cử chức Tổng bí thư đảng để
kiêm nhiệm Chủ tịch nước hoặc cùng với Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Sinh Hùng
về hưu.
Con đường thống nhất quyền lực nội bộ của đảng Cộng sản
Việt Nam không bằng phẳng chút nào. Làm không khéo, đảng sẽ có thể bị tách ra
nhiều mảng trong hai năm tới khi mà những tác động đòi dân chủ hóa ngày một gia
tăng ở trong và ngoài đảng.
Tóm lại, hiến pháp vừa được quốc hội thông qua hôm 28
tháng 11, phần lớn là nhằm giải quyết các nhu cầu quyền lực thượng tầng của đảng
Cộng sản Việt Nam. Đây là hệ quả của việc cố tình uốn nắn việc sửa đổi hiến pháp
theo Cương lĩnh của đảng. Nhưng hệ quả này không dừng ở đây mà sẽ khởi đầu những
ngày tháng sóng gió mới cho đảng Cộng sản trong hai năm tới với hai hiện tượng:
Thượng tầng thì tranh giành quyền lực khốc liệt vì đã gom vào thế "được ăn
cả, ngã về không"; Hạ tầng thì tăng tốc tham nhũng lớn hơn, gấp hơn, và bạo
hơn vì sự bấp bênh của ghế ngồi giữa những di dời liên tục của các lằn ranh quyền
lực.
Lý Thái Hùng
Ngày 7/12/2013.
0 comments:
Đăng nhận xét