Nhớ gì như nhớ người yêu

Minh Văn

Tôi run rủi cũng có lần đã yêu, nên có thể cảm nhận được thế nào là nỗi nhớ người yêu. Không biết thế này thì đã gọi là nhớ  được hay chưa? Lần đó tôi yêu một cô gái, chỗ tôi ở cũng gần nơi nàng trọ học, chỉ cách nhau độ mấy trăm mét mà thôi. Như vậy là rất gần, cho nên ngày nào cũng gặp mặt nhau, cứ thấy nhớ là ghé qua. Một tối nọ vì bận công việc nên tôi về muộn, vì vậy mà không gặp mặt nàng được. Lúc đó mới yêu, nên dường như nhu cầu được nhìn thấy nhau là thường trực. Tôi nằm thao thức mà không sao ngủ được, nỗi nhớ nàng day dứt, cứ trằn trọc khôn nguôi. Lúc này chỉ mong gặp một lát thôi, ngồi nhìn nhau và cầm tay nàng. Thế là nỗi nhớ trở thành động lực, tôi bật dậy ngay khỏi giường, ngồi châm thuốc hút. Rồi như một phản xạ tự nhiên, như có ma quỷ đưa đường, tôi khoác thêm áo ấm và đi sang chỗ nàng trọ. Đến nơi thì cánh cổng sắt ngôi nhà đã khoá im ỉm. Vì lúc này đã khuya nên tôi không thể gọi cửa được. Đành đứng nhìn một lúc cho nổi nhớ nguôi ngoai, rồi thở dài mà lặng lẽ quay bước về nhà.

Có lẽ người Việt Nam ta ai cũng biết đến câu thơ nổi tiếng này, chẳng hiểu là của ai, nhưng nó đã lưu truyền trong dân gian từ lâu:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên
Câu thơ ví von nổi nhớ của người hút thuốc Lào với chiếc Điếu Cày giống như là người ta nhớ người yêu vậy. Thật là tinh tế và thi vị, vừa sâu sắc vừa dí dỏm đáng yêu. Những người đã từng hút thuốc Lào thì có thể hiểu và cảm thông được điều này. 
Tuổi sinh viên tinh nghịch, cái gì cũng bắt chước người ta, nhưng nhanh chóng giải thể vì thiếu tính chuyên nghiệp. Đá bóng cũng hay nhưng chỉ là nghiệp dư, văn nghệ hát hò cũng vậy, rồi mở văn phòng gia sư hay kinh doanh, và cả cái chuyện...hút thuốc Lào cũng thế. Cánh nam sinh viên chúng tôi, thi thoảng ghé vào quán cóc, cầm điếu thuốc Lào rồi châm lửa hút một hơi điệu nghệ, khiến cho các cô các nàng thán phục mà tròn xoe mắt chơi. 
Ở Ký túc xá thì cái điếu Cày nhiều khi là nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ. Phòng nào mà có người hút thuốc Lào với cái điếu dựng ở góc thì thật bất tiện khi ai đó có bạn gái hoặc người yêu đến chơi. Và cuối cùng phần thắng vẫn nghiêng về phe không hút thuốc, kết cục là chiếc điếu Cày buộc phải sơ tán hoặc bị đem vứt đi.
Hồi đó ba đứa trường Luật chúng tôi rủ nhau ở trọ bên ngoài, tôi cùng một cậu Nam Định, cậu nữa người Thanh Hoá. Cùng với anh chủ nhà người Hà Nội, cả bốn người tạo thành một bộ tứ cường đánh tấn thuộc loại cao thủ có một không hai. Điều phù hợp nữa là tất cả đều hút được thuốc Lào, vì vậy việc phải làm trước tiên khi dọn nhà là mua ngay cái Điếu Cày. Cả bốn anh em chúng tôi đi bộ ra chợ Bưởi gần nhà để chọn mua cho được một chiếc Điếu vừa ý. Chợ Bưởi là một trong những chợ hiếm hoi ở Hà Nội còn duy trì hình thức họp theo phiên. Ở đây có bán đầy đủ mọi thứ trên trời dưới đất. Từ các loại cây hoa cây cảnh, thú nuôi hay chim cảnh, dụng cụ làm nông, đồ sành sứ...; Chúng tôi vào hàng bán điếu và chọn một chiếc điếu trúc thật thẳng, kín hơi và quan trọng là khi rít phải kêu lên sòng sọc.

Đó là khoảng thời gian mà chúng tôi phục tùng kỷ luật tự đặt ra được lâu hơn cả, cũng có lẽ nhờ cái điếu Cày làm trung gian hoà giải. Anh Trung chủ nhà thì đi làm nên ăn cơm ở cơ quan, còn ba đứa chúng tôi phân công nhau nấu ăn. Hôm nào đến phiên ai thì người ấy đi chợ và làm đầu bếp, nếu thấy thuốc Lào hết thì tự nguyện mua mà không phải hỏi. Bấy giờ bất kỳ ngôi hàng tạp hoá nhỏ nào cũng có bán thuốc Lào cả. Đó là loại thuốc Lào Hàng Gà chính hiệu, gói màu đỏ có hình con gà và sợi giòn, còn một loại khác nữa gói màu trắng thì sợi lại mềm hơn. Nhân tiện đi chợ, ghé vào hàng tạp hoá và hỏi cô bán hàng:
- Cô bán cho cháu mấy gói thuốc Lào.
Cô bán hàng nhanh nhẹn đưa tận tay:
- 500 đồng một gói cháu ạ.

Thuốc Lào Hàng Gà ngon và nổi tiếng nhất trong cả nước. Hà Nội là đất trăm nghề, khu phố cổ bàn cờ đều là làng nghề truyền thống và gia truyền cả. Nhân tài tụ về cố đô, vì vậy mà cái gì Hà Nội cũng nhất. Thi thoảng mới có một vài sản phẩm địa phương lân cận là được xếp thứ nhì mà thôi, ví như Phở Nam Định so với Phở Hà Nội, thuốc Lào Vĩnh Bảo (Hải Phòng) so với thuốc Lào Hàng Gà (Hà Nội)...; trên đường phố, người bán thuốc Lào rong quê Vĩnh Bảo vừa đạp xe vừa rao với một giọng điệu hài hước, khiến cho nhiều người phải phì cười:

Thuốc Lào Vĩnh Bảo
Chồng hút vợ say
Đứa bé xách điếu
Lăn quay ra nhà...

Người ta như nghe được trong tiếng rao lòng tự hào của những con người có đặc sản địa phương.
Chiếc điếu Cày phải đổ nước vào thì hút mới ngon, khi rít sẽ có tiếng kêu sảng khoái. Muốn điếu kêu thì chỉ đổ một lượng nước vừa đủ, khi hút nâng điếu song song với mặt đất, tiếng kêu giòn tan lập tức vang lên.


Những buổi tối cuối tuần rảnh rỗi, bốn chúng tôi lại trải chiếu ra giữa nhà để mà chơi đánh tấn. Vì cả bốn người đều là cao thủ đánh tấn nên đam mê lắm, nước bài tính toán cao siêu với một năng lực thượng thừa. Đây là một kiểu chơi bài tây, theo đó thì những người khác được đánh, người còn lại thì đỡ. Người đánh được phép ra những quân bài đã có trên chiếu, vì vậy người đỡ không nên trùng quân, điều này đòi hỏi trí nhớ siêu việt. Ai có trí nhớ tốt thì sẽ chơi hay, vì họ phải tính những quân bài gì đã đánh ra, con gì còn lại trên tay người chơi. Phần còn lại là chiến lược và chiến thuật. Anh Trung cũng là người có trí nhớ tốt nhất, chúng tôi đều phục anh về điều này. Kết thúc mỗi ván bài, cái điếu Cày lại thi nhau kêu lên sòng sọc trong tiếng bàn luận rôm rả về những nước đánh hay vừa rồi. Đánh tấn và hút thuốc Lào, đó là hai nét văn hoá cùng song hành vậy.

Có nhiều đêm khuya, cậu Phước người Nam Định đang ngủ lại thức dậy ngồi suy tư (có thể là nhớ nhà hay người yêu gì đó), rồi cậu ta lại kéo thuốc Lào sòng sọc và ho sù sụ như một lão nông chính hiệu. Chúng tôi vừa nằm vừa cười tủm tỉm, cứ nhìn hình ảnh một cử nhân Luật lý luận sắc bén mà nay lại ngồi hút thuốc Lào và ho như một lão nông thì buồn cười lắm.
Những khi chuyển nhà, chiếc điếu Cày là vật không thể quên. Ngoài những đồ vật cồng kềnh khác thì ở đằng sau xe, cái điếu Cày ngóc đầu lên ngạo nghễ, người qua đường nhìn thấy không khỏi thú vị.

Rồi thời gian qua mau, thời thế bất công khiến cho anh hùng hào kiệt phải long đong lận đận. Đã lâu mấy đứa ở trọ chúng tôi hồi đó không gặp lại nhau. Ra trường khó xin việc, mỗi người trôi dạt một nơi. Có lần tôi nghe loáng thoáng ai đó nói cậu Phước (người tự nhận là sẽ làm Thủ Tướng) đang làm bảo vệ cho một cơ quan gì gì đó ở Hà Nội. Chán đời, cậu ta ngồi rít thuốc Lào rả cả mép. Cũng thật tội, chỉ có chiếc điếu Cày trung thành là không bỏ chủ, vẫn ở bên cạnh lúc sa cơ.

Bây giờ tôi không còn hút thuốc Lào và thuốc Lá nữa. Nhưng chiếc điếu Cày là hình ảnh văn hoá đẹp ngàn đời nay của dân tộc, nó xứng đáng có một vị trí trang trọng trong cuộc sống chúng ta. Nét văn hoá đó đồng hành cùng dân tộc Việt Nam qua mọi biến thiên và thăng trầm lịch sử./.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More