Ước mơ hộ chiếu


Có lẽ vì tôi đi hơi nhiều, nay đây mai đó, nên một số người thường hỏi tôi: thế anh mang quốc tịch gì?

Nói theo luật và chiếu theo luật thì tôi là người có ba quốc tịch: Úc, Mỹ và Việt Nam. Úc vì tôi lớn lên ở Úc từ năm 14 tuổi nên đã có passport sau 3 năm định cư ở đó. Mỹ vì tôi sang định cư ở Mỹ vào năm 2005 và mặc dù hiện nay chỉ đi đi về về nhưng tôi đã vào quốc tịch từ năm ngoái.
Riêng Việt Nam, không những tôi đã được cấp passport mà theo Bộ luật Công dân hiện hành thì tôi vẫn được xem như là một công dân của Việt Nam cho đến khi, nếu muốn từ bỏ quốc tịch, tôi phải viết thư cho Chủ tịch nước và đơn xin được chấp thuận.

Vậy mà lần nào vào Việt Nam tôi cũng phải xin visa. Và ngay cả khi có visa trong tay đã được
cấp sau khi trả lệ phí 90 đô tại toà đại sứ Việt Nam ở Washington DC thì tôi vẫn không được cho vào Việt Nam. Ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất cách đây 5 năm về trước. Đó cũng là lần cuối cùng tôi đặt chân về lại nơi sinh ra mình.

Tôi được cấp passport Việt Nam vì vào đầu năm 1985, ba tôi đã bảo lãnh chính thức mẹ và các chị em tôi sang Úc sinh sống. Lẽ ra nếu chiếu theo luật hiện hành của Việt Nam thì tôi phải tiếp tục được cấp hộ chiếu Việt Nam nay đã hết hạn. Và việc trở về Việt Nam lẽ ra không cần phải xin visa, là một đặc quyền như tất cả mọi công dân khác. Chứ không như bây giờ, phải xin, được cấp visa và sau đó thông qua một cửa ải khác (mà không một ai thông báo trước) thì mới được cho vào để thăm ông bà, bè bạn.

Mà nghĩ lại thấy cũng lạ. Nghịch lý này đâu chỉ xảy ra với riêng tôi mà nó được áp dụng với tất cả mọi công dân Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài. Nghe nói đâu lên đến hơn 3 triệu người. Hơn 3% dân số Việt Nam.

Vậy mà tôi chẳng thấy có ai nêu lên vấn đề này. Từ Đảng cho đến dân. Để cuối cùng ai cũng a lê hấp tuân thủ chính sách của Đảng, móc tiền túi trả cho Đảng, để về được Việt Nam. Để đọc được nhan nhản ở mọi nơi Đảng đang quyết tâm thực hiện một nhà nước pháp quyền đến ngần nào.

Thế mới lạ.

Nói như thế không có nghĩa là tôi đang có ý phàn nàn về việc tôi có hai, ba quốc tịch. Tôi cảm thấy rất may mắn là đằng khác. Mặc dù dĩ nhiên ước mơ của tôi là trong tương lai tôi sẽ sớm có dịp về sinh sống tại nơi sinh ra mình, nhưng hiện tại tôi vẫn cảm thấy rất hạnh phúc với cuộc sống và công việc mà tôi đang chọn.

Có hai quốc tịch Úc, Mỹ có nghĩa là phần lớn đi đến nơi nào trên thế giới, tôi cũng được chính quyền sở tại đối xử một cách văn minh hơn và tuyệt đại đa số các nước đều không buộc tôi phải xin visa trước cũng như ít khi tôi bị tra hỏi tại cửa khẩu qua nước họ để làm gì.

Không phải ai cũng có may mắn đó. Và thực tế hơn, không phải ai có tiền cũng có thể đến được một đất nước khác để thăm viếng mà không bị làm khó dễ. Nhất là đối với những công dân Việt Nam chỉ cầm trên tay độc nhất một passport Việt Nam.

Ngoại trừ 10 nước thành viên của ASEAN (trong đó có Việt Nam) không đòi hỏi công dân của họ phải có visa trước khi đi du lịch sang các nước thành viên khác, phần lớn các nước khác đều có những quy định khắt khe trong việc cấp visa cho công dân Việt Nam. Đặc biệt là các nước Mỹ, Úc, Canada.

Ngoài những thủ tục thường lệ như điền đơn, trả lệ phí, xin hẹn gặp phỏng vấn, các công dân Việt Nam còn phải chứng minh cho thấy họ sẽ trở về Việt Nam sau khi đi du lịch xong. Bất kể công việc của họ có sáng sủa hay cả gia đình vẫn đang ở Việt Nam hay không. Hay nhà cửa, tài sản họ có nhiều đến độ nào. Tôi biết mỗi ngày có rất nhiều đơn xin visa du lịch bị các toà đại sứ bác mặc dù người nộp đơn hoàn toàn không có ý định ở lại.

Cái khổ chỉ vì họ cầm trên tay hộ chiếu Việt Nam.

Bởi thế tôi chỉ có ước mơ thế này. Đó là trong một ngày không xa, tôi sẽ được cấp lại hộ chiếu Việt Nam. Và như mọi công dân Việt Nam khác, không cần hộ chiếu Úc, Mỹ, chúng ta sẽ dễ dàng đến được những nước khác. Để thăm viếng. Để học hỏi. Mà không bị cấm xuất, nhập cảnh như bây giờ. Hay bị tra hỏi hoặc từ chối thẳng thừng không cấp visa như hiện tại.

Chắc lúc đó cả tôi lẫn bạn đều sẽ hãnh diện mình là người Việt Nam lắm, có phải không?
DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More