Phạm Chí Dũng
Bức ảnh này là một khoảnh khắc gặp mặt ngẫu nhiên và thú vị trong đám tang luật gia Lê Hiếu Đằng tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn vào những ngày se lạnh cuối tháng Giêng năm 2014.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nhớ lại:
“Tôi không nghĩ rằng ông Nguyễn Minh Triết, dù không còn là Chủ tịch nước, lại đến viếng một người vừa tuyên bố công khai từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Chiều hôm đó, khi nhận ra ông Sáu Phong (bí danh của ông Nguyễn Minh Triết) trong dòng người trước linh cữu luật gia Lê Hiếu Đằng, một tình cảm bất thần, cảm động và ngập tràn hoài niệm ùa vào trong tôi. Tôi vội bước đến ôm lấy hai vai ông. Tôi cũng không ngờ là ai đó đã có nhã ý và thiện cảm dành cho chúng tôi một tấm ảnh thật khó quên vào đúng khoảnh khắc đó.
Hình như ông ông hơi gầy so với ngày trước. Đã quá lâu rồi, từ thời ông Sáu Phong ra Hà Nội đảm nhận chức vụ Chủ tịch nước, đến giờ tôi mới được gặp lại ông. Nhưng trong ngần ấy năm, thâm tâm tôi vẫn lưu giữ con người ông như một trong số ít lãnh đạo nhà nước mà tôi kính trọng về tư cách. Ít nhất, ông cũng nằm trong số rất ít quan chức cao cấp được người đời xem là “sạch sẽ”.
Những năm 2000, ông Sáu Phong là thủ trưởng cũ của tôi, khi ông còn là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Đó cũng là khoảng thời gian mà tôi có được những đóng góp hữu ích cho xã hội và người dân, thông qua việc tham mưu trực tiếp cho ông.
Rất trái ngược với phong cách và cả não trạng đãi bôi, thậm chí giả dối của đa số quan chức Việt Nam, ở ông Sáu Phong không tồn tại cái tật xấu di căn ấy. Không chỉ tôi, mà rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp đều ghi nhận thái độ chân tình cởi mở rất Nam bộ của ông.
Nguyên Chủ tịch nước cũng bất ngờ khi nhận ra tôi. Không nói gì, ông nắm tay tôi. Cái bắt tay khá chặt. Bàn tay vẫn ấm áp, và như dân gian thường luận, người ta có thể cảm nhận về tính cách và chiều sâu của mỗi con người qua từng cái bắt tay.
Quả là “Cuộc đời này còn lắm gian truân. Chúc người bạn Lê Hiếu Đằng siêu thoát” như dòng chữ lưu sổ tang của ông Sáu Phong. Nhưng sau phút giây bất ngờ gặp lại ông, tôi lại có cảm giác buồn buồn về những quan chức về hưu lắng tiếng.
Và vẫn âm ỉ trong tôi một dấu hỏi mặc niệm: nơi xã hội đầy rẫy nhiễu nhương và nền chính trị ngầy ngật cơn đau có lẽ là cuối cùng này, ai sẽ là người được siêu thoát? Còn thân phận những người tuyên xưng “đầy tớ của nhân dân” sẽ ra sao?”.
0 comments:
Đăng nhận xét