Đinh Nhật Uy
![]() |
Gia đình thăm nuôi Đinh Nguyên Kha tại trại giam Xuyên Mộc ngày 22-1-2014 |
5h sáng, trời còn tối mịt. Xe chuyển bánh, xuất phát Long
An thẳng về Xuyên Mộc. Nơi trại K3, Kha đang sốt ruột chờ tin Mẹ sau những ngày
tháng tha phương.
10h sáng, gia đình tôi có mặt tại trại K3, Xuyên Mộc. Mẹ
mở cốp xe ôm 2 bịch đồ thăm nuôi, tướng đi khệ nệ. Tôi thấy vậy liền nói:
- Nặng đó mẹ, để con xách cho.
- Thôi, nặng thì nặng, để tao xách vào đó đưa tận tay cho
nó.
Tôi đứng lại nhìn đôi phút, cũng chẳng biết phải khuyên
làm sao. Bởi vì, đây là lần đầu tiên Mẹ đi thăm Kha sau khi bị chuyển trại và
cũng là ngày mẹ vừa về Việt Nam sau những ngày xa nhà. Chắc mẹ nhớ Kha lắm. Mẹ
ngồi trên ghế nhà chờ, lòng bồi hồi, đi tới đi lui, rồi lại ngồi, cảm xúc khó tả.
20 phút sau, Kha được dẫn ra. Gặp Mẹ, Kha chạy đến, chồm
người qua dãy bàn ngăn cách ôm chầm lấy Mẹ và hỏi một câu ngớ ngẩn: “Mẹ về Việt
Nam rồi hả?”. Cả nhà không thể nhịn cười.
Sau hơn 1 tháng gặp lại từ lần thăm nuôi trước. Lần này,
nhìn Kha đen và ốm hơn nhiều. Mặt mày đen sạm, tay chân cũng đen sạm lỗ chỗ các
vết sẹo. Mẹ nhíu mày hỏi:
- Sao hôm nay con đen thui vậy?
- Con đi… làm ruộng (cười).
- Làm ruộng? Ruộng đâu mà làm? – Mẹ thắc mắc.
- À. Mỗi phòng có một mảnh đất phía trước, khoảng 3mx4m,
trồng lúa, trồng rau để ăn thêm. Con trồng lúa, ra chăm sóc lúa, phơi nắng nên
đen. Mỗi ngày được ra “ruộng” vài lần.
- Con ăn uống được không? Sao mà ốm nhom lòi cả lỗ tai rồi?
- Con mất ngủ nên ăn không được. Trong này lạnh lắm. Các
anh em ở phòng khác cũng bị cảnh tương tự.
- Thế áo con đâu? Không mặc hết vào.
- Con mặc cả 3 cái áo, 2 cái quần. Các đồ còn lại con quấn
vào 2 tay 2 chân nhưng vẫn còn lạnh vì không đúng đồ chống lạnh. Lúc ngủ cũng
như vậy, quấn thêm cái mền nữa mà cũng không xong.
Nghe xong, Mẹ liên đau xót lắm. Mẹ đứng phắt dậy và lên
tiếng:
- Thưa các anh, con tôi trong tù lạnh lắm. Đề nghị cho gửi
áo ấm vào cho con tôi. Tôi có mang theo 2 cái. Hướng dẫn thủ tục để tôi gửi áo
này vào cho nó.
Cán bộ trại tiến lại trả lời:
- Thưa chị, quy định của trại. Mỗi phạm nhân dc phát 2 áo
“tù” dài tay, 2 áo ngắn. Một mền, 1 chiếu, 1 mùng. Chúng tôi không giải quyết gửi
áo ấm hay thứ khác ngoài quy định. Đây là quy định, chúng tôi thực hiện đúng
quy định.
- Nhưng, trực tiếp ở đây, anh chứng kiến con tôi nói những
điều thực tế xảy ra trong tù. Những món đồ theo quy định đó vẫn không đủ ấm.
Các anh phải giải quyết linh động hơn để giúp tù nhân an toàn trong mùa đông chứ.
- Thưa chị, đây là quy định.
Ba tôi bình thản hỏi:
- Vậy anh có mặc thử đồ tù của nó, rồi anh ngủ thử trong
phòng giam của nó để cảm nhận cái lạnh như thế nào chưa? Cái đó là chuyện nhỏ
thôi. Còn nếu như có xảy ra thiên tai, ví dụ trời mưa bão liên tục, lạnh hơn nữa.
Thì những thứ quy định của các anh sẽ giết chết hàng loạt tù nhân. Các anh nên
xem lại.
Anh cán bộ trại ấp úng:
- Quy định là như vậy, chúng tôi sẽ trình báo lên lãnh đạo
để giải quyết.
Chúng tôi nhìn nhau, thở dài ngao ngán bởi cái quy định
quái gở, cứng nhắc.
Kha mở thêm lời:
- Bây giờ có 3 cách để giải quyết chuyện bị quá lạnh cho
con cũng như các anh em khác. Một là cho mua thêm mền, 2 là cho gửi áo ấm, 3 là
phải đóng cửa sổ lại. Chứ con là thanh niên, có thể chống chọi lại cái lạnh. Mấy
chú bác khác già yếu hơn, chịu không nổi, ho hen suốt đêm, nghe thê thảm lắm Mẹ
ơi.
Mẹ tôi lên tiếng tiếp:
- Các anh xem 3 yêu cầu của nó, các anh giải quyết được vấn
đề gì không?
Sau một hồi suy nghĩ, anh cán bộ trẻ nói:
- Chúng tôi sẽ xem xét việc đóng cửa sổ lại cho các phạm
nhân.
Mẹ bực tức. Đành rằng các anh có quy định, nhưng các anh
không thể quá cứng nhắc như vậy. Các anh phải linh động hơn để giải quyết khó
khăn cho tù nhân chứ. Các anh làm như vậy, chẳng khác nào là phương pháp tra tấn
tù nhân.
Cả phòng thăm nuôi yên lặng. Chúng tôi lại nhìn nhau, thở
dài ngao ngán.
- Không lâu đâu, mẹ sẽ tìm cách cứu con. Còn bây giờ, con
ký nhận đồ thăm nuôi đi, để dành ăn luôn mấy ngày tết. Chỉ là đồ ăn, không bánh
tét, bánh chưng, không mứt dừa mứt bí. Thôi ráng lên con.
Chúng tôi trao đổi thêm về việc gửi đồ, những thứ được
phép hay không được phép gửi để lên kế hoạch cho lần thăm tiếp theo.
11h. Gia đình tôi ôm Kha thêm lần nữa rồi ra về.
Có lẽ, lần này là lần thăm nuôi buồn bã nhất. Khi ra về,
không khí trên xe đặc quánh, buồn tẻ. Cái lạnh khó thở của khu rừng cao su lại
sộc thẳng vào mũi tôi khiến cảm giác cay cay lại nồng hơn nữa. Nhìn qua, mắt Mẹ
cũng đỏ hoe, sụt sịt. Mẹ đã cố gồng mình, cố lãng tránh đi cảm xúc đau xót trước
đám đông cán bộ trại giam. Còn bây giờ, Mẹ là Mẹ. Tôi hiểu điều này, bởi vì: Cảm
xúc không phải là thứ để phơi bày trước những ai đã quẳng mất đi tình người.
0 comments:
Đăng nhận xét