Cái kẹt: thể chế độc quyền

Blog / Bùi Tín / VOA

Diễn đàn kinh tế mùa Xuân vừa diễn ra ở thành phố Hạ Long / Quảng Ninh trong 2 ngày 28/4 và 29 tháng 4 năm 2014. Các nhà kinh tế trong nước tham dự khá đủ cuộc họp, do ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chủ tọa. Rất tiếc là không có chuyên gia kinh tế gốc Việt ở nước ngoài cũng như chuyên gia kinh tế ngoại quốc tham dự.

Hồi đầu tháng 5, các mạng Chuyển Hóa, Dân làm Báo đã tường thuật khá tỷ mỷ về cuộc họp này.
Các nhà kinh tế trong nước như Trần Đình Thiên, Võ Đại Lược, Nguyễn Đình Cung, Trần Du Lịch, Phạm Chi Lan…đều có những ý kiến xây dựng, nói lên những băn khoăn lo nghĩ của mình. Nền kinh tế có những dấu hiệu đình trệ, ì ạch, vốn chi viện FDI và đầu tư ODA từ nước ngoài đều giảm rõ, nợ nhà nước cao, nếu tính cả nợ của các doanh nghiệp và ngân hàng nhà nước, đã vượt quá mức báo động đỏ, cao hơn giá trị PNB năm 2013. Đề tài chính là cải cách thể chế

kinh tế, một vấn đề bức bách.

Nỗi băn khoăn lớn nhất của các nhà kinh tế vẫn là cái nhiệm vụ gốc gác của nền kinh tế là sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa cao, với giá trị gia tăng lớn, nhưng mục tiêu này được thực hiện rất thấp, giá thành sản phẩm quá cao, không cạnh tranh nổi với thị trường khu vực và quốc tế. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, sự nghiệp công nghiệp hóa đã bị xem nhẹ do các nhà lãnh đạo đã quá tập trung chú ý ưu tiên vào lĩnh vực tài chính và ngân hàng, nghĩa là những lĩnh vực không sản xuất trực tiếp ra giá trị hàng hóa, chỉ là phần ngọn chứ không phải phần gốc. Nhà bình luận Phạm Chí Dũng chỉ rõ các nhóm lợi ích riêng tư là một trở ngại cho phát triển lành mạnh, chính là do họ quá chú trọng đến tiền bạc, đô la, cổ phiếu, chứng khoán để thu lợi nhanh gọn. Các nhà kinh tế báo động rằng Campuchia đã lắp ráp đựợc xe ô tô du lịch, trong khi công nghiệp Việt Nam chưa sản xuất nổi một chiếc ốc công nghiệp đúng tiêu chuẩn. Một sự lạc hậu thê thảm, đáng làm cho toàn xã hội phải giật mình.

Tất cả các nhà kinh tế khi bàn đến cải cách thể chế kinh tế đều cho rằng phải cải cách thể chế chính trị trước mới có thể cải cách thể chế kinh tế. Câu nói được nguời dự họp chú ý khi cựu Bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển vốn rất ngay thật cho rằng nhà nước thường mang chất quan liêu nên lãnh đạo rất cần nghe tiếng nói của xã hội dân sự đang hình thành, điều mà truớc đây bị cấm cản. Ý kiến này được coi là nhạy cảm, có góc cạnh nổi bật trong cuộc hội thảo.

Diễn đàn cho thấy cái thế kẹt của tình hình hiện nay là thể chế chính trị còn là vấn đề cấm kỵ, bị khóa chặt bởi Hiến pháp 2013 mới đuợc thông qua, khẳng định vai trò độc quyền lãnh đạo của đảng CS và vị trí chủ đạo của kinh tế quốc doanh.

Trong một bài đăng trên báo le Figaro (3/5/2014) giáo sư kinh tế Albert Dubois, người từng nghiên cứu tình hình kinh tế Việt Nam, cho rằng kinh tế VN giống như kinh tế ở Ba Lan và Tiệp Khắc cách đây 25 năm. Ở hai nước này, cả thể chế chính trị lẫn thể chế kinh tế XHCN kiểu cộng sản đều bị kẹt cứng trong bản chất quan liêu - độc quyền (bureaucratie monopoliste ). Muốn gỡ khỏi cái thế kẹt nguy hiểm này phải tháo gỡ nhiều mối liên quan, từ gỡ bỏ độc quyền tư tưởng, độc quyền ngôn luận - báo chí, đến độc quyền của kinh tế nhà nước, của kinh tế quốc doanh, rồi độc quyền của ngân hàng nhà nước, nhưng trước hết, trên hết là gỡ bỏ cái độc quyền gốc: độc quyền cai trị, độc quyền nắm chính quyền của một đảng duy nhất, nghĩa là không có thế lực cân bằng, giám sát, ganh đua bình đẳng, trong một nền dân chủ pháp trị.

Rõ ràng đây là ý kiến chung của đông đảo nhà kinh tế và bình luận chính trị cả trong lẫn ngoài nuớc. Theo họ, không thể bàn riêng về cải cách thế chế kinh tế, dứt khoát phải cải cách đồng bộ cả hệ thống chính trị - kinh tế tài chính của đất nuớc theo xu thế dân chủ pháp quyền mới có thể khai thông được bế tắc toàn diện rất nguy hiểm hiện nay.

Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rõ rằng ông sẽ thực hiện trong năm mới này những giá trị “dân chủ và pháp quyền là 2 giá trị song sinh của thời hiện đại”. Mà dân chủ là đối lập với độc đoán, với độc quyền. Việc thực hiện thông điệp dân chủ và pháp quyền về chính trị, kinh tế - tài chính, văn hóa, ngôn luận sẽ giúp khai thông tất cả. Nếu quả thật đó là suy nghĩ, là ý định chính trị thực sự của thủ tuớng thì còn có gì hơn nữa. Thể chế chính trị sẽ khai thông theo hướng dân chủ - pháp quyền, ý kiến của thủ tuớng chính là chìa khóa vàng để khai thông bế tắc, chỉ đạo cho các nhà kinh tế nước ta từ những ngày đầu năm, truớc cuộc họp ở Hạ Long đến hơn 4 tháng.

Nhưng đáng tiếc là chiếc chìa khóa “vàng’’ ấy chỉ là nói xong rồi để đấy, hóa ra là vàng giả, vàng mã, chỉ để xoa dịu dư luận, không hề có biện pháp nào để thực hiện, để đưa vào cuộc sống. Thật đáng tiếc và cũng đáng buồn cho toàn dân khi người đứng đầu chính phủ đưa ra một thông điệp đầu năm hay ho, đẹp đẽ, chuẩn xác đến vậy, dấy lên biết bao nhiêu hy vọng, để rồi thông điệp vẫn nằm chết trên giấy tờ, không thấy một bóng dáng nào trong thực tế cuộc sống xã hội.

Thể chế độc quyền chính trị và độc quyền kinh tế là thế kẹt cứng của đất nuớc, là bế tắc tuyệt đối rõ ràng ai cũng có thế nhận rõ. Chính ông thủ tướng cũng nhận ra rất rõ, để nói lên điều ấy trong thông điệp đầu năm.

Nhưng ông Dũng và cả Bộ Chính trị đảng CS của ông đã không có đủ dũng khí chính trị để cùng toàn dân thực hiện thông điệp có nội dung chuẩn xác này. Hơn 4 tháng đã trôi qua, chiếc chìa khóa vàng vẫn nằm trong tủ sắt. Vì sao? Vì sao là câu hỏi cháy bỏng.

Dù sao, điều chắc chắn là nhân dân Việt Nam không thể cam chịu mãi ách độc quyền đảng trị. Nhân dân Nam Triều Tiên, Đài Loan, Philippines, Indonesia đã vĩnh biệt các nhà độc tài toàn trị Phác Chánh Hy, Ferdinand Marcos, Suharto…; nhân dân Ba Lan, Tiệp Khắc, Bulgaria… cũng đã vĩnh biệt chế độ CS đảng trị đội lốt xã hội chủ nghĩa; nhân dân Tunisia, Ai Cập, Libya, Miến Điện gần đây cũng đã kết thúc chế độ độc tài quân phiệt. Họ đã thoát khỏi thế kẹt của độc quyền chính trị, của bất công và lạc hậu, mở cửa cho tương lai.

Việt Nam không thể đứng ngoài trào lưu chung của thế giới và thời đại.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More