Hội nghị Asean 24 đề cập đến Biển Đông nhưng tránh nêu đích danh Trung Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 24 tại Myanmar kết thúc hôm 11-5 đã có tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại” về căng thẳng trên biển, nhưng không phê phán đích danh Trung Quốc với vụ giàn khoan HD 981, và chỉ kêu gọi “tất cả các bên thực hiện kiềm chế và không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực cũng như không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng…"

Mặc dầu còn tránh né, nhưng tuyên bố chung của ASEAN được báo chí loan tin như một động thái vượt qua nỗi sợ của các nước thành viên trong khối. Theo các chuyên gia về Asean thì các nước thành viên Asean lệ thuộc rất nặng về kinh tế đối với Trung Quốc do đó chuyện chỉ trích quốc gia này là điều vượt qua sự mong đợi của thế giới. Cùng với tuyên bố chung, còn có một Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao Asean-24 về tình hình Biển Đông, nhưng cũng chỉ “bày tỏ quan ngại sâu sắc" về các vụ việc đang diễn ra ở Biển Đông.

Trước đó tại hội nghị, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, lần đầu tiên đã mạnh mẽ tuyên bố lập trường của Việt Nam, lên án việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD 981 cùng tàu chiến vào sâu trong vùng biển của Việt Nam.
Ông nói "Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết." Ông cũng nhấn mạnh tới thái độ hung hăng của Trung Quốc cùng với sự xâm phạm tới con người, tài sản của nhân dân Việt Nam rằng "các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương….". Tưởng cũng nên biết, lời phát biểu của ông Dũng được nêu lên cùng lúc tại Việt Nam khắp các miền đất nước dân chúng đang căm phẫn biểu tình, mạnh mẽ chống đối lại hành vi xâm lược của Trung Quốc trong những ngày qua.

Sau nhiều lần  bờ cõi Việt Nam bị Trung Quốc xâm lấn, phát biểu chính thức công khai của Thủ tướng Việt Nam tại diễn đàn ASEAN mới đây cùng với Philippines, đã tạo bất ngờ cho phía Trung Quốc. Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã trích dẫn lời một quan chức của nước này nói rằng Trung Quốc "hết sức ngạc nhiên và sửng sốt trước hành động quyết liệt của Việt Nam nhằm ngăn chặn hoạt động của giàn khoan Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông".

Hà Nội biểu tình trước ĐSQ Trung quốc ngày 11-5-2014
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay 12-5 cũng lên tiếng nói là Việt Nam "thất bại" trong việc "lôi kéo" các nước vào vụ xung đột giàn khoan HD-981. Nữ phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao TQ phát biểu tại họp báo hàng ngày rằng " Việt Nam đang cố lôi kéo các bên khác nhằm tăng sức ép với Trung Quốc, nhưng sẽ không đạt được mục tiêu".

Liên quan đến tình hình biển Đông, tin tức ghi nhận hai ngày qua cho thấy đang có nhiều toán máy bay tiêm kích được TQ đưa tới bảo vệ giàn khoan HD 981 cùng với lực lương hùng hậu gồm tàu chiến, tàu hải giám, tàu hải cảnh đang bao quanh khu vực tại đây. Các toán máy bay, bao gồm tốp máy bay tiêm kích của Trung Quốc và một máy bay trinh sát mang số hiệu 9401 đã bay lượn với độ cao thấp ngay trên tàu CSB 8003 và đe dọa các tàu thuộc lực lượng kiểm ngư của Việt Nam đang có mặt tại khu vực đặt giàn khoan HD 981. Hiện phía Trung Quốc đã đang khoanh vùng bán kính bảo vệ cách giàn khoan theo hình rẻ quạt khoảng 7 hải lý. Các cuộc đụng độ vẫn xảy ra giữa 2 bên, trong khi phía Trung quốc cho tàu cá của họ tiến sâu vào vùng biển đảo Lý Sơn, chỉ cách không đầy 50 hải lý, để đánh bắt cá trộm. Theo ngư dân trong vùng, “những ngày qua,  ngư dân đang tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa gặp khó vì liên tục bị tàu Trung Quốc truy đuổi, đập phá, tịch thu tài sản…" Phía Việt Nam cho biết đã điều thêm tàu cảnh sát biển lớn nhất CSB 8003, có trọng tải 1,500 tấn, tới khu vực Trung Quốc đặt dàn khoan HD 981 nằm trong lãnh hải Việt Nam.
Biểu tình chống TQ xâm lấn vùng biển chủ quyền VN
hôm 11-5-2014

Mặt khác, trong ngày hôm nay 12-5, sau cuộc biểu ương khí thế bằng cuộc biểu tình của người dân Sài Gòn, cùng với người dân cả nước ngày hôm qua, chính quyền thành phố, qua Sở Ngoại vụ TP HCM đã triệu mời Tổng lãnh sự Trung Quốc để phản đối việc đặt giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam.


Qua buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM nhấn mạnh, việc làm của Trung Quốc "là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam", đồng thời đề nghị Tổng lãnh sự TQ Sài Văn Duệ trao đổi thông tin, nhằm đảm bảo an ninh cho trụ sở Lãnh sự quán nước này cùng công dân Trung quốc trong những ngày tới.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More