Quyền Lực Thứ Năm

Lý Thái Hùng

Từ thời cổ đại đến nay, chính quyền thường chi phối 3 thứ quyền lực: Lập pháp, Tư pháp, Hành pháp.
Khi truyền thông và báo chí phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 20 và nhất là sau khi báo chí Hoa Kỳ phanh phui vụ Watergate đưa đến sự từ nhiệm trách vụ Tổng thống của ông Nixon, báo chí và truyền thông đã được coi như quyền lực thứ tư, trong vai trò giám sát các hoạt động công quyền.
Kể từ khi mạng internet ra đời đã không chỉ giúp nối kết và chuyển tải thông tin một cách nhanh chóng đến cho mọi người mà đã làm thay đổi rất lớn về đời sống và cách vận hành xã hội, quốc gia kể cả trật tự thế giới trong thế kỷ 21. Nói cách khác, internet không chỉ dừng ở cuộc cách mạng truyền thông số.
Trước sự thay đổi này, Eric Schmidt (Chủ tịch Google) và Jared Cohen (Giám đốc Google Ideas) đã phác họa về viễn cảnh những thay đổi to lớn của thời đại số, chắc chắn sẽ mang tới nhiều bất ngờ cho nhân loại trong khoảng 10 năm tới, trong tập sách: “The New Digital Age: Reshaping the Future of People, Nations and Business” (Tân Kỷ Nguyên Kỹ Thuật Số: Tái Định Hình Tương Lai của Con người, Các quốc gia và Kinh doanh), do nhà xuất bản Alfred A. Knopf phát hành cách nay đúng
một năm (23/4/2013).
Tập sách này cô đọng trong 7 chương không kể Lời Mở Đầu và Kết Luận. Chương I đề cập về Tương Lai Của Chính Chúng Ta; Chương II đề cập về Tương Lai của Nhân Thân, Quốc Tịch và Báo Cáo; Chương III đề cập về Tương Lai Của Quốc Gia; Chương IV đề cập về Tương Lai Của Cách Mạng; Chương V đề cập về Tương Lai Của Những Xung Đột, Chiến Đấu và Can Thiệp; Chương VI đề cập về Tương Lai Của Phục Hưng; Chương VII đề cập về Tương Lai Của Khủng Bố.
Qua 7 chương sách trình bày về sự phát triển của thời đại kỹ thuật số, hai tác giả đã chứng minh rằng quyền lực thứ năm đang hình thành từ mạng xã hội.
Vào năm 2025, sẽ có khoảng 8 tỷ người nối kết nhau qua mạng Internet và con người sẽ mở rộng không gian sinh hoạt trên mạng ảo mà ngày nay gọi là mạng xã hội (social network).
Chính con người trong mối quan hệ trên “mạng toàn cầu” (Universal Web) sẽ nắm quyền chi phối trong các sinh hoạt của đời sống thực từ giáo dục, y tế, buôn bán, chính trị, kinh tế, luật pháp v...v..., và sẽ tự định hình thế giới của mình. Thế giới tốt hơn hay xấu đi là tùy cách làm của chúng ta.
Theo hai tác giả thì trong vòng 10 năm tới nhân số của mạng ảo vượt xa nhân số thực của thế giới. Vì trong mạng ảo đó, một người có thể mang nhiều “nhân thân” khác nhau.
Nếu hiện nay nhân số trên mạng chưa đến nỗi lấn át nhân số thật và “những chiến dịch bêu rếu trên mạng chỉ liên quan đến những nhân vật của công chúng”, thì trong tương lai “nhân thân của mỗi người sẽ ngày càng được xác định bởi những trao đổi ý kiến, bài viết và các tương tác như nhấn “like”, “comment” hay “share”.
Con người sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm trên internet; cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Hiện nay các chính quyền đều hướng tới việc hoạch định hai chính sách song hành ứng dụng cho hai môi trường mạng và đời sống thực.
Tuy nhiên, quyền lực thứ năm chi phối bởi mạng xã hội có lẽ được hai tác giả mô tả rõ nhất trong Chương 3 đề cập về Tương Lai Của Quốc Gia và Chương 4 đề cập về Tương Lai của Cách Mạng, qua sự lược duyệt về cuộc cách mạng có tên là Mùa Xuân Ả Rập vào năm 2011.
Trong cuộc cách mạng này, hai yếu tố: giới trẻ và mạng xã hội, được coi là trung tâm chính tạo ra những chuyển biến từ tư duy của số đông đang bất mãn trên mạng ảo để biến thành hành động trên đường phố một cách liền lạc, kín đáo mà chính quyền không thể phát hiện kịp thời.
Những kỹ thuật của công nghệ thông tin ngày một phát triển mạnh sẽ giúp đưa các tiếng nói phản kháng của người dân lan rộng không chỉ trong phạm vi toàn quốc mà còn tạo sự chú ý của thế giới.
Qua đó, các phong trào tranh đấu sẽ động viên cư dân trên mạng toàn cầu tham gia và chia sẻ bằng âm thanh, hình ảnh, kiến nghị, tẩy chay... để áp lực mạnh mẽ lên những chế độ cường quyền.
Khi quyền lực nằm trong tay tập thể được huy động bởi những cá nhân tham gia trong mạng xã hội, và muốn các áp lực lên chính quyền thành công, mọi phong trào cần phải có một lực đầu tàu – không phải là một lãnh tụ - để điều hướng chính xác những khát vọng chung của đa số thầm lặng.
Theo hai tác giả thì hiện có khoảng 57% dân số thế giới vẫn còn sống trong các chế độ chuyên quyền dưới một hình thức nào đó. Để tiếp tục duy trì quyền lực trong thời đại số, các chính quyền độc tài sẽ tiêu nhiều tiền để xây dựng các hệ thống có khả năng theo dõi và chế ngự các hoạt động chống đối của người dân.
Ngoài những bộ máy trấn áp thông thường, các chế độ độc tài đã và đang chi rất nhiều tiền để trang bị những nhu liệu và xây dựng một bộ máy cảnh sát kỹ thuật số có khả năng sử dụng các công nghệ để theo dõi và phản biện các chống đối.
Tuy nhiên khả năng đối phó của các chế độ độc tài vẫn còn giới hạn so với khối lượng thông tin và lưu lượng trao đổi của con người xuyên qua các “nhân thân” khác nhau. Chính yếu tố này đã giúp cho làn sóng nổi dậy của quần chúng tạo ra những chuyển biến bất ngờ cho chế độ.
Lịch sử cho thấy rằng các phong trào chống đối cần thời gian để phát triển. Nhưng trong thời đại kỹ thuật số, thời gian sẽ không kéo dài nhiều nếu biết tổ chức.
Những cuộc chống đối của số đông chỉ có thể tạo áp lực buộc chế độ phải thay đổi khi số đông được nối kết và làm theo một kế hoạch chung và nhất là thực hiện kế hoạch đó đến nơi đến chốn. Dựng lên một trang Facebook không tạo nên một kế hoạch.
Theo tác giả thì các chế độ độc tài sẽ đổ tiền để tân trang công nghệ hầu ra sức xây dựng các nhà nước giám sát toàn thể không chừa một ai; nhưng họ sẽ không bao giờ thành công. Những người dân chống đối có đủ sáng kiến để xây “đường hầm” và “cầu” để vượt qua. Công dân sẽ có thêm nhiều cách hơn trước đây để chống lại – có người đấu tranh âm thầm giấu mặt, có người công khai chống đối.
Cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ tiếp tục. Tuy cuộc cách mạng này mang lại nhiều phức tạp giữa thực và ảo; nhưng không có quốc gia nào bị hủy hoại vì Internet như các cuộc chiến tranh vũ khí.
Với 8 tỷ người sắp sửa cùng lên mạng trong những thập niên sắp tới – có lẽ một ngày nào đó các nhà nước độc tài sẽ cáo chung để nhường chỗ cho một thế giới dân chủ, trong đó người dân không chỉ làm chủ vận mệnh của chính dân tộc mình mà còn ảnh hưởng lên toàn nhân loại khi ý niệm biên cương được xóa nhòa, thay vào đó là ý thức phục vụ và làm thăng tiến hạnh phúc của con người nói chung.
Lý Thái Hùng
1/5/2014
DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More