Rối loạn Triều Đình

Minh Văn

Bà lão ngồi xuống ghế, bỏ cái nón lá ra khỏi đầu rồi bắt đầu kể lể, nước mắt vòng quanh:
- Khổ lắm cô ơi! Mấy bữa trước họ cho xe ủi và công an, dân phòng đến phá bỏ nhà của tôi và mấy nhà xung quanh rồi. Còn chú em tôi và một nhà nữa đang cố bám trụ, họ nói là hôm nay cũng sẽ giải tỏa nốt. Vợ chồng tôi đã già, bây giờ phải soạn đồ đạc đến ở nhờ chỗ đứa cháu họ. Ông lão nhà tôi sức yếu, lại bị rối loạn Triều Đình (Rối loạn tiền đình), nên thi thoảng lại choáng và ngất, phải cấp cứu suốt đó cô...

Đến đây bà ngẹn ngào mà không nói được nữa, bưng mặt nức nở. Cô Xuân thương cảm, cầm tay bà lão an ủi:
- Thôi! Bà cũng đừng buồn nữa mà nhỡ ốm ra thì khổ. Còn giữ sức khoẻ mà chăm sóc ông
chứ. 
Đằng nào việc cũng đến rồi, mình không thể làm khác ngay được. Biết là cái sự nó vô lý như vậy, nhưng thời buổi này nhiễu nhương. Chắc là phải có thay đổi thôi bà ạ. Không lẽ ông trời cứ để kẻ ác hoành hành mãi?...
Nghe những lời động viên, bà lão đã có phần nguôi ngoai, lau nước mắt rồi nói:
- Còn nhà chú em không biết ra sao. Họ nói là hôm nay sẽ cưỡng chế. Bây giờ tôi phải đến đó để xem thế nào cô ạ...
Nói rồi bà hốt hoảng đứng dậy, cắp nón le te đi ra, khiến cô không kịp khuyên can gì cả. Cô Xuân ái ngại nhìn theo cái dáng tội nghiệp của bà lão, trơ trọi như chiếc lá vàng bé nhỏ trong bão táp cuồng phong.

Bà lão với cô Xuân là chỗ đi lại thân tình. Có chuyện gì bà cũng đến đây tâm sự, như để trút bỏ nỗi lòng. Chuyện gia đình, chuyện xóm làng, bà đều đem nói với cô. Nhà bà lão ở thôn dưới, đi bộ chừng dăm phút thì đến nơi. Bây giờ chỉ có hai vợ chồng già ở với nhau. Ông lão - chồng bà – là giáo viên về hưu, còn bà thì vốn xưa nay ở nhà làm nghề nông. Ông bà có ba đứa con, giờ này đều sinh sống và làm ăn xa. Tháng trước nghe đâu nhà nước có chủ trương quy hoạch đất đai gì đó. Không may nhà ông bà và mấy hộ xung quanh bị rơi vào diện quy hoạch. Mọi người đều phản đối, không chịu nghe theo chủ trương. Vì cơ ngơi mấy nhà mặt đường đang bề thế, tự dưng bây giờ họ dẹp bỏ, rồi đền bù như kiểu là đất hoang vậy. Số tiền mà người ta tính cho mỗi hộ, bây giờ không đủ cất một cái chòi để ở, chứ đừng nói là mua đất mà làm nhà mặt đường như trước đây. Vì vậy mà người dân quyết tâm không chịu di dời. Thế rồi mấy bữa trước chính quyền cho xe ủi đến để cưỡng chế và giải tỏa. Ông lão vì xót của nên đứng ra phản đối, bị họ xô ngã mà ngất xỉu phải nhập viện. Tội nghiệp! Ông lão sức khỏe vốn đã yếu, lại bị chứng rối loạn Tiền Đình sẵn.

Khi bà lão đến khu cưỡng chế thì đã thấy người và xe đông ùn ùn. Máy xúc đã đậu ở đó đợi sẵn. Cảnh sát giao thông đang thổi còi toe toét để dẹp đường. Mấy tay dân phòng đeo băng đỏ, tay cầm dùi cui đi lại với vẻ mặt đầy sát khí. Công an mặc sắc phục đông lắm, đứng dàn đội hình như chuẩn bị đánh trận vậy. Người dân thì bu vào xem vòng trong vòng ngoài, bàn luận, chỉ trỏ.

Bà lão cố chen vào đám đông để mà chứng kiến sự việc. Lúc này mấy công an mặc sắc phục đang gỡ bỏ những chướng ngại vật do Thanh - cậu em trai bà - dựng lên trước nhà để ngăn cản cưỡng chế. Có lẽ sau công việc này, họ sẽ cho máy húc vào ủi sập ngôi nhà? Thanh đang vật lộn với mấy tay dân phòng, quần áo rách te tua. Anh cố vùng vẫy thoát ra, để mà xông vào đám công an. Vốn bị tật nói ngọng và lắp từ nhỏ, nên việc phát âm của Thanh rất khó khăn. Tuy nhiên trước việc ngôi nhà thân yêu của mình sắp bị người ta ủi sập, giờ đây anh nói nhiều hơn bao giờ hết.

Một tay thì vẫn bị đám dân phòng giữ chặt, tay kia anh chỉ vào đám công an mà hét lên thất thanh:
- Túng mày nà...nà...một nũ ăn cướp nhá. Chủ tương một...một đằng, chúng mày đi nàm...nàm...một lẻo...

Người dân xung quanh, mỗi người một ý. Kẻ thì đồng tình, người phản đối. Lắm kẻ còn bưng miệng cười ngặt ngẽo vì cái tật nói lắp của khổ chủ.

Nhận thấy hai chiếc máy ủi rồ ga chuẩn bị lao vào nhà mình, khổ chủ vùng thoát ra được khỏi tay kẻ thừa hành mà lao lên phía trước. Vì gắng sức quá, lại trong cơn giận dữ tuyệt vọng nên anh bị ngã dụi xuống đất. Lập tức mấy công an nữa liền lao vào cùng hỗ trợ mà giữ chặt lấy. Bất lực giữa vòng vây, Thanh hét lên trong nước mắt:
- Tao nguyền rủa túng...túng mày. Một nũ...nũ...ăn cướp ban ngày!...

Anh hàng xóm cũng thuộc diện nhà bị cưỡng chế hôm nay, lúc này hoảng quá mà lao ra chặn đầu chiếc xe ủi, không cho nó tiến lên. Thấy tình hình diễn biến phức tạp, tay chỉ huy liền ra lệnh cho đám công an bắt hai anh chủ nhà lại, còng tay và tống lên xe ô tô chờ sẵn. Hai người vùng vẫy la hét và chửi bới ầm ĩ. Xót ruột vì thấy chồng bị còng tay giải đi, chị vợ anh Thanh liền nằm lăn đùng ra đất mà gào lên thảm thiết:
- Bớ làng nước ơi! Nhà nước ăn cướp! Nhà nước bắt dân...
Đám đông lúc này, từ chỗ vô cảm ban đầu, nay có nhiều người thương cảm mà sụt sịt khóc. Người ta thì thầm với nhau: “Phá nhà người ta , rồi còn bắt người nữa. Lạ nhỉ?”. “Mà đền bù kiểu gì vậy, như là cướp không à”. “Đang có nhà cửa đàng hoàng, bây giờ thành ra vô gia cư. Rõ tội nghiệp!”...
Chiếc xe ô tô chở hai khổ chủ rồ ga chạy mất, xả khói đen vào đám đông đang ngơ ngác, hoang mang. Liền lúc đó hai chiếc xe ủi rồ ga lao vào, căn nhà đổ sụp lẫn trong đám bụi mù mịt. Tiếng la hét của gia chủ chìm đi trong âm thanh của động cơ gầm rú.

Chừng một tháng sau. Bữa nọ cô Xuân đang ngồi bày cho đứa cháu học bài, thì thấy bà lão tìm đến, miệng hớt hải:
- Nguy rồi cô ơi! Chỗ đất cũ nhà tôi, bây giờ đang làm dự án xây dựng khách sạn Mini, do tay cháu ruột của lão bí thư làm chủ đầu tư. Ông lão nhà tôi hay tin, uất quá mà ngất đi. Lại bị rối loạn Triều Đình rồi...

Tác giả gửi đến DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More