Tin Nhanh Số 4 -- Cuộc vận động cho nền Báo Chí Độc Lập tại Việt Nam

Radio Chân Trời Mới

Quan điểm của thành viên Ban Tổ Chức
tại cuộc điều trần về tình trạng Tự Do Báo Chí

Buổi điều trần ngày 29/4/2014 về tình trạng quyền Tự Do Báo Chí Việt Nam tại Quốc Hội Hoa Kỳ do các tổ chức ACCESS, Electronic Frontier Foundation (EFF), Đài Á Châu Tự Do (RFA), Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), và Đảng Việt Tân đồng tổ chức.

Tại buổi này, bà Libby Liu, Tổng Giám Đốc đài Á Châu Tự Do đã trả lời phóng viên Bảo Trang như sau:

"Chúng tôi mong muốn những người đang chế tạo kỹ thuật gặp gỡ những người đang dùng kỹ thuật của họ nên đã tạo nhiều buổi trao đổi như vậy. Chúng tôi muốn có những huấn luyện thực sự, huấn luyện về kỹ thuật số và các dụng cụ để họ được an toàn hơn. Bởi vì nhà nước đang dùng mọi thứ máy móc, máy vi tính [để theo dõi]; và chúng tôi muốn nâng sự ý thức rằng chúng
ta rất dễ giúp họ. Không có lý do gì mà chúng ta không giúp họ. Và đó là thông điệp mà tôi muốn gởi đến Quốc Hội [Hoa Kỳ]."

Đối với giới dân báo tại Việt Nam, bà Liu nhắn gởi:

"Quan trọng hơn hết và trước hết là họ cần biết rằng có rất nhiều người ở ngoài này muốn hỗ trợ họ. Bởi vì thủ thuật chính của các chế độ toàn trị là cô lập người dân bằng việc ngăn chận dòng thông tin. Đó là thông điệp hàng đầu mà tôi mong muốn [phái đoàn Việt Nam] chuyển hộ về nước. Thứ nhì là tôi rất hy vọng chúng tôi sẽ học hỏi nơi họ [giới dân báo Việt nam] để có thể tìm những cách giúp công việc của họ trong nước, và hy vọng họ sẽ học hỏi nơi chúng tôi để có thể tự bảo vệ mình tốt hơn."

Bà kết luận:

"Tôi luôn luôn lạc quan về viễn cảnh tương lai và đích nhắm của tôi là làm sao có ngày tôi có thể trao lại việc thu thập tin về Việt Nam cho các vị này. Đó là điều tôi mong muốn."

Cũng tại buổi điều trần này, ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch đảng Việt Tân, đã đưa ra nhận xét sau đây về tình hình Tự Do Báo Chí tại Việt Nam:

"Không có tự do ngôn luận, sự phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam đã chậm chạp một cách thảm hại. Không có một xã hội dân sự phát triển và mạnh mẽ tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính tại sao các cuộc cánh mạng dân chủ ngoạn mục tại nhiều nơi trên thế giới đã không tới được Việt Nam. Hiểu rõ điều này, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã dồn nhiều nỗ lực hạn chế tự do truyền thông và nhất là tự do báo chí. Bởi vậy, để thúc đẩy cải cách dân chủ tại Việt Nam, chúng ta cần hỗ trợ sự phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam, tức là đòi hỏi chúng ta phải chú tâm bảo vệ và cổ vũ cho tự do truyền thông tại Việt Nam. Và cuộc tranh đấu cho tự do truyền thông và tự do báo chí tại Việt Nam phải chú trọng tới hai vấn đề then chốt: tự do internet và chủ trương pháp trị (rule by law) của nhà cầm quyền Hà Nội."

Từ đó, ông đề nghị các điểm chính sau đây đến Quốc Hội Hoa Kỳ qua 3 Dân Biểu Sanchez, Lofgren, và Lowenthal:
"
1- Yêu cầu trả tự do cho tù nhân chính trị:
Danh sách những nhà hoạt động gồm có: Luật sư Lê Quốc quân, blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và Paulus Lê Sơn; nhà bảo vệ dân oan Trần Thị Thúy; nhạc sĩ Việt Khang; Mục sư Dương Kim Khải và Nguyễn Công Chính; các nhà hoạt động nhân quyền trẻ Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, và Nguyễn Đặng Minh Mẫn.

2- Với tới xã hội dân sự:
Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nên tiếp tục gặp gỡ và hỗ trợ những tổ chức dân sự độc lập, nhất là những tổ chức đang chủ trương cải cách xã hội, cải cách luật pháp, và cải thiện nhân quyền. Ngoài ra, việc tiếp cận những nhà bảo vệ nhân quyền cũng như gia đình những người đang bị tù đày sẽ rất hữu ích.

3- Chú trọng về cải cách pháp luật:
Đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải hủy bỏ các Điều 79, 88, 258 của bộ luật hình sự và Nghị Định 72. Đặt vấn đề [với Hà Nội] về những luật sư nhân quyền bị thu hồi giấy phép hành nghề. Cắt cử nhân viên tòa Đại Sứ [Hoa Kỳ tại Việt Nam] tham gia các phiên xử chính trị và đòi nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, và quyền thành lập những tổ chức dân sự.

4- Kêt hợp vấn đề nhân quyền vào quan hệ tổng quát song phương:
Đưa việc cải cách pháp luật và tự do internet vào chương trình nghị sự về giáo dục đại học và thương mại với Việt Nam. Thiết lập một lộ trình kết nối việc cải thiện nhân quyền với sự gia tăng quan hệ về kinh tế và an ninh. Tiếp tục nêu lên vấn đề nhân quyền trong những chuyến công du Việt Nam của ngành lập pháp cũng như hành pháp."


Bà Libby Liu - Tổng Giám Đốc RFA; ông Đỗ Hoàng Điềm - Chủ Tịch Việt Tân; ông Bob Dietz - Đại diện Ủy ban Bảo Vệ Ký Giả; và Dân Biểu Loretta Sanchez



Cho đến nay phái đoàn Việt Nam đã có 15 cuộc tiếp xúc với Liên Hiệp Quốc, các công ty internet, và NGOs bao gồm: tổ chức Freedom House, Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), Global Network Initiative, Luật sư đoàn Hoa Kỳ, Freedom Now, Internews. Riêng tại New York phái đoàn đã tham dự một buổi thảo luận bàn tròn của các NGOs chuyên về tự do Internet; trao đổi với nhiều bộ phận của công ty Google; gặp gỡ văn phòng đặc trách Đông Nam Á của Liên Hiệp Quốc; và tiếp xúc với Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả.


Huy Nhân, Thuận Quyên, Thanh Lan, Thanh Giang tường thuật
Ngày 30/4/2014
DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More