Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa được tổ chức
URAP xếp hạng là trường đứng đầu Việt Nam và đứng thứ 1.932 trong các
trường đại học trên thế giới. Xét trong khu vực thì trường đội trên đầu
hơn 600 trường đại học của các nước lân bang!
Với tôi, một đời làm ông giáo ở trường làng, vậy mà khi nghe tin đó thì có cảm giác như vừa bị hắt vô mặt một chậu nước rửa bát. Lá cờ mang tên giáo dục Việt Nam tung bay kiêu hãnh trước những làn gió lồng lộng mang tên “truyền thống hiếu học”, “nguyên khí Quốc gia”, “ngang tầm thời đại”… giờ tả tơi, thê thảm như là…của mẹ Đốp!
Vậy nên tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe GS Nguyễn Trọng Giảng, hiệu trưởng nhà trường nói: “Kết quả xếp hạng này đã góp phần khẳng định vị thế của nhà trường trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, khẳng định định hướng gắn liền đào tạo với nghiên cứu khoa học của trường trên con đường hội nhập“. Cứ như ý của GS Giảng thì nhận được bằng
của URAP là một thành tựu đáng tự hào!
Đêm qua, tôi có một giấc mơ, không biết là nên khóc hay nên cười.
Tôi mơ
mình vinh dự đảm nhận một trọng trách của Bộ GD. Chức vụ cụ thể không nhớ là
gì, chỉ biết các giám đốc sở, các vụ trưởng mỗi lần đến gặp mình, vị nào cũng
lúng búng như ngậm hột thị vì… khớp!
Vừa ngồi vào ghế, việc làm đầu tiên của tôi là gọi điện thoại về quê gặp ông trưởng thôn Nguyễn Thọ Lê nhờ ông tuyển một đám vài chục ông thợ xây.
Đám thợ sẽ đến trước Văn miếu xây một bức tường thành hoành tráng bằng đá xanh nham nhở, xù xì. Sẽ thuê đúc một bảng đồng ghi rõ: “Bức tường than khóc”.
Hàng năm, trước khi vào nhận áo mũ của nhà vua ban cho các chức danh Giáo sư, Phó giáo sư, nhà giáo nhân dân/ưu tú… các tinh hoa của nền học vấn nước nhà phải thực hiện một nghi lễ: đến dập đầu vào bức tường mà than khóc cho tầm vóc của Giáo dục Đại học Việt Nam.
Vĩ thanh
Bài viết vừa post lên được vài phút, một cựu quan chức về hưu của ngành Giáo dục gọi điện đến, bảo rằng cái tư duy kiểu khổ nhục kế của tôi đã lỗi thời từ lâu rồi. Không cần phải nhọc công xây tường để đập đầu tóe máu, ông có kế khác, trải đầy “hoa hồng”, sự màu nhiệm sẽ đến tức thì, còn hơn phép Tiên.
Ấy là việc mời ban giám khảo của tổ chức xếp hạng ấy sang “thương thảo về ba rem xếp hạng”. Thay sách giáo khoa, ngành giáo dục còn tính chịu chơi 34 ngàn tỉ. Vậy để có cái danh tiếng trước bàn dân thiên hạ, lưu đến muôn đời con cháu mai sau, thì sá gì trăm tỉ ngàn tỉ.
Đưa
vào “ba rem xếp hạng” thêm một yếu tố, ấy là: nồng độ chất triết học Mác Lênin,
nói nôm na là tính Đảng, tính giai cấp trong huyết quản của thầy trò làm căn cứ
xếp hạng. Đảm bảo chỉ sau một đêm, thứ hạng của tất cả các trường đại học An
Nam mình sẽ chen nhau lọt vào top 200, top 100, top 50… còn hơn nấm mọc sau
mưa!
0 comments:
Đăng nhận xét