Học được gì khi Bắc Kinh nuốt lời với Hồng Kông?

Hong Kong phản đối "đảng cử dân bầu"



Ngô Quảng - DienDanCTM

Năm 1997, khi nhận lại nhượng địa Hồng Kông từ Anh quốc, nhà nước Cộng sản Trung quốc đã cam kết sẽ áp dụng chính sách ’’Một quốc gia hai chế độ’’ cho Hồng Kông -- tức cho vùng này hưởng một quy chế với nhiều quyền tự do và tự trị --  trong vòng 50 năm (1997 - 2047). Ngoài hai lãnh vực Quốc phòng và Ngoại giao trực thuộc Bắc Kinh, mọi lãnh vực khác sẽ do người dân Hồng Kông quyết định.

Tưởng cần nhắc lại, khi đưa ra lời hứa này, Trung Quốc còn rất nghèo và vai trò trung tâm tài chính của Hồng Kông đóng vị trí rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều nhà kinh tế gọi đó là "con ngỗng đẻ trứng vàng" của Bắc Kinh. Nếu nhà cầm quyền Trung Quốc kiểm soát xã hội ngặt nghèo như tại Hoa lục, phần lớn các công ty quốc tế sẽ lập tức rút đi. Chính vì thế mà chế độ "Một quốc gia hai chế độ" vẫn tồn tại được cho đến nay, mặc dù các quyền con người đang bị loại trừ và thắt chặt dần, đặc biệt trong lãnh vực bầu chọn các vị trí điều hành cao nhất của Hồng Kông.

Thật vậy, cho đến nay người dân Hồng Kông chưa bao giờ được chọn lựa một người Đại diện
cho mình vào chức vụ Chưởng Quản (tức là chức vụ đứng đầu đặc khu hành chánh Hồng Kông) qua một cuộc bầu cử trực tiếp, vì tất cả những ai ra ứng cử vào chức vụ này đều phải được Bắc Kinh chấp thuận trước. Nói cho dễ hiểu là theo kiểu đảng cử dân bầu như ở Hoa lục.

Năm 2017 tới đây là lần thứ 5, người dân Hồng Kông sẽ đi bầu lại chức vụ Chưởng Quản. Vì không muốn phải đi bầu theo kiểu Cộng sản nên vào ngày 22 tháng 6 vừa qua, nhiều tổ chức xã hội dân sự ở Hồng Kông đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận bằng hình thức trưng cầu dân ý kéo dài trong 10 ngày để xem có bao nhiêu phần trăm người dân Hồng Kông muốn được trực tiếp chọn lựa người Đại diện cho mình, thay vì phải bầu cho một người nào đó nằm trong danh sách do Bắc Kinh đưa ra.

Các tổ chức Dân sự ở Hồng Kông đã lập ra 15 địa điểm bỏ phiếu để cho những người dân Hồng Kông từ 18 tuổi trở lên có thể đến bầu chọn vào ngày chủ nhật 22/06/2014. Ngoài các địa điểm bỏ phiếu đó, Ban tổ chức còn lập thêm một trang web để người dân Hồng Kông cũng có thể vào bầu online cho tiện. Thế nhưng trang Web bỏ phiếu online này mới vừa mở ra được vài tiếng là đã bị tin tặc đánh sập. Ban tổ chức đang cố gắng hồi phục lại trang web này. Và để cho công bằng, Ban tổ chức trưng cầu dân ý đã mời nhiều chuyên gia độc lập vào Ban Giám sát. Theo tin tức ghi nhận được thì chỉ trong ngày chủ nhật 22 tháng 6 vừa rồi đã có đến 689 ngàn người đi bỏ phiếu, một con số vượt xa sự dự phóng của Ban tổ chức. Khi lên chương trình thực hiện, họ nghĩ nếu đạt đến ngưỡng cửa 100 ngàn người bỏ phiếu là coi như thành công.

Bà Chang Fang On Sang, 74 tuổi, từng nắm chức Phó Chưởng Quản Hồng Kông từ năm 1997 đến măm 2001, có mặt tại một địa điểm bỏ phiếu và trả lời các ký giả rằng: "Mặc dù cuộc trưng cầu dân ý này không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng nó mang  ý nghĩa rất lớn là nói cho chính quyền Trung ương Bắc Kinh biết rằng người dân Hồng Kông muốn có bầu cử trực tiếp, tự do thực sự".

Rất nhiều sinh viên, thanh niên sau khi bỏ phiếu xong được các ký giả hỏi cảm tưởng đều trả lời rằng họ muốn Hồng Kông có tự do, có dân chủ thực sự. Họ không muốn trong 3 năm tới lại diễn ra cảnh phải nộp danh sách các ứng viên Chưởng Quản cho Bắc Kinh phê chuẩn. Họ xem đó là không công bằng, không dân chủ như đã hứa.

Phản ứng của Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên. Báo đài công cụ lập tức gọi cuộc trưng cầu dân ý này là "bất hợp pháp, không có giá trị pháp lý, không phản ánh nguyện vọng của người dân Hồng Kông, và tạo xáo trộn sinh hoạt xã hội".

Trong ngày trưng cầu dân ý 22/6/2014, báo chí tại Hồng Kông đăng tin Bắc Kinh đang vừa bực mình vừa sợ các sinh hoạt chính trị tự do tại Hồng Kông sẽ lan rộng tại Hoa lục, cụ thể như các buổi tưởng niệm Thiên An Môn và các cuộc biểu tình vì Dân Chủ rất đông hàng năm. Tin này được dẫn chứng bằng những lời phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong báo cáo với Quốc hội Trung quốc vào ngày 07/03/2014 : "Để Hồng Kông tự trị không tốt bằng bắt nó phải thống thuộc vào chính quyền Trung ương. Chính quyền ông Tập Cận Bình bắt đầu thực hiện việc này".

Ông Cường còn đưa dẫn chứng thêm rằng: "Ngoại trừ nội các của Thủ tướng Chu Dung Cơ (tức vị thủ tướng đã hứa thực hiện chính sách "Một quốc gia 2 chế độ" trong 50 năm) ra, còn tất cả các vị Thủ tướng Trung quốc khác đều muốn phải thống trị Hồng Kông chứ đâu để cho nó có quyền tự trị cao độ được". Nói cách khác, nay Bắc Kinh xem đó như lời hứa "riêng" của ông Chu Dung Cơ mà thôi. Các thủ tướng khác, và giàn lãnh đạo CSTQ nói chung, không có trách nhiệm phải giữ đúng ký kết đó.

Để giảm bớt uy tín của Hồng Kông, Bắc Kinh đã bắt đầu chận các sinh hoạt có tính quốc tế tại đây. Cụ thể như Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 9 năm 2014 sẽ do Trung quốc đứng ra tổ chức. Lúc đầu dự tính sẽ làm tại Hồng Kông nhưng nay đã có quyết định kéo về Bắc Kinh tổ chức.

Những biến chuyển tại Hồng Kông đang đặt nhiều dấu hỏi trước mặt người Việt khắp nơi:
·                     Bắc Kinh đối với Hồng Kông còn như thế thì việc Hà Nội tin và buộc toàn dân Việt phải tin vào 16 chữ vàng, 4 tốt của lãnh đạo Trung Cộng phải chăng là hành động tự sát? Có người đã gọi đó là 16 chữ "hàng" và 4 "dốt".
·                     Người Việt có nên dùng chính tuyên bố, thủ thuật của Lý Khắc Cường về lời hứa hẹn của Chu Dung Cơ để áp dụng vào bức công hàm Phạm Văn Đồng không? Đối với người Việt Nam, bức công hàm thừa nhận đường lưỡi bò đó chỉ là lời của cá nhân ông Đồng chứ không phải của người Việt Nam.
·                     Đã đến lúc các đoàn thể xã hội dân sự tại Việt Nam tự tổ chức trưng cầu dân ý về chọn lựa giữa dân chủ và độc tài chưa? Mạng lưới Internet nay đã cho mọi người phương tiện để thực hiện việc đó tương đối dễ dàng./.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More