Nghị sĩ AQ

Luật gia Trần Đình Thu
 
Sáng nay tôi đọc ý kiến phát biểu của bác nghị sĩ Trần Du Lịch trong bài báo “Nôn nóng Việt Nam sẽ mắc bẫy Trung Quốc” trên Tuổi Trẻ, tôi thấy mắc cười quá. Báo Tuổi Trẻ viết: “Đại biểu Lịch cho rằng đấu tranh là phải kiên trì, tàu ta bị Trung Quốc đâm va hư hỏng và được đưa về sửa chữa, lại tiếp tục quay ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ”. Tôi xin hỏi bác Lịch: Như vậy sửa chữa xong quay ra nó đâm va nữa thì làm sao? Lại đưa về sửa chữa, tiếp tục quay ra Hoàng Sa? Cứ làm hoài vậy sao?  

Tôi không nghĩ là bác Lịch truyền đạt đúng tinh thần của kỳ họp quốc hội vừa qua, truyền đạt đúng quyết tâm của chính phủ, mà bác ấy đã “gọt” bớt đi rất nhiều. Bác Lịch nói “Chúng ta sôi sục trong tim nhưng cần một cái đầu lạnh để nghĩ giải pháp một cách chắc chắn, chứ không nôn nóng. Nếu nóng lên sẽ sa vào bẫy của Trung Quốc”. Cái đầu lạnh và không nôn nóng? Đúng. Nhưng “cái đầu lạnh” không thể như cái chu trình bác Lịch mô tả, bị đâm va quay về sửa chữa rồi quay ra lại, rồi bị nữa và quay về sửa chữa lại quay ra, tôi thấy vô lý quá. Tôi hình dung lời bác Lịch nói, trong một đám trẻ chơi ngoài cánh đồng, thằng nhỏ bị thằng to xác vật xuống ruộng, áo quần lấm
lem bùn đất, chạy về nhà giặt giũ áo quần phơi khô xong mặc vào và chạy ra chơi lại. Như chưa hể bị thằng to xác vật ra ruộng. Và một lát sau thằng to xác lại vật thằng nhỏ ra ruộng… Cứ như thế mãi. 

Không, nhân dân Việt Nam không chấp nhận một “cái đầu lạnh” kiểu đó. Đó chính là một “tinh thần AQ” mà Lỗ Tấn đã phê phán từ xưa. Không thể làm một dân tộc AQ như thế được.
Chúng ta đọc lại một đoạn của Lỗ Tấn: 

“Thế mà lắm đứa vẫn chưa chịu thôi, cứ ghẹo y, thành ra cuối cùng lại đánh nhau. Thực tế thì AQ thua, người ta nắm lấy cái đuôi sam vàng hoe của y dúi đầu vào tường thình thình bốn năm cái liền rồi mới hả dạ bỏ đi. Còn AQ thì đứng ngẩn người ra một lúc, nghĩ bụng:
- Nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó.Thật thời buổi này hết chỗ nói!
Rồi cũng hớn hở ra về vẻ đắc thắng”.

Tôi lấy làm lạ trong cái chuyện Biển Đông là cái sự mạnh mẽ trong hàng ngũ lãnh đạo của chúng ta nó cứ giảm dần từ cấp cao xuống cấp thấp. Khởi đầu từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bác ấy phát biểu rất chi là “tinh thần Bạch Đằng Giang”. Nhưng qua đến bác Phùng Quang Thanh nó giảm xuống còn cỡ chừng 70% của bác Dũng. Xuống đến bác Trần Du Lịch thì hỡi ôi nó chỉ còn cỡ 1 – 2 % của bác Dũng. Đây là một cái sự lạ, ngược với nhiều nước khác. Ví dụ như ở Mỹ, các nghị sĩ họ phát biểu rất mạnh mẽ, lên đến bác ngoại trưởng Kerry thì nó chừng mực lại và đến bác Obama thì nó nhỏ nhẹ thêm chút nữa. Đó là một quy trình hợp lý. 

Đằng này ở Việt Nam chúng ta, Thủ tướng đã nêu ý chí mạnh mẽ rồi, tại sao cứ xuống một cấp lại “xén bớt” một chút ý chí là sao? Tại sao Việt Nam có hiện tượng quan chức cấp thấp tự mình cắt gọt biên tập mình để dần dần cái ý chí của lãnh đạo cấp cao và cũng là ý chí của dân tộc khi được họ nói ra nó teo tóp còn lại một cái gì rất thảm hại? Cái “tinh thần AQ” của bác Trần Du Lịch từ đâu ra? 

Nhất định là không thể chấp nhận cái tình trạng bị đâm va chạy vô bờ sửa chữa lặp đi lặp lại hoài như một điệp khúc nhàm chán ấy được. Chúng ta chỉ chịu đựng một mức độ nào đó thôi. Nếu kẻ địch làm quá, chúng ta phải có những biện pháp kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn. Thậm chí chúng ta có thể đánh trước. Vì kẻ địch đến vườn nhà ta kia mà! Ta đâu có đến vườn bọn chúng? Chúng ta không thể cứ nhân nhượng mãi như một đứa trẻ yếu đuối ngoài cánh đồng, cứ chạy về nhà giặt áo quần rồi chạy ra chơi lại, im lặng như không hề có gì xảy ra. 

Tới đây tôi muốn nói về vai trò đại biểu quốc hội. Dường như nhiều vị quên cái nghĩa vụ chính của đại biểu quốc hội là nói lên tiếng nói của cử tri đã bầu mình ra, mà cứ ngỡ mình đang là một “Bộ trưởng Bộ dân phòng”, tối ngày ngồi lo mất trật tự địa phương. Cái đó không phải là nhiệm vụ của các ông nghị. Còn nếu ông nghị Trần Du Lịch hay ai khác cứ nghĩ như vậy, thì đó chính là những “ông nghị AQ”, “nghị sĩ AQ”. 

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More