Quốc Hội Nhật lên án Trung Cộng về giàn khoan HD981

Ngô Văn

BT Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera
 
Hơn phân nửa số thời gian của phiên họp Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Quốc hội Nhật vào chiều ngày 11/06/2014 đã được dành trọn cho vấn đề xâm lược của Trung quốc ở biển Đông Việt Nam, đặc biệt nghiêm trọng là sự kiện Bắc Kinh kéo giàn khoan Hải Dương 981 đến gần quần đảo Paracel (Hoàng Sa) thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, Bộ trưởng Quốc Phòng, ông Onodera được yêu cầu điều trần về tình hình bành trướng quân sự của Trung quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao, ông Kishida, cũng có mặt để trả lời các câu hỏi từ các dân biểu thuộc cả đảng cầm quyền và đảng đối lập. Các dân biểu đều đồng thanh bày tỏ lòng quan ngại và yêu cầu  ông Kishida cho biết chính phủ Nhật sẽ làm gì trước các hành động khiêu khích mới
đây của Trung quốc ở biển Hoa đông và biển Đông VN, nhất là vụ giàn khoan HD-981.

Đã khá lâu mới có một vấn đề mà các dân biểu thuộc đảng cầm quyền lẫn đối lập đều có chung quan điểm và cùng đòi hỏi chính phủ Nhật phải có hành động cụ thể đối với một Trung quốc đang ngang ngược xâm lược hết vùng này đến vùng khác ở Á châu-Thái Bình Dương. Những dữ kiện về giàn khoan HD-981, nhiều hình ảnh tàu Trung quốc đâm vào tàu tuần duyên, tàu đánh cá của Việt Nam được các dân biểu đưa ra làm bằng chứng cho các câu chất vấn của mình. Ngoại trưởng Kishida trả lời rằng lập trường của chính phủ Nhật là không chấp nhận bất cứ một quốc gia nào sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng. Chính phủ Nhật đã chính thức yêu cầu Trung quốc phải rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng quần đảo Paracel mà họ gọi là quần đảo Tây Sa.

Trước khi chấm dứt phiên họp của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Quốc hội Nhật, một Nghị quyết lên án Trung quốc gây bất ổn ở biển Đông qua giàn khoan HD-981 đã được đưa ra với sự tán đồng của tất cả các dân biểu thuộc Ủy ban Ngoại giao Hạ viện. Nội dung Nghị quyết nói rằng việc Trung quốc tự ý tiếp tục khai thác dầu ở vùng quần đảo Hoàng Sa là nguyên nhân đưa đến sự bất ổn tại biển Đông; Hành động đó của Trung quốc mang bản chất "sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng"; Đây là điều không ai có thể chấp nhận được; Trung quốc phải tự kiềm hãm các hành động khiêu khích của mình. Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á và Hoa Kỳ hãy hợp tác với nhau để áp lực Trung quốc phải tuân thủ Công pháp Quốc tế, tuân thủ luật biển của Liên Hiệp Quốc. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua Quốc hội Nhật chỉ thẳng vào Trung quốc và lên án  hành động xâm lược của họ bằng một Nghị quyết.

Ngay sau khi Nghị quyết lên án Trung quốc của Quốc hội Nhật được công bố, truyền thông Nhật rầm rộ loan tải ngay trong các bản tin đầu giờ. Các ý kiến về sự việc này cũng dâng lên, như trong phần Thời sự Á châu của đài truyền hình Sakura TV Cable kênh số 132 vào tối ngày 11/06/2014 đã có bài bình luận rằng: Nghị quyết lên án Trung quốc về dàn khoan HD-981 là đúng, nhưng chưa đủ, cần phải có hành động đi kèm. Nghị quyết này không phải là xen vào chuyện nội bộ của nước khác mà là một hành động tích cực để bảo vệ Công ước Quốc tế, luật biển của Liên Hiệp quốc mà tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm không để cho Trung quốc ngang nhiên vi phạm. Hơn thế nữa, nếu để Trung quốc ngang nhiên lấn chiếm biển Đông thì quyền lợi giao thông của tàu bè Nhật trên vùng biển này cũng bị thiệt hại; đó là chưa kể đến chuyện Trung quốc sẵn trớn tiến lên chiếm luôn biển Hoa đông và quần đảo Senkaku. Các đài truyền hình cũng chiếu lại một số hình ảnh về cuộc mít-ting biểu tình lớn chống Trung quốc xâm lược Á châu vào ngày 31/05/2014 tại Tokyo của các hội đoàn Nhật tổ chức chung với cộng đồng người Việt Nam, Tây Tạng, Mông Cổ….

Có thể nói chưa bao giờ thời cơ lại thuận tiện bằng lúc này để Việt Nam hợp tác với Nhật Bản để tố cáo và ngăn chận hành vi xâm lược của Trung quốc. Nhưng qua các tuyên bố liên tiếp của các quan chức cao cấp CSVN, đặc biệt là tuyên bố của Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh tại Sangri-La, thế giới thấy rõ lãnh đạo Hà Nội đang rụt lại sau tuyên bố mạnh của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines, và nay lại xin Bắc Kinh mở đàm phán song phương như trong nhiều năm qua./.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More