Một chính quyền bình thường đối với Biển Đông

Vũ Đại Việt
Mặc dù giàn khoan HD981 của Trung Cộng (TC) đã phải rút đi trước thời hạn dự trù một tháng để tránh bão, nhưng sự căng thẳng mang tính đối đầu giữa VN và TC trong suốt 75 ngày qua, cũng như nhiều biến cố tương tự trên Biển Đông sẽ diễn ra trong những năm tháng trước mặt, khiến người ta không khỏi đặt ra những chuẩn mực hành xử mà bất cứ một chính quyền bình thường nào cũng dự kiến để đối phó với những sự việc như vậy; đặc biệt là trước một đối thủ mà manh tâm xâm lấn của họ không còn che đậy gì nữa thì chiến tranh cũng là điều không thế loại trừ. Do đó, dự kiến xẩy ra xung đột quân sự hoặc không cũng đều phải được đặt ra.

Xét về tương quan lực lượng giữa VN và TC thì nước ta thất thế về nhiều mặt:

1- Quân sự: Rõ ràng nhất về số lượng khí tài cũng như trình độ kỹ thuật. Hầu hết vũ khí của VN lẫn TC đều mua của Nga, TC mua nhiều hơn, thế hệ vũ khí mới hơn, cho nên nếu xẩy ra một cuộc chiến tranh quy ước và trong ngắn hạn thì VN có nhiều phần thua. Tuy nhiên, càng về hướng nam thì TC sẽ càng bị mất đi những ưu thế vừa kể. Đặc biệt là Biển Đông lại hoàn toàn nằm trong sự khống chế của không quân VN xuất phát từ những căn cứ ven biển miền Trung.
điều mà không quân Trung Cộng không thể với tới khi họ chưa có nổi một hàng không mẫu hạm khả dụng. Tuy có thể thắng trong một cuộc chiến giới hạn và chớp nhoáng nhưng không có nghĩa là TC có thể đè bẹp quân đội VN một cách chớp nhoáng với ít tổn thất. Quân đội VN có nhiều kinh nghiệm đánh du kích chiến, kinh nghiệm này sẽ càng được phát huy khi chiến trường là đất nhà hay biển nhà. Như vậy chiến thắng đầu tiên của TC sẽ dần dần trở thành khúc xương khó nuốt, làm chúng tiêu hao xương máu và tài lực vô tận và nhiên hậu về lâu về dài thì chưa chắc “mèo nào cắn mỉu nào”.

Khi đặt ra tình huống chiến tranh thì cũng phải xét đến việc liệu TC có dám gây chiến hay không khi mà mầm nội loạn ở nước Tàu, không chỉ ở những vùng lãnh thổ “biên trấn” như Tân Cương, Tây Tạng mà ngay cả ở trong nội địa, luôn luôn là điều bận lòng giới lãnh đạo nước này. Trong bài nói chuyện với cán bộ tháng 3 năm ngoái ông Tập Cận Bình đã không che dấu điều này, mà cách thức để tránh của ông là thỉnh thoảng “quậy nồi canh để khỏi bị sôi trào” tránh nguy cơ dẫn đến nước Trung Hoa bị vỡ vụn ra nhiều mảnh. Ngược lại thì phía VN có dám đối đầu với một cuộc chiến hay không, vì có “dám” thì mới nghĩ đến cách thức đánh để thắng. Xét về mặt thực tế thì cả hai phía đều “sợ” chiến tranh. Họ sợ chẳng phải vì cả hai đều “yêu” hoà bình, mà vì nếu xẩy ra chiến tranh thì cả hai chế độ cộng sản sẽ đều dễ dàng bị xụp đổ hơn vì những xung lực đã tích tụ từ lâu, khi có cơ hội sẽ bùng nổ để giật sập những chế độ không được lòng dân trên hai nước này.

2- Kinh tế: Nước ta hiện nay lệ thuộc TC nhiều về kinh tế. TC có thể xiết, gây áp lực phong toả kinh tế ta; tuy TC có thể bị thiệt hại nhiều hơn ta nếu giao tranh về kinh tế vì trong giao thương Việt-Hoa, TC đang được lợi hơn ta rất nhiều, nhưng giữa anh giàu và anh nghèo, anh giàu vẫn thoải mái dù mất 1 ngàn, anh nghèo thì dù mất chỉ có 1 trăm vẫn có thể xập tiệm.Tuy thế, cái khó khan về kinh tế của ta sẽ không đến nỗi tuyệt vọng vì hiện nay Tàu không thể hoàn toàn phong toả kinh tế ta, vì nước ta đang có nhiều cơ hội mở ra hội nhập vào kinh tế toàn cầu..

3- Ngoại giao: Mạnh nhờ gạo, bạo nhờ tiền. Ở tư thế siêu cường số 2 trên thế giới, và có tư thế phủ quyết trong LHQ, TC có lợi thế ngoại giao hơn, có thể ảnh hưởng đến các nước khác, khiến tiếng nói của Bắc Kinh có trọng lượng hơn tiếng nói Hà Nội trên chính trường quốc tế. Tuy thế, từ trước đến nay TC luôn luôn ở vào thế cô độc, không có đồng minh. Thái độ hung hăng của TC đồng thời cũng là mối đe doạ cho Tây Phương và các nước lân cận với Tàu, nhất là qua thái độ hành xử du côn của TC trên Biển Đông, một thuỷ lộ vô cùng quan trọng của thế giới, càng khiến TC cô độc hơn. Nếu biết vận dụng sự lo ngại vừa kể của thế giới đối với TC trên đấu trường ngoại giao, VN có thể san bằng khoảng cách bất lợi ngoại giao nói trên. Tuy nhiên, trên thực tế thì CSVN cũng cô đơn không kém gì TC. Cái ý thức hệ VN đang ôm giữ tự nó đã khiến các nước dân chủ không bao giờ đứng chung với VN trên một chiến tuyến.  

Với tương quan lực lượng kể trên, khi TC xâm phạm chủ quyền lãnh hải VN một cách trắng trợn, và làm tổn hại nền ngư nghiệp của ta (bắt giết ngư dân ta, cấm đoán ngư dân ta đánh cá, thu hẹp ngư trường của ta), thì một chính phủ bình thường thực sự lo cho nước cho dân phải làm gì?
  • Ráng kềm chế để tránh xung đột quân sự là điều nên làm. Nhưng điều này không có nghĩa là phải tỏ vẻ yếu hèn nhược để đối phương coi khinh được đằng chân tiến lên đằng đầu. Và càng không có nghĩa là xua ngư dân ra bám biển, cảnh sát biển ra vờn lách tàu chiến địch,  phong cho ngư dân làm cột mốc sống trên biển (1), để rồi nếu hy sinh thì được phong làm liệt sĩ (2), trong khi đó thì lực lượng chính để bảo vệ lãnh hải là hải quân thì lại chỉ bám bờ. Trong vụ tranh chấp vùng đảo Scarborough, tuy hải quân  Phillipines thua xa hải quân TC, tàu chiến Phillipines vẫn hiên ngang kéo ra dàn trận đối đầu với hải quân Tà , hai bên gờm nhau cả tháng trời với sự tự chế không nổ súng, rồi cùng lấy lý do mùa bão để rút quân. Mặc dù ngay sau đó TC đem tàu chiến trở lại và phong toả vùng đảo này, Philipines không làm gì được và không mang quân trở lại, mà dùng đòn pháp lý ngoại giao, ta thấy ít nhất nhà nước Phi đã không làm ô nhục quân đội mình và duy trì được tinh thần chiến đấu của quân dân mình.

  • Một nhà nước bình thường luôn lấy dân làm gốc. Lúc phải đối diện với hiểm hoạ ngoại xâm thì nhà nước dựa vào dân để cùng dân đối phó. Không có chính quyền nào lại nói với dân là hãy để một mình nhà nước lo và giấu kín không chia sẻ với dân nhà nước lo như thế nào. Ngay cả dưới thời phong kiến khi mà dân vẫn còn coi vua quan như là bậc cha mẹ tuyệt đối, các vua nhà Trần vẫn phải tìm lấy sự đồng thuận của dân qua Hội Nghị Diên Hồng với câu hỏi “nên hoà hay nên chiến”.

  • Khi thực sự muốn bảo vệ chủ quyền trước sự lấn áp của tên hàng xóm côn đồ, nếu mình yếu về cơ bắp quân sự, thì mình tìm đủ mọi cách khác để đối phó, trong đó cách la làng cho mọi người khác xúm vào quan sát và bênh vực mình là cách mà người yếu hay làm và thường làm chùn tay tên du đãng. Không có nhà nước bình thường nào chỉ la làng nửa vời rồi khi có vài nước khác bắt đầu lên tiếng bênh vực, thì lại gián tiếp chặn họ lại với lời trấn an không sao chỉ là hục hặc trong gia đình, chứ nói chung quan hệ giữa chúng tôi vẫn tốt đẹp. Chả trách mà tên du đãng càng ngày càng coi khinh công khai, đưa VN từ vị trí đàn em xuống hàng “con cái hoang đàng”. Thế giới có thể thương cảm một quốc gia yếu, nhưng khinh bỉ và không thể giúp đỡ một chính quyền hèn.

CSVN dùng lý cớ là mình phải đóng vai kẻ hiếu hoà, luôn mong muốn duy trì hoà bình nhưng sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Đây là câu nói chung chung của mọi nhà nước bình thường, nhưng hành động của nhà nước CSVN lại không phù hợp với lời nói. CƯ AN TƯ NGUY là một phương sách muôn đời của bất cứ một quốc gia nào.  Một quốc gia sống trong hòa bình thì phải lo chuẫn bị sẵn sàng cho tình huống xảy ra chiến tranh. Tiền nhân VN đã bao lần xử dụng phương sách này mới bảo vệ được  sự vẹn toàn của đất nước. Trong tình thế khẩn trương, giặc đã vào nhà và bức hại ngư dân ta thì không thể ngồi yên được nữa. Chuẩn bị chiến tranh không có nghĩa là chờ mua thêm vài tàu ngầm ki lô,  hoặc nói suông là vẫn âm thầm “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.” Ta không đem quân đi đột kích ai để mà phải bí mật chuẩn bị chiến tranh. Chuẩn bị chiến tranh để tự vệ và duy trì hoà bình là phải khua chiêng gióng trống sao cho đối phương phải chần chừ suy nghĩ lại, cân nhắc giá phải trả nếu muốn động binh. Sự kiện TC đã tự chế không khai hoả trong vụ gờm súng với Phillipnes ở đảo Scarborough cũng như việc TC đã thông báo trước giàn khoan HD981 sẽ chỉ ở biển Đông vài tháng cho thấy trong thâm tâm TC chưa dám trắng trợn động binh và nhiều phần chỉ muốn thăm dò "mềm nắn, rắn buông". Năm 2007, khi TC dự trù tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, các cuộc biểu tình phản đối dữ dội cuối năm đó của thanh niên, sinh viên VN đã khiến TC phải ngưng lại và chối bỏ rằng họ không có kế hoạch này.

Một chính phủ bình thường phải cho tên bá quyền xâm lược thấy toàn dân toàn quân mình đang chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với những ngày tháng khó khăn trước mặt về kinh tế và quân sự, sẵn sàng tinh thần cho một cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân xâm lược. Một nhà nước bình thường trong hoàn cảnh này phải cho dân thấy bằng hành động cụ thể rằng mình đang làm hết những gì có thể làm được để bảo vệ chủ quyền đất nước để dân có thể tâm phục và tin tưởng.

CSVN đã không làm như vậy. Họ bắt dân nhắm mắt tin tưởng vào họ, tuyên truyền đề cao lòng yêu nước trong giới trẻ, nhưng lại chứng tỏ một thái độ khúm núm khiếp nhược trước Bắc Kinh cùng những hành động làm soi mòn tinh thần tự chủ bất khuất của quân dân Việt, như ngăn chặn cấm đoán những búc xúc tự phát chống TC của người dân, cấm quốc hội ra nghị quyết về Biển Đông, bắt hải quân bám bờ trong tủi nhục khoanh tay nhìn ngư dân mình và cảnh sát biển bị hải quân Tàu đàn áp ngay trong vùng biển của mình. Thỉnh thoảng nói cứng nhưng ngay sau đó lại run, lại vuốt ve khấu tấu TC, im lặng cam tâm làm phận con cái đối với TC, chấp nhận tư thế ngoại giao cả nước ngang bằng cấp dưới của tỉnh Quảng Đông (3).

Phải đợi đến gần hết 3 tháng khi giàn khoan sắp sửa rút theo lịch trình của TC, bộ ngoại giao CSVN mới làm ra vẻ tương đối mạnh dạn chính thức công bố lập trường bác bỏ yêu sách chủ quyền của TC đối với Hoàng Sa với những lập luận không có gì mới để biện minh cho sự chậm trễ chờ đợi để cho TC chủ động ra tay trước tranh thủ về mặt ngoại giao vấn đề Biển Đông với Liên Hiệp Quốc. Lối hành xử này cho thấy chế độ Hà Nội không thực tâm bảo vệ đất nước và những lời nói cứng của họ chỉ là nói suông với mục đích chính là xoa dịu sự bực tức của người dân mà thôi và rồi khi giàn khoan rút đi, họ sẽ tự nhận công thắng lợi, khoe rằng cách xử trí của họ là đúng đắn, dù trên thực chất TC đã đạt được hoàn toàn mục đích đóng dấu chủ quyền của họ trên Biển Đông, khẳng định uy quyền của mình trên đứa con hoang đàng khiến nó phải chịu nhục, và khoá chặt hải phận VN trong vùng lưỡi bò của TC.

Thực ra, TC không thể tìm ra một tay sai chư hầu nào tốt hơn CSVN mà chả cần chiến tranh nên có nhiều phần sau khi nhắc nhở xác quyết lại quan hệ cha con với Hà Nội, TC sẽ để cho CSVN lại một chút thể diện để khỏi bị dân phẫn uất vùng lên lật đổ. Cụ thể như việc TC tạm rút giàn khoan để Bắc Kinh và Hà Nội đều có thể tuyên bố “hai bên cùng thắng”.

Nguồn dẫn:
(1) phát biểu của Trương Tấn Sang: http://www.baomoi.com/Source/Bao-Phu-Nu-Online/91.epi

(3) Học thêm kẻ thù và rước thêm kẻ thù!: Xã Luận Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận số 199 (15-7-2014)

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More