Tại sao CSVN khai trừ Ls. Nguyễn Đăng Trừng?

DienDanCTM
Ls. Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ khỏi đảng vì muốn Liên đoàn Luật sư VN được độc lập.
Ls. Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Trừng cùng LS Đoàn TPHCM
"kiên quyết bảo vệ hai quần đảo thân yêu HS-TS!"
Kết quả của những năm tháng dài tranh đấu cho sự tự quản, sự độc lập của Đoàn Luật sư VN khỏi bị áp đặt chỉ đạo trái pháp luật, luật sư Nguyễn Đăng Trừng ngày hôm nay đã bị khai trừ khỏi đảng. Sự việc này đã đang gây chấn động trong giới luật sư nằm trong một tổ chức xã hội nghề nghiệp đặc thù trên cả nước.

Quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với Ls. Nguyễn Đăng Trừng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM được chính thức công bố trong buổi họp báo chiều nay 31/7 tại Sài Gòn, sau khi Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cho phát thông báo đến các cơ quan Đảng đoàn, Đảng ủy và Đảng bộ thuộc TP.

Theo quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy ký thi hành kỷ luật khai trừ khỏi Đảng Ls. Trừng là vì ông có "một số khuyết điểm, vi phạm trong quá trình công tác". Bản lết luận đã nêu ra một số sự việc vi phạm kéo dài từ những năm qua.

Trang Tễu blog cho rằng "Ls. Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ vì không nghe theo chỉ đạo". Theo Tễu blog, ông Nguyễn Đăng Trừng (sinh 1942), tại thôn Trước Bàu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 12, thuộc đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng tham gia vào vai trò Uỷ viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; là Bí thư Đảng đoàn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố HCM. Ông có nhiều tiếng nói phê phán phản biện tại quốc hội, nhất là phê phán sự yếu kém của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước. Ông từng mạnh dạn nói trước Quốc hội: "Chống tham nhũng ở nước ta giống như dòng văn học cuối thế kỷ 19 - hiện thực phê phán, thấy hiện trạng nhưng không có giải pháp tháo gỡ’. Ông cũng từng đứng bào chữa cho Năm Cam, và cho vụ án Ls. Lê Công Định cũng từng thuộc đoàn luật sư của ông.

Hồi tháng 1 năm 2008, Ls. Nguyễn Đăng Trừng trên cương vị chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố HCM, cùng với Ls. Lê Công Định là Phó Chủ nhiệm, đã cùng Đoàn luật sư TP HCM tập họp ra "Tuyên bố về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa", xác nhận "Việt Nam có chủ quyền bất khả xâm phạm đối với Hoàng Sa và Trường Sa cả về phương diện pháp lý (de jure) lẫn phương diện thực tế (de facto) theo Công pháp quốc tế" để phản đối Trung quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa của Quốc vụ Viện nước này.

Từ đó thực tế cho thấy từ nhiều năm qua, đã có xung đột giữa Đoàn Luật sư TP.HCM và Liên Đoàn Luật sư Việt Nam được dựng lên qua sự can thiệp của Nhà nước CSVN.

Theo đề án Bộ Tư pháp Việt Nam từ tháng 10 năm 2006 nhằm "thành lập tổ chức luật sư toàn quốc” với tên gọi là “Liên đoàn Luật sư Việt Nam”. Khi Bộ Tư pháp dự định tiến hành lập “Hội đồng Luật sư lâm thời toàn quốc” để tổ chức “Đại hội đại biểu Luật sư lần thứ nhất” nhằm lập ra “Liên đòan Luật sư Việt Nam” thì chính Ls. Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm thay mặt Đoàn Luật sư TP.HCM đã gửi “Kiến nghị khẩn cấp”, đề nghị Thủ tướng Việt Nam và Bộ trưởng Tư pháp không chỉ định bất kỳ cán bộ nào đại diện Bộ Tư pháp làm thành viên của “Hội đồng Luật sư lâm thời toàn quốc”. Lý do theo ông, "Việc Bộ Tư pháp đưa hai đại diện của mình làm thành viên ‘Hội đồng Luật sư lâm thời’ và dự kiến cơ cấu một người làm Chủ tịch, một người làm Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Thư ký là “vi phạm nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, được quy định tại Luật Luật sư”.

Phản ứng của Đoàn Luật sư TP.HCM và cả dư luận trong giới luật sư trên tòan quốc đã khiến việc thực hiện “Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc” bị đình trệ lại hơn một năm sau, cho đến tháng 1-2008 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới phê duyệt “Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc", và đồng ý xác định: “Người đứng đầu tổ chức luật sư toàn quốc phải là người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, am hiểu sâu sắc nghề luật sư và thực tiễn hoạt động luật sư ở Việt Nam, có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt và thuyết phục đối với đội ngũ luật sư…”.

Dù vậy, đề án này vẫn tiếp tục đình trệ, mà theo Ban chỉ đạo nhìn nhận, do “có những ý kiến khá gay cấn, nhất là của một số anh em luật sư TP.HCM. Các anh chị em ấy muốn người lãnh đạo của Liên đòan Luật sư phải là luật sư lâu năm, phải có kinh nghiệm họat động luật sư thì mới sát với thực tế, sát với bảo vệ quyền lợi của luật sư, có hiệu quả hơn.” Trong khi  Bộ Tư pháp thì không muốn chọn những luật sư thực thụ, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, đủ uy tín để lãnh đạo “Hội đồng Luật sư lâm thời”.

Cuối cùng, đến tháng 6 năm 2008, Bộ Tư pháp công bố “Quyết định thành lập Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc”, với 3 nhân vật được Bộ sắp xếp làm chủ tịch, phó chủ tịch mà trước đó chưa họ bao giờ là luật sư cũng như chưa có chân trong Đoàn Luật sư nào. Đó là ông Lê Thúc Anh, chủ tịch, là một cựu thẩm phán. Hai phó chủ tịch là ông Nguyễn Văn Thảo, ông Trần Đại Hưng thì một người từng đảm nhiệm vai trò Vụ phó Vụ Bổ trợ Tư pháp (một cơ quan thuộc Bộ Tư pháp), và  một người từng là Phó Ban Nội chính Trung ương Đảng. Sau đó 3 ông này mới được  Bộ Tư pháp cấp giấy "hành nghề luật sư”, rồi đi xin gia nhập vào  đòan luật.

Và như dự tính của Bộ Tư pháp, khi “Liên đòan Luật sư Việt Nam” hình thành vào tháng 5 năm 2009, người được đưa vào nắm chức chủ tịch cho nhiệm kỳ 1 (2009-2014) là ông Lê Thúc Anh.

Qua sự việc trên, sự xung đột giữa Đoàn Luật sư TP.HCM và Liên Đoàn Luật sư Việt Nam vẫn tiếp tục kéo dài đến nay. Mới gần đây hồi tháng 6-2014 vừa qua, trong một thông báo  liên quan đến một công văn do ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN ban hành "cho ý kiến với ĐH Nhiệm kỳ của Đoàn Luật sư TP.HCM",  LS Nguyễn Đăng Trừng nói thẳng thừng rằng: "Không bảo vệ sự tự quản, sự độc lập của Đoàn Luật sư đã không xứng đáng là một luật sư bình thường. Huống hồ ông Lê Thúc Anh chẳng những không bảo vệ được sự tự quản, sự độc lập của Đoàn Luật sư, lại tiếp tay cho sự áp đặt không dân chủ và sự can thiệp trái pháp luật đối với Đại Hội Đại Biểu Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ VI (2013-2018) càng không xứng đáng là Chủ tịch Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam...".  Đoàn Luật sư Tp.HCM qua Chủ nhiệm  Ls. Nguyễn Đăng Trừng còn nêu rõ "ông Lê Thúc Anh là một người năng lực kém, không tập hợp quy tụ được Luật sư trên cả nước, không còn xứng đáng là chủ tịch Liên đoàn LSVN", đồng thời đề nghị "Đại Hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II sắp tới phải thông qua một phương thức bầu cử dân chủ nhất" để tìm chọn người xứng đáng, không chấp nhận "kiểu bầu cử độc diễn không dân chủ"  như quá khứ.

Dư luận cho rằng qua thông báo của Đoàn Luật sư TP. HCM của luật sư chủ nhiệm Nguyễn Đăng Trừng, phản đối việc tùy tiện thêm tiêu chuẩn đối với chức danh Chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Thành phố HCM rất xác đáng. Cũng như sự độc lập của Đoàn luật sư chính là chìa khóa bảo vệ các luật sư, và nhờ đó là chìa khóa bảo vệ công lý. Có thể vì vậy mà ông bị thanh trừng "khai trừ khỏi Đảng" bằng những tội danh quy chụp trong quyết định công bố hôm nay.


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More