“Dối trá!”

Viết Lê Quân/ VNTB/ GNLT

Kê khai tài sản quan chức: Báo nhà nước cũng phải gào lên: “Dối trá !”


             Biệt thự ở Bến Tre của ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng thanh tra Chính phủ

“Dột từ nóc dột xuống”

13 năm thực hiện chủ trương kê khai tài sản quan chức đã chỉ biến thành một trò hề – trắng trợn bởi nền hành pháp và cay nghiệt cho mỗi người dân.

Dân Trí (Hội khuyến học- trực thuộc Bộ giáo dục)– một trong những trang báo điện tử nhà nước có lượng truy cập lớn nhất ở Việt Nam – cũng phải mát mẻ: Một số liệu cực kỳ hiếm thấy, đáng ghi vào Kỷ lục Guinness, đó là tỉ lệ xấp xỉ 1/1.000.000 về sự trung thực được nêu trong Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Uỷ ban Tư pháp ngày 15.9/2014.

Cụ thể, trong số 944.425 trường hợp kê khai tài sản thu nhập năm 2013, chỉ có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh và 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực.

Vào năm 2013, khi đánh giá về tình hình thực hiện việc kê khai tài sản công chức ở Việt Nam, bà Lê Hiền Đức, Công dân chống tham nhũng, người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế chỉ thở ra: “Khi nghe thấy thông tin sẽ kiểm kê tài sản của cán bộ cao cấp, trung cấp tôi đánh giá rất cao. Tôi nghĩ rằng phen này sẽ cháy nhà ra mặt chuột. Nhưng thực tế tôi chưa thấy một lần kiểm kê tài sản của ai cả. Rất nhiều cán bộ, năm bảy biệt thự hoàng tráng, chứ không phải là một vài cái nhà. Chúng tôi gọi là dột từ nóc dột xuống”.


Một ngàn và trăm triệu

Thực ra, chủ đề kê khai tài sản công chức đã được đặt ra từ đại hội đảng IX năm 2001. Tuy nhiên thời gian đã trượt qua hơn một con giáp mà tình hình vẫn giậm chân tại chỗ.

Việc kê khai hiện nay chỉ dựa vào ý thức tự giác của người phải kê khai, trong khi những người trực tiếp đi xác minh tài sản lại chủ yếu là những người trong cùng đơn vị.

Ý thức tự giác của những người có chức có quyền thấp, vì chỉ cần nhìn vào hố phân hóa thu nhập xã hội khủng khiếp ở Việt Nam là có thể đánh giá.

Việc công khai tài sản cũng không hề được minh bạch trên báo chí theo bất cứ chủ trương nào. Một số cơ quan chính quyền cho rằng việc công khai trên báo chí lại liên quan đến quyền tự do cá nhân được quy định trong hiến pháp.

Một thực tế là người khai man hay xác minh sai đều không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào. Mặt khác, tình trạng những người có chức, có quyền nhờ người thân đứng tên tài sản càng khiến người dân không tin vào chủ trương kê khai tài sản.

Trong khi đó, dư luận người dân đã đồn đoán về tài sản của nhiều quan chức lên đến hàng trăm triệu USD cho mỗi đầu quan, trong khi thu nhập của gia đình nông dân chỉ chưa đầy 1.000 USD mỗi năm.


“Nhà nước và nhân dân cùng làm”

Không thể giải quyết được vấn đề kê khai tài sản nếu không thực hiện ít nhất một số biện pháp như:
Cần dứt khoát kê khai “nguồn thu nhập” để từ đó phát hiện nguy cơ tham nhũng, thay vì chỉ yêu cầu kê khai “tổng thu nhập”.

Cần có quy định nào buộc cán bộ, công chức phải giải trình tăng, giảm tài sản, thu nhập để phát giác những tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng.

Cần công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của những người có chức, có quyền tại đơn vị công tác và ở tổ dân phố, để người dân giám sát. Công khai trên báo chí tài sản một số quan chức bị dư luận phản ánh hoặc tố cáo.

Ngoài việc kê khai tài sản nhà, đất và nguồn tiền cho vợ, con đi học ở nước ngoài, còn phải kê khai cả tài khoản ở ngân hàng nước ngoài.

Và nếu theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” có thể thực hiện một biện pháp khác là phát huy vai trò phản biện và tố cáo của giới blogger.


Đáp án nào?

Báo Dân Trí lại mỉa mai: Nói thẳng tưng, cái con số trên là không có thật. Là con số “ảo” và không loại trừ, đó là con số dối trá như các con số 1% công chức ngành nội vụ yếu kém, như 80% người dân hài lòng với dịch vụ hành chính công hay 1,84% người trong độ tuổi lao động Việt Nam thất nghiệp…

Câu hỏi đặt ra là vì sao có con số “vĩ đại kinh hoàng” này?

Có lẽ ở đây có ba khả năng.

Xin mượn hình ảnh một trò chơi dân gian “bịt mắt bắt dê” thủa ấu thơ để minh họa cho đỡ… căng thẳng vì bức xúc.

Một là sự dối trá đã trở thành siêu đẳng, có thể “bịt mắt” được những người “bắt dê”.

Thứ hai là ngược lại, những người “bắt dê” trình độ quá kém và có thể cũng… không muốn bắt?

Và thứ ba là… cả hai!

Và nếu trong ba “giả thiết” ấy, bạn chọn “đáp án” nào? Một, hai hay…?


Phụ lục  của Giang Nam Lãng tử: Xem thêm khối tài sản khủng của chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mà Trưởng ban tuyên giáo Bình Dương khẳng định là ‘tài sản hợp pháp” (!) – Biệt thự và rừng cao su 100 ha.


V.L.Q


1 comments:

Nhìn những tấm hình trên thì tôi nghĩ những thành phần nầy là những người đã trực tiếp hay gián tiếp ép buộc những nông dân nhượng đất nhượng nhà v.v. Bên cạnh đó thì họ cũng sản sàng bán mọi nguồn tài nguyên quốc gia khác.
Nói cách khác: Họ sẽ bán hay trao đổi tất cả những gì với những người khác, nếu như người khách hàng đó bằng lòng với giá họ nêu ra.
Với cá nhân tôi thì xã hội VN hiện nay không còn là xã hội CS nữa, mà là một xã hội độc đoán vì lợi ích riêng tư.

Xin chân thành cảm ơn tác giả và xin chúc tác giả luôn an bình.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More