Tham nhũng, tâm thần và bạch hóa

Baron Trịnh

1. Vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đã làm nóng phiên họp toàn thể lần thứ 14 về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm là báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp, chỉ trên 10%. Có nghĩa, gần 90% tài sản tham nhũng “lọt lưới”.

Dĩ nhiên, đối với quan chức thì sự việc “rất là nghiêm trọng”. Hàng loạt lý-do-lý-trấu được nêu ra lẫn bô-lô-ba-la các giải pháp. Có điều, nói cho tròn vai rồi đâu lại vào đấy, dù cũng có vài đại biểu tâm huyết thực sự muốn nói, nhưng có vẻ sợ há miệng thì mắc quai.

Quan chức ngồi phòng lạnh nhăn trán cau mày chém gió những điều tưởng chừng như ghê gớm. Ấy mà dân tình nghe lại cứ dửng dưng như không. Bởi lẽ, người dân đã quá quen thuộc với những điều đó. Chỉ có quan chức là quan liêu nên không biết hoặc giả vờ không biết mà thôi. Câu nói “hy sinh đời bố, củng cố đời con” ví von cho hành vi tham nhũng bằng mọi giá đã được dân tình nói mãi từ thập niên 90 của thế kỷ trước, chứ đâu phải bây giờ mới được báo đảng cảnh báo.


Thế cho nên dân tình bịt miệng mà cười khi nghe cũng chính đại diện của Thanh tra Chính phủ báo cáo rằng: “Trong số hơn 944 nghìn trường hợp đã kê khai thài sản thu nhập, chỉ có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh và chỉ duy nhất một người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực”.

Dân thường chắc chắn không thể tham nhũng, vì họ không có cơ hội để tham nhũng. Và tất yếu, những kẻ tham nhũng phải nằm trong hệ thống các cơ quan công quyền, càng ở vị trí cao thì mức độ tham nhũng càng lớn.

Gần 1 triệu lãnh đạo, quản lý thuộc dạng phải kê khai tài sản chỉ có 1 người không trung thực, nhưng khi phát hiện tham nhũng thì gần 90% tài sản không thể thu hồi.

Vậy, những đồng tiền tham nhũng đó chạy đi đâu?

2. Cũng liên quan đến vấn đề tham nhũng, xuất phát từ một câu hỏi mỉa mai của ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm UB tư pháp Quốc hội rằng: “tại sao [tội phạm] tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế?”. Báo chí đua nhau giật title và mổ xẻ mối quan hệ “biện chứng” giữa tham nhũng và bệnh tâm thần.

Có bao nhiêu % quan chức tham nhũng trở thành bệnh nhân tâm thần? Quá trình hình thành bệnh tâm thần xảy ra như thế nào? Kết quả giám định bệnh tâm thần có sai sót gì không?... có lẽ chỉ là những câu hỏi mở ở các hội nghị. Bởi lẽ đâu đó vẫn có những chuyện cười ra nước mắt như câu chuyện kể của ông Đinh Văn Quế - cựu Chánh tòa hình sự TAND tối cao trên báo Tuổi trẻ rằng: “có một ông cục phó Cục dự trữ Quốc gia thời đầu thập niên 90 liên quan đến một vụ án tham nhũng lớn ‘đột nhiên’ bị bệnh ‘tâm thần’. Sau khi ông này vào trại tâm thần để điều trị ‘bắt buộc’ được một năm thì ở nhà vợ ông sinh con?”.

Vấn đề dư luận quan tâm không phải là mấy ông quan vừa “bị” tâm thần này. Mà là công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ ở các cơ quan công quyền - nơi xảy ra các vụ án tham nhũng.
Ở thể chế này, để được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý thì phải có một sự phấn đấu mạnh mẽ để được đưa vào diện “quy hoạch cán bộ”. Dĩ nhiên họ phải là đảng viên, có "đạo đức tốt", lý lịch “trong sạch” và thành phần gia đình “cơ bản”. Ngoài ra, họ phải kinh qua các lớp đào tạo về lý luận chính trị, về quản lý nhà nước. Họ có thể dốt về chuyên môn nhưng không thể suy thoái về tư tưởng chính trị. Một người có thể ngồi ở ghế lãnh đạo cấp cục vụ viện, lãnh đạo cấp sở ngành ở các tỉnh thành và lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thì chí ít phải có thâm niên công tác trên 15 năm.

Có nghĩa, “tổ chức” đã có một thời gian dài đánh giá, thẩm định cả "đạo đức", “năng lực” lẫn "tư tưởng chính trị" qua từng vị trí công tác của những kẻ tham nhũng này. Và điều cực kỳ hài hước là “tổ chức” đã không phát hiện họ là những kẻ tâm thần, cho đến khi họ bị phanh phui là đối tượng tham nhũng.

Tham nhũng đang là quốc nạn, “đã thành đường dây có tổ chức” như lời nói của ông Tổng bí thư, là một “bầy sâu như lời nói của ông Chủ tịch nước, “ăn của dân không từ thứ gì” như lời nói của bà Phó chủ tịch nước. Giờ đây, lại phát hiện “nhiều thế” những quan chức tham nhũng là những kẻ tâm thần.

Nếu không bị phát hiện, những "kẻ tâm thần" này sẽ còn chui sâu, leo cao đến đâu?

3. Dư luận đang bàn tán xôn xao về bộ phim “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) của Hãng phim truyện Việt Nam được đầu tư “khủng” 21 tỷ đồng đã không bán nổi 1 vé.

Nếu nhìn nhận một cách đa chiều, thì thấy rằng việc đó cũng không có gì là lạ, cho dù dư luận chưa cần xem đến nội dung của bộ phim. Trong thế giới phẳng của thời đại internet, chỉ cần một đoạn trailer hay mấy bài giới thiệu, người đọc có thể đánh giá về nội dung và chất lượng của bộ phim.

Lâu nay, những phim quốc doanh sản xuất về chủ đề lịch sử không có gì mới, và đa phần chết yểu. Bởi lẽ người xem đã quá bội thực với những chuyện ta thắng - địch thua, ta chính nghĩa - địch tà đạo, ta nhân ái - địch ác ôn,… Những nội dung mang nặng tính tuyên truyền một chiều chắc chắn không được dư luận chấp nhận, khi mà từ học sinh cấp một đến người dân ở nông thôn đều có thể sử dụng internet.

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp nhiều nguồn thông tin, cả chính thống và phi chính thống để người dân lựa chọn. Và khái niệm thông tin đa chiều đã trở nên quen thuộc với người dân. Những sự việc thiếu thực tế, sai sót hoặc ngụy tạo hoàn toàn có thể được bạch hóa trong dư luận.

Chẳng hạn như triển lãm về cải cách ruộng đất diễn ra cách đây hơn 1 tuần. Những hình ảnh nồi nhôm, mâm nhôm, thìa sứ, đũa nhựa, khuy áo nhựa,… đã bị người xem phát hiện, và được lan truyền một cách nhanh chóng trên mạng internet. Việc đóng cửa triển lãm có lẽ ít nhiều liên quan đến việc này?

Chắc chắn rằng, người dân đủ khôn ngoan để không bỏ tiền ra mua vé xem một bộ phim vừa kém về giá trị nghệ thuật, vừa thông tin một chiều. Cũng như người dân đủ sáng suốt để nhận ra những bất hợp lý của những tư liệu đã bị ngụy tạo.
Giấy không gói được lửa, là thế.

4. Có thể thấy, thông tin một chiều không thể tồn tại trong một xã hội tư duy đa chiều. Những vụ việc nêu trên khiến người dân luôn nghi ngờ vì sự bất hợp lý của nó, và họ sẽ tìm kiếm các nguồn thông tin phi chính thống để kiểm chứng và bạch hóa vấn đề.

Dĩ nhiên, khi vấn đề đã được bạch hóa thì những gì đang diễn ra không khác gì một vở hài kịch. Những lời vàng thước ngọc trở nên bỉ ổi và dối trá. Kể cả những lời nói thẳng thắn ở các hội nghị, thậm chí trong nghị trường không còn được tung hô như trước nữa, bởi lẽ có mấy ai có quyền lực mà tay không nhúng chàm?

Thế nên, những hô hào chống tham nhũng, những tuyên truyền về các sự kiện lịch sử,… sẽ phản tác dụng khi những sự thật vẫn còn bị giấu giếm. Chắc chắn rằng, không ai tin một quan chức tự nhiên phát bệnh tâm thần khi bị phát hiện tham nhũng, cũng không ai tin gần 1 triệu quan chức chỉ có một người kê khai tài sản không trung thực.

Hài kịch, luôn gây ra tiếng cười cho người xem. Nhưng tiếng cười của dân Việt khi xem những vở hài kịch này luôn chua chát, thậm chí là cười ra nước mắt. Đã thế, họ lại luôn bội thực với những vở hài kịch liên tiếp được diễn trong xã hội.

Chắc chắn rằng, đến một lúc, họ sẽ quay lưng lại với các vở hài kịch.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More