Từ những chuyện chết người oan uổng ở trụ sở công an

Gia đình nạn nhân tố cáo công an
Bảo Nam
Cái kiến đi kiện củ khoai.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có không ít nghi án, các đối tượng tình nghi dính líu đến pháp luật được công an đưa về trụ sở xét hỏi, sau đó chết một cách tất khuất (không nói đến các vụ gây thương tích nặng). Nhiều vụ chết người đã được đồng tiền lấp liếm, cũng có vụ được đưa ra tòa án. Những sự kiện chết người đã làm dư luận hết sức lo lắng về nhân quyền, tuy nhiên các vụ chết người vẫn không giảm, đây là tiếng chuông xé lòng.

Vụ án anh Ngô Thanh Kiều ở Tuy Hòa, Phú Yên là ví dụ thứ nhất. Do nghi ngờ anh Kiều có liên quan đến một vụ cướp, công an Tuy Hòa do cán bộ Lê Đức Hoàn đã chỉ đạo cấp dưới bắt giữ anh Kiều, phân công 4 chiến sỹ công an sớm lấy được lời khai để hoàn tất hồ sơ. Bốn công an từ cấp thiếu úy đến thiếu tá đã thay nhau đánh đập anh Kiều dẫn đến tử vong. Chuyện hai năm rõ mười, dư luận làm ầm ĩ, không thể khác được phải đưa ra cái gọi là ánh sáng. Phiên tòa sơ thẩm đã có nhiều mức án khác nhau cho các bị cáo, trong đó Nguyễn Thân Thảo Thành mức án cao nhất 5 năm tù. Bị cáo Thành kêu oan “ Tôi không biết anh Kiều bị tội gì, không oán không thù sao tôi có thể đánh anh dẫn đến cái chết, mong tòa điều tra lại”. Phiên tòa sơ thẩm không có mặt cán bộ Hoàn chỉ huy nên không thể đối chất”. Tại phiên tòa các bị cáo đổ lỗi cho nhhau để tránh tội. Một luật sư bảo “ Nguyễn Thân Thảo Thành cấp bậc thấp nhất, ở vùng quê nghèo hẻo lánh, không thân thế, có thể đây là nước cờ thí tốt”…

Mới đây ngày 18/10 thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh hàng trăm người dân đồng hành với gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Sửu (S1973) đưa quan tài đến trụ sở công an, đến trụ sở thành ủy đòi công lý cho người chết. Sự việc vắn tắt, ngày 11/10 nghi ngờ anh Sửu dùng súng tự chế bắn chết một người dân ở phường Bình Ngọc. Ngày 14/10 công an sở tại đã bắt tạm giữ khẩn cấp anh Nguyễn Văn Sửu. Đến ngày 17/10 công an báo tin cho gia đình anh Sửu, anh đã xé ống quần treo cổ tự tử ở cửa số. Không tin được anh Sửu tự tử, vì hiện trường cửa sổ nơi tạm giam không quá đầu người nên vợ con, người thân của nạn nhân đã mang quan tài đòi công lý. Mặc công an ngăn chặn, cả đánh đập nhưng đoàn người cùng quan tài đã đến trước huyện ủy. Mãi đến lúc huyện ủy đứng ra giải thích, hứa giải quyết đến bù thì thi thể khốn khổ của anh Sửu mới được đưa về quê mai táng.
   
nextVụ thanh tra giao thông nhảy lầu tự tử đến nay người dân vẫn chưa hết lo lắng đâu là sự thật. 
Vợ nạn nhân không tin chồng tự vẫn nói trong đau đớn “Chiều hôm đó, tôi điện thoại anh Mẫn còn bảo “em đi đón con đi, tí anh về” thì không lý gì khoảng 1 tiếng sau anh lại tự tử được”, bà Tuyết đau đớn và hoài nghi trước cái chết bất thường của chồng mình

Như các báo đã đưa tin, vào ngày 9/10 ông  Nguyễn Tấn Mẫn (37 tuổi), Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông kiêm Trạm phó trạm cân số 56 (Sở GTVT Đắk Nông) được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đắk Nông mời lên làm việc vì nghi ngờ có liên quan đến nghi án nhận hối lộ của một số phương tiện quá tải qua trạm cân.
Cùng bị triệu tập với ông Mẫn còn có ông Lê Đình Trọng - Phó chánh Thanh tra Sở GTVT và ông Nguyễn Quang Khải - Đội phó Đội Thanh tra giao thông số 1.

Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, tại cơ quan công an ông Mẫn đã thừa nhận hành vi nhận hối lộ. Đến khoảng 17h, ông Mẫn xin phép đi vệ sinh rồi nhảy từ lầu 2 xuống đất ngay tại trụ sở công an tỉnh Đắk Nông và tử vong .  

Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi của cơ quan công an bước đầu xác định ông Mẫn chết do tự tử.

Trước cái chết quá đột ngột của ông Mẫn, bà Nguyễn Thị Tuyết - vợ ông Mẫn - và gia đình có nhiều thắc mắc, cho rằng có uẩn khúc nên đã làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.
Bà Tuyết cho biết, vào khoảng 9h sáng ngày 9/10, bà có nghe chồng nói đi làm, rồi báo rằng lên cơ quan công an làm việc. Đến khoảng 11h, ông Mẫn điện thoại rồi bảo: “Em ăn cơm trước đi, anh đang còn làm việc”. Mặc dù nhà chỉ cách trụ sở công an chừng 1km nhưng ông Mẫn vẫn ở lại đó.

Đến khoảng hơn 16h, em trai ông Mẫn là anh Nguyễn Văn Cảnh điện thoại hỏi thăm tình hình, vẫn thấy ông Mẫn trả lời: “Anh đang làm việc với công an, lát nữa xong việc anh gọi”.

Lúc 16h20, bà Tuyết điện thoại cho chồng hỏi “anh có đi đón con được không?” ông Mẫn trả lời: “Em ơi em đi đón con đi, đừng có để con chờ, tí anh về. Anh Mẫn đi đâu cũng thông báo cho vợ biết hết. Là một người yêu vợ thương con, trước đó anh còn điện thoại nói chuyện hẹn lát nữa về thì không có lý gì 1 tiếng sau anh lại tự tử được. Không thể như vậy được, tôi thấy còn có uẩn khúc sau sự việc này”, bà Tuyết nói trong nước mắt.

Ông Phạm Xuân Tâm, chú họ ông Mẫn cho rằng, một người trước khi tự tử phải có sự đấu tranh tư tưởng rất mạnh mẽ. Ông Mẫn là con trai cả trong gia đình có cha và mẹ đang bệnh nặng, vợ và 2 con còn thơ dại. Nếu nói có nhận hối lộ mấy chục triệu đồng thì khắc phục hậu quả, rồi cao lắm ngồi tù vài năm là xong, không thể có chuyện bồng bột nhảy lầu tự tử được. Và đây cũng là lần đầu Mẫn được mời lên làm việc với cơ quan công an, khi chưa có kết luận điều tra nghi án nhận hối lộ thì không thể nhảy lầu tự tử.

Bà Tuyết còn thấy vài điểm “vô lý” trong cái chết của chồng mình, như sự việc xảy ra tại cơ quan công an tỉnh vào cuối giờ hành chính, có rất nhiều người tan giờ làm, tại sao lại không có ai nhìn thấy sự việc, mà chỉ có mấy ông công an trông thấy ?

Ông Phạm Xuân Tâm nói thêm, khi sự việc xảy ra, ông có lên lầu 1 (tầng 2) là phòng làm việc của cán bộ điều tra làm việc với ông Mẫn, từ hành lang đến phòng vệ sinh, cầu thang, ông đều thấy rất bẩn, lâu ngày không chùi rửa. Tuy nhiên, tại lầu 2 nơi xác định ông Mẫn nhảy lầu lại rất sạch sẽ, giống như vừa được lau chùi.

Ông Tâm cho biết, hôm chứng kiến việc khám nghiệm tử thi ông Mẫn, ông thấy “thi thể ông Mẫn mặt bị biến dạng với nhiều vết bầm tím, hai mắt tụ đầy máu, cằm bị rách, trán có vết trầy xước, sống mũi bị gãy hoàn toàn,… Toàn thân bầm tím…Với nhiều vết thương như vậy thì phải mất nhiều máu nhưng ở hiện trường chỉ phát hiện một vài vết máu nhỏ, khiến gia đình có sự ngờ vực”- ông Tâm thắc mắc.

Bà Tuyết và gia đình tha thiết kiến nghị Bộ Công an nhanh chóng điều tra làm rõ để có kết luận công minh chính xác nhất về cái chết của ông Mẫn.

Hầu hết những cái chết sau nghi án, bị cơ quan điều tra xét hỏi, các gia đình nạn nhân điều được thông báo : thắt cổ tự tử, chết bị bệnh lý, chết nhảy lầu, chết do cắn lưỡi…tùy theo dấu vết trên thi thể để thông báo cho hợp lễ. Sau đó là khám nghiệm tử thi…và kết luận cũng của cơ quan công an ?! Thế là công an không có tội gì. Tuy nhiên họ cũng bỏ ra hàng trăm triệu, gọi là chút hộ trợ rồi bắt phía gia đình nạn nhân rút đơn không được kiện cáo. Cách đây chưa lâu có 3-4 tay công an ở thị xã T. đánh chết một dân thường, nhưng chỉ một con tốt bị thí, nghe đâu xử phạt 2 năm tù và phía vợ con nạn nhân được hộ trợ hơn 100 triệu. Cũng tại cơ quan công an trên, do nghi ngờ đối tượng trộm dê, giết chết một người khác. Họ đã đưa đối tượng về thẩm vấn, sau đó nạn nhân bị chết với rất nhiều vết thâm tím. Vụ chết người này gia đình nạn nhân được hộ trợ 130 triệu. Ông bố, em gái, chị gái của nạn xa xót giải bày “ Đàng nào con em của chúng tôi cũng đã chết rồi, còn kiện cáo ư, ai đời cái kiến đi kiện củ khoai”. Phải đến 3-5 tháng sau kể trộm dê và giết người mới được làm sáng tỏ. Rõ ràng nạn nhân bị nghi oan, rồi công an lỡ tay đánh chết đã được đồng tiền lấp liếm…Nhưng không biết phía công an gây ra cái chết có họp nội bộ để rút kinh nghiệm không ?

Trở lại chuyện bà Tuyết và gia đình nạn nhân Nguyễn Tấn Mẫn, liệu họ có nên tiếp tục đội đơn đến Bộ công an mong làm sáng tỏ cái chết “ tự tử” đầy nghi vấn không ?  Nghĩ đến câu “Ai đời cái kiến đi kiện củ khoai”, thật xa xót thay cho một xã hội mà ở đâu cũng có khẩu hiệu “Sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.

Bảo Nam.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More