Đất Hồ Ba Giang của DCCT Hà Nội dưới góc độ pháp lý

VRNs
Khu đất Hồ Ba Giang của DCCT Hà Nội
Trước sự kiện nhà cầm quyền Hà Nội tiến hành xây dựng công viên trên đất Hồ Ba Giang thuộc quyền sở hữu của Tu viện DCCT Hà Nội và Giáo xứ Thái Hà, VRNs có cuộc trao đổi với Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại, Chánh Văn phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và Trưởng Văn phòng Công lý-Hoà bình DCCT Sài Gòn về vấn đề này dưới góc độ pháp lý.

VRNs: Chúng con xin Chào Cha Giuse Đinh Hữu Thoại. Trong những ngày qua, mọi người đều thể hiện nỗi bất bình đối với việc nhà cầm quyền Hà Nội cho tiến hành xây dựng cái gọi là “công viên” trên khu đất Hồ Ba Giang –nằm trong tổng diện tích 61.455m2 đất- thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Dòng Chúa Cứu Thế (“DCCT”) – Giáo xứ Thái Hà- Hà Nội, bất chấp dư luận, bất chấp những phản đối hợp tình hợp lý của các Tu Sỹ, giáo dân Nhà Thờ Thái Hà, những người chủ thực sự, hợp pháp của khu đất. Thưa, với tư cách là Tu sỹ DCCT, Chánh Văn phòng Tỉnh Dòng CCT Việt Nam, Trưởng phòng Công lý và Hòa Bình, xin Cha cho mọi người biết tóm tắt về tình trạng pháp lý quyền sử dụng khu đất như thế nào ạ?

Cha Giuse Đinh Hữu Thoại: Trước hết, cần khẳng định, Tỉnh Dòng CCT VN – mà trụ sở chính hiện ở 38 Kỳ Đồng- có nhiều tu viện, cơ sở, …đặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tài sản của các cơ sở, các tu viện ấy- theo Giáo luật, theo Hiến pháp Dòng, và ngay cả theo qui định pháp luật của nhà nước này- thuộc quyền định đoạt của người đại diện hợp pháp, duy nhất là Giám tỉnh DCCT VN. Ngoài tình liên đới với Cộng đoàn Tu viện DCCT tại Thái Hà, Giám tỉnh DCCT VN còn có quyền quyết định đối với tài sản của DCCT tại Thái Hà- Hà Nội. Dĩ nhiên, khi quyết định, cũng tuân theo trình tự, thủ tục Luật Giáo Hội, Luật Dòng…

Trở lại khu đất Hồ Ba Giang, theo công bố của chính nhà cầm quyền Hà Nội có “diện tích là 14.182 m2 nằm trong diện tích hơn 60.000 m2 đất…” của DCCT Thái Hà- Hà Nội. Còn theo hồ sơ, giấy tờ của DCCT còn lưu giữ thì khu đất hồ Ba Giang có diện tích 18.230 m2. Nguồn gốc khu đất này là vào năm 1928, Đức cha Francois Chaize, Giám quản Tông toà Giáo phận Hà Nội, đứng tên mua giúp DCCT khu đất nằm trên quốc lộ 6, nay là phố Nguyễn Lương Bằng, với tổng diện tích 61.455m2. Năm 1943, DCCT đã có bản vẽ và giấy phép xây dựng của Thành phố Hà Nội để xây dựng Nhà thờ trên khu đất này. Nhưng do từ năm 1943-1946, chiến tranh lan tràn và nhất là nạn đói 1945, việc hình thành Nhà thờ đã không thể thực hiện. Ngày 22.05.1944, Đức cha Francoise Chaize đã làm giấy nhượng quyền sở hữu đất đai và toàn bộ bất động sản trên khu đất này cho các tu sĩ DCCT Thái Hà. Từ đó và liên tục, DCCT, dưới danh xưng ‘Les Pères Rédemptoristes’, đứng tên sở hữu hợp pháp có Bằng khoán Điền thổ số 42, ngày 16.08.1944 (sơ đồ của Consevation de la Propriété Foncière de Ha Noi – Sở Quản thủ Điền thổ Hà Nội, hiện còn lưu giữ tại Địa chính Hà Nội). Những năm trước 1954, trên mảnh đất này, DCCT đã xây dựng Tu viện, Học viện, Nhà đệ tử, Nhà thờ và các cơ sở mục vụ và xã hội khác. Sau ngày 20.07.1954, do tình hình biến chuyển của thời cuộc lúc bấy giờ, đa số các tu sĩ DCCT Thái Hà di chuyển vào miền Nam Việt Nam. DCCT Thái Hà Hà Nội chỉ còn lại các Cha Giuse Vũ ngọc Bích, Denis Paquette và Thomas Côté, cùng các Thầy Clément Phạm Văn Đạt và Marcel Nguyễn Tấn Văn. Hiện nay, đã có nhiều tài liệu, nhiều sách báo viết về cuộc sống của người dân, của trí thức…đặc biệt là tu sỹ, giáo dân dưới chế độ khắc nghiệt của nhà cầm quyền cộng sản vô thần. Chúng ta có thể tìm kiếm các chữ như “trại giam Cổng trời”, “hồi ký tù nhân Kiều Duy Vĩnh” trên Google để biết rõ hơn giai đoạn lịch sử khắc nghiệt này. Hai Thầy Văn và Đạt DCCT cũng đã bị bắt và đã qua đời trong ngục tù cộng sản. Hồ sơ phong Chân Phước cho Thầy Marcel Văn đã được mở tại Tòa Thánh. Cha Côté bị trục xuất và Cha Bích phải điều hành Giáo xứ một mình. Chính điều kiện này, đã dẫn đến- như ở Miền Nam sau 30/4/1975- nhà cầm quyền cưỡng chiếm đất đai DCCT nói riêng và nhà- đất tôn giáo nói chung- mà họ gọi là “hiến tặng” hay “đưa vào quản lý”…Từ diện tích 61.455 m2 của DCCT, đến nay, Tu viện DCCT và Giáo xứ Thái Hà Hà Nội chỉ còn lại được…khoảng 2.700 m2 đất. Mất đi gần 60.000m2 với trị giá hiện tại khu vực này theo chính qui định của nhà cầm quyền Hà Nội (ban hành theo Quyết định số 63/2013/QĐ-UBND ngày 25/12/2013) là gần 50.000.000 đồng/m2. Giá đất do UBND qui định này, đang có dự thảo của chính phủ là tính “tăng gấp 4 lần”. Với giá 50 triệu/m2 thì diện tích đất 60.000 m2 đã tương đương 3.000 tỷ đồng.

Riêng khu đất hồ Ba Giang, trong địa bạ kê khai lần thứ nhất năm 1928, được ghi ở bản đồ số 2, tờ 59, lô 230; Kê khai lần thứ hai ngày 10 tháng 11 năm 1961, trước bạ quyển số 1, tờ 584, lô số 496; Kê khai lần thứ ba theo chỉ thị 379, ngày 23 tháng 7 năm 1993 của Thủ Tướng Chính phủ và thực hiện chỉ thị hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày 4 tháng 12 năm 1993. Kê khai lần thứ tư theo Chỉ thị 245 ngày 22 tháng 4 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều tra sử dụng đất của các tổ chức trong nước…; Chỉ thị 09/CT-UB của UBND TP. Hà Nội ngày 25 tháng 5 năm 1996; theo hướng dẫn số 61/NĐ –ĐC ngày 7 tháng 6 năm 1996 của Sở Địa chính Nhà đất Hà Nội. Điều quan trọng là, mãi cho đến những năm 1996, 1999 nhà cầm quyền Hà Nội vẫn khẳng định, qua các Báo cáo của Sở Địa chính Hà Nội số 387/BC-SĐCNĐ, ngày 11/5/1999; hay Văn bản số 64/CV-UB-ĐĐ, ngày 30/01/1996 của UBND quận Đống Đa, … rằng: khu đất hồ Ba Giang thuộc quyền quản lý và sử dụng hợp pháp của DCCT Thái Hà- Hà Nội.

VRNs: Thưa Cha, nhưng nhà cầm quyền hiện tại lại cứ lập đi lập lại cái căn cứ là: “Cha Vũ Ngọc Bích đã hiến tặng”…; Luật đất đai đã qui định…; Nghị quyết 23/2003/ NQ-QH đã nói…để cho rằng “không có cơ sở trả lại đất cho DCCT- Nhà thờ Thái Hà – Hà Nội”. Cha có ý kiến như thế nào ạ.

Cha Giuse Đinh Hữu Thoại: Về cái gọi là các “căn cứ” mà nhà cầm quyền này đưa ra, ý kiến của DCCT đã phản bác tại nhiều văn bản gửi nhà cầm quyền, nhiều phát biểu tại các cuộc họp, gặp gỡ…cho từng nội dung cụ thể:

1. Thứ nhất, đối với căn cứ cho rằng “Linh mục Vũ Ngọc Bích đã hiến tặng…đã bàn giao…”:

a. Trước hết, đúng sự thực như vậy, thì về pháp lý, mọi người- và nhà cầm quyền này phải biết rõ hơn ai hết- Khu đất thuộc sở hữu, sử dụng của DCCT, một tổ chức Tôn giáo, tức một pháp nhân. Như vậy, quyền định đoạt (hiến tặng, bàn giao…) tài sản nếu có của pháp nhân, theo Luật đạo, luật đời, bắt buộc phải do người có thẩm quyền của tổ chức, người đứng đầu pháp nhân quyết định. Quyết định ấy phải được thể hiện bằng văn bản hợp pháp, phải được tiến hành theo các trình tự luật đạo, luật đời qui định. Cha Nguyễn Ngọc Bích chưa bao giờ là người có thẩm quyền – theo luật đạo, luật đời- được quyền quyết định hoặc được người có thẩm quyền của DCCT giao cho nhiệm vụ định đoạt tài sản của DCCT. Điều 103 và Điều 154 Bộ luật Dân sự 1995; Điều 93 và Điều 145 Bộ luật Dân sự 2005 đều qui định rõ: Giao dịch của người không có quyền đại diện thì vô hiệu, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của pháp nhân. Hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu là: “…khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận…” theo qui định tại 146 Điều Bộ luật Dân sự 1995 và Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005. Cần nói rõ, trong giao dịch hiến- tặng nhà đất, bất động sản, trình tự luật định buộc phải có thủ tục xác nhận trên văn bản, có đăng ký…mới thành sự. Luật pháp của nhà cầm quyền lúc bấy giờ thể hiện ở Điều 1 và Điều 3 Sắc lệnh số 85-SL ngày 29/2/1952 rằng: “Các việc mua bán, cho và đổi nhà cửa, ruộng đất bắt buộc phải trước bạ rồi mới được sang tên trong địa bộ và sổ thuế. Việc chuyển dịch các tài sản khác được miễn trước bạ… Trước khi đem trước bạ, văn tự phải đưa Uỳ ban kháng chiến hành chính xã hay thị xã nhận thực chữ ký của các người mua, bán, cho, nhận đổi và nhận thực những người bán, cho hay đổi là chủ những nhà cửa, ruộng đất đem bán, cho hay đổi. Việc nhận thực này không nộp một khoản tiền nào”. Và ngày nay là Điều 168 Bộ luật Dân sự 2005: “Việc chuyển quyền sở hữu bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu”. Và đối với đất đai thì phải có quyết định thu hồi, quyết định giao đất, đăng ký QSD đất…theo các qui định Điều 95, Chương V, chương VI Luật Đất đai 2013, với nội dung: “đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất…”. Cần lưu ý là “cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức…” cũng đều là người sử dụng đất theo qui định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013.

Cần nhấn mạnh là, có những tình tiết pháp lý quan trọng liên quan đến “căn cứ Cha Bích hiến tặng nhà – đất” cần phải nêu ra ở đây, trước hết là thời gian – mà nhà cầm quyền Hà Nội- xác định là năm 1961. Thời điểm này, luật pháp và chính sách của nhà cầm quyền lúc bấy giờ đối với đất Tôn giáo không có qui định về “hiến tặng”. Điều 10 Luật Cải cách ruộng đất ngày 4/12/1953 qui định: “Ruộng đất của tôn giáo (Nhà Chung, nhà chùa, thánh thất, tu viện, v.v…) thì chỉ trưng thu và trưng mua. Trường hợp có mua chính đáng thì trưng mua”. Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955, điều 6 qui định: “Các nhà thờ, chùa, đền, miếu, thánh thất và các đồ thờ, các trường giáo lý của tôn giáo được luật pháp bảo hộ”. Điều 12 thì qui định: “Để bảo đảm việc thờ cúng của nhân dân và giúp đỡ các nhà tu hành, đối với phần ruộng đất mà nhà thờ, nhà chùa, thánh thất được sử dụng từ sau cải cách ruộng đất, Chính phủ sẽ chiếu cố và cho đóng thuế nông nghiệp theo mục nhẹ hơn’. Phù hợp với Điều 12 Điều lệ mẫu Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp (ban hành kèm theo Thông tư số 449/TTg ngày 17/12/1959 là: “Ruộng đất tôn giáo trong cải cách ruộng đất để lại cho Nhà chùa, Nhà chung thì nay vẫn để Nhà chùa, Nhà chung sử dụng như cũ. Trong trường hợp Nhà chùa, Nhà chung muốn gửi ruộng đất đó vào hợp tác xã thì hợp tác xã có thể nhận làm và trích cho Nhà chùa, Nhà chung một phần hoa lợi ruộng đất. Tỷ lệ hoa lợi đó để bao nhiêu do hợp tác xã bàn bạc với quần chúng tôn giáo mà quyết định”. Thứ hai là, có nhiều người lập luận, Tôn giáo đã nhầm lẫn quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất cá nhân với tổ chức Tôn giáo, nên áp dụng pháp luật sai. Qui định pháp luật lúc bấy giờ của nhà cầm quyền là không phân biệt, thể hiện rõ ở Điều 2 Sắc lệnh số 234/SL năm 1955 dẫn ở trên là: “Các nhà tu hành và các tín đồ đều được hưởng mọi quyền lợi của người công dân và phải làm mọi nghĩa vụ của người công dân”.

b. Trên thực tế, nhà cầm quyền chưa trưng ra được chứng cứ hợp pháp đối với căn cứ “Linh mục Bích hiến tặng”. Trái lại, liên tục, qua từng thời điểm thích hợp, Chính Linh mục Vũ Ngọc Bích (khi ngài còn sống) và các linh mục DCCT Hà Nội đã có những chia sẻ hoàn cảnh bị cưỡng chiếm đất đai, và có những phản đối gay gắt, thậm chí là căng thẳng đối với hành vi nhà cầm quyền Hà Nội chiếm đoạt từng bước khu đất DCCT Hà Nội. Họ đổi Tu viện thành bệnh viện Đống Đa và bán bất hợp pháp nhiều phần khác cho các công ty, các viên chức nhà nước và tư nhân. Chính Cha Bích khi còn sống từng chia sẻ. Từ chỗ ép buộc cha Giuse Vũ Ngọc Bích “cho mượn” đất tu viện nhiều lần, nhưng ngài nhất định không đồng ý vì đây là đất tôn giáo dùng để thờ phượng, phục vụ cộng đoàn, nhất là ngài chỉ có vai trò quản lý chứ không phải là chủ của cơ sở. Nhà cầm quyền CSVN đã đợi lúc cha Bích đi vắng, dọn đồ ngài ra khỏi tu viện, ung dung chiếm tu viện rồi biến thành BV Đống Đa ngày nay. Cũng hình thức ép buộc, công nhiên chiếm đoạt đất đai hồ Ba Giang của DCCT, chiếm đất giao cho Công ty may Chiến Thắng thuê….

Điều “giấu đầu lòi đuôi” rõ nhất của nhà cầm quyền này là vào ngày 11.04.2008, Đoàn Thanh tra TP Hà Nội mời đại diện Giáo xứ Thái Hà đến Sở Tài nguyên-Môi trường để thông báo kết luận tạm thời. Các đại diện Giáo xứ đã mạnh mẽ phản bác khi Đoàn Thanh tra cho rằng: Ngày 24.10.1961, Linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký giấy bàn giao đất cho nhà nước quản lý ….Nhưng lại không trả lời được chất vấn của Đại diện Giáo xứ Thái Hà là: Chính quyền nói ngày 24.10.1961 Cha Bích mới giao đất cho nhà nước, tại sao ngày 30.01.1961 chính quyền đã có quyết định giao đất cho Xí nghiệp Dệt Thảm Len Đống Đa, tức là 10 tháng trước khi cho rằng Cha Bích đã ký giấy bàn giao?

Điều buồn cười khác nữa là, nhà cầm quyền Hà Nội, lúc đầu, không chịu trưng ra căn cứ “giấy bàn giao” do Cha Bích ký vì cho rằng đó là ‘tài liệu mật’. Đến ngày 26.08.2008, UBND TP.Hà Nội đã gửi công văn số 680/UBND-NNĐC về việc cung cấp tài liệu giải quyết khiếu nại và gửi kèm một lúc 4 bản chụp gọi là “giấy bàn giao” để ngụy tạo chứng cứ chứng minh hành vi chiếm đoạt đất đai của DCCT là “hợp pháp”. Đến phiên họp giữa các linh mục và giáo dân Thái Hà với các lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 17.09.2008, khi các Tu sỹ DCCT và đại diện Giáo xứ đề cập đến tính bất nhất của những giấy tờ mà phía nhà cầm quyền đưa ra để nói là Cha Vũ Ngọc Bích đã ký: có tới 4 “giấy giao đất” cho nhà nước quản lý, trong khi chỉ có một miếng đất! Ông Vũ Hồng Khanh, phó chủ tịch UBND Thành phố lúc ấy đã quay sang nhắc bảo thuộc cấp của mình: “Thôi thì các đồng chí xem xét bốn giấy tờ ấy, rồi thống nhất chọn lấy một thôi”. Đúng là cộng sản!

 2. Thứ hai, đối với căn cứ gọi là “theo Luật Đất đai” và theo “Nghị quyết 23/2003/QH11 của Quốc hội”:

Về khía cạnh pháp lý, cả Luật Đất đai lẫn Nghị quyết 23/2003/QH11 đều qui định: “Không xem xét…trong quá trình thực hiện chính sách đất đai…”, nhưng như phần trên đã phân tích, chẳng có “chính sách đất đai” nào- vào thời điểm nhà cầm quyền cưỡng chiếm khu đất DCCT Thái Hà- cho phép nhà cầm quyền “nhận hiến tặng”, “nhận bàn giao” đất Tôn giáo. Trái lại, chính sách đất đai đối với Tôn giáo thời điểm bấy giờ, như nêu ở trên là “Các nhà thờ, chùa, đền, miếu, thánh thất và các đồ thờ, các trường giáo lý của tôn giáo được luật pháp bảo hộ” (Điều 6, Sắc lệnh số 234/SL ngày 14/6/1955); “Ruộng đất của tôn giáo (Nhà Chung, nhà chùa, thánh thất, tu viện, v.v…) thì chỉ trưng thu và trưng mua. Trường hợp có mua chính đáng thì trưng mua” (Điều 10 Luật Cải cách ruộng đất 1953); Và “Đối với các hội hè, Tôn giáo: chính sách cụ thể chỉ quản lý đối với diện tích đất cho thuê, cho người khác sử dụng nhờ” nhưng phải “chú ý làm tốt về mặt chính trị”. Ngay cả “đất cho thuê, cho sử dụng nhờ thuộc phạm vi nội tự…thì nhà nước cũng không quản lý đất này” (tiết 2 Mục III Thông tư số 10-TTg ngày 4/2/1963). Không có “chính sách đất đai” cụ thể qui định mà cưỡng chiếm thì sao lại áp dụng điều luật nói đến “chính sách đất đai”? Điểm khác nữa, nhà cầm quyền căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2003, nhưng sao không căn cứ khoản 2 Điều 117 cũng của Luật Đất đai 2003 là: “Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất” để kết luận là “việc tặng cho đất DCCT, Nhà thờThái Hà của Linh mục Giuse Vũ Ngọc Bích, nếu đúng, cũng là trái với qui định Luật Đất đai, đó là cấm cơ sở Tôn giáo tặng cho quyền sử dụng đất, là vi phạm điều cấm của pháp luật, do vậy vô hiệu theo qui định tại Điều 137 BLDS 1995 và Điều 128 BLDS 2005”. Cũng như vậy, sao không viện dẫn các qui định: “Nghiêm cấm việc mua, bán, lấn, chiếm đất đai, phát canh thu tô dưới mọi hình thức, nhận đất được giao mà không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, tự tiện sử dụng đất nông nghiệp, đất có rừng vào mục đích khác, làm huỷ hoại đất đai”. (Điều 5 Luật Đất đai 1987). Và “Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất” (Điểm b khoản 1 Điều 181 Luật Đất đai 2013). Chưa kể là, về pháp lý, nguyên tắc giao kết “tặng- cho” giữa các Bên (nếu có) buộc phải tuân theo là “sự thỏa thuận…, tự do giao kết…, tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng” (Điều 394 và Điều 395 BLDS 1995; Điều 388, Điều 389 BLDS 2005). Không thỏa thuận, không tự do, không bình đẳng…thì giao dịch bị vô hiệu theo qui định tại Điều 142 BLDS 1995 và Điều 132 BLDS 2005.

VRNs: Thưa Cha, mới đây, tờ báo Hà Nội Mới có bài viết: Một dự án thiết thực, nói về công trình xây dựng công viên ngay trên khu đất cưỡng chiếm của DCCT Thái Hà, với ba lập luận chính là 1) Khu đất Hồ Ba Giang của DCCT “… là địa chỉ gắn liền với những đặc điểm như phức tạp, khó quản lý, ô nhiễm môi trường… Rác thải từ nhiều nguồn vô tư xả xuống, khiến diện tích bề mặt hồ ngày càng thu hẹp, nước hồ thành nơi phát sinh nguồn dịch bệnh vì ruồi, muỗi, mùi xú uế… Ở một quận trung tâm Thủ đô như Đống Đa, việc để một diện tích đất lên tới hàng nghìn mét vuông trong tình trạng phức tạp, hoang hóa…”. 2) Việc xây dựng công viên là đáp ứng nguyện vọng chính đáng người dân : “…Sự ủng hộ của người dân đối với dự án đã được thể hiện rất rõ trong kết quả lấy ý kiến đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn do UBND quận phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện tại hai phường Quang Trung và Ô Chợ Dừa …”. 3) Cuối cùng là lên án các Linh mục, tu sỹ DCCT Thái Hà đi ngược lại lòng dân: “một số linh mục ở Nhà thờ Thái Hà lại làm đơn “cầu cứu” lên Chủ tịch UBND TP Hà Nội đòi dừng thi công. Họ cho rằng, đất hồ Ba Giang thuộc quyền sở hữu của Nhà thờ Thái Hà. Họ cố tình lờ đi về một sự thật là diện tích đất này đã được bàn giao cho chính quyền quản lý thống nhất từ năm 1961 đến nay…”, thưa Cha có ý kiến như thế nào ạ?

Cha Giuse Đinh Hữu Thoại: Trước hết, khỏi cần suy nghĩ, đọc qua ba nội dung bài báo trên cái trang tự nhận là “tiếng nói của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô” cũng thấy ngay mức độ tuyên truyền, mỵ dân, và áp đặt của cái “đảng bộ và chính quyền này…”. Khu đất Hồ Ba Giang của DCCT bị nhà cầm quyền cưỡng chế, Tu viện DCCT và Giáo xứ Thái Hà liên tục từ bao nhiêu năm nay- mà cao điểm là năm 1996 – 2008- yêu cầu nhà cầm quyền giao trả lại cho Nhà thờ quản lý, sử dụng đúng mục đích Tôn giáo. Nhưng họ phớt lờ “nguyện vọng chính đáng” này của bà con Giáo dân, họ không quản lý, cũng không giao lại cho Nhà thờ quản lý, để tình trạng: “là từ nhiều năm nay, một số người đã ngang nhiên lấn chiếm, dựng lều lán, thậm chí nhà ở hoặc biến thành nơi tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng. Thực tế trên dễ gây cảm giác hồ Ba Giang là khu vực bị bỏ hoang, thiếu sự quản lý. Đặc biệt, xung quanh hồ và lối đi vào các hộ dân trong khu vực đã trở thành tụ điểm ma túy, với khá nhiều bơm, kim tiêm vứt lỏng chỏng…” Với lời “thú tội” này, những người cầm quyền quận Đống Đa, Hà Nội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm…”; hoặc chí ít cũng phải bị xem xét “thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai…do để lấn chiếm, không sử dụng trong thời gian dài…” theo qui định Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn khác. Và phải được giao trả cho DCCT Thái Hà sử dụng đúng mục đích Tôn giáo theo tinh thần Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008. Chiếm đoạt tài sản người khác, tự phong quyền “quản lý”, rồi thiếu trách nhiệm, thiếu quản lý, không giao trả cho chủ sử dụng quản lý…cuối cùng kết luận: “Một địa chỉ phức tạp”. Chỉ có những “bồi bút” cộng sản mới viết được như vậy.

Họ bảo “hợp lòng dân”, căn cứ vào đâu? Họ có dám nói hết sự thật rằng: khu đất Hồ Ba Giang là của DCCT Thái Hà, chúng tôi cưỡng chiếm, nay sẽ làm công viên không? Hay họ cắt khúc, như lập luận vừa nêu, đất bỏ hoang, rác rưởi, tệ nạn…nên lập công viên? Những hộ trong hẻm chẳng hạn, tự nhiên được hỏi, dẫy phố trước cửa nhà sẽ được đập phá làm công viên, chắc chắn “lòng dân” sẽ ừ. Nhưng nếu họ nói rõ: “chúng tôi sẽ cưỡng chế, chiếm của những hộ dân trước cửa nhà quí vị để làm công viên, thử hỏi “lòng dân” có hợp? Chưa kể, nếu theo dõi lịch sử khu đất DCCT- hoặc khu đất Tòa Khâm Sứ cũ- việc làm công viên chỉ là chiêu bài “mỵ dân”, hợp thức hóa cho hành vi chiếm dụng, chuyển nhượng đất đai trái phép không thành của các người cầm quyền mà thôi. Hà Nội không thiếu đất làm công viên. Hãy xem bài viết về các dự án công viên bị biến thành nơi đổ rác thải: Nhức nhối công viên rác 40 ha giữa Hà Nội. Ngay tại quận Đống Đa cũng có bài viết: Dự án Công viên Đống Đa Hà Nội hơn 11 năm bất động. Sao họ không xem xét “lòng dân” ở những dự án này? Những con số “người dân” họ đưa ra ai cũng biết qua các kỳ bầu cử “đảng cử, dân bầu”, qua cách họ lấy phiếu tín nhiệm có một không hai trên thế giới là: tín nhiệm, tín nhiệm thấp, tín nhiệm cao !

Họ kết án những Linh mục, tu sỹ DCCT là “Với giọng điệu xuyên tạc, vu khống trắng trợn,…” vì “… một số linh mục ở Nhà thờ Thái Hà lại làm đơn “cầu cứu” lên Chủ tịch UBND TP Hà Nội đòi dừng thi công. Họ cho rằng, đất hồ Ba Giang thuộc quyền sở hữu của Nhà thờ Thái Hà”. Với những nội dung này, “Nhóm phóng viên Nội chính” Hà Nội mới đã vi phạm pháp luật, chính nhóm này mới là “vu khống”. “Đất hồ Ba Giang thuộc quyền sở hữu của Nhà thờ Thái Hà” không phải là một số Linh mục Nhà Thờ Thái Hà nói, mà thể hiện trên các chứng cứ, tài liệu, trên chính Báo cáo của Sở Địa chính Hà Nội số 387/BC-SĐCNĐ, ngày 11/5/1999; hay Công văn 64/CV-UB-ĐĐ, ngày 30/01/1996 của UBND quận Đống Đa. Còn việc “cầu cứu”, hoặc “khiếu nại” khi bị cướp, bị xâm hại quyền lợi là quyền công dân được ghi nhận tại khoản 1 Điều 30 Hiến pháp 2013 và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Chính nhóm này đang vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự công dân, cản trở, xuyên tạc, vu khống…vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 6 Luật Khiếu nại; và xúc phạm người tố cáo, đưa tin sai sự thực…vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm qui định tại Điều 8 Luật Tố cáo.

Mới đây, ngày 29/10/2014, ông Vũ Hồng Khanh, Phó CT UBND TP Hà Nội đã ký văn bản số 8572/UBND-TNMT trả lời Đơn khiếu nại của Giáo xứ Thái Hà về khu đất hồ Ba Giang, có viết: “Giao Thanh tra Thành phố chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, xem xét đơn, có ý kiến báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố trả lời Giáo xứ Thái Hà theo quy định của pháp luật.” Tuy văn bản này của UBND TP Hà Nội chỉ là trò chuyền banh, nhưng rõ ràng nhóm phóng viên báo HNM đích thị là “bảo hoàng hơn vua”, chính UBND TP còn nói “xem xét…thanh tra…báo cáo” rồi mới trả lời mà nhóm bồi bút của HNM ấy lại có những lời lẽ rất xúc phạm như “cầu cứu…xuyên tạc luận điệu…”.

VRNs: Thưa Cha, trước tình trạng nhà cầm quyền Hà Nội ngang nhiên chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất của DCCT, Linh mục Nguyễn Văn Phượng- thay mặt Cộng đoàn DCCT Hà Nội, Chánh xứ Thái Hà đã có văn bản đề ngày 24/10/2014 gửi nhà cầm quyền nêu rõ: “Chúng tôi phản đối và dành quyền dùng mọi biện pháp cần thiết – theo qui định pháp luật- bảo vệ tài sản khu đất Hồ Ba Giang của Tu viện và Nhà thờ Thái Hà”, thưa Cha những việc làm cụ thể là như thế nào ạ?

Cha Giuse Đinh Hữu Thoại: Như mọi người đã rõ, ngay khi sự việc xảy ra, Cha Giám tỉnh DCCT đã có văn thư kêu gọi cầu nguyện đặc biệt cho DCCT Hà Nội, với nội dung “bảo vệ sự thật và công bằng là tinh thần của các nghị quyết các Công hội Tỉnh 2009 và 2013 mà anh em tu sỹ DCCT đã long trọng cam kết”. Đã có các Thánh lễ cầu nguyện cho Công lý và Hòa bình ở Sài Gòn và Thái Hà, cùng với văn thư phản đối chính thức là những Giáo dân trực tiếp đến cửa quan, ra tận hiện trường phản đối…tới đây, DCCT đang xem xét tới những biện pháp tích cực hơn “để bảo vệ tài sản của Giáo dân và Tu sỹ DCCT trước đây đã gây dựng” như Văn thư Cha Giám Tỉnh kêu gọi.

HT. thực hiện




0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More