BBC
Tiến sỹ, Bác sĩ Trần Tuấn lạc quan về triển vọng của xã hội dân sự ở Việt Nam. |
Mặc dù có khó khăn, xã hội dân sự ở Việt Nam đang tìm được
chỗ đứng, phát huy vai trò của mình, theo ý kiến các nhà quan sát và hoạt động
từ Việt Nam.
Xã hội dân sự đang khẳng định vai trò không những trong
'thực tiễn' mà còn trong 'tác động' tới sửa đổi, hình thành chính sách của nhà
nước, vẫn theo ý kiến phát biểu tại cuộc Tọa đàm Trực tuyến trên Google Hangout
của BBC hôm 27/11/2014.
Tiến sỹ Trần Tuấn, một nhà nghiên cứu về chính sách và
phát triển cộng đồng thuộc Vusta (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt
Nam), nói với Tọa đàm:
"Chúng tôi thấy rằng trong những năm vừa qua đã có sự
phát triển, chúng tôi gọi là gia tốc tăng lên ngày càng nhanh, đặc biệt trong 5
năm qua.
"Vào khoảng hai năm gần đây, thấy rằng có sự phát
triển, tiếng nói của xã hội dân sự bắt đầu dần đi vào, ngoài những vấn đề thực
tiễn, nhưng đồng thời trong cả vấn đề chính sách, hoặc những tác động để thay đổi
chính sách đã bắt đầu có được.
"Cho nên, trong trung hạn và dài hạn, chúng tôi
nghĩ, trong thời điểm khoảng 3-5 năm tới sẽ thấy một sự thay đổi một cách mạnh
mẽ hơn nữa của xã hội dân sự.
"Đặc biệt tiếng nói của xã hội dân sự trong vấn đề
nghiên cứu, tác động chính sách và những vấn đề đi dần vào các lợi ích của người
dân được đặt lên trên bàn để thảo luận trong vấn đề cân bằng lợi ích với các
bên doanh nghiệp, cũng như bên về các lợi ích của nhà nước."
Triển vọng lâu dài
Về triển vọng lâu dài của xã hội dân sự, nhà nghiên cứu
cho rằng Việt Nam sẽ theo kịp bước của thế giới văn minh để có chỗ đứng cho định
chế này.
Tiến sỹ Trần Tuấn nói: "Còn về mặt lâu dài, chúng
tôi nghĩ rằng chắc chắn Việt Nam sẽ phải chung bước với sự tiến bộ của thế giới
văn minh này, có nghĩa là phát triển xã hội phải đứng trên trụ cột có nhà nước,
có thị trường và có xã hội dân sự.
"Trong đó tôi nghĩ vai trò hiện nay, lúc này đang cần
là cần có sự đi đầu của những các nhà hoạt động dân sự, chúng tôi gọi là thực
tiễn, để lấy thực tiễn buộc thay đổi chính sách và điểm thứ hai nữa là phải có
sự vào cuộc của các nhà khoa học.
"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các nhà khoa học phải thể hiện
mình, hay nói khác đi phải 'lột xác' so với trước. Bởi vì chúng ta thấy rằng
trước đây so với bây giờ, thực tiễn bây giờ đòi hỏi các nhà khoa học phải gắn với
thực tiễn hơn rất nhiều.
"Và nếu làm được việc đấy, cứ trước hết nhắm vào các
vấn đề mà tôi cho rằng, chưa nói gì đến các vấn đề chính trị, thì ít nhất là vấn
đề về an sinh xã hội, về vấn đề y tế, giáo dục v.v..., cũng đủ để mà xã hội dân
sự, các tổ chức xã hội dân sự thể hiện được tiếng nói của mình."
'Không thể đảo ngược'
Nhà xã hội học, Tiến sỹ Lê Bạch Dương, chuyên gia trong
lĩnh vực phát triển xã hội, cho hay ông lạc quan về triển vọng của xã hội dân sự
ở Việt Nam.
Ông nói với Tọa đàm của BBC: "Tôi khá là lạc quan,
tôi nghĩ là xã hội dân sự đương nhiên sẽ tiếp tục phát triển, và điều kiện khách
quan ở Việt Nam hiện nay cũng đang mở ra những cơ hội.
"Chẳng hạn Việt Nam hiện nay, đang hội nhập rất mạnh
mẽ, tham gia rất nhiều những diễn đàn quốc tế song phương, đa phương, ký kết rất
nhiều những công ước v.v...
Có những mối liên kết vượt ra ngoài biên giới quốc gia, cho nên tôi nghĩ triển vọng đấy là không thể đảo ngược được - TS. Lê Bạch Dương |
"Rồi những nguồn thông tin toàn cầu thông qua hệ thống
Internet, thông qua những tài liệu thông tin, những giòng di cư dịch chuyển, rồi
người dân Việt Nam bây giờ cũng đi du lịch, rồi người nước ngoài vào Việt Nam
và sự tham gia của những nhà tài trợ, những tổ chức quốc tế vào Việt Nam.
"Bên cạnh giúp cho Việt Nam phát triển về mặt kinh tế,
về mặt thể chế, cũng có rất nhiều những chương trình khuyến khích, thậm chí đặt
vấn đề bắt buộc phải có sự tham gia của người dân, tham gia của những tổ chức cộng
đồng.
"Và bằng sự tham gia như vậy thì các tổ chức cộng đồng
hay những tổ chức phi chính phủ, không những chỉ tiếp cận được với những nguồn
thông tin kiến thức mà còn có được những kỹ năng phát triển xã hội dân sự rất tốt.
"Có những mối liên kết vượt ra ngoài biên giới quốc
gia, cho nên tôi nghĩ triển vọng đấy là không thể đảo ngược được và xã hội dân
sự đang từng bước trưởng thành, tôi nghĩ như vậy. Nói chung là tôi rất lạc quan
và đó là quan điểm chung của tôi về triển vọng của xã hội dân sự."
'Xu thế tất yếu'
Tôi nghĩ dù có khó khăn thì nhất định nó sẽ phải phát triển vì đó là xu thế tất yếu không thể nào thay đổi trong thời điểm hiện tại - Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh |
Mặc dù vai trò và triển vọng của xã hội dân sự Việt Nam
là như vậy, nhưng theo ông Lê Bạch Dương, định chế này đang gặp một số khó
khăn, thách thức nhất định.
Nhà xã hội học nói với Tọa đàm: "Tất nhiên là nó
cũng có những khó khăn, chẳng hạn như vấn đề khung pháp lý ở Việt Nam như các
anh chị biết chưa có được khung pháp lý tạo điều kiện cho xã hội dân sự phát
triển tốt.
"Rồi nhận thức xã hội còn có những hạn chế, rồi những
vấn đề nguồn lực, nhân lực vẫn còn có những giới hạn, tuy nhiên tôi tin rằng xu
thế đó đang ngày càng tích cực hơn."
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, nói với Tọa
đàm từ Nha Trang:
"Tôi cũng đồng ý và thấy lạc quan về tình hình phát
triển của xã hội dân sự, bởi vì xã hội dân sự là một trong những điều kiện tiên
quyết, tiến trình phát triển của đất nước cần xã hội dân sự.
"Vì vậy, là một trong những người đi đầu, tôi nghĩ
dù có khó khăn thì nhất định nó sẽ phải phát triển vì đó là xu thế tất yếu
không thể nào thay đổi trong thời điểm hiện tại."
'Bảo vệ nhân quyền'
Mới đây tại Hà Nội diễn ra một cuộc Tọa đàm về bảo vệ
"người bảo vệ nhân quyền" ở Việt Nam với sự tham gia của đại diện nhiều
đoàn ngoại giao, sứ quán nước ngoài.
Được hỏi vì sao vấn đề này được đặt ra và 'bảo vệ nhân
quyền' có quan hệ gì với xã hội dân sự hay không, hay là nằm ngoài thiết chế
này, blogger Nguyễn Tường Thụy, một nhà báo độc lập từ Hà Nội tham dự sự kiện,
nói với Tọa đàm của BBC:
"Trước hết là nó không hề nằm ngoài một chút nào cả.
"Bằng chứng là chủ trương của buổi tọa đàm này là mời
tất cả các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam tham gia và đã có nhiều tổ chức
tham gia.
"Như là ngày hôm qua (26/11), trong buổi tọa đàm ấy
có Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị, Hội Nhà báo Độc lập, Hội Anh em Dân chủ, Hội Bầu
bí Tương thân, Mạng lưới Bloggers, No-U Sài Gòn, No-U Hà Nội, hay là Hội Phụ nữ
Nhân quyền.
"Cho nên điều này, các tổ chức này không có gì độc lập
và khác biệt với các tổ chức dân sự của xã hội dân sự Việt Nam hiện nay,"
ông Thụy nói.
'Đương nhiên liên hệ'
Cho nên khi đã trở thành một vấn đề quan tâm chung, thì sự bảo vệ 'những người đứng ra bảo vệ' những vấn đề quyền của người dân thì đương nhiên tôi nghĩ nó có mối liên hệ - TS. Lê Bạch Dương |
Cũng về vấn đề này, nhà xã hội học Lê Bạch Dương bình luận:
"Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Tường
Thụy là không có gì mà có thể nói là nằm ngoài sự quan tâm của xã hội dân sự cả.
"Vấn đề bảo vệ những người 'bảo vệ nhân quyền', tôi
thấy rằng cái này đương nhiên là một vấn đề mà xã hội dân sự phải quan tâm, và
cái nhận thức của xã hội dân sự, của những tổ chức xã hội dân sự, cũng trong thời
gian khoảng hơn mười năm nay, đã được nâng lên hơn rất nhiều.
"Rất nhiều tổ chức xã hội dân sự cũng đang làm những
vấn đề liên quan đến quyền. Và tôi có thể nói hầu hết các tổ chức cộng đồng hay
những tổ chức phi chính phủ hiện nay, không ít thì nhiều, đều đề cập những vấn
đề liên quan đến nhân quyền.
"Hoặc là bình đẳng giới, hoặc những vấn đề quyền
kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau, cho nên việc bảo vệ những người 'bảo vệ
nhân quyền' thì tôi hình dung, tôi có thể khẳng định luôn nó chính là một trong
những cái là mối quan tâm của các tổ chức xã hội dân sự và tất nhiên sự tham
gia là ở các quy mô khác nhau.
"Và tôi cũng đồng ý với các ý kiến của các anh chị
trước là chúng ta đừng giới hạn xã hội dân sự chỉ ở những tổ chức có đăng ký,
mà đây có thể là những mạng Internet hay là những nhóm người dân cùng chia sẻ
những mối quan tâm khác nhau.
"Cho nên khi đã trở thành một vấn đề quan tâm chung,
thì sự bảo vệ 'những người đứng ra bảo vệ' những vấn đề quyền của người dân thì
đương nhiên tôi nghĩ nó có mối liên hệ," Tiến sỹ Lê Bạch Dương nói với Tọa
đàm.
'Một sự dũng cảm'
Blogger Nguyễn Tường Thụy nói với Tọa đàm rằng nhiều tổ
chức trong xã hội dân sự ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong có 'phép
thành lập', và ông nói thêm ngay chỉ việc lập ra tổ chức 'đã là một sự dũng cảm'.
Ông giải thích: "Sở dĩ tại sao các tổ chức trong
tình trạng xã hội dân sự mới thành lập, hình thành trong vài năm trở lại đây,
hiện tới nay khoảng 30 tổ chức, thì tất cả các tổ chức này, không một tổ chức
nào được cấp phép thành lập.
"Và họ cho rằng những tổ chức này thành lập là trái
với Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, bởi vì (với) các tổ chức này, họ rất sợ
danh từ 'xã hội dân sự'.
"Nói xã hội dân sự là họ cho rằng là cái gì đấy đối
lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, là hoạt động lật đổ, là hoạt động chống phá,
chính vì vậy, những tổ chức hoạt động dân sự thành lập ra đã là một sự dũng cảm
rồi.
"Và khi thành lập ra phải đối mặt với tất cả những sự
nguy hiểm, sự sách nhiễu, phiền toái và họ không được nhà nước, chính quyền và
các cơ quan Đảng ủng hộ họ."
Bình luận về ý kiến tại sao có một số tổ chức được đưa
vào trong luật, còn một số khác lại không được, Tiến sỹ Trần Tuấn nói:
"Đất nước Việt Nam hiện nay của chúng ta được xuất
phát trên mô hình xã hội chủ nghĩa, và trong mô hình xã hội chủ nghĩa thì Đảng
lãnh đạo và các đoàn thể xã hội phục vụ cho triển khai các đường lối của Đảng.
Cho nên đó là lý do tại sao được đưa vào.
"Còn chúng ta đang bàn đến vấn đề của Việt Nam hiện
nay, trong giai đoạn bước vào để hòa nhập với thế giới, trong toàn cầu hóa, thì
chắc chắn sẽ có sự hình thành tổ chức xã hội dân sự. Và quá trình này muốn đưa
được vào luật, hoặc để có sự cho chúng ta hiểu được, chắc chắn đòi hỏi chính
các tổ chức xã hội dân sự phải thể hiện được mình.
"Để chứng minh được rằng đấy là những hoạt động thiết
thực cho sự phát triển của xã hội và bên cạnh đó phải có những bài viết về mặt
lý thuyết, những cơ sở để đưa ra".
'Đi đầu khó khăn'
Theo ông Tuấn, trong thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện
một số tổ chức thuộc khối xã hội dân sự đem lại những 'lợi ích cho dân, vì dân
và bởi dân', nhưng theo ông những người đi đầu 'chắc chắn sẽ gặp những khó
khăn'.
Nhà nghiên cứu chính sách phát triển cộng đồng giải
thích:
"Bởi chính sự hình thành mà chúng tôi gọi là sự ổn định
và kiểu tư duy 'nhà nước quản lý và Đảng lãnh đạo' và mô hình cấu trúc xã hội
chủ nghĩa trước kia, nó sẽ còn nằm dài trong xã hội một thời gian dài nữa.
"Cho nên sự dị ứng đối với các tổ chức do dân, bởi
dân, vì dân lập ra phục vụ cho các hoạt động của dân nó sẽ tồn tại một thời
gian.
"Và những người đi tiên phong chắc chắn gặp những trở
ngại.
"Tôi nghĩ rằng, bên cạnh đó, các nhà khoa học phải
đóng một vai trò trong quá trình này, bởi vì chỉ có thể bằng các bài viết, bài
phân tích để gợi mở, đi song song với các hoạt động thực tế mới có thể giúp cho
người ta, tôi tạm gọi là 'ngộ ra' vấn đề này.
"Và thời gian ngộ ra lâu hay chóng là nó phụ thuộc
vào sự quyết tâm của chúng ta đến đâu."
'Tiến bộ số lượng'
Từ Hà Nội, Luật sư Lê Thị Công Nhân bình luận với Tọa đàm
về sự tiến bộ trong phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay.
Nữ luật sư nói: "Thứ nhất có một sự tiến bộ về mặt số
lượng, khoảng hai năm gần đây chúng ta thấy nở rộ lên các tổ chức tự do người
dân thành lập về những mục đích khác nhau, ví dụ như mục đích giúp đỡ trẻ em
nghèo về vấn đề học hành ở miền núi, hoặc là giúp đỡ về vấn đề từ thiện trong
các bệnh viện, hoặc giúp đỡ thăm nuôi những tù nhân lương tâm như là Hội Bầu bí
Tương thân mà tôi tham gia đồng sáng lập v.v...
"Thì rất nhiều những tổ chức chúng ta thấy là họ tự
công bố thành lập, và khi tôi đọc luật quốc tế, tôi thấy rằng việc tự công bố
cũng là một yếu tố thể hiện ý chí của những cá nhân thành lập đó, một cách rõ
ràng và mạnh mẽ nhất và tạo nên giá trị của hội, nhóm đó.
"Ở những nước văn minh phát triển như ở bên Úc, bên
Mỹ chẳng hạn, các hội nhóm này có thể đăng ký ở những ủy ban dân chính tùy vào
từng đất nước, giống như ở Việt Nam là cơ quan nội vụ, sở nội vụ, có thể không
cần phải đăng ký, nhưng trong quá trình hoạt động của họ, họ phải tuân thủ những
gì mà họ thỏa thuận với nhau trước đó và họ không được vi phạm các quy định của
pháp luật.
"Và không làm tổn hại đến những giá trị mà ngay cả
quy định pháp luật chưa quy định, tức là tính tự giác của họ cực kỳ cao. Và khi
nhìn lại hai năm gần đây ở Việt Nam, tôi thấy rằng sự phát triển như vậy rất là
đáng mừng về mặt số lượng.
"Còn về mặt chất lượng, tôi không cảm thấy có quá
nhiều bi quan, mặc dù nó chưa được như chúng tôi mong đợi," Luật sư nêu nhận
xét với BBC.
0 comments:
Đăng nhận xét