Nghịch lý

Thiện Tùng

Về đạo lý, cư dân sống trong  một nước/vùng lãnh thổ nào thì chính họ là những người chủ nơi đó. Vì lẽ đó, tổ chức bộ máy quản lý điều hành xã hội theo thể chế dân chủ là bình đẳng, văn minh nhất hiện nay.

Nói “dân chủ tập trung” là nói cách hình thành thể chế dân chủ, được tổ chức theo hướng từ dưới lên hay còn gọi từ dân ra: bộ máy cầm quyền do dân cử, pháp luật do dân phúc quyết. Nhà nước là công cụ của dân, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Nói “tập trung dân chủ” là nói cách hình thành thể chế Độc tài, được tổ chức theo hướng từ trên xuống: một thế lực ưu thế nào đó trong cộng đồng giành quyền lãnh đạo, cử người của mình nắm giữ các vị trí then chốt. Bộ máy chuyên chính núp dưới dạng Nhà nước quản lý xã hội bằng chỉ thị, nghị quyết… theo thể thức xin – cho, áp đặt luật pháp vừa làm phương tiện cai trị vừa làm vật trang trí.


Việt Nam ta đã và  đang theo thể chế độc tài đảng trị, quản lý xã hội theo hình thức “tập trung dân chủ”, một hình thức canh tân phong kiến. Quản lý xã hội theo kiểu đầu gà đít vịt này đã đẻ ra quá nhiều nghịch lý.


1/ Nhà nước do dân cử mới đủ tư cách thay mặt nhân dân quản lý xã hội. Thử xét xem, ở Singapore, dầu độc đảng, người ta cũng tổ chức Nhà nước do dân cử rồi nhân danh Nhà nước xử lý mọi việc trong đối nội và đối ngoại. Ở Trung quốc, đa đảng chỉ là sách lược, chiến lược vẫn là Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo. Chơi trội,  để giấu mặt độc tài Đảng Cộng sản trị, họ cử một người giữ 2 chức Chủ tịch đảng và Chủ tịch nước rồi cũng phải nhân danh Nhà nước xử lý mọi việc trong đối nội và đối ngoại cho hợp xu thế thời đại. Còn ở Việt Nam ta, áp dụng thể chế độc tài Đảng Cộng sản trị một cách công khai, không thèm buông rèm lãnh đạo sau hậu trường như ở Trung Quốc,  mà trực tiếp cầm quyền. Chủ tịch nước coi như hư vị, Tổng Bí thư được xem như là Nguyên thủ Quốc gia. Về đối ngoại, Tổng Bí thư được quyền nhân danh Đảng, Nhà nước ký thỏa ước mọi mặt với bất kỳ nước nào, về đối nội, công khai xem các cấp chính quyền hay cả Quốc hội là cánh tay nối dài của Đảng. Công khai đến cỡ Chủ tịch Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ nói không cần giữ kẽ: “Bộ Chính trị đã quyết không thể không làm”, hay trong những cuộc họp xưng hô với nhau là đồng chí. Phàm trong một quốc gia, đảng phái chỉ là bộ phận trong dân tộc. Thử hỏi, với tư cách nào, ai phong mà Đảng CSVN giành quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội? Đặt đảng phái trên Dân tộc là nghịch lý.


2/ Cũng là một nghịch lý. Đã độc tài đảng trị thì làm gì có dân chủ, cho dù Hiến pháp 2013, ở điều 25 ghi: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… theo luật định”. Luật hình hiện hành, ở điều 88 và 258…vi phạm nghiêm trọng điều 25 của Hiến pháp. Vì thế, các nhà báo, luật sư và những người bất đồng chính kiến lần lượt vào tù, còn những nhà báo, luật sư “quốc doanh” nếu không nói theo, viết theo định hướng của Đảng cũng tức khắc bị mất chức. Thủ tướng còn chỉ đạo: “Tụ tập trên 5 người phải xin phép”(!?). Phải chăng Hiến pháp chỉ là sản phẩm dùng để đối ngoại?


3/ Về nguyên lý: “Tồn tại quyết định ý thức”, nói cách khác “Hạ tầng quyết định thượng tầng”. Ở Việt Nam, hạ tầng (kinh tế xã hội) thì đa nguyên, thượng tầng (chính trị) lại nhất nguyên. Hạ tầng và thượng tầng không đồng bộ là nghịch lý chớ còn gì?

4/ Kinh tế thị trường mà còn định hướng Xã hội chủ nghĩa cũng là một nghịch lý. Nói gọn cho dễ hiểu, kinh tế thị trường là chia, kinh tế XHCN là cộng thì chúng không thể có cùng một đáp số. Đi hướng tây mà nói sẽ tới hướng đông là tột đỉnh của sự hoang đường. Bởi vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới phải than thở: “Không biết đến hết thế kỷ 21 này có XHCN hoàn chỉnh hay chưa!”. Kinh tế thị trường đinh hướng XHCN sinh ra sự không công bằng trong cạnh tranh, tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội, người có quyền thế “đục nước béo cò”.  “Nó nhưng không phải là nó” thì dầu có nài nỉ đến đâu người ta cũng không công nhận VN đã có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa.


5/ Một xã hội văn minh, mọi người phải “sống và hành động theo pháp luật”. Đảng viên Đảng CSVN không ngoại lệ. Dưới thể chế độc đảng, độc tôn, hầu như các cấp, các ngành, đảng viên được Đảng cử thủ vai trò lãnh đạo. Lãnh đạo mà không gương mẫu trong việc tôn trọng pháp luật, dường như họ luôn sống ngoài vòng pháp luật, thì tìm đâu ra sự nể trọng của dân chúng. Đây cũng là một nghịch lý ?


6/ Là một chính quyền (không phải là một đám lục lâm thảo khấu) mà nói một đàng làm một nẻo, xử sự không minh bạch khiến người dân mất lòng tin, nghi ngờ đủ chuyện. Chẳng hạn, vụ bắt xử tù Cù Huy Hà Vũ có phải vì lý do 2 bao cao su vật chứng? Bắt khẩn cấp  Điếu Cày Nguyễn văn Hải có phải vì tội trốn thuế? Xử tù Bùi thị Minh Hằng và những người cùng đi trên xe có phải do gây mất trật tự giao thông hay vì lý do nào khác mà không dám cho nhân chứng đến dự phiên tòa? Chỉ vì 2 bao cao su ngụy tạo với tấm ảnh ghép vụng về mà đương sự phải lãnh án 7 năm tù, thiếu thuế 12 năm tù, làm mất trật tự giao thông (không gây thương tích hay chết người), 3 năm tù, trong khi ấy, quan chức ăn chơi trác táng, tham nhũng ngút trời chỉ nhận hình thức kỷ luật…khiển trách! Còn nữa, nếu Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày phạm tội “tày trời” thì xử hình phạt cao nhất, lý do gì thả trước thời hạn, trục xuất, tống khứ họ ra nước ngoài? Việc làm ấy khác nào hốt rát đổ nhà người, phải chăng, đây cũng là một nghịch lý?


7/ Nhắc để nhớ: Từ 1976 trở về trước, Hiến pháp ghi: Lực lượng vũ trang (quân đội và công an) phải “trung với Nước, hiếu với Dân”. Từ 1976 – 2012, Hiến pháp ghi lực lượng vũ trang phải “trung với Đảng, hiếu với Dân”. Qua thời gian dài, tranh luận triền miên, cuối cùng, Hiến Pháp 2013, tại điều 65 lại viết đúng nguyên văn: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc. với Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội ; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Tuy có hơi dài dòng, lôi thôi, bởi trình độ làm luật của các  nghị sĩ Quốc hội do Đảng cử dân mang tiếng đi bầu, nhưng chung quy vẫn là lực lượng vũ trang phải “trung với nước hiếu với dân”(tất yếu là còn nèo thêm cả Đảng vào đó) như thời trước 1976.


Nhân 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  lại khẳng định: “Chỉ có Đảng CSVN là tổ chức duy nhất lãnh đạo Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo Quân đội không thể chia cho bất kỳ một cá nhân, một lực lượng chính trị nào khác (hết trích).


Ông Trọng thay mặt Đảng nói thế có nghĩa là Đảng tiếp tục xem Quân đội thuộc sở hữu riêng của Đảng, đồng thời, buộc Quân đội phải “trung với Đảng, hiếu với Dân”, trái với điều 65 của Hiến pháp 2013 hiện hành. Nếu vậy thì ông Trọng vi Hiến?. Và thử hỏi, Đảng CSVN có phải là một tổ chức chính trị không? Nếu trả lời “phải” thì cớ sao Đảng CSVN lại có quyền sở hữu Quân đội còn tổ chức chính trị khác (nếu có) thì không được phép. Hiến pháp nói một đàng, Tổng Bí thư nói một nẻo, nhất là Quân đội, biết làm theo bên nào? Đây cũng là một nghịch lý?


Ở một đất nước mà tồn tại quá nhiều nghịch lý, không rối loạn mới là chuyện lạ. Hy vọng rằng, trong kỳ Đại hội sắp tới, các vị tháo gỡ giúp đám dân đen chúng tôi chuỗi nghịch lý trên.


23/12/2014

T.T.

Tác giả gửi BVN


0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More