Quyền sống xứng đáng làm người

Ngô Nhân Dụng
Ngày Chủ nhật 21 tháng 12 năm 2014, một nhóm thanh niên thiện nguyện đến phát quà Giáng sinh tại Làng Chài, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Họ quyên góp quần áo ấm và tiền mặt đem tặng cho 25 gia đình di cư từ Thái Lan về gần 30 năm nay, phần lớn vẫn chưa có nổi một ngôi nhà tạm trú. Nhưng khi đoàn đến Làng Chài thì bị công an chặn lại. Công an giao thông, công an hình sự, mặc đồng phục và thường phục, võ trang bằng dùi cui, đã ngăn cản không cho các bạn trẻ trao quà cho đồng bào. Họ phải chạy lên huyện nhờ giải quyết. Chủ tịch xã nại lý do việc tặng quà Giáng sinh chưa được “đăng ký” với chính quyền, đồng thời còn cho công an chìm quay phim, chụp hình, để đe dọa các bạn trẻ đi làm việc thiện.

Tại sao chỉ một việc đi giúp đỡ bà con sống bên mình mà cũng phải đi đăng ký, phải xin phép trước? Có người dân nước nào trên thế giới phải sống như vậy hay không?
Đằng sau hành vi “man rợ” cấm đồng bào không được giúp đỡ lẫn nhau, lý do ngấm ngầm là những người dân thuộc giáo phận Vinh, trong đó có Giáo xứ Phù Long, đang bị chính quyền theo dõi, ngăn cấm mọi hoạt động. Việc từ thiện diễn ra trong mùa Lễ Giáng sinh, biểu dương tinh thần đoàn kết của những người đồng đạo, càng bị cấm đoán mạnh hơn.

Biến cố trên xảy ra ở một xã hẻo lánh tỉnh Nghệ An nhưng đáng được dư luận quốc tế biết đến. Vì hành động này tiêu biểu cho thái độ và hành động của chính quyền cộng sản đối với sinh hoạt của tín đồ mọi tôn giáo, không riêng gì các giáo dân. Trong bản tin mạng Mạch sống, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết các quan sát viên quốc tế đã được báo động để theo dõi tình trạng của các hội thánh Tin lành tư gia của người H’mong ở các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Điện Biên và Đăk Nông. Tình hình Hội Thánh Lành Đấng Christ ở các tỉnh từ Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kontum, xuống Quảng Ngãi, vào tới Sóc Trăng; sinh hoạt của Hội Thánh Đê Ga và cộng đồng Công giáo Hà Mon ở Gia Lai, Hội Thánh Tin lành Bụi Tre ở Đắk Nông, đều đang được chú ý. Tại các tỉnh vùng Tây Bắc, ông Nguyễn Đình Thắng báo tin Toà Giám mục Hưng Hoá yêu cầu cử hành lễ Giáng sinh cho giáo dân các huyện Nậm Pồ, Mường Tè và Mường Nhé, cũng bị chính quyền địa phương bác bỏ.

Tại sao chúng ta cần theo dõi quyền tự do sinh hoạt của các nhóm tín đồ Tin lành lẻ loi mới thành lập, hay mấy trăm đồng bào Công giáo ở các xóm đạo xa xôi hẻo lánh? Bởi vì khi một chính quyền công khai ngăn cấm không cho người dân sinh hoạt tôn giáo của mình thì họ cũng sẵn sàng xâm phạm các quyền tự do khác, của những công dân khác.

Những viên công an ngăn cản không cho các thanh niên đi làm việc thiện ở tại Làng Chài, Nghệ An cũng không khác gì những công an vừa mới bắt giam những bloggers Nguyễn Quang Lập và Người Lót Gạch. Cũng chính những công an như thế đã bắt giam, đánh đập người dân cho đến chết rồi ngụy tạo cảnh họ treo cổ tự tử. Chết trong đồn công an là một hiện tượng đang diễn ra như một căn bệnh ung thư, chứng bệnh đang lan khắp cơ thể nước ta. Hiện tượng cấm các tín đồ hành đạo rải rác đó đây, hoặc lâu lâu bắt giam một, hai bloggers, cũng là những ung nhọt đang lên mủ.

Những ung nhọt đó dù chưa giết chết được thân xác dân tộc Việt Nam nhưng đang hủy hoại phẩm giá của mọi con người Việt Nam. Người bị cảnh sát công an bắt giam có quyền được đối xử công bằng theo đúng luật lệ vì họ là một con người có nhân phẩm. Các tín đồ phải được tự do hành lễ hay làm việc thiện, vì họ cũng đều là những con người, có đức tin, có giá trị. Quyền được xét xử theo luật pháp cũng không khác gì quyền được thờ phụng theo niềm tin của mình hay quyền đi làm việc thiện giúp đồng bào nghèo khó.

Những người bị bắt giam, bị đánh đập đến chết, họ đều chết trong nhục nhã. Gia đình, bà con, bạn bè, làng xóm của họ cũng chịu cùng một nỗi nhục nhã. Những người bị cấm đoán cử hành lễ nghi, bị ngăn cản không cho làm việc thiện, cấm không được phát biểu ý kiến trên mạng, trong blog, cũng nhục nhã không kém. Chịu nhục nhã, vì họ đều không được đối xử như những con người. Đòi tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do phát biểu, tự do bầu cử là đòi được sống xứng đáng làm người. Nhân quyền là quyền sống như những con người. Bảo vệ nhân quyền là bảo đảm cho nhân phẩm của mọi người được tôn trọng.

Những viên công an đánh đập người đến chết, đi bắt bớ các bloggers, hay đi ngăn cản các buổi hành lễ, họ chỉ nằm trong một bánh xe răng cưa trong cả guồng máy tư pháp đầy khuyết tật. Trong guồng máy đó còn cả những thẩm phán chỉ biết nghe lệnh “cấp ủy” mà không dám xét xử theo luật lệ cùng lương tri, lương tâm. Guồng máy đó được một đảng chuyên chế nặn ra và nuôi dưỡng từ hơn nửa thế kỷ nay, ... bảo vệ quyền hành và lợi lộc của các kẻ cầm đầu. Những viên công an chỉ là đám ở dưới đáy, đứng vào hàng thấp nhất. Bên trên họ còn có những đại biểu “quốc hội...” đã biểu quyết các điều luật như Điều 88, 258, 79 Bộ Luật Hình sự, để chế độ độc tài dùng đàn áp bất cứ ai có thể làm họ lo bị mất quyền hành và lợi lộc...

Con người Việt Nam chỉ lấy lại được nhân phẩm khi nào guồng máy thực sự dân chủ và Nhà nước thực thi tam quyền phân lập. Chúng ta không thể làm ngơ, bỏ qua, khi hai chục hoặc một trăm tín đồ của một giáo hội bị cấm làm lễ Giáng sinh. Cũng không thể coi là chuyện nhỏ đáng quên khi một dân lành bị đánh chết trong đồn công an, hoặc hai, ba bloggers bị bắt. Bởi vì quyền tự do của mỗi người và mọi con người đều nối kết chặt chẽ với nhau.

Tự do là một trạng thái không thể chia cắt. Tự do được thể hiện trong toàn thể xã hội. Không thể tách riêng, ban quyền tự do cho người này còn người khác không được hưởng. Cũng không thể cắt rời quyền tự do thuộc phạm vi này với quyền tự do trong phạm vi khác. Bởi vì khi một người bị tước đoạt tự do mà xã hội bỏ qua không phản ứng thì quyền tự do của tất cả mọi người bị đe dọa. Một xã hội  hoặc có tự do hoặc không có tự do, không thể nói chỉ cho hơi hơi tự do một chút, rồi sẽ phân phát dần dần như ban phát tem phiếu.

Tất cả các quyền tự do đều có giới hạn. Nhưng các giới hạn đó phải được minh định bằng luật lệ, mà luật lệ phải công bằng, không phân biệt đối xử, do đại biểu của người dân đặt ra, do các cuộc bầu cử tự do. Đó là nền tảng của văn minh hiện đại. Cả loài người đang tiến vào cuộc sống dân chủ tự do như thế, sau bao thế kỷ đấu tranh. Người Việt Nam không thể chấp nhận mình tụt hậu mãi mãi, cả về kinh tế lẫn chính trị. Đồng bào chúng ta lo cơm ăn áo mặc đã đủ khổ, cho nên cảnh tụt hậu kinh tế được quan tâm nhiều nhất. Chúng ta phải cùng nhau đánh thức mối quan tâm về tự do, về quyền sống làm người. Bởi một chính thể chuyên chế khinh mạn phẩm giá con người cũng là chế độ đã đưa dân tộc xuống hàng nghèo khó, lạc hậu nhất thế giới.


N.N.D.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More