Bắc Kinh muốn Pháp giới hạn tự do báo chí

RadioCTM

Chỉ vì đăng những bức hình biếm họa nhà tiên tri Muhammad, người làm ra luật lệ Hồi giáo, mà tòa soạn tờ tuần báo Charlie Hebdo ở Pháp bị một nhóm Hồi giáo quá khích tấn công sát hại 12 người và làm bị thương 11 người khác. Sự việc này đã làm cho người dân Pháp nói riêng và thế giới nói chung phẫn nộ bọn khủng bố. 

Cũng như các chính phủ khác, nhà cầm quyền Bắc Kinh qua cơ quan truyền thông hàng đầu của họ là hãng thông tấn Tân Hoa Xã cũng đã lên án hành vi khủng bố này, nhưng kèm theo một lời đề nghị là chính phủ Pháp cần phải giới hạn quyền tự do báo chí, nếu không thì sẽ là lý cớ tạo cho bọn Hồi giáo quá khích tái diễn trò khủng bố. Ngay sau khi Tân
Hoa Xã đưa tin kèm theo lời yêu cầu chính phủ Pháp giới hạn quyền tự do báo chí là hầu như tất cả báo đài ở Hoa lục đều trích đăng. Hệ thống truyền hình quốc gia Trung quốc ngoài việc đọc lại bài bình luận của Tân Hoa Xã còn nhắc lại cho khán giả biết rằng trong hội nghị Quốc tế về Internet được tổ chức vào ngày 19/11/2014 tại Bắc Kinh, chính phủ Trung quốc đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới phải có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trên mạng Internet như Trung quốc đã và đang làm. Truyền thông Trung quốc cũng đã trang trọng giới thiệu một thông điệp của ông Tập Cận Bình trong hội nghị này như sau: Trách nhiệm của chính phủ là phải kiểm soát các hoạt động trên những trang mạng và nhấn mạnh đó không phải là trách nhiệm của một mình chính phủ Trung quốc mà là trách nhiệm của mọi quốc gia, để đảm bảo ổn định xã hội. Vì thế, chúng tôi kêu gọi sự hợp tác trong lãnh vực an ninh mạng, chống lại những hoạt động bất hợp pháp, kể cả hoạt động phá hoại của hackers.
 

Theo các nhà hoạt động xã hội ở Hoa lục thì nhà cầm quyền Bắc Kinh luồn gió bẻ măng, lợi dụng cơ hội này để cho rằng chuyện giới hạn tự do báo chí của mình là đúng, là để không tạo cơ hội cho các nhóm Hồi giáo quá khích ra tay khủng bố. Các trang mạng ở Hoa lục đầy ắp ý kiến cho rằng đừng vì quá sợ khủng bố mà phải giới hạn quyền tự do báo chí, hãy xem cuộc tuần hành vào ngày chủ nhật 11 tháng giêng vừa qua ở Paris với hơn 4 triệu người có sự hiện diện của nhiều nguyên thủ các quốc gia Âu châu để lên án khủng bố mà có ai đặt vấn đề là phải giới hạn quyền báo chí đâu. Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí như Trung quốc hiện nay thì xã hội ngày càng xấu đi, cán bộ, quan chức lãnh đạo mặc tình tham nhũng mà chẳng sợ lôi lên mặt báo chỉ trích, chỉ có những chính quyền độc tài mới giới hạn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà thôi. Cũng theo các nhà hoạt động xã hội này thì nhiều người dân Trung quốc đến sứ quán Pháp ở Bắc Kinh để truy điệu các nạn nhân đã bị công an chìm, công an nổi chận lại không cho vào, chỉ có kiều dân Pháp mới không bị chận. Rõ ràng là nhà nước Bắc Kinh chẳng màng gì đến những người bị khủng bố sát hại.
Vì sợ cư dân mạng ào ạt vào Internet đề cao quyền tự do báo chí nên Ủy ban Tuyên giáo đảng Cộng sản Trung quốc đã ra lịnh cho các dịch vụ Internet phải gạt bỏ tất cả những gì bàn đến chuyện tự do báo chí.

Ngày 12 tháng 1, trong cuộc họp báo định kỳ của bộ Ngoại giao Trung quốc, các ký giả nước ngoài đã hỏi rằng phải chăng quan điểm của Tân Hoa Xã về vụ tờ tuần báo Charlie Hebdo bị khủng bố cũng là quan điểm của nhà nước Trung quốc ?. Phát ngôn viên Hồng Lỗi trả lời rằng vì Trung quốc cũng đang bị khủng bố bởi những nhóm Hồi giáo quá khích người Uyghur nên chúng tôi quan tâm đến sự kiện khủng bố vừa qua, chủ trương của chính phủ Trung quốc là tôn trọng tất cả mọi chủng tộc và mọi tôn giáo.

Vì phát ngôn nhân Hồng Lỗi trả lời vòng quanh nên các ký giả phải hỏi thẳng là có phải chính phủ Trung quốc muốn nước Pháp phải giới hạn quyền tự do báo chí?. Ông Hồng Lỗi lại trả lời là tự do báo chí quá trớn sẽ có hại nhiều hơn lợi.

Chuyện chính quyền và người dân Pháp tuần hành với rừng biểu ngữ Je suis Charlie (Tôi là Charlie) coi như là câu trả lời chính thức cho chính quyền Cộng sản Trung quốc biết không có chuyện giới hạn quyền tự do báo chí. Trên trang mạng điện tử của tờ Le Figaro của Tây có cho đăng một bài với cái tựa ‘’Bắc Kinh tố cáo tự do ngôn luận quá trớn’’, bài viết có đăng hình ông Tập Cận Bình với lời chú thích: Chế độ Cộng sản Trung quốc kiểm tra nghiêm ngặt báo chí và nơi đây đã bỏ tù mấy chục nhà báo.

Chỉ có Việt Nam là nhanh chóng đáp ứng lời yêu cầu của Trung quốc là phải giới hạn tự do báo chí, bằng chứng là trong hội nghị Trung ương đảng lần thứ 10, vấn đề ‘’Đặt báo chí dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng’’ một lần nữa được đem ra thảo luận rốt ráo vào chiều ngày 12 tháng 1 vừa rồi. Việt Nam hiện nay đâu có cơ quan truyền thông nào của tư nhân, nếu không chịu sự quản lý trực tiếp của Đảng thì cũng do Bộ này, Ngành kia điều hành mà thôi, thành ra đem ra bàn để có chuyện mà bàn và để cho đàn anh Bắc Kinh biết Hà Nội tích cực đáp ứng lời kêu gọi giới hạn quyền tự do báo chí của Thiên triều đưa ra.

Tại sao Bình Nhưỡng đổi giọng muốn hòa đàm với Seoul ?

Cuối năm 2014, Bình Nhưỡng hăm dọa sẽ trả đũa thật nặng nếu như chính quyền Seoul không ra lịnh cấm chiếu phim The Interview, thế nhưng chỉ 1 tuần sau đó trong bài huấn từ đầu năm Dương lịch 2015 của mình, ông Kim Chính Ân đồng ý sẽ nối lại việc hội đàm cấp cao hoặc cấp lãnh đạo để bàn chuyện thống nhất hai miền Nam Bắc mà Seoul đã từng đề nghị nhiều lần trước đây. Theo ông Kim Chính Ân thì đây là thời điểm thích hợp.

Đáp lại, ngày 02/01/2015, nữ Tổng thống Phát Cận Huệ trong bài diễn văn đầu năm Dương lịch đã nói rằng: Chính phủ (Hàn quốc) không xem việc thống nhất đất nước như là một lý tưởng hay một giấc mơ mà phải cố gắng hết sức để biến nó thành hiện thực.

Ngày 06/01/2015, nội các Hàn quốc đã họp khẩn nhằm đưa ra những bước cụ thể hầu kêu gọi Bình Nhưỡng đáp ứng để mong đem lại nền hòa bình, ổn định ở bán đảo Triều Tiên và thực hiện việc thống nhất đất nước sớm ngày nào hay ngày đó.

Về phía Bắc Triều Tiên thì cho rằng năm 2015 là đúng 70 năm chấm dứt ách nô lệ của Phát-xít Nhật và cũng là đúng 70 năm thành lập đảng Lao Động Triều Tiên nên đây là cơ hội tốt để nói chuyện thống nhất đất nước, nhưng theo các bình luận gia thì đó chỉ là bề mặt chứ thực tế là một nước bài để tháu cáy Trung quốc để Bắc Kinh phải xét lại mà viện trợ cho Bình Nhưỡng như trước đây, nếu không thì khi hai miền Nam Bắc thống nhất, Bắc Hàn sẽ không là trái độn cho Trung quốc nữa.

Theo các bình luận gia về tình hình bán đảo Triều Tiên thì nếu việc thống nhất đất nước bây giờ sẽ là gánh nặng lớn cho phía Nam Hàn, nhưng nữ Tổng thống Phát Cận Huệ vẫn chấp nhận để thực hiện theo những gì đã hứa khi lên nhậm chức, hơn nữa trong năm qua nhiều sự việc, đặc biệt là vụ chìm tàu đã làm cho chính quyền bà Huệ mất nhiều sự ủng hộ của người dân nên đây là dịp để lấy công chuộc tội. Nhưng ai cũng biết giữa Bình Nhưỡng và Seoul còn có rất nhiều vấn đề khó mà giải quyết gấp rút được, chẳng hạn như vấn đề chế tạo tên lửa và vũ khí hạt nhân, dễ gì mà ông Kim Chính Ân vất bỏ cái mục tiêu đó, hơn nữa nếu đồng ý thì cũng phải mất một thời gian dài để phía Hàn quốc kiểm chứng là Bắc Triều Tiên đã thật sự ngưng chế các loại vũ khí đó hay chỉ là lời nói suông cho qua chuyện. Ngoài ra Bắc Kinh cũng đâu thể ngồi im để cho Nam Bắc Triều Tiên tiến hành việc thống nhất đất nước theo như dự định của họ được. Ngày 11/01/2015, báo đài ở Bắc Triều Tiên cho loan tải một bản tin nói rằng nếu Hàn-Mỹ ngưng cuộc tập trận chung vào cuối tháng 2 tới thì Bắc Triều Tiên sẽ ngưng thí nghiệm bom nguyên tử, thế nhưng thật khó hiểu là cũng trong bản tin đó lại cho biết lãnh tụ Kim Chính Ân mới vừa đi thị sát một cơ sở chế tạo hạt nhân ở Bình Nhưỡng vừa mới xây cất xong.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây tại Seoul thì ông Kim Chính Ân đã và đang nỗ lực tiếp cận với Nga để nhờ cứu vãn nền kinh tế Bắc Hàn đang bị thế giới cô lập, nhất là hơn cả năm nay Bắc Kinh không cung cấp nhiên liệu, nhưng tình hình kinh tế của Nga hiện nay đang bị khủng hoảng nặng qua việc dầu giảm giá và hối suất đồng tiền rúp rẻ nên chẳng cứu giúp được gì cho Bình Nhưỡng. Chuyện Cuba nói chuyện bình thường hóa với Hoa Kỳ cũng là một điều khiến Bình Nhưỡng phải suy nghĩ.

Trong suốt tuần qua tin tức này được truyền thông Hàn quốc xem như quan trọng nhất, chẳng có bản tin đầu giờ nào mà không đề cập đến tin này. Ngoại trừ một vài cơ quan truyền thông thiên tả là ca ngợi thiện chí của ông Kim Chính Ân, ngoài ra còn hối thúc chính quyền bà Phát Cận Huệ phải đáp ứng ngay kẻo lỡ cơ hội, chậm trễ là  Bắc Kinh sẽ tìm cách ngăn chận, có thể là làm một cuộc đảo chánh giết hoặc tước mọi quyền hành của ông Kim Chính Ân để đưa người thân Trung quốc lên nắm quyền. Đây là chuyện xen vào chuyện nội bộ của quốc gia khác, nhưng Bắc Kinh chẳng bao giờ ngại, nhất là đối với các nước lệ thuộc nặng vào họ.

Còn lại các báo đài khác thì không lạc quan bao nhiêu mà còn đưa những lời cảnh giác để không mắc lừa như nhiều lần trước đây nữa. Nếu chính phủ Hàn quốc sốt sắng quá độ thì Trung quốc sẽ viện trợ bình thường lại cho Bắc Triều Tiên để ngăn chận việc thống nhất hai miền Nam Bắc. Đó là mục tiêu mà Bình Nhưỡng muốn nhắm tới. Một số báo đài còn cho rằng một anh ‘’Cao bồi’’ đang say sưa cai trị đất nước bằng quyền lực bỗng nhiên đổi giọng nói chuyện hòa bình thì rất khó tin, phải có ý đồ đen tối nào đó ẩn núp bên trong.

Cảnh giác là điều hết sức quan trọng , nhưng ai cũng cầu mong chuyện Nam Bắc Triều Tiên được sớm thống nhất để ít ra là cứu được người dân Bắc Hàn ra khỏi tình trạng bị áp bức và xóa tên thêm một quốc gia Cộng sản trong số mấy nước còn sót lại cái chủ nghĩa đã và đang gây ra không biết bao nhiêu tai họa cho nhân loại.


DienDanCTM

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More