Bắc Kinh: "Ông đếch phải Charlie"

Ngô Quảng@S: -- DienDanCTM

Sau vụ khủng bố rúng động nhắm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo, phần lớn thế giới lập tức đứng cùng nhân dân Pháp với khẩu hiệu "Tôi cũng là Charlie" (Je suis Charlie), để vừa lên án khủng bố vừa bày tỏ quyết tâm duy trì tự do ngôn luận. Hầu như mọi chính phủ trên thế giới đều gởi điện chia buồn và bày tỏ tình đoàn kết cùng chính phủ và nhân dân Pháp Quốc. Chính trong bối cảnh đó, người ta lại càng kinh ngạc khi đọc thông điệp của Nhà nước Trung Quốc.

Bắc Kinh, qua cơ quan phát ngôn chính thức Tân Hoa Xã, cũng nói vài câu lên án khủng bố cho phải đạo, nhưng lại kèm theo những lời dạy bảo chính phủ Pháp phải giới hạn quyền tự do báo chí lại nếu muốn tránh bị tái diễn các trò khủng bố. Nói cách khác, Bắc Kinh tuyên bố: "Ông đếch phải Charlie"; không nên cho phép tự do ngôn luận.

Ngay sau khi Tân Hoa Xã đưa tin trên, tất cả báo đài ở Hoa lục được lệnh Ban Tuyên Giáo đồng loạt trích đăng và bình luận rộng ra. Hệ thống truyền hình quốc gia Trung quốc ngoài việc đọc lại bài bình luận của Tân Hoa Xã còn nhắc lại cho khán giả biết rằng trong hội nghị Quốc tế về Internet đưọc tổ chức vào ngày 19/11/2014 tại Bắc Kinh, Trung quốc đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới phải có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trên mạng Internet như Trung quốc đã và đang làm. Truyền thông Trung quốc lại trang trọng giới thiệu một lần nữa thông điệp của ông Tập Cận Bình trong hội nghị này: "Trách nhiệm của chính phủ là phải kiểm soát các hoạt động trên mọi trang mạng, và nhấn mạnh đó không phải là trách nhiệm của một mình chính phủ Trung quốc mà là trách nhiệm của mọi quốc gia, để đảm bảo ổn định xã hội. Vì thế, chúng tôi kêu gọi sự hợp tác trong lãnh vực an ninh mạng, chống lại những hoạt động bất hợp pháp, kể cả hoạt động phá hoại của hackers."

Nếu nhìn vào thực tế tại đất nước Trung Quốc thì có lẽ sự kinh ngạc về thông điệp quái dị của Bắc Kinh sẽ tan biến. Vì tại Trung Quốc, vấn đề ngược hẳn với những gì vừa xảy ra tại Paris. Chính nhà cầm quyền Bắc Kinh vừa là những tên hackers, vừa là thế lực ngăn chận tự do báo chí suốt nhiều thập niên, vừa là cách chuyên gia khủng bố bằng nhiều hình thức. Và chỉ có người dân Trung Quốc là nạn nhân.

Thái độ ngược ngạo nói trên của Bắc Kinh gặp phải phản ứng gay gắt lập tức của chính các dân cư mạng Trung Quốc. Họ tố cáo ngay rằng các lãnh đạo Bắc Kinh chỉ "mượn gió bẻ măng", lợi dụng cơ hội này và bóp méo sự việc tại Paris để biện minh cho việc giới hạn tự do báo chí của Bắc Kinh là đúng; cũng như biện minh cho việc đàn áp dân chúng Duy Ngô Nhĩ, vốn đa số theo Hồi giáo, là đúng. Các trang mạng ở Hoa lục còn đầy ắp những ý kiến cho rằng (1) không thể vì quá sợ khủng bố mà giới hạn quyền tự do báo chí; (2) hãy xem cuộc tuần hành vào ngày chủ nhật 11.1.2015 vừa qua ở Pháp với hơn 4 triệu người và sự hiện diện của nhiều nguyên thủ quốc gia để thấy thế giới quí quyền tự do ngôn luận tới đâu.

Dân cư mạng còn chỉ ra rằng: Chính vì không có tự do ngôn luận, tự do báo chí như tại Trung quốc hiện nay thì xã hội ngày càng xấu đi; cán bộ, quan chức lãnh đạo mặc tình tham nhũng mà chẳng sợ bị lôi lên mặt báo. Nhiều người còn khẳng định chỉ có những nhà nước độc tài mới trói buộc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Theo báo cáo của các nhà hoạt động xã hội Trung Quốc, nhiều người dân đã tự tìm đến sứ quán Pháp ở Bắc Kinh để truy điệu các nạn nhân nhưng họ bị công an chìm, nổi chận lại không cho vào. Chỉ có kiều dân Pháp được cho vào trong những ngày này.

Lo xa hơn nữa, Bắc Kinh sợ cư dân mạng nhân dịp này sẽ ào ạt vào Internet đề cao quyền tự do báo chí, nên ra lịnh cho hệ thống kiểm soát Internet lọc bỏ tất cả những bàn luận, tin tức liên quan đến từ khóa "tự do báo chí", "tự do ngôn luận".

Người dân Pháp cũng tỏ ra khó chịu về thái độ của Bắc Kinh mượn cả một chuyện quá thương tâm của họ để biện minh cho một nhà nước độc tài. Cụ thể như tờ báo thuộc loại lớn nhất nước Pháp, Le Figaro, đăng bài với lời tựa: "Bắc Kinh tố cáo tự do ngôn luận quá trớn". Bài viết đăng hình ông Tập Cận Bình với lời chú thích: "Chế độ Cộng sản Trung quốc kiểm tra nghiêm ngặt báo chí và nơi đây đang bỏ tù mấy chục nhà báo".

Tóm lại, trò đạo đức giả của Bắc Kinh không che được bản chất du đãng bạo hành của họ trong mắt thế giới. Chẳng mấy ai còn mơ hồ gì ai là các nạn nhân tại Trung Quốc và ai đang là kẻ đang khủng bố họ. Chỉ riêng tại Việt Nam, người ta mới thấy sự đồng điệu với Bắc Kinh qua văn bản của Hội nghị Trung ương đảng CSVN lần thứ 10 khẳng định "Đặt báo chí dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng’’.

Và chỉ riêng tại Việt Nam, mới có một bộ trưởng quốc phòng lo âu: "Lo quá. Không biết tuyên truyền thế nào chứ từ trẻ con đến ngưòi già đều có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại."./.

1 comments:

Thiệt là hết thuốc chữa ... cho cả Tập Cận Bình và Phùng Quang Thanh.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More