Đại gia Tàu chỉ ăn gạo Nhật

Ngô Quảng@S: - DienDanCTM
Gạo độc hại được phát hiện tại thành phố
Quảng Châu, Quảng Đông, Nam Trung Quốc
có chứa lượng cadmium gây ung thu vượt mức
cho phép (hinh minh hoa)
Trong số các đợt cuống cuồng chạy mua thực phẩm nước ngoài vì quá sợ hàng nội hóa chứa các hóa chất độc hại, người ta ghi nhận 2 khuynh hướng lớn hiện nay trong xã hội Trung Quốc. Đó là dân trung lưu bằng mọi giá mua sữa bột Tân Tây Lan (New Zealand) và Âu Châu cho con; và dân thượng lưu chỉ ăn gạo Nhật cho an toàn.

Hiện tượng đại gia đổ xô đi mua gạo Nhật có thể thấy đầy trên mạng internet. Kể từ năm 2010,  số người dân Trung Quốc tìm mua gạo Nhật ngày càng tăng. Riêng năm 2013, số gạo Nhật nhập cảng vào Trung Quốc tăng 300% so với năm trước đó. Theo hãng mậu dịch Sumitomo chuyên bán gạo từ Nhật qua Trung Quốc thì hiện nay việc mua bán gạo Nhật chủ yếu qua mạng internet nhưng rất được khách hàng yêu chuộng. Họ dự tính vào mùa thu 2015 sẽ vượt khỏi không gian mạng và bày bán ở siêu thị tại các thành phố lớn.


Thật ra Nhật không phải là nước chuyên xuất cảng gạo. Diện tích nước Nhật Bản chừng 379.954 cây số vuông (chỉ hơn Việt Nam một chút), nhưng vì có nhiều núi đồi nên diện tích trồng trọt chỉ chiếm khoảng 12 % (khoảng 3 triệu 173 ngàn hecta) để nuôi một dân số trên 150 triệu người. Ngày nay dân số Nhật giảm còn 130 triệu, nhưng diện tích canh tác cũng giảm chỉ còn 1 triệu 621 ngàn hécta để nhường đất cho công nghiệp. Nghề nông chỉ chiếm 3% tổng dân số và chỉ nhắm mục tiêu đủ tự túc lương thực vì an ninh quốc gia mà thôi. Theo thống kê vào năm 2010 của bộ Nông nghiệp Nhật, tính đổ đồng mỗi năm một người Nhật sản xuất ra 80 kg gạo và tiêu thụ 60 kg gạo. Số gạo xuất cảng, do đó, khá giới hạn và nhắm vào kiều dân Nhật ở nước ngoài mà thôi.

Nhưng mức độ "trong lành" của gạo Nhật được giới đại gia và các nhà hàng phục vụ đại gia tại Trung Quốc tin tưởng tuyệt đối. Cả báo chí Tây Phương và một vài báo lớn của Trung Quốc như tờ Hoàn Cầu thời báo đều ghi nhận giá trung bình của gạo Nhật đắt gấp 10 lần giá gạo nội địa (khoảng 74 đồng nguyên 1 kg gạo Nhật, so với 7,5 nguyên 1kg gạo Tàu). Trong những khoảng thời gian khan hiếm, có đại gia chịu trả tới 1500 nguyên để mua 5kg gạo Nhật.

Lý do đơn giản là mọi người dân Trung Quốc đều quá sợ nông phẩm nội địa. Họ biết đủ loại hóa chất đã làm ô nhiễm bầu không khí, các mạch nước ngầm, các sông hồ. Và từ các nguồn nước bị ô nhiễm đó, đất đai cũng bị ô nhiễm theo. Đó là chưa kể tình trạng dùng thuốc sâu rầy vô tội vạ của nông dân. Hiện nay độc tố đáng lo nhất trong gạo là chất kim loại Cadmium. 

Theo thống kê của chính Bộ Bảo vệ Môi sinh thì 16,1% đất đai tại Trung Quốc bị nhiễm độc nặng. Tại nhiều nơi, nông dân không dám ăn gạo do chính họ trồng mà chỉ bán cho các địa phương khác. Các quan chức tỉnh Quảng Đông thú nhận trên báo đài rằng 44% số gạo mà họ thử nghiệm có nồng độ Cadmium vượt ngưỡng an toàn. Giới quan sát môi sinh quốc tế tin tình trạng ô nhiễm còn trầm trọng hơn các con số được công bố rất nhiều.

Trong lúc giới đại gia tìm được lối thoát nơi gạo Nhật, đại khối dân chúng không có cách nào khác ngoài việc tiếp tục nuốt chất độc hàng ngày và chỉ biết bày tỏ bức xúc trên các trang mạng. Cụ thể như tại trang mạng Phượng Hoàng, các ý kiến của cư dân mạng sau đây khá điển hình:

- Ở Hoa lục này có bao nhiêu người giàu lên bằng chính mồ hôi nước mắt của mình, toàn bọn tư bản đỏ.
- Người giàu sướng thiệt, chỉ có người nghèo là bị độc tử.
- Bây giờ thực phẩm mới độc hại? Quá trễ rồi, đã bị nhiễm từ lâu rồi.
- Tại sao nhà nước vận động tẩy chay hàng Nhật mà không yêu cầu bọn tư bản đỏ, đại gia đừng mua gạo Nhật?
- Thôi chỉ còn cách làm cho cái Đảng và nhà nước Cộng sản này bị độc tử đi cho rồi.

Tại Việt Nam, hiện tượng nhập vô số thực phẩm độc hại và các hóa chất làm gia vị vẫn ở tình trạng hoàn toàn bỏ ngõ. Các cơ quan liên hệ không chỉ làm ngơ mà một số quan chức còn có những tuyên bố vô lương tâm theo chiều ngược lại. Cụ thể như ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng cục Bảo vệ Thực vật của bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, giảng dạy cho dân rằng: "Có những mẫu khoai tây dù dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép và vi phạm quy định của Việt Nam nhưng cũng chưa đồng nghĩa với việc mất an toàn". Và đó không phải là lần duy nhất ông phán thực phẩm Trung Quốc vượt quá mức độc hại cho phép nhưng dân cứ ăn đi, không chết đâu.

Người ta không biết vì nông cạn kiến thức hay những quan chức như ông Nguyễn Xuân Hồng chỉ nói hoàn toàn theo lệnh trên đưa xuống vì không dám làm Bắc Kinh bực mình. Nhưng điều người dân biết chắc là gia đình ông Hồng và các cấp trên của ông sẽ chẳng bao giờ đụng đến các loại thực phẩm đó./.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More