Cuộc tuyệt thực của Hải Điếu Cày (Phần 4)

Nguyễn Xuân Nghĩa (hồi ký từng phần - Phần 4)

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghiã
Cuộc tuyệt thực bắt đầu

Sau khi ra tù, đọc một số bài viết về cuộc thuyệt thực của HĐC. Nghe bên “lề đảng” nói: không; bên “lề dân”nói: có. Bên khẳng định dựa vào thông tin của thân nhân anh Hải, qua vợ tôi là người nhận tin trực tiếp sau cuộc thăm nuôi tôi. Bên “lề đảng” phản bác. Họ đưa ra những lý do như con người không thể nhịn ăn với thời gian dài ngày như vậy: (có tin nói 30 ngày, có tin 35 ngày. Tôi nói 33 ngày. Chốt!.); sau đó họ dựa vào các bản tin của bên “lề đảng”  với hình ảnh HĐC đang nhận cơm, đang được chăm sóc y tế và tờ list liệt kê số quà thăm nuôi gia đình gửi vào có chữ ký nhận của anh. Giống như một con đĩ già, có kinh nghiệm, luôn mồm nói còn trinh, truyền thông cộng sản bao giờ chẳng nói họ đại diện cho sự thật.

Sự thiệt thòi của bên “lề dân” là chẳng có một  thực tế nào vào lúc ấy để chứng minh cho thông tin của họ.( Chuyện xảy ra trong nhà tù, chỉ có PV của “lề đảng” được vào đó. “ lề đảng” nói sao người đọc nghe vậy, bàn vậy theo định hướng). Cũng có khi do tình trạng người tù bị ngăn cấm
một cách quá ráo riết, việc chuyển thông tin ra ngoài, phải dùng cái cách riêng, kín đáo của họ nên thông tin bị sai lạc. Người nói mua ốc và vịt để làm cơm, người nghe mua ốc và vít để sửa máy. (Trước đó, tin Hải ĐC bị chặt tay ở dạng này); “Đã một lần không đúng thì các lần sau đều sai”. Đó là lý do để người ta vin vào mà khẳng định tin HĐC tuyệt thực là tin vịt...
Có những câu hỏi mà tôi không thể trả lời công khai. HĐC không phải là thần thánh gì, sao nhịn được ăn những 33 ngày?. Đó là bí mật của anh. Nếu nhà tù cộng sản biết nhà bất đồng  có cách để nhịn ăn được lâu đến hơn một tháng thì họ bình chân như vại, cứ để mặc ai tuyệt thực, không thèm lo lắng, không thèm động lòng, không lo phải sợ trách nhiệm... vậy thì  tuyệt thực làm gì?. Cuộc tuyệt thực của các nhà chống đối càng làm cho đối phương lo lắng, sợ trách nhiệm, kéo dài ngày nào, gây lo lắng cho đối phương ngày đó, và ... truyền thông bên ngoài nhanh, mạnh... càng gây hiệu ứng... Cuộc tuyệt thực của HĐC lần này đạt được cả hai.
Câu hỏi này tôi trả lời được ngay: Tại sao anh  ĐC bị giam riêng, tuyệt thực mà chúng tôi biết, quan sát từng chi tiết cuộc tuyệt thực của anh từ đầu đến cuối, tôi đưa được thông tin ra ngoài?. Vấn đề ở chỗ cấu trúc của khu giam giữ tù chính trị ở trại 6 lúc anh HĐC bị giam riêng, tuyệt thực.

Cấu trúc khu giam giữ tù nhân chính trị trong trại 6 lúc đó không giống khu giam giữ tù nhân chính trị ở trại giam Nam Hà cùng thời. Ở Nam Hà khu biệt giam bố trí bên ngoài, cách xa nơi giam thường, có gọi đứt hơi cũng không tới. Anh Vũ Hùng (3 tháng), Tôi và anh Trội (6 tháng 7 ngày) bị biệt giam mà thân nhân không biết cụ thể biệt giam là thế nào, không hề được dư luận bên ngoài. Có tuyệt thực cũng không ai biết. Nếu chết cũng bị pháp y nói lệch nguyên nhân.
Ở trại 6 Nghệ An, các xà lim biệt giam, xà lim kỷ luật cùm chân đối với tù chính trị nằm ngay trong khu giam tù chính trị. Họ cách ly chúng tôi với tù thường ngay cả lúc bị biệt giam (bây giờ họ đã rút kinh nghiệm). Gậy ông đập lưng ông, mọi hành vi của cả hai bên đều nằm dưới sự quan sát của  tù chính trị không liên đới, không người này thì người khác. Theo sát, bàn bạc làm gì để giúp cho tinh thần anh được vững vàng là nghĩa vụ của tôi. Ngay lúc ấy, tôi đã nhận lấy trách nhiệm đưa tin anh tuyệt thực ra ngoài. Tôi coi vụ tuyệt thực này không phải chỉ cho anh mà cho tất cả anh em tù chính trị trại 6.

Khu an  ninh quốc gia trong trại 6 lúc bấy giờ có 5 xà lim xây liền nhau. Ba xà lim nhốt tù chính trị thường, mỗi xà lim có từ 3 đến 4 người, một xà lim kế tiếp bỏ trống, tiếp đấy là xà lim nhốt tù chính trị bị biệt giam. Đối diện bên kia là xà lim nhốt tù chính trị bị kỷ luật hình thức cùm chân. Cả 6 xà lim có chung một cái  sân rộng khoảng 200m2, là nơi đi dạo, nơi vận động, chơi cầu lông của tù chúng tôi. Có lần vài cán bộ cũng vào chơi cùng tù nhân (họ chỉ tham gia chơi cùng tù nhân chính trị). Họ kêu sân chật, bóng đi không hết đường, nhưng khi chúng tôi kêu khu giam giữ chật họ lại bảo thế naỳ là rộng chán.)

Với cấu trúc như vừa tả, khi anh Hai bị biệt giam và tuyệt thực chúng tôi vẫn nhìn thấy anh qua cửa sổ, vẫn trao đổi được với anh khi anh đứng vin vào song sắt nhìn ra.

Ở trại giam số 6 có một viên cai ngục khá thú vị.  Nghe anh Trương Việt Phương (tù hình sự duy nhất bị giam chung với TNLT) nói:  ông này bất mãn với ban giám thị trại, đang chờ quyết định hưu để “tếch” về nhà .  Biết giờ này  ông ta đã nghỉ  hưu nên tôi kể qua vài chi tiết sợ không có cơ hội quay lại. Ông cán bộ này khá thú vị. Ông ta thích chơi cờ với chúng tôi. Mỗi khi nhằm vào một con pháo hay con xe gì đó của đối phương, ông ta lẩm bẩm ” Phải săn bằng được thằng việt cộng này”. Chúng tôi nhìn ông ta, cười. Chính ông là thằng việt cộng chứ đâu phải con xe, con pháo kia! Càng ngạc nhiên hơn khi chộp được nó sau một tiếng “cách”,  ông ta hét “ Chết tươi một thằng việt cộng”. Chơi cờ với ông khá vui, khá ham và khá lạ. Chúng tôi chỉ mong ông nói mãi như vậy khi đã về chơi cờ với các cụ trong làng. Ông ta có nhiệm vụ mở cửa buồng giam cho chúng tôi ra ngoài, vận động, ăn sáng và đi làm. Ông mở cửa rất đúng giờ. Mỗi khi được chúng tôi khen ông nói, bằng cái giọng Nghệ  trọ trẹ “ Tôi cũng tù như các anh. Các anh tù có năm, có tháng, tôi tù chung thân.”

Thường thường, mở cửa xong, thấy tôi vẫn ngồi trên sàn xem TV  ông ta hỏi “Anh Nghĩa không ra?. Tôi lịch sự đáp lại, tôi nán lại buồng thêm dăm phút để xem nốt chương trình thể thao buổi sáng của VTV3. Buổi sáng ngày 24 tháng 6 lặp lại như vậy. 

Tôi là người ra muộn nhất và đi dạo qua cửa sổ có cái hình gầy gò, vẫn bám vào song sắt nhìn ra xem chúng tôi đi lại, chuyện trò của HĐC muộn nhất. Hàng ngày, vào các buổi sáng giờ này tôi và Hải thường đi cạnh nhau. Các anh em khác lấy đi nhanh, để cử động được hết tầm, chúng tôi lấy đi chậm để chuyện trò được nhiều và thường nhường, tránh cho ai đi sát vượt lên.  Đôi chân anh gầy, dài ngoẵng trong chiếc quần đùi cô Nghiên mua tặng rộng thùng thình, chỉ vừa vặn với chiều dài. Sáng hôm ấy tôi đi một mình, qua hai vòng vẫn chẳng thấy anh đứng cạnh  cửa sổ.

Giờ đi dạo đã hết, anh em đã vào lại buồng chuẩn bị pha mì ăn bữa sáng. Viên cán bộ kia đã ra ngoài, tôi đi thêm vòng cuối cùng. Qua cửa sổ buồng biệt giam. Anh Hải đã đứng đó, mặt áp vào song sắt:
- Anh Nghĩa. Em tuyệt thực.

Tôi bị bất ngờ. Như đã nói ở phần trước, tôi không nghĩ anh ấy tuyệt thực lần nữa. Kịch bản tôi tin là: anh Hải chịu giam riêng 3 tháng, rồi về lại buồng chung với anh em. Phương cách biệt giam ở trại 6 không đến nỗi nào, đỡ khổ hơn cách tôi bị biệt giam ở trại Ba Sao-Nam Hà. Tuy bị giam một mình 24/24 giờ nhưng  trong buồng có toilet, có điện..., qua cửa sổ, anh ấy vẫn nhìn thấy anh em khác làm việc trong lán, đi lại, chuyện trò ngoài sân, chỉ cách buồng đang  giam anh 2,3 m, vẫn có thể trao đổi với chúng tôi khi không có cán bộ và hai thằng gián điệp cho Trung Quốc đang làm chỉ điểm lấy công. Bị biệt giam, không được gặp gia đình, không được nhận quà gia đình gửi, không  được mua đồ ăn căng tin, thậm chí không được nhận đồ ăn từ giúp đỡ của bạn tù, nhưng tôi sẽ có cách. Hôm qua, tôi đã nhờ một viên cán bộ chuyển cho anh hai dây sữa tươi. Bị hắn từ chối. Tôi dự định làm lại điều này vào trưa nay với ông cán bộ vẫn nói “diệt được một thằng Việt cộng” khi chơi cờ như đã kể. Buồng biệt giam không có TV, anh tạm dùng báo: báo Thanh niên và Tuổi trẻ là hai loại anh cần tôi cũng đang tìm cách có để đưa qua cửa sổ cho Hải. Tôi chưa gửi về nhà  cuốn Aristle, sẽ đưa cho anh đọc lại, đỡ buồn và tôi còn cuốn Kinh doanh ở Mỹ và Trung quốc đang đọc dở...
Tôi đứng lại:
- Đừng, Hải.
- Không, em phải tuyệt thực.
Biết không ngăn được Hải, tôi bàn:
- Vậy thì hoãn lại...

Tôi vội vàng thì thầm với Hải: Hoãn lại khoảng 10, 15 ngày, lúc đó là vào giữa tháng sau, khi vợ tôi lên theo lịch thì anh tuyệt thực được 15, 20 ngày, vừa để có tin ra ngoài mà thời gian tuyệt thực của anh đến lúc đó không dài lắm. Anh phải rút kinh nghiệm lần tuyệt thực trước, vừa không có dư luận lại vừa suýt chết...

- Em không chờ được! Hải cương quyết

Tôi nắm được tâm lý cực đoan của Hải. Với anh, TỰ DO - CHIẾN THẮNG hay là CHẾT. Anh có yêu cuộc đời này hay không? – Tôi không biết. Nhưng tôi biết anh yêu đất nước này. Anh mới vào biệt giam được hai ngày. Không phải anh sợ biệt giam. Ngay khi còn ở chế độ giam thường, anh đã cần tự do hơn chúng tôi. Trong khi chúng tôi đã ổn định, cam chịu, chờ đến ngày về, thì anh, còn những 10 năm nữa. Anh như một con chim mới bị nhốt, nhảy lên, nhảy xuống, sang phải, sang trái để thân cánh đập tả tơi vào vách lồng cho đến khi nào kiệt sức...

(Còn nữa)

Nguyễn Xuân Nghiã

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More