Việt Nam và khối lượng tài sản phi pháp

RadioCTM - Nguyễn Vũ@S:
 
Gần đây trên mạng internet toàn cầu đã xuất hiện một số tin tức liên quan đến khối lượng tài sản khổng lồ của một số giới chức lãnh đạo đảng CSVN. Số tài sản này bao gồm các bất động sản và tiền mặt mà họ chuyển ra nước ngoài. Chúng ta có thể gọi chung là Tài sản phi pháp. Để tìm hiểu vấn đề, chúng tôi có liên lạc với Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo từ Paris.
Ông Nguyễn ngọc Bảo Tốt nghiệp Kỹ Sư Cao Đẳng Công Chánh Paris.
Ủy Viên Trung Ương Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng .
Đang trách nhiệm về lãnh vực an ninh thông tin, tại một hãng lớn tại Pháp về quốc phòng.
Ông nguyên là chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris.
Và trách nhiệm biên tập của tờ Viet Nam Resistance, Vietnam Democratie.
Hội viên của Hội Chuyên Gia Việt Nam
 ***
CTM : Trong vài năm gần đây, mức thâm thủng của cán cân thanh toán (Balance of Payment) của Việt Nam đã lên đến mức kỷ lục, xin ông cho biết mức thâm thủng này có liên hệ nào đến khối lượng tài sản phi pháp (TSPP) và ngoại tệ khổng lồ của lãnh đạo CSVN đang tuôn ra hải ngoại hay không?
NNB : Cán cân thanh toán (Balance of payment) là khối lượng giao dịch tài chánh, buôn bán xuất nhập khẩu hàng hóa, được chuyển ra dưới dạng tiền tệ ra-vào một quốc gia. Tại các quốc gia dân chủ pháp trị, cán cân thanh toán tương đối chính xác với một sai biệt khoảng dưới 1-2%, đến từ các hoạt động bất hợp pháp, chuyển ngân lậu rửa tiền, riêng tại các quốc độc tài như Nga, Trung Quốc, Việt Nam, con số sai biệt rất lớn hơn tới 20-30%, ngay cả 100%  và hoàn toàn không phản ảnh thực tế.
Thứ nhất chính những con số cung cấp bởi các nhà cầm quyền độc tài không đúng, hoặc thổi phồng, hoặc hạ xuống quá đáng, tuỳ theo nhu cầu,  vì họ không có những cơ cấu kiểm toán độc lập. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, cán cân thanh toán của VN sau khi trừ 4,28 tỷ MK vào 2010, đã trở thành +9 tỷ MK vào năm 2012, theo Ngân Hàng Thế Giới -3,7 tỷ MK vào 2010, trở thành +5,8 tỷ MK vào 2012. Trường hợp rõ nét nhất là những thống kê về kinh tế Liên Xô được IMF, World Bank lấy lại, trước khi sụp đổ vào năm 1991; hồi đó dồng rúp được quy định bằng 0,6 MK trong khi đồng rúp hoàn toàn không có một giá trị hối đoái nào trên thị trường, một số chuyên viên kinh tế còn tiên đoán là với đà tăng trưởng thời đó của Liên Xô sẽ vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2000. Sau khi Liên Xô tan rã, người ta mới khám phá là nền kinh tế Liên Xô hoàn toàn giả tạo, chỉ mới bằng 1/10 Hoa Kỳ và còn thua cả Ý.
Thứ hai là do các hoạt động bất hợp pháp có hệ thống trên cả nước, từ bè đảng, thân thuộc của giới lãnh đạo cao cấp CSVN,
1)    chuyển tiền công khai lậu qua biên giới, qua môi giới đến các công ty bình phong tại các thiên đường về thuế (tax heavens)
2)    công khai bòn rút tiền đầu tư, tiền viện trợ để bỏ túi riêng,
3)    trưng thu trái phép và bồi thường với giá rẻ mạt đất đai của người dân và bán lại với giá 100 lần hơn cho các công trình joint-venture hùn vốn với các công ty ngoại quốc,
4)    lợi dụng quyền chức để ra lệnh các ngân hàng cho các tổng công ty quốc doanh vay mượn các số tiền khổng lồ, để bòn rút làm của riêng. Mặc cho các công ty này bị phá sản
Do đó, cán cân thanh toán tại các quốc gia độc tài, trong đó có Việt Nam không thể chính xác. Trong vụ tiết lộ các rửa tiền tại Trung Quốc gọi là ChinaLeaks vào đầu năm 2014, các nhà báo trong tổ điều tra ICIJ (International Consortium of Investigative Journalists) ước lượng khối tiền TSPP chuyển ra nước ngoài từ Trung Quốc này lên đến hơn 3000 tỷ MK trong vòng 20 năm qua. Nếu phóng chiếu xuống ở tầm vóc Việt Nam về mặt kinh tế, thì con số thất thoát tương đương sẽ ở mức 50 tỷ MK. Tóm lại, mức thâm thủng hiện nay của cán cân thanh toán đều không chính xác và  ít phản ảnh đến khối TSPP thất thoát vì khối lượng đã được bòn rút, lấy ra trước và ngoài khuôn khổ sổ sách tài chánh cuả quốc gia. Khối lượng TSPP thất thoát chắc chắn lên đến ít nhất hàng chục tỷ MK.

CTM : Hiện nay, có một số dữ kiện về TSPP đã được tiết lộ ít nhiều trên một số trang mạng như Quan Làm Báo, Chân Dung Quyền Lực, xin ông cho biết thêm chi tiết về vấn đề này

NNB : Việc này trước tiên thể hiện tình trạng đấu đá ngày càng công khai giữa lãnh đạo dảng CSVN giữa các phe Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, nhằm chuẩn bị cho Đại Hội 12 vào năm 2016. Chắc chắn những loại tin mật như vậy phải đi ra từ trong cung đình của chế độ, dù có thể có một phần không nhỏ được thổi lên, ngụy tạo.  Trước đây những đấu đá trên báo đài của đảng CSVN giới hạn trong nước, ngày nay tin tức về TSPP, tham nhũng, hành vi phi pháp được công bố trên các trang web, với tầm phổ biến rộng hơn. Từ sự kiện đó, một hậu quả là các cuộc tấn công bằng DOS (Từ Chối Dịch Vụ) gia tăng cũng như một số cuộc tấn công quy mô nhằm chiếm các máy chủ để lấy tài liệu, làm tê liệt hàng trăm máy chủ, điển hình như cuộc tấn công vào công ty của phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng, VCCorp vào giữa tháng 10/2014. Những tiết lộ về TSPP của các lãnh đạo CSVN và phe nhóm họ trên các trang mạng sẽ là những chỉ dấu (indicator) để cho các cuộc điều tra các cơ quan công lực có thẩm quyền rất rộng lớn như TRACFIN (Hoa Kỳ), AGRASC (Cơ quan Quản Trị và Thu Hồi các TS bị Tịch Thu) của Pháp, SOCA (Anh) với khả năng chặn bắt và  kiểm thính mọi liên lạc, thông tin chuyển ngân qua hệ thống điện tử.
Hầu như chắc chắn là một phần rất lớn khối TSPP đã được chuyển vào các quốc gia Tây Phương pháp trị, và chỉ có những cơ quan công lực với trát tòa mới có thể tiến hành các cuộc điều tra tinh vi liên hệ đến các vụ chuyển ngân lậu, rửa tiền tại Tây Phương, nhằm truy tìm những đường dây chuyển tiền, đầu tư, qua công ty bình phong phức tạp, cấu trúc nhiều tầng về tài chánh của các thành phần tội ác, thuộc hạ hay làm ăn với các lãnh đạo độc tài và gia đình của họ, để che giấu nguồn gốc phi pháp của họ. Những cơ quan chuyên biệt này có khả năng đòi các ngân hàng (ngay cả bên Thụy Sĩ, phải cung cấp các chi tiết về các trương mục số không có tên tuổi cho các cuộc điều tra), cũng như các dấu vết  (trace) chuyển ngân từ các thiên đường thuế khóa như British Virgin Island, Jersey, Cook Island, Marshall Island,  qua hệ thống viễn thông Swift.
Những chỉ dấu này, cộng với các dữ kiện về hệ thống chính trị, kinh tế song trùng dưới quyền của Nguyễn Tấn Dũng, sự lệ thuộc của tư pháp, hành pháp vào guồng máy đảng, sự kiện nhiều tổng công ty do thuộc hạ các thành phần lãnh đạo làm tổng giám đốc, thua lỗ hàng trăm triệu MK cho thấy rõ sự cấu kết phi pháp, lợi dụng quyền thế để bòn rút của công, trục lợi. Do đó những dữ kiện trên Quan Làm Báo, Chân Dung Quyền Lực, các dữ kiện của Tổ Hợp ICIJ đến từ  các thiên đường thuế khóa (khoảng 100 người Việt Nam, trung gian cho các thành phần lãnh đạo CSVN), và các dữ kiện đến từ các nguồn khác… sẽ được tổng hợp, duyệt lại, bổ túc, đúc kết thành những hồ sơ bằng chứng vừa phải để có thể mở ra những cuộc điều tra xuyên quốc gia về TSPP của lãnh đạo CSVN.

CTM : Theo ông, đã có những điều kiện thuận lợi nào hơn so với trước đây để có thể truy tìm và thu hồi phần TSPP này trong tương lai

NNB : Các vụ thu hồi TSPP đã và đang có những thuận lợi vượt bực so với 30 năm trước đây, nhờ vào một số yếu tố thuận lợi. Xin được liệt như sau :
1) Đến từ ý thức ngày càng phổ quát và sâu rộng về những bất công, phi lý quá mức tưởng tượng, tại các quốc gia đang phát triển, trong mọi thành phần quần chúng nhờ vào mạng xã hội Internet,
2) Sau công ước MERINDA 2003 về chống tham nhũng (Việt Nam đã ký vào công ước này), khuôn khổ pháp luật Liên Hiệp Quốc và các quốc gia ngày càng thích hợp để thụ lý về các hồ sơ TSPP với nguyên tắc CSC (Confiscation sans Condamnation) hay NCB (Non Conviction Based) : có nghĩa là các quan tòa áp dụng nguyên tắc tịch thu trước rồi sẽ trả lại nếu chứng minh được đó không phải là TSPP. Còn không sẽ bị tịch thu. Vì nguyên tắc CSC (NCB) nhằm vào một tài sản (tiền mặt, trương mục ngân hàng, bất động sản, xe hơi, du thuyền, phi cơ,…) chứ không phải là một vấn đề hình sự nhằm vào một cá nhân con người. Nguyên tắc này nhằm đánh vào vào quyền lợi cốt lõi của thành phần phạm pháp, khi họ không ngại bị xử phạt tù hình sự nhưng lo hơn về phần bị mất TSPP. Hiện đang có hơn 20 vụ kiện các thành phần cựu lãnh đạo độc tài tại Trung Phi, Bắc Phi, tại Trung Á,
3) Việc thu hồi TSPP vẫn tiếp tục dù đương sự liên hệ đã mất, đang lẩn trốn (tại đào) trường hợp Sani Abacha mất năm 1998, 16 năm sau, Hoa Kỳ vẫn ra lệnh tịch thu số tiền 498 triệu MK của nhà độc tài để trả về cho Niger, hay TSPP đã được sang, chuyển nhượng qua một đệ tam nhân (gia đình, thân bằng quyến thuộc, thuộc hạ). Không có thời hạn để miễn tố hay hồi tố. Hiện nay việc thu hồi TSPP của gia đình Ben Ali, Gadhafi vẫn đang được tiến hành.
4) Có những cơ quan công lực chuyên biệt được thành lập để truy tìm và tịch thu trước những TSPP trước khi có phiên tòa xảy ra (như SOCA Serious Organized Crime Agency của Anh; AGRASC Agence de Gestion et de Recouvrement des Avoirs Confisqués của Pháp, những cơ quan tương đương như TRACFIN (Cơ quan xử lý các tin tức và hành động chống lại các hoạt  động tài chánh bí mật – Traitement du Renseignement et Action contre les Circuits Financiers clandestins) tại Hoa Kỳ, Úc, Liên Âu…..),
5) Có những vị luật sư, các quan toà, các tổ chức NGO, các chứng nhân đã can đảm vượt qua những áp lực rất lớn để thi hành công lý, như trong vụ kiện Obiang và một số cựu tướng lãnh Phi Châu.
Trên thế giới, ngay từ thập niên 80 đã diễn ra một số vụ thu hồi TSPP các thành phần lãnh đạo độc tài bị hạ bệ như Suharto (Nam Dương), Marcos (Phi Luật Tân). Về trường hợp nhà độc tài Phi Luật Tân Ferdinand Marcos bị dân chúng hạ bệ vào năm 1986 và mất năm 1989, một uỷ ban đặc nhiệm do Tổng Thống Phi bổ nhiệm nhằm thu hồi TSPP của ông Marcos đã được thành lập vào năm 1986 và mới chấm dứt nhiệm vụ vào đầu năm 2013, sau 27 năm hoạt động. Với kết quả thu hồi được một số tài sản trị giá khoảng 4 tỷ MK, trên một tổng số ước lượng khoảng 10 Tỷ Mỹ Kim, đa số từ Hoa Kỳ, Thụy Sĩ . Cách đây 4 năm, trong các cuộc cách mạng “Mùa Xuân Ả Rập” tại Bắc Phi, Tunisia, Libya,Ai Cập, vào đầu năm 2011, ngay cả trước khi Gadhafi bị lật đổ, các quốc gia Pháp, Anh, Ý, Thụy Sĩ đã phong toả các TSPP của gia đình Gadhafi và hoàn trả lại cho Hội Đồng Chuyển Tiếp Libya CNT tại Benghazi một số ngân khoản non 1 tỷ Mỹ Kim tài sản phi pháp của gia đình Gadhafi. Riêng đối với Thụy Sĩ, người ta thường nghĩ nước này chuyên bảo vệ bí mật ngân hàng với các trương mục bằng số, nhưng sự thật lại rất khác xa. Ngay sau khi các cuộc cách mạng Bắc Phi bùng nổ, chính quyền Liên Bang Thuỵ Sĩ đã đồng ý hoàn trả lại cho các quốc gia này 60 triệu quan Thụy Sĩ cho Tunisia, 410 triệu cho Ai Cập và 650 triệu cho Libya. Đây là một phần số TSPP của gia đình Ben Ali, Moubarak, Gadhafi đã bị phong toả tại Thụy Sĩ. Đó là những thuận lợi về việc thu hồi TSPP và một số trường hợp cụ thể.

CTM : Cụ thể hơn, phong trào dân chủ cần làm gì hiện nay và trong tương lai để có thể truy lùng hữu hiệu khối lượng TSPP và thu hồi lại cho dân tộc Việt Nam

NNB : Công trình truy tìm và thu hồi TSPP, dù đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều,  tuy nhiên vẫn cần nhiều chuẩn bị ngay từ bây giờ, để (sau này) rút ngắn thời hạn thu hồi. Nhằm truy tìm TSPP tại ngoại quốc, trương mục ngân hàng, bất động sản, vốn đầu tư. Ngược lại, ở trong nước thì những TSPP như các biệt thự nguy nga, tráng lệ các thành phần lãnh đạo CSVN luôn còn đó, việc thu hồi sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Dưới đây là một số việc làm cần thiết mà phong trào dân chủ cần tiến hành với sự hỗ trợ của mọi người dân VN yêu nước trong và ngoài nước.
a/ Thu thập càng nhiều dữ kiện càng tốt, đến từ mọi nguồn.
b/ Sau đó lọc lại, bổ túc để trở thành một hồ sơ pháp lý.
c/ Liên lạc với các giới chức liên hệ : các NGO về Trong Sáng và Chống Tham Nhũng, Rửa Tiền, các thành phần luật sư hoạt động trên lãnh vực rất chuyên biệt này; nghiên cứu, theo dõi thường xuyên những dữ kiện mới, những luật lệ mới về thu hồi TSPP
d/ Kêu gọi những nạn nhân, nhân chứng người Việt để cùng đứng đơn kiện
e/ Tìm kiếm những luật sư gốc Việt Nam để đưa hồ sơ ra trước một toà án địa phương hay trước một tòa án quốc tế.
Mục tiêu của công trình truy tìm và thu hồi TSPP là nhằm tìm lại Công Lý Cho Dân Tộc và thu hồi một số TSPP và tài chánh rất cần thiết cho giai đoạn đầu của công cuộc Canh Tân đất nước hậu cộng sản. Thu hồi TSPP để bồi thường phần nào cho các nạn nhân, trưng dụng các bất động sản và biến thành các tiện ích xã hội, như thư viện, nhà dưỡng nhi, trường học, … Khi chuẩn bị trước và khai dụng được bối cảnh thuận lợi, chúng ta sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian thu hồi và mang lại công lý cho dân tộc.

0 comments:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More