Nguyễn Hưng Quốc
Điều đáng chú ý là trước thái độ gây hấn thô bạo của Trung Quốc, phản ứng của Việt Nam và Philippines khác hẳn nhau. Điều đó có thể thấy rõ ngay trên báo chí chính thống ở Việt Nam.
Trong khi trên báo chí chính thống ở Việt Nam, ngoài vài bản tin và lời phát biểu chung chung ngay sau hai biến cố cắt cáp vào ngày 26/5 và 9/6, chỉ thấy một sự im lặng lạ lùng và khó hiểu từ phía chính quyền thì, ngược lại, người ta thấy có khá nhiều bài tường thuật các phản ứng của Philippines đối với Trung Quốc. Các phản ứng ấy bao gồm: chỉ trích gay gắt Trung Quốc trên báo chí trong nước cũng như trên các diễn đàn quốc tế; điều tàu chiến và máy bay chiến đấu (gồm cả máy bay ném bom) ra hộ tống các tàu thăm dò dầu khí; nâng cấp căn cứ Rancula thuộc quần đảo Trường Sa; tăng cường tuần tra không quân và hải quân trên vùng tranh chấp; nỗ lực phát triển quốc phòng; tháo gỡ các cột trụ mà Trung Quốc đã lắp đặt tại ba bãi đá ngầm trong khu vực tranh chấp; báo cáo hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc; đề nghị Indonesia hợp tác khai thác dầu khí chung trên biển Đông, gần khu vực Trường Sa; kêu gọi các nước trong khu vực có tiếng nói và hành động chung nhằm đối phó với Trung Quốc; tham gia tập trận chung với Mỹ; gợi ý thành lập một đoàn ngoại giao chuyên trách để đàm phán với các nước ASEAN về việc thành lập một khối liên kết để giải quyết vấn đề ở Biển Đông và kết nối với Liên Hiệp Quốc để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Trường Sa, v.v...
Không phải chỉ nói suông. Họ làm thật. Và một cách hiệu quả, ít nhất là ở bước đầu: Họ thuyết phục được chính phủ Úc ủng hộ lập trường của họ trong cuộc họp cấp bộ trưởng gữa hai nước vào ngày 16/6. Họ cũng thuyết phục được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Mỹ qua lời phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Philippines: "Tôi đảm bảo với các vị rằng Mỹ sẽ sát cánh với Philippines trong tất cả các vấn đề. Mỹ và Philippines là những đồng minh chiến lược. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn và hợp tác với nhau trong các vấn đề, bao gồm cả Biển Đông"". http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/25858/philippines-go-bo-cac-cot-tru-cua-tq-o-vung-tranh-chap.html Mới đây, họ thuyết phục được sáu nước thành viên trong khối ASEAN (trong đó có Việt Nam) ủng hộ lời kêu gọi cho một giải pháp hòa bình do họ đưa ra.
Ngoài việc tường thuật các chính sách và các lời phát biểu của giới lãnh đạo cao cấp, bao gồm cả Tổng thống Benigno Aquino của Philippines, báo chí trong nước cũng tường thuật cả dư luận của quần chúng và trí thức Philippines trước sự đe dọa của Trung Quốc. Một số bài viết đăng trên báo lớn ở Philippines được nhắc nhở, trong đó có bài mang nhan đề “Kẻ du côn trong khu vực” (Regional bully) nói về cách hành xử của chính quyền Trung Quốc. Nhiều bài báo gọi đích danh Trung Quốc đang “trực tiếp xâm phạm lãnh thổ Philippines” và tuyên bố: "Sự việc này một lần nữa cho thấy, Trung Quốc thật là đáng sợ, chứ không phải là quốc gia hiền lành như các nhà ngoại giao nước này rao giảng."
Ở đây, có hai điều chúng ta cần lưu ý: Thứ nhất, mức độ đe dọa của Trung Quốc đến chủ quyền và lãnh thổ cũng như lãnh hải của Philippines chắc chắn không trầm trọng như là Việt Nam, một nước giáp biên giới với Trung Quốc và có một lịch sử xung đột gần như triền miên với Trung Quốc; và thứ hai, như chính chính quyền Philippines nhìn nhận, lực lượng quân sự, cả không quân lẫn hải quân, của họ rất yếu. Không những yếu hơn Trung Quốc mà còn yếu hơn Việt Nam rất nhiều.
Một nước yếu và không trực tiếp đối diện với nguy cơ xâm lược của Trung Quốc như vậy nhưng cách phản ứng của họ rõ ràng là mạnh mẽ, quyết liệt, nhất quán và có tầm chiến lược hơn Việt Nam nhiều. Đó là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Từ trước đến nay, lúc nào Việt Nam cũng tự hào là đi đầu trong các cuộc chống ngoại xâm và các cuộc bành trướng quốc tế: xưa, Việt Nam đi đầu trong việc chống lại đế quốc Mông Cổ đang dẫm nát gần trọn châu Á và một phần châu Âu; sau, Việt Nam đi đầu trong việc chống lại chủ nghĩa thực dân cả cũ lẫn mới.
Còn bây giờ?
Đối diện với sự đe dọa trắng trợn từ Trung Quốc, Việt Nam lại chọn một thái độ nhịn nhục gần như bất động. Họ cố lừa dối dư luận trong nước là họ đang âm thầm giải quyết tranh chấp qua con đường đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Nhưng luận điệu ấy không thể dối gạt được ai cả. Người ta không thể ngồi vào bàn đàm phán mà không có một chiến lược rõ ràng và không có một sự hậu thuẫn nào hết, kể cả hậu thuẫn của dân chúng và quốc tế, hoặc ít nhất, trong khu vực. Sự im lặng và bất động của chính quyền Việt Nam, do đó, phải được hiểu như một sự đầu hàng.
Đầu hàng ngay từ đầu.
Có một điều hình như giới truyên truyền ở Việt Nam chưa nhận ra được: việc họ loan tin các phản ứng của Philippines mà không hề tường thuật bất cứ phản ứng nào từ phía Việt Nam, kể cả các cuộc biểu tình tự phát của dân chúng, cho thấy, hoặc ít nhất gợi cảm giác, là họ nhường trận địa chống Trung Quốc lại cho Philippines: Không phải Việt Nam mà chính Philippines mới là quốc gia xông xáo và quyết liệt nhất trong việc chống trả và ngăn chận âm mưu xâm chiến Biển Đông cũng như khu vực quần đảo Trường Sa.
Điều mỉa mai là giới truyền thông chính thống Việt Nam, một mặt, làm điều đó; mặt khác, lại tỏ vẻ đứng về phía Trung Quốc hơn là phía Philippines. Trên tờ báo mạng nổi tiếng của Việt Nam, Vietnamnet, ngày 8/6, có bài viết nhan đề “Trung Quốc mắng Philippines ‘tuyên bố vô trách nhiệm’”. Nội dung của bài viết là tường thuật lại lời phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi do hãng Tân Hoa Xã loan đi: “Trung Quốc yêu cầu phía Philippines ngừng làm tổn hại tới chủ quyền và các quyền hàng hải cũng như lợi ích của Trung Quốc, dẫn tới các hành động đơn phương làm leo thang và phức tạp vấn đề tranh chấp Biển Đông. Phía Philippines nên ngừng đưa ra các tuyên bố vô trách nhiệm không phù hợp với thực tế.” http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/24649/trung-quoc-mang-philippines--tuyen-bo-vo-trach-nhiem-.html
Một lời phát biểu như thế, từ phía Trung Quốc, chả có gì đáng ngạc nhiên cả. Họ cũng đã từng nói như vậy với Việt Nam. Vậy tại sao tác giả bài báo lại dùng động từ “mắng”: “Trung Quốc mắng Philippines”?
Thứ nhất, ai cũng biết không nên dùng chữ “mắng” để mô tả các cuộc tranh cãi ngoại giao giữa hai nước.
Thứ hai, việc dùng chữ “mắng” trong văn cảnh như vậy, người viết – và giới lãnh đạo tuyên huấn Việt Nam nói chung – có vẻ đồng tình với Trung Quốc: Kẻ đáng trách ở đây, do đó, không phải là cái kẻ ỷ mạnh xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải của nước khác mà lại là kẻ đang phản đối điều đó.
Nên giải thích việc này như thế nào đây?
Thực tình, tôi không hiểu.
Không thể nào hiểu được.
0 comments:
Đăng nhận xét