Đi biểu tình, tôi lớn lên nhiều lắm

Vinh Anh

Ngày chủ nhật 17/7, lần thứ tư tôi tham gia nhưng lại chỉ là lần thứ hai tôi đồng hành với các bạn trẻ và những người yêu nước tham gia biểu tình một cách ôn hòa phản đối những hành vi gây hấn ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.


Sau khi bị bắt vào đồn Mỹ Đình (Mễ trì), một bạn trẻ hỏi tôi: “Bác bị bắt lần thứ mấy?” Tôi trả lời: “Lần đầu tiên” và ngay lập tức và cũng rất tự nhiên thấy mình thiếu kinh nghiệm sống hơn anh bạn trẻ.


Từ rào chắn đường sắt ở phố Điện Biên Phủ, tôi bị lùa lên xe buýt trước khi ông bạn Lê Hùng, nguyên là cán bộ biên tập của nhà xuất bản Thanh niên và
Trí Đức bị quẳng lên xe và bị đạp hai cú vào mồm, một cú vào ngực, một cú trượt qua cổ (trước đó, Lê Hùng cũng bị đẩy ngã trên bậc xe buýt). Thực sự thì, tôi, dù đã chuẩn bị tư tưởng cho vợ từ lúc ở nhà là hôm nay mình có thể sẽ bị bắt, vẫn cứ bàng hoàng khi bị lùa, bị ủn lên xe, kể cả khi đã ngồi vào một chiếc ghế trống vẫn cứ như mê. Tôi tê liệt, đóng băng nhìn những hành vi của công an trước đồng bào của mình không kịp một phản ứng.


Khi xe chạy là lúc mà thần kinh đã ổn định lại, những người bị bắt trên xe nhìn nhau để nhận mặt, hỏi thăm về nhau. Tôi nhận ra Trí Đức từ chủ nhật 3/7 với vóc dáng khá “hộ pháp”. Trí Đức mồm xưng vêu vẫn còn những vết đỏ xây xát và chiếc sơ-mi lấm lem cả khoảng lưng vì mồ hôi và đất cát trên mặt đường và sàn xe.


Trên xe gặp nhiều người. Chuyến xe đó về Mỹ Đình chở những 21 người đi biểu tình cơ mà. Số còn lại co cụm phía đầu xe và không nói bất kỳ một câu nào trên cả quãng đường chục cây số. Nhưng quan sát, tôi chú ý một cậu thanh niên trẻ, đẹp trai, mặc áo nâu đen, ngồi phía bên kia hàng ghế. Cậu này cũng không nói năng gì. Hình như tôi nghe thấy tiếng của bogger Gốc Sậy: “Có lẽ cậu ta lo lắng”.

Nhưng không phải. Cuối chặng đường, một số người đi biểu tình nghi vấn có gián điệp Tầu trên xe, bởi hắn ta suốt chặng đường không nói năng gì. Chính blogger Gốc Sậy trước khi xuống xe đứng lại trước mặt cậu thanh niên hỏi hắn có biết tiếng Việt không, cậu ta lạnh lùng vẫn không trả lời. Phải mấy giây sau, blogger Gốc Sậy, đứng lại, không xuống. Lúc đó cậu ta mới nói: “Thôi ông xuống đi”. Vậy ra cậu ta là cá chìm ẩn dưới bộ mặt đẹp trai, lạnh tanh và vô cảm.


Ngay hôm sau, trên các trang mạng, tôi đã nhận ra cậu ta trong bức ảnh cùng với người sếp của CA tên Minh, người đã đạp Trí Đức bốn phát. Cậu ta đứng hơi lui phía sau, mặc áo đen, đeo kính. Trên bức ảnh đó chỉ có một người trẻ nhất đeo kính.

Sau khi xuống đồn Mỹ Đình, tôi không nhìn thấy cậu ta nữa. Tiếc quá. Cậu ta đã chọn nhầm đường, nếu như cậu ta không sớm rút ra bài học từ người đội phó tên là Minh của mình.


Trong sân thuộc khuôn viên đồn công an, chỉ có không khí vui vẻ của những người bị bắt chứ không hề có sự lo sợ. Nửa già trong số 46 người mà ba xe buýt chở xuống hôm đó là thanh niên trẻ măng, đầy nhiệt huyết. Tất cả đều hiểu mục đích đi biểu tình của mình là một biểu hiện của lòng yêu nước. Chẳng có dân tộc nào trên thế giới lại đi kết tội, bắt giam lòng yêu nước.


Tôi đã làm quen với Nguyễn Văn Phương hôm đó và cũng tỏ rõ lòng khâm phục của tôi bởi sự dũng cảm của Phương ngày chủ nhật 13 tháng 7, lần đầu tiên tôi tham gia đến tận cùng. Tôi đã thấy Phương suốt từ quán cà phê Cột Cờ đến Nhà Hát Lớn, nơi Phương đọc bản “Tuyên cáo”, cho tới lúc mọi người chia tay ở tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Nhưng điều tôi học được, điều tôi lớn lên là gì? Đó chính là hiểu thêm sâu sắc về lòng yêu nước, đó là thêm tin và yêu lớp trẻ và đặc biệt, tôi đã bước qua nỗi sợ hãi vô hình ám ảnh. Chân lý ở mình, lẽ phải ở mình mà mình cứ phải sợ ư?!

Tôi cũng nhận ra nhiều bộ mặt thật của cuộc đời. Người ta có thể nói về lòng yêu nước có nhiều cách biểu hiện. Tôi không phản đối. Tùy từng điều kiện mỗi người, có những cách biểu lộ khác nhau. Nhưng xin đừng ngụy biện. Những lúc cuộc đời cần phải có thái độ dứt khoát, tất cả mọi sự giả dối đều rất dẽ bị lộ tẩy. Trong suốt cuộc đời, không nhiều cơ hội để có được những ngày tháng thể hiện được tư cách con người của mình. Phương nói với tôi: “Cháu bị sức ép từ nhiều phía, từ phía chính quyền, từ phía cơ quan, từ cả người chủ nhà trọ”. Có lẽ trong những người đi biểu tình vì sự tồn vong của Tổ quốc, ít ai có tâm trạng “đau” như Phương. Tôi dùng từ “đau” và tôi nghĩ đó là từ mà tôi dùng chính xác cả với Phương và cả với những người tham gia. Tôi chỉ có một điều nhỏ nhoi an ủi Phương: “Nhà bác sẵn sàng mở cửa đón cháu”. Và tôi hài lòng, tôi cũng vượt qua được cửa ải mà nhiều người đã vượt qua. Tôi nghĩ dù chỉ một lời nói vậy thôi, nhưng có thể Phương cũng bớt đi được phần nào cái sự nặng nề, trái ngang cuộc đời mà một người trẻ như Phương phải gánh.

Những ngày sau, đọc các bài viết của các bạn cùng trên xe buýt mà sung sướng, mà ấm lòng. Đây là bài viết của Nguyễn Tường Thụy, đây là bài của blogger Gốc Sậy, rồi các bài của Lê Dũng, bài của Chí Tuyến, bài của Phương Bích, bài nào cũng hay. Tất cả những gì diễn ra trong ngày 17 đều được các bạn ghi lại đầy đủ. Lại nhớ lúc Lê Hùng bị xô ngã trên bậc lên xuống nơi cửa xe, Hùng có hỏi mọi người: “Có ai chụp được cảnh đó không?” Không ai trả lời. Nhưng hình ảnh mà người phóng viên nào đó “chộp” được cảnh ác ôn Minh đạp Trí Đức bốn nhát thì là bằng chứng quá đủ để ta hiểu nỗi đời rồi còn gì.

Và xin được nói lại một câu mà ngày xưa đi học, được các thày dạy: Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống. Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên!


Vinh Anh

22/7/2011

http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/07/vinh-anh-i-bieu-tinh-toi-lon-len-nhieu.html

2 comments:

Đại học Công An đã trở thành chuồng luyện "chó săn" (CS), "chó ác" (CA) để chạy nhông khắp mọi ngã đường dọa nạt dân cho Đảng.

Lại còn có loại dữ hơn nữa, gọi là "chó săn côn đồ" (CSCĐ) để chuyên cắn xé người biểu tình.

Điều tồi bại là tất cả, từ chó bộ trưởng đến chó khu vực, đều do một đám mật vụ Tàu cầm xích.

Cả lũ chó này đều sợ nước, không hề dám đụng chân xuống biển Đông. Cứ nghe tiếng sấm ngoài khơi là bỏ chạy.

Thật là cảm động và xót xa cho các bạn biểu tình. Các bạn ơi, tôi cũng là người biểu tình thường xuyên đây. Nhưng tôi có may mắn là ở Âu Châu nên không bao giờ bị cảnh sát làm khó dễ. Họ luôn luôn theo đoàn biểu tình để bảo vệ, chứ không làm việc ngược lại. Mong rằng nước Việt Nam mình trong ngày không xa cũng sẽ như thế. Cầu chúc các bạn luôn an khang và luôn kiên trì vì quê hương yêu dấu của chúng ta.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More