Vi Thanh
Ngày 17 tháng 7 năm 2011, Chủ nhật thứ bảy liên tiếp có biểu tình ở Hà Nội. Số bảy (7), âm Hán Việt đọc là “thất”, đồng âm với “thất” cũng có nghĩa là mất mát. Sau ngày “tam thất” này, liệu chúng ta có mất thêm gì nữa không?
Năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Phạm Văn Đồng ký thỏa thuận thừa nhận vùng lãnh hải 12 hải lí của Trung Quốc, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 1974 Trung Quốc chiếm được quần đảo Hoàng Sa từ quân đội Việt Nam Cộng hòa. Năm 1988 Trung Quốc tiếp tục chiếm thêm một số đảo ở quần đảo Trường Sa. Năm 2011, Trung Quốc định chiếm Biển Đông. Quá tam ba bận, đã tam thất rồi, nay ta có mất nữa?
Không biết chính quyền cộng sản đã thỏa thuận những gì với Trung Quốc, mà phải giấu nhẹm không cho dân biết. Nhưng bây giờ rất nhiều người dân biết chúng ta đã bị Trung Quốc chiếm mất Hoàng Sa, nay còn có nguy cơ mất cả Trường Sa và Biển Đông. Đã là người Việt, ai mà không đau lòng? Cơ đồ bao đời ông cha gây dựng và gìn giữ, nay sao lại để kẻ thù ngàn đời của dân tộc là Trung Quốc chiếm được một cách dễ dàng?
Sau hàng loạt hành động gây hấn của Trung Quốc ngay trên vùng lãnh hải của Việt Nam trong thời gian gần đây, ngày 5 tháng 6 năm 2011, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc trước Đại sứ quán và Lãnh sự quán của nước này tại Hà Nội và Sài Gòn. Đó là hành động yêu nước, và bày tỏ quyết tâm gìn giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc của những người Việt Nam chân chính. Từ đó đến nay, liên tiếp bẩy ngày chủ nhật, ngày nào cũng có biểu tình phản đối Trung Quốc, quy mô tuy lớn nhỏ khác nhau, và lần nào cũng có người bị bắt, nhưng tinh thần của những người đi biểu tình chưa bao giờ bị dập tắt. Tinh thần của những người yêu nước đi biểu tình chưa bao giờ lung lay hay thay đổi, nhưng sự trấn áp từ phía nhà cầm quyền thì có sự thay đổi rõ ràng.
Ở tuần đầu tiên, ngày 5/6, có một vài người tham gia biểu tình bị bắt và được thả sau vài giờ “làm việc”, chủ yếu là tuyên truyền không được đi biểu tình, mọi việc đã có Đảng (Cộng sản) và nhà nước lo. Tuần thứ hai, ngày 12/6, cũng vậy, thêm vài người bị bắt. Hình ảnh một người biểu tình (em Nguyên) bị công an mặc thường phục vác lên vai chạy như bắt cóc đã trở nên nổi tiếng sau khi được đăng tải trên hàng loạt báo nước ngoài và các trang blog cá nhân. Nhưng cũng ở ngày 12/6 còn có một chi tiết quan trọng về cách ứng xử của nhà nước mà ít được nhắc đến, đó là những người đại diện cho nhà cầm quyền giữ trật tự cho buổi biểu tình hôm đó đã đọc loa ngay trước cửa sứ quán Tàu tại Hà Nội, đề nghị bà con giải tán, nhà nước sẽ có biện pháp yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hành động gây hấn trên Biển Đông và tuân thủ quy ước quốc tế của các bên liên quan về ứng xử trên Biển Đông DOC vân vân… Lời kêu gọi giải tán biểu tình dường như cũng là lời hứa của chính quyền sẽ có hành động đối với phía Trung Quốc, khiến mọi người cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Những tuần tiếp theo, mỗi sáng chủ nhật dân chúng vẫn tiếp tục biểu tình, nhưng quy mô đã thu hẹp lại, chỉ còn ở Hà Nội với vài chục người, nhưng lực lượng an ninh thì hình như không hề giảm, và đương nhiên vẫn còn có những người biểu tình bị bắt.
Ngày 25 tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn sang Bắc Kinh gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc để tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước do vấn đề Biển Đông. Truyền thông Việt Nam đưa tin phía Trung Quốc hứa sẽ giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao. Cứ tưởng rằng biển sẽ dần lặng sóng. Nào ngờ ngay sau chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn, báo chí Trung Quốc nhắc nhở Việt Nam thực hiện “đồng thuận chung” đã ký kết và phải hướng dẫn dư luận trong nước. Cái gọi là “đồng thuận chung” ở đây là gì? Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời, nhưng hành động “hướng dẫn dư luận trong nước” thì đã có.
Ngày 10/7, tuần thứ sáu liên tiếp có biểu tình yêu nước. Số người tham gia biểu tình vẫn chỉ vài chục người, nhưng số lực lượng an ninh thì tăng đột biến. Công an chìm nổi và các lực lượng trật tự khác đông tới hàng ngàn người rải rác khắp quanh khu vực sứ quán Trung Quốc và những tuyến đường có khả năng đoàn biểu tình sẽ đi qua. Cuộc biểu tình ngày 10/7 bị trấn áp ngay từ đầu, chỉ với khoảng hai chục người tụ tập gần khu vực vườn hoa Lenin nhưng đã có đến 13 người bị bắt đưa lên xe bus, trong số những người bị bắt có cả phóng viên báo nước ngoài. Người Trung Quốc dọa “tát cho Việt Nam một cái”, ngay lập tức, cái tát này được nhà cầm quyền Việt Nam chuyển tiếp đến những người yêu nước!
Nhưng không chỉ có vậy. Ngày 5/7/2011, tàu chiến Trung Quốc lại tiếp tục bắt và hành hung ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, gây lên sự phẫn nộ rất lớn trong dư luận trong và ngoài nước. Có lời kêu gọi các thành phần nhân sĩ trí thức và người dân yêu nước cùng xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc vào ngày chủ nhật 17/7. Qua sáu tuần tập dượt và gặp không ít cản trở, nhưng vẫn duy trì được mạch sống yêu nước, lòng người vẫn hy vọng cuộc biểu tình ngày 17/7 sẽ có quy mô kha khá và đây sẽ là vũ khí mạnh mẽ của người dân Việt trước sự xâm lăng áp đảo của Trung Quốc. Nhưng đáp lại lòng yêu nước của những người con đất Việt lại chính là sự đàn áp thẳng tay của chính lực lượng an ninh Việt Nam! Mặc dù có nhiều nhóm và nhiều thành phần khác nhau tham gia, nhưng do bị công an xé lẻ và bắt bớ quá tàn bạo, cuộc biểu tình ngày 17/7 cũng chỉ kéo dài được chừng một giờ đồng hồ, và kết thúc bằng ba xe bus bắt đi gần hết những người biểu tình, xô đẩy, khiêng kéo, và cả đấm đá.
Ngày 17 tháng 7, tuần lễ biểu tình thứ bảy, có lẽ ngày này sẽ được gọi là ngày “thất nhân tâm”. Nếu để mất lòng dân, liệu có còn giữ được nước? Câu hỏi này đã được lịch sử trả lời thật rõ ràng. Tuy nhiên, sự bị quan về một nhà cầm quyền ù lì, thất nhân tâm, hèn yếu (và nay lộ ra chủ tâm bán nước không che đậy được nữa) đã không làm những người yêu nước bỏ cuộc. Trái lại, việc biến các xe buýt áp giải, biến những nơi tập trung người biều tình bị bắt, biến những lần được thả về,.... thành hiện trường biểu tình, thành nơi thuyết phục những người làm nhiệm vụ trấn áp, đã không chỉ cho thấy sự sáng tạo của những tấm lòng yêu nước, mà còn làm sáng toả thêm một chân lý: “bạo lực của một nhà cầm quyền hèn nhát không bao giờ dập tắt được ngọn lửa yêu nước”
Nếu Thần Kim Quy còn có thể hiện lên, lần này, Ngài sẽ nói với chính người dân Việt Nam rằng “Kẻ thù ở ngay phía sau con đó!”. Điều an ủi con con dân Việt Nam giờ đây là, không cần nhờ Thần Kim Quy mách bảo, mọi người đều đã biết kẻ thù là ai? Ở đâu ?
Trải qua một cuộc Biển Đông
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
1 comments:
Vân Bắc Kinh phủ trùm Nam Việt
Lạc Hồng phong thoái triệt Bắc Vân
Xâm lăng đang ở trong sân
Một lòng đoàn kết hiến thân dẹp thù
Kiên tâm xua áng mây mù
Tương lai sáng lạng lù lù hiện ra
Đăng nhận xét