Tôi đi biểu tình

Đ.T.
Nguyễn Văn Phương, Trịnh Kim Tiến, ai cũng có
một lý do sâu thẳm để đến với cuộc biểu tình.
Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
Ai cũng có một lý do để đi biểu tình chống Trung Quốc.

Các vị Giáo sư suốt đời cống hiến cho đất nước vì đi theo tiếng gọi của Hồ Chí Minh thì hôm nay dù tóc đã bạc họ cũng phải có mặt ở “tuyến đầu” để làm gương cho lớp trẻ noi theo, và có lẽ cũng để giữ cân bằng trong tâm lý, không bị sự thực phũ phàng trước mắt làm lòng họ đổ vỡ. Tôi nhìn họ mà cứ nhớ đến câu thơ Phan Bội Châu và càng khâm phục họ: “Than ôi cái vạ chết lòng”.

Đọc những lời xúc động của GS Nguyễn Huệ Chi mô tả khuôn mặt đỏ bừng của GS Phạm Duy Hiển trong cuộc biểu tình ngày 17-7 khi các ông bị cảnh sát cơ động xô đẩy dữ dằn ở cạnh công viên Lê Nin mới biết trong đầu vị GS đáng kính ấy luôn luôn chất nặng hòn đảo Lý Sơn quê hương ông. Một hòn đảo mà vị học giả André Menras tận nước Pháp xa xôi phải tìm ra đến mấy lần để gặp những ngư dân đang trĩu lòng vì người mất chồng kẻ mất cha, người mất hết lưới cụ và vốn liếng vì quân cướp biển Trung Quốc; thế mà những con người đó vẫn lặng lẽ làm lễ cầu hồn bên những ngôi Mộ Gió để chồng con cha anh họ lại sắp sửa ra đi.

Một hòn đảo mà Nhóm Bauxite Việt Nam đã tìm ra cứu trợ bão lụt từ cuối năm 2009, khi trở về đưa lên một tấm ảnh tôi không thể nào quên: Đoàn rời khỏi nhà một người vừa tử vong vì cơn bão bất thần làm anh ngã từ mái nhà xuống khi đang trèo lên chống bão, mấy mẹ con còn lại đang ngồi nơi bàn thờ hương khói cho chồng và cha, nhưng có một đôi mắt, một đôi mắt đen láy ngây thơ từ cánh cửa hẹp vẫn mở to nhìn theo đoàn. Đôi mắt ấy nói gì ta không hiểu hết nhưng rõ ràng nó đang vẫy gọi ta sát cánh với bà con Lý Sơn hơn nữa để đừng làm mất đi chút hạnh phúc cuối cùng của những em bé kia. Thế thì GS Phạm Duy Hiển có mặt hầu như trong mọi cuộc biểu tình chống bọn cướp biển hung hăng nhất thời nay đe dọa sự sống còn của ngư dân quê hương ông là đúng quá.
 TS Nguyễn Quang A vừa dứt khỏi những “cái đuôi” lằng nhằng để đến họp mặt cùng anh em. Bên cạnh ông là Phạm Xuân Nguyên, GS Phạm Duy Hiển, vợ chồng GS Lâm Quang Thiệp, tất cả cùng có mặt ở trung tâm Hồ Gươm để biểu tình chống Trung Quốc vì những lý do chung và cả những lý do rất riêng, hòa thành tình cảm yêu nước nồng nàn. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện

Còn cô Trịnh Kim Tiến, hôm nay mặc áo dài trắng làm sững sờ nhiều người, kể cả phóng viên nước ngoài, khi cô cất cao giọng hô vang: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” thì sao?

Cô chính là con gái ông Trịnh Xuân Tùng, cách đây không lâu bị công an đánh gãy cổ, sau đó chết trong bệnh viện. Cô đến với cuộc biểu tình vì hẳn trải qua những ngày đau đớn trước cái tang của cha, cô đã thấm thía được rằng hạnh phúc này phải là hạnh phúc của cả dân tộc ngẩng cao đầu. Nếu cả dân tộc cứ cúi đầu xuống thì không chỉ cha cô mà nhiều người khác sẽ còn sẽ gãy cổ như cha cô mà thôi. Đứng thẳng lên vì cái lẽ sống chung là nỗi đau cả nước đang bị bọn sói phương Bắc hung hăng đe dọa, hành vi của cô và gia đình cô mới cao đẹp làm sao!
 Anh phóng viên AFP đang nhìn theo bước chân tự tin của cô Trịnh Kim Tiến.
Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện

Về phần tôi, tôi cũng có một lý do. Chiều 23-7-2011, ngẫu nhiên mò vào mạng, lan man thế nào xem được Clip quay cảnh viên cảnh sát Minh đạp liên tiếp vào mặt một bạn trẻ trong lúc bạn đó bị 4 cảnh sát mỗi người túm một chân, một tay khênh đến cửa xe buýt hôm 17-7, lòng dạ tôi bỗng bừng bừng một cảm giác tức tối điên cuồng không thể tả, không làm sao còn yên cho được. Đất nước thế này mà mình lâu nay thờ ơ ư? Thế là liền lao ngay vào trang Nguyễn Xuân Diện, tìm địa chỉ để mua “áo biểu tình”, lòng tự nhủ: Mai mình nhất định sẽ đi biểu tình, nếu bị bắt về đồn, bị hỏi tại sao lại đi biểu tình, tôi sẽ trả lời: “Tôi xem clip công an đánh người tàn bạo không thể tin nổi là đó là sự thực phi nhân của xã hội chúng ta nên hôm nay phải đi biểu tình xem thực hư ra sao?”.
 Xã hội tóm bắt người yêu nước như bắt lợn là xã hội nào? Ảnh: CTV Hà Nội

GS Nguyễn Huệ Chi từng tâm sự với tôi: nhìn khuôn mặt người bị dẫm lên mà tưởng đâu như mặt của mình, hơn thế nữa đó cũng là mặt của bất cứ người Việt Nam nào; đặc biệt là của những người có chức vụ cao nhất. Vì chắc hẳn họ phải yêu nước hơn tất cả chúng ta đây thì mới được Đảng bầu vào những chức vụ cao thế chứ. Vậy đạp vào mặt người yêu nước thì cũng chính là một cách biểu tỏ rằng: Thế nào những kẻ mất nhân tính này cũng có lúc sẽ đạp vào mặt các ông có chức vụ cao nhất ấy, đố khỏi, nếu quả thật các ông ấy không bán nước.(Ảnh: Video clip)

Với tâm thế như vậy tôi yên tâm ngủ một giấc say, sáng sớm thức dậy, liền mặc “áo biểu tình” vào, phóng xe ra Bờ hồ, đến trước tượng đài Lý Thái Tổ vào khoảng 8h. Quang cảnh vắng lặng, nhưng cảnh sát đã khá đông. Nhìn quanh thấy một số thanh niên mặc “áo biểu tình”cũng đang đứng lảng vảng như tôi. Chắc chắn là sẽ có biểu tình rồi. Còn sớm, về cơ quan gửi xe rồi cùng anh bạn đồng nghiệp ra uống trà xanh đợi đến giờ.
 Khởi đầu tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
 Bắt đầu cuộc tuần hành. Ảnh: Trang Anh Ba Sàm

Cảm nhận đầu tiên về cuộc biểu tình sáng nay là việc chuyển địa điểm đến Bờ Hồ là một sáng kiến rất hay, vì Bờ Hồ là trung tâm của hàng chục đầu mối giao thông nên người biểu tình có thể đổ về từ các ngả rất nhanh. Không hiểu cố ý hay vô tình, từ tượng đài Lý Thái Tổ, đoàn sang đường và đi ngược về phía phố Hàng Khay – tức là ngược chiều xe cộ – nên các biểu ngữ được người dân và khách du lịch đọc rất rõ, nhiều chỗ gặp đèn đỏ, cả dòng dài xe cộ dừng lại và dường như cùng hòa chung vào không khí biểu tình. Thậm chí có nhiều bạn trẻ đang đi xe trên đường thấy hô khẩu hiệu cũng tranh thủ hô theo. Nhiều khẩu hiệu thật xúc động: “ Bảo vệ lãnh thổ Việt Nam!”, “Bảo vệ máu thịt Việt Nam!”, “Bảo vệ ngư dân!”, v.v.

Dần dần, tôi bắt gặp một số người bạn mà trong đầu tôi không bao giờ có ý nghĩ rằng họ lại xuất hiện ở đây: một cô bạn bị bệnh trọng từ mấy năm nay, một chị bạn sống trong sang giàu đến mức tôi không thể tin là chị có thể đi bộ mấy vòng hồ. Hai chị em mừng rỡ chào nhau và đi sát cạnh nhau. Chị bảo: “Em ạ, chị có cái này”. Nói rồi chị rút trong túi ra một cái ô rất đẹp. Chị bảo: “Nó mà đánh chị, chị sẽ vụt cho nó một cái, hôm trước nó vặn tím bầm tay con bạn chị” – Thì ra thế. Hóa ra chị cũng có một lý do rất cụ thể để có mặt trong cuộc biểu tình. Tôi nhìn ra xung quanh: những khuôn mặt bừng bừng phấn khích thế kia chắc người nào cũng xuất phát từ lòng yêu nước thiêng liêng chất chứa từ trong tâm khảm, nhưng hẳn mỗi người đều có những tiếp xúc, những kinh nghiệm cá biệt từ sinh hoạt hàng ngày nó thôi thúc mình đến hòa vào dòng người đi tuần hành mà tôi đang tham dự, bất chấp những hình ảnh phản cảm mà những kẻ đóng vai đội quân công cụ gây ra trong suốt 8 cuộc biểu tình từ tháng Sáu đến nay.
 Đi ngược lại Hàng Khay là một sáng kiến tuyệt vời. Ảnh: Trang Anh Ba Sàm
 Mỗi trang giấy A4 ghi tên một liệt sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Trang Anh Ba Sàm
 Xe cảnh sát chạy theo dùng loa như muốn át giọng người biểu tình, nhưng át sao nổi.
Ảnh: Trang Anh Ba Sàm
Nhưng hôm nay thì thật tuyệt, cả mấy trăm con người đi thoải mái trên hè rộng quanh Bờ Hồ. Xe cảnh sát đi theo đoàn, loa cảnh sát đọc ra rả những quy định rằng: “Tụ tập đông người phải xin phép các cấp có thẩm quyền...”. Nhiều khi tiếng loa át cả tiếng hô của đoàn biểu tình nhưng cũng có khi hai thứ tiếng đó hòa vào nhau tạo thành một thứ “âm thanh và cuồng nộ” khuấy động cả một vùng Bờ Hồ, rất thu hút dân chúng và du khách.
 “Âm thanh và cuồng nộ”. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện
 Hành động của bà cụ hàng xóm nhà TS Nguyễn Xuân Diện khi nghe công an đến nhắc nhở anh Diện mai đừng đi biểu tình thì cụ nhẩm tính ngay: anh Diện không đi đã có mình và cháu mình đi thay. Sức mấy mà công an đọ được với lòng yêu nước sôi sục của nhân dân. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện

Người biểu tình càng đi càng phấn khích. Thật lạ, khoảng 10h30, đoàn đi đến gần Ngân hàng ANZ (vòng thứ hai) thì tiếng loa của chiếc xe cảnh sát vẫn bám theo đoàn “tua” đi “tua” lại quy định này quy định nọ bỗng im bặt – Chắc nó đã mệt. Hic. Trong đoàn, nhiều người mồ hôi mồ kê đầm đìa vẫn hô vang các khẩu hiệu. Tôi đang khát, chưa biết kiếm nước ở đâu thì bỗng nhiên có một bạn trẻ đưa cho một chai Lavie (ai đó đã đưa đến cả một thùng). Tôi chuyền cho cậu bé bên cạnh, nhưng vì tay đang cầm biểu ngữ và miệng mải hô khẩu hiệu nên cậu bé lắc đầu. Thương quá! 
Những cậu bé đang tuổi đeo khăn quàng đỏ cũng mải mê cùng đoàn tuần hành mà quên cả khát nước.
Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện

Bỗng có một anh chàng áo đen, nhỏ thó, tay cầm máy ảnh, đi sát bên tôi hỏi: “Cô ở tổ chức nào?”. Tôi hơi sững nhưng vẫn cười cười đáp: “Cô chỉ là một người dân thôi”. Cậu bé lại hỏi: “ Nhưng cháu thấy cô mặc áo của tổ chức”. Đáp: “Cô mua về mặc đấy”. Rồi tôi “lỉnh” đi chỗ khác. Có lẽ gương mặt tôi là mới toanh trong gần chục cuộc biểu tình đã qua chăng? 
Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi lúc 11 giờ tại cụm tượng đài
“Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện

Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”. Tất cả bọn bay, cướp nước và bán nước hãy nhớ lấy câu đối nổi tiếng này của Thám hoa Giang Văn Minh trả lời Hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh. Bằng dỏm thì tất nhiên không có chữ để trả lời, không ai trách. Nhưng hèn hạ mà cúi đầu ngậm miệng, nhất định sẽ bị đóng đinh, thích trán vào lịch sử.
Ảnh: Blog Nguyễn Xuân Diện

Về gần tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, lại gặp bác già lúc sáng. Bác khoe: “Cái logo cô cho tôi mấy người hỏi kiếm ở đâu, có cậu còn xin tôi để về in lại. Tôi không cho, giữ làm kỷ niệm”. Tiếc quá, hôm qua mình mua 3 cái áo và “rón rén” mua có 2 cái logo. Bác ơi, mai kia cháu sẽ đi mua thêm thật nhiều. Nếu Chủ nhật tới còn biểu tình, cháu sẽ đến đưa bác để bác chia cho mọi người đính lên mũ, như sáng nay cháu đã đính lên mũ cho bác nhé.
Đ.T.

nguồn: http://boxitvn.blogspot.com

2 comments:

Đọc và nhìn những tấm ảnh trên thì tôi không thể nói gì hơn là "thật tuyệt vời". Hy vọng là chí khí hôm nay sẽ mãi mãi trường tồn và toả rộng toàn lảnh thổ Việt Nam.

Hoan hô cô Trịnh Kim Tiến! Đây là hình ảnh đẹp nhất của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu mà tôi được nhìn thấy. Sắc đẹp và sự dũng cảm của cô là niềm khích lệ cho mọi người, trong đó có tôi.
Cô thật đáng yêu.

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More