J.B Nguyễn Hữu Vinh
Sáng 21/8, trời Hà Nội đổ mưa từ cả đêm, trận mưa không lớn nhưng rả rích làm ướt áo, làm bẩn người khi đi ra khỏi nhà.
Tôi đến khu vực Hoàn Kiếm khá sớm, từ dưới đường Phố Huế, Hàng Bài đi lên Hồ Hoàn Kiếm và các phố xung quanh, các ngã tư xuất hiện nhiều xe cánh sát, hàng rào sắt, xe bắt người… chiếm chỗ. Tại các góc phố, từng đám công an, dân phòng, những người mặc đồng phục ngồi, đứng có vẻ mệt mỏi, thậm chí có người đang ngồi bố gối trên hè nhà ai đó ngủ gật.
Nhìn cảnh tượng này, không khí Hà Nội có vẻ giống thời chiến hơn là một Thủ đô văn minh, hiện đại và là một Thành phố Hòa bình.
Lượn qua khu vực Hồ Hoàn Kiếm, khu tượng đài Lý Thái Tổ đang diễn ra những hoạt động của Đoàn Thanh niên, từng đoàn Thanh niên kéo nhau đến với cái áo màu xanh tình nguyện. Những thanh niên mặc áo này, bất chấp luật lệ giao thông, chở ba chở 4 trên xe, nghễu nghện đi qua mặt cảnh sát giao thông và coi cảnh sát giao thông đứng đó như… đống đất. Có lẽ họ ý thức được trách nhiệm của mình hôm nay là trọng đại nên không cần chấp hành luật giao thông.
Những chiếc áo mà tôi được nhìn thấy nhiều ở vụ Thái Hà sau khi giáo dân bị xịt hơi cay vào mặt, khi giáo dân cầu nguyện thì đám áo xanh này đứng chửi bới, hò hét và “Như có bác Hồ”…
Dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng tên một vị vua nổi tiếng, hàng loạt các rào sắt được dựng dọc, dây thừng và công an nhung nhúc.
Trên đoạn nữa đến khu tượng đài Cảm tử, một sân khấu dựng lên tự khi nào, trên đó nhảy nhót, múa may là đội văn nghệ làng hay phường nào đó.
Đi tiếp mấy chục mét, tại quãng trường Đông Kinh Nghĩa thục, vẫn lại một sân khấu, một đoàn các em tầm độ trên chục tuổi đang nhảy múa dưới mưa.
Lạ, lần đầu tiên tôi thấy một đoạn nhỏ quanh bờ Hồ có đến 3 sân khấu có diễn viên nhưng không có khán giả, các diễn viên múa, hát dưới mưa.
Đài Cảm tứ: Theo Báo HN mới thì: "Hồ Gươm một sáng thu Tháng 8 như hôm nay (21/8) bình yên với nắng vàng rực rỡ và bầu không khí trong lành" - Sau khi bị bóc mẽ thì đã lén lút bỏ đi "nắng vàng rực rõ"
Nhìn cảnh tượng này, tôi chợt nghĩ rằng ở Bắc Triều Tiên mừng sinh nhật bác Kim cóc chắc cũng phải chào thua những nàm này.
Chưa hết, trên phố Hàng Đào, hàng Đường, lại một sân khấu dựng vội vàng, một ca sĩ đang gồng mình hát bài hát gì đó, xung quanh, hàng phố HN vẫn vắng lặng như lệ thường người HN dậy muộn vào Chúa nhật.
Đi quanh khu vực đến ĐSQ Trung Quốc, một chiếc dây màu xanh phản quang bắt ngang con đường vào ĐSQ, xung quanh lại cơ man nào là công an, dân phòng, xe cộ… Một chiếc xe của Truyền hình Hà Nội đang đi về hướng đó.
Trở lại Hồ Hoàn Kiếm, phía bên kia, các góc đường, ngõ phố… chỗ nào cũng dân phòng, công an. Một chiếc xe phát hay thu sóng gì đó đang đỗ bên đường Hàng Trống.
Tôi dừng xe, hỏi một cụ già đang đi bộ qua đường về sự lạ hôm nay, cụ bảo: “À, hôm nay nó chặn biểu tình chống Trung Quốc đó mà chú”. Tôi hỏi: “Cháu tưởng chúc mừng Quốc khánh chứ cụ” Cụ đáp lại và đi: “Vẽ chuyện, có khi nào, năm nào vậy đâu. Tốn tiền vô bổ”. Thì ra người dân hiểu rõ nhà nước muốn làm gì.
Nhìn khung cảnh này, đội ngũ cảnh sát dày đặc, trang bị đầy đủ tôi chợt nghĩ vậy là hôm nay, trời mưa thế này sẽ mất công nhà nước chuẩn bị công phu, vì những người biểu tình chắc sẽ không đến.
Tôi cũng chợt nghĩ, vì thời gian qua những người biểu tình tập trung ở ĐSQ Trung Quốc rồi Bờ Hồ nên hai nơi này được giăng mắc cẩn thận, nếu những người biểu tình đó không chỉ có ở đây, liệu sẽ phải huy động bao nhiêu công an, dân phòng và cán bộ, xe cộ thiết bị để bố trí khắp Thành phố cả nội thành và ngoại thành? Nhân dân sẽ phải chi bao nhiêu tiền cho những công việc này?
Nghĩ thế, tôi thầm cảm ơn những người biểu tình đã chỉ tập trung hai nơi đó, nếu họ tập trung nhiều nơi, nhiều chỗ thì chắc giá cả đã nhảy điệu nhảy tưng bừng thời gian qua sẽ lại có dịp nhảy những điệu vũ bão mới.
Đến lần thứ 3, tôi nghĩ mình đi qua một vòng nữa để đi về, thì bất ngờ trước tượng đài vua Lê Thái Tổ, đoàn người biểu tình đã dâng cao biểu ngữ chống Trung Quốc xâm lược, Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, “Xin đừng vô cảm, sơn hà nguy biến”.
Tiếng hô của những người này mạnh mẽ, khí thế lấn áp dần tiếng loa, tiếng của các cháu ở Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Tôi sững người. Một đoàn người không đông đúc, nhưng với những bố trí như hôm nay, họ đứng ra để biểu thị lòng yêu nước của mình trái với ý muốn của nhà cầm quyền CS Hà Nội, thì họ quả là gan lim vì bên kia là lực lượng hùng hậu, đầy đủ mọi thứ trang bị, bên này là nhóm người tay không, chỉ có trong tay cái biểu ngữ và trong lòng họ là một trái tim yêu nước.
Tôi xúc động dừng xe, một người mang sắc phục công an thấy tôi dừng lại nghe tiếng hô thì liếc qua đoàn biểu tình rồi lẩm bẩm chừng như cho tôi nghe thấy: “Bọn dở hơi”. Tôi tiến lại gần anh ta, nhìn thẳng vào mặt hỏi: “Anh bảo họ hô Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam là dở hơi à? Vậy theo anh, nên hô là của Trung Quốc thì không dở hơi, đúng không?” Tôi nhìn xoáy vào mặt anh ta, anh ta không dám nhìn thẳng, quay mặt đi, mặt tái mét rồi bước đi.
Tôi không có khả năng thấu thị, nhưng với nét mặt và điệu bộ anh ta lúc đó, tôi thấy sự hèn mạt đáng kinh tởm biết chừng nào ở nhân cách đó.
Tôi bước đến, đoàn biểu tình đã tập trung khá đông, họ hiên ngang đứng hô vang các khẩu hiệu yêu nước, có trật tự và kiềm chế.
Khi loa thông báo đây là nơi TP đã dành cho Đoàn Thanh niên, những người biểu tình đi sang bên kia đường, dừng lại một chút rồi tập hợp đội ngũ và bước đi trên hè phố.
Sang đường, đi đúng vạch đường dành cho người đi bộ
Các phóng viên quốc tế, các nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước thi nhau chụp lại khoảnh khắc này. Công an, dân phòng bắt đầu được huy động. Chiếc xe Bus đợi sẵn nổ máy, quay đầu đi ngược chiều tiến về đoàn biểu tình, chiếc xe cảnh sát cơ động tiến về chặn trước. Từ trên xe một đoàn mặc thường phục ô hợp, đeo băng đỏ nhảy xuống. Những chiếc xe gắn loa liên tục gào thét về nghị định 38CP, về nghiêm cấm lợi dụng quyền tự do dân chủ…
Cảnh sát và công an vây lại dưới sự chỉ đạo của một người mặc thường phục mà người này tôi đã gặp ở phiên tòa vụ Cù Huy Hà Vũ.
Đoàn người vẫn tiến bước và hô vang: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” “Bảo vệ máu thịt Việt Nam” “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam”… ngay lập tức đám người xô lại bắt từng người lên xe Bus. Những tấm băng rôn, biểu ngữ bị thu lại, đoàn người không nhốn nháo hoảng loạn khi thấy công an bắt họ, họ lên xe và tất cả đồng loạt cùng lên xe Bus.
Cảnh bắt bớ chỉ diễn ra khoảng chừng vài chục phút là đầy hai chiếc xe, bởi công an cũng chẳng nhọc công là mấy khi những người biểu tình đã đồng loạt bước lên. Nhiều người nước ngoài quay phi, chụp hình bị mấy công an giơ tay che ống kính, chặn lại.
Bên cạnh chỗ tôi đứng, một người đang đứng chụp hình, bỗng nhiên bị một bàn tay đánh mạnh vào vai và quát: “Đi ra ngoài” người đàn ông trung niên này phản ứng, “ông làm gì mà đánh tôi?” Lập tức, người này quay lại hùng hổ: “Đm mày, mày chửi tao à, mày dám chửi tao à?” và xấn xổ quay lại để hành hung người đàn ông đó. Người này chỉ bảo: “Tôi không chửi anh, nhưng anh đánh tôi và bắt nạt tôi”.
Nhìn cảnh này, không cần xem giấy tờ thì tôi cũng biết ai là ai ở đó và người đàn ông hành hung người kia để làm gì, anh ta là ai.
Tiếng hô từ trên xe vẫn vang vọng: “Đả đảo TQ Xâm lược, Hoàng Sa – Trường Sa là của VN, phản đối bắt người yêu nước”. Nhiều khi tiếng hô tắc nghẹn giữa chừng bởi sự xúc cảm, bởi sự thảng thốt hay bị tác động bởi cái gì đó.
Tôi thẫn thờ nhìn theo hai chiếc xe dần dần chở họ ra đi khi họ không hề có bất cứ hành động chống đối hoặc hành vi nào, tất cả ở họ toát lên tinh thần yêu nước vô bờ bến.
Hai chuyến xe đầy người và chuyển bánh đi khỏi khu vực, tiếng loa vẫn không ngớt, những gương mặt ngơ ngác của những người nước ngoài đang thảng thốt như không hiểu điều gì đã xảy ra.
Chiều tối nay, một cán bộ an ninh sau nhiều lần cứ có việc gì “nhạy cảm” là gọi điện thoại từ hôm trước rủ đi “uống cafe”. Gặp tôi anh nói: “Tôi ái ngại cho anh, rất nguy hiểm cho anh”. Tôi hỏi lại: “Nguy hiểm thế nào”? Anh ta nói: ” Vì tại sao anh được “nhiều người”, nhiều nơi” chú ý đến thế”.
Tôi đáp: “Tôi chẳng rõ vì sao nguy hiểm khi tôi chỉ là một công dân, một giáo dân, không hoạt động chính trị, đảng phái, không lật đổ hay bất cứ việc gì trái pháp luật. Tôi chỉ nói lên sự thật. Nếu như vì sự thật mà phải chết, nghĩa là tôi đang đi theo con đường Chúa Giêsu đã dạy: “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta”. Còn việc được nhiều người chú ý ư, thì như hôm qua anh đã nói với đoàn cán bộ Phường rằng việc cả Phường chỉ có một người đi biểu lộ tinh thần yêu nước, lẽ ra là niềm vinh hạnh của Phường. Nhưng thực chất đó là nỗi đau của dân tộc, của đất nước vì sự vô cảm với vận mệnh Tổ Quốc đang bị đe dọa, xâm lăng”.
Cuối cùng, anh ta nói: “Thôi, bác đi lên những nơi đó là đ… gì, lo làm ăn nuôi gia đình, con cái, kệ mẹ nó”.
Tôi lặng người chỉ nói được một câu: “Nếu tất cả công dân, cán bộ đều như chú, thì làm gì còn đất nước này”.
Chiều nay đọc một trang tin, nói về bài viết trên tờ Hà Nội mới, bài viết nói rằng “nắng vàng rực rỡ và bầu không khí trong lành” và đám người hò hét bị giải tán.
Tờ Hà Nội mới thì tôi không lạ, những gì họ viết, họ nói, liệu tin được bao nhiêu %? Chỉ riêng chi tiết “Hồ Gươm một sáng thu Tháng 8 như hôm nay (21/8) bình yên với nắng vàng rực rỡ và bầu không khí trong lành” đã đủ phơi bày tất cả những điều họ nói khi họ đang đứng ở đâu. (Sau khi bị bóc mẽ thì Tờ Hà Nội mới đã lén lút bỏ đi “nắng vàng rực rõ” trên bài báo của mình).
Nhưng, họ nói rằng, những lời kêu gọi đả đảo quân xâm lăng với tất cả sự căm hờn kia là “hò hét”.
Tôi cứ nhớ mãi những lời “hò hét” đó.
Năm xưa, khi nhà Trần trước nguy cơ Đại Hán xâm lược, thế nước yếu, thế giặc như chẻ tre, nhà vua đã phải mở Hội nghị Diên Hồng tập trung các bô lão. Tiếng thét ở hội nghị Diên Hồng, Bình Than cũng có lẽ là những lời “hò hét” này. Tiếng “Sát Thát” ngày xưa cũng chính là những lời được cho là “hò hét” hôm nay.
Nhưng, tôi tự nghĩ rằng nếu không có những lời “hò hét” đó, thì từ bao đời nay rồi, chúng ta không biết hiện đang thuộc về Tỉnh Vân Nam hay Quảng Đông?
Và đêm nay lại là đêm khó ngủ, vì tiếng “hò hét” kia, tiếng thét căm hờn nghẹn giữa câu ấy cứ xoáy vào óc, vào tim. Nếu những tiếng thét căm hờn đó bị bịt đi tất cả, nghĩa là cả dân tộc chúng ta sẽ phải cúi đầu cho những ngàn năm Bắc thuộc mới.
Liệu có ai bịt được hết những tiếng thét căm hờn đó hay không?
Hà Nội, đêm 21/8/2011
nguồn: http://jbnguyenhuuvinh.wordpress.com/2011/08/22/bieutinh11/
3 comments:
Tội nghiệp ghê mấy con chó lông màu cức ngựa. Chó ngựa
Những anh em Tài xế lái xe, hãy xem xét lại nhũng công việc mình có nên lái hay không? Đừng vì đồng tiền mà vô tình tiếp tay kẻ mất nhân tính bắt dân vô tội đưa vào trai giam. Thà làm ông Lái đò đưa khánh sang sông,
chứ còn hơn đưa người dân vào đồn oan oán ly tan.
Nhà nước việt nam không muốn dân hò hét chống giặc Phương Bắc thì cũng nên chìu ý họ. Vậy thì những lần biểu tình tới Bác Nguyễn Hữu Vinh nên chuẫn bị những cái Trống Đồng cầm tay cho mọi người. Và cứ cách 1 phút thì tất cả Trống Đồng cùng dội lên. Và cứ như thế mà làm. Khi giặc Phương Bắc nghe tiếng Trống Đồng thì chúng rụng rời tay chân và không còn làm gì được hết. Mong Bác NHV ghi nhớ và xin chúc thành công.
Đăng nhận xét