Đỗ Thị Minh Hạnh - ứng viên cho Giải Nhân Quyền 2011

Trần Khải
Chị Đỗ Thị Minh Hạnh
Ai sẽ nhận được Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2011? Tôi không thể biết chắc, bởi vì bản thân mình là người đứng ngoài tất cả các hoạt động khảo xét này, và cũng thấy rằng trong năm nay có quá nhiều người hoạt động nhân quyền xứng đáng được vinh danh.

Đọc được Thông Báo của Mạng Lưới Nhân Quyền VN (http://vietnamhumanrights.net/) gần đây có mời gọi đồng bào để cử, tôi xin phép có đôi dòng góp ý.

Thí dụ, Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một điển hình tuyệt vời. Một hình ảnh gây xúng động lương tâm, và là một người xuất thân từ dòng họ có 4 đời hoạt động cho Đảng CSVN, và bản thân Tiến Sĩ Hà Vũ luôn luôn giữ lập  trường kiên cường cho lý tưởng dân chủ pháp trị của ông. Tôi tin rằng Tiến Sĩ Hà Vũ xứng đáng, rất xứng đáng được Giải Nhân Quyền. Tôi cũng không thể nhớ trong quá khứ Tiến Sĩ Hà Vũ đã từng được Giải Nhân Quyền trong năm nào chưa, và nếu chưa thì ứng viên đầu tiên nên là Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ.

Và dĩ nhiên một số nhà hoạt động khác nữa.

Tuy nhiên, nơi đây xin được đề cử chị Đỗ Thị Minh Hạnh cho Giải Nhân Quyền 2011. Bởi vì mỗi lần đọc về chị, tôi không thể ngăn được xúc động.

Như một bài viết mới đây trên trang Dân Chúa Hiệp Thông (http://danchuahiepthong.com) hôm Thứ Hai 8-8-2011, trích:

“"Con không tin một người công an nào hết, má hãy nhìn thân thể con đi nè."

Xin Qúy vị hãy lắng nghe hết đoạn audio clip rất rất giá trị này đi, để nhận ra rằng, vẫn còn  có những đứa con của Mẹ VN kiên cường, chịu đựng chấp nhận chết vinh hơn sống nhục.

Hãy lắng nghe những câu nói để đời của anh thư Đỗ Thị Minh Hạnh:

- Con không tin một người công an nào hết, má hãy nhìn thân thể con đi nè.

- Con không thể chịu nhục với những cô cán bộ nó không lịch sự tí nào... bước ra cửa thì nó không cho con ra mà phải xin phép đàng hoàng, rồi phải kêu to "chào cán bộ A, chào cán bộ B... con không làm được điều đó... Tại sao con người với nhau phải đối xử như vậy ??? Con đến đây để thi hành án, chứ không phải cúi đầu chào người này người kia, tại sao làm nhục con người như vậy ???

- Má ơi, con rất là đau buồn, con không buồn thân thể con, ở tù bao nhiêu năm cũng được... Họ bảo con hãy nhận tội đi rồi sẽ được giảm xuống 4 năm, nhưng không, ở đời thì chết chỉ có một lần mà thôi... để cho họ thấy rằng, họ không được phép coi thường tinh thần bất khuất của dân tộc. Mỗi dân tộc, mỗi một con người, nhất là người lãnh đạo đất nước phải biết rằng "Đặt quyền lợi và danh dự của tổ quốc lên trên quyền lợi cá nhân của mình chứ". Con đòi hỏi phải cho con đọc sách pháp luật, phải cho con tìm hiểu các lý luận chính trị, đồng thời là phải cho con lên thư viện, phải cho con nghe điện thoại... Tại sao phạm nhân ở đây cũng là phạm nhân, họ phân biệt đối xử vì con là phạm nhân an ninh nên không được cái này không được cái khác... Cán bộ nói thẳng, con không nhận tội là con phải bị y án.

- Tại sao con người ta cha mẹ sinh ra, có nhân cách, nhân phẩm đàng hoàng, lại phải bị phân biệt lý lịch xấu, lý lịch tốt???

- Tại sao trong nhà trường lúc nào cũng được giáo dục Đảng với Bác Hồ?

- Má lấy thành tích cách mạng của gia đình để được hưởng những quyền lợi, để được giảm án, chính là điều làm sỉ nhục đối với con, vô tình làm nhục con.

Bà Minh đã nói lại nguyện vọng của con mình như sau: "Làm sao để cho mọi người hiểu rằng, trước hết là phải bảo vệ danh dự của dân tộc... họ đánh đập công nhân, lấy giầy ném vào mặt công nhân, làm sao con có thể chịu đựng được, rồi sỉ nhục dân tộc, phụ nữ Việt Nam đi làm đĩ, họ có quyền gì để nói lên điều đó, mà tại sao Nhà nước không bảo vệ công nhân mà lại đi bảo vệ chủ ??? để cho họ có quyền đi chà đạp, bắt giam cầm những người công nhân đó... không để người Trung Quốc xúc phạm đến danh dự của mình."

Đoạn audio clip kế tiếp cũng được thực hiện với cô Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ của anh Đoàn Huy Chương, : "Từ lúc anh bị bắt đến giờ đã được chuyển đi 4 trại, anh bị đánh nhiều lắm... Từ lúc ở Trà Vinh cũng bị đánh, lúc ra tòa ảnh la hét, bị còng tay... nó xử ép, xiết tay ảnh, em thấy em đứng em khóc không... Thấy đau lòng qúa, xử án qúa oan ức... người 9 năm, người 7 năm... Em đi thăm thì ảnh nói bị uýnh rất nhiều, rất tàn nhẫn, nhìn người thấy tiều tụy lắm, dạ cả 3 người đều bị đánh tiều tụy luôn, nhìn thấy tội lắm... Mỗi khi chuyển trại, nó không bao giờ báo cho người nhà biết hết trơn..."...”(hết trích)

Trên trang Dân Chúa Hiệp Thông có lưu một băng audio, cho chúng ta nghe trực tiếp câu chuyện cảm động này.

Tương tự, bài “Thương Hạnh Lắm” của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang đăng vào giữa tháng 5-2011 ở rất nhiều mạng, cũng là một giới thiệu rất cảm động về nhân cách của chị Đỗ Thị Minh Hạnh. Trích:

“...“Một cháu như vậy là có hai người kèm theo, tay còng. Hai đứa kia đi thì cũng bình thường mà cái mặt lầm lì, còn riêng bé Hạnh thì nghinh cái mặt lên, cái mặt con Hạnh nó nghinh lên trời, nó coi trời bằng vung, nó trề môi, nó bĩu môi, nó khinh bỉ.”

Trên đây là lời kể chân thực của bà Ngọc Minh trên đài phát thanh Á Châu Tự do về phiên tòa ngày 18 tháng 3 năm 2011 tại Trà Vinh.

Lời kể nghe như khúc bi tráng ca hào hùng rung động lòng người, như hiện lên bức tranh uy phong lẫm liệt về một người con gái Việt Nam, tạc vào thế kỷ.

“Hai người kèm theo” là hai công an, “Hai đứa kia” là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, “Bé Hạnh” là Đỗ Thị Minh Hạnh. Bà Ngọc Minh là thân mẫu bé Hạnh...(...)

Cách đây bẩy năm, Hạnh đến nhà tìm gặp tôi. Khi ấy Hạnh 19 tuổi. Một cô gái 19 tuổi mà lặn lội suốt chặng đường ngót hai ngàn cây số tìm đến nhà một người chưa hề quen biết, không được ai giới thiệu. Tôi tặng Hạnh hai tập sách chính luận của tôi: “Khát vọng ngàn đời” và “Suy tư và Ước vọng”. Hai hôm sau, Hạnh quay lại kể: hôm Hạnh từ nhà tôi ra, giữa đêm, công an đập cửa phòng khách sạn khám xét, cầm sách của tôi đập vào mặt Hạnh quát: “Không được đọc sách này. Không được quan hệ với tên phản động, gián điệp này nghe chưa!”.

Thế mà … Hạnh lại vẫn xin tôi mấy cuốn khác.

Tôi mời Tuệ Minh đến cùng ăn cơm với Hạnh. Ít lâu sau Tuệ Minh nói với tôi rằng Tuệ Minh yêu Hạnh. Tuệ Minh (*) trắng trẻo, cao ráo, đẹp trai nên tôi cho rằng Hạnh không được xứng đôi lắm. Vậy mà, hình như đây chỉ là tình yêu đơn phương. Mấy hôm nay nhắc lại chuyện cũ tôi mới được nghe nhận xét của vợ tôi: “Hạnh nó xinh chứ. Đôi mắt rất đẹp và trong sáng”.

Bây giờ trong sổ của tôi vẫn còn mấy dòng chữ của Hạnh ghi địa chỉ cư trú và email...(...)

Mãi gần đây tôi mới được biết tin về Hạnh qua mấy bài viết trên trang mạng “Dân làm báo.”

“Hạnh sinh vào ngày 13 tháng 3 năm 1985 tại Di Linh, Lâm Đồng. Lớn lên ở vùng núi đồi cao nguyên, Hạnh là người con hiếu thảo, một người bạn được mọi người quý mến và một học sinh giỏi.

Trên con đường ấy, cô gái sinh viên 19 tuổi đã tìm đến gặp gỡ những công dân Việt Nam khác không cùng suy nghĩ với cách cai trị và nắm quyền của đảng và nhà nước đương thời.

Một năm sau, vào những ngày lập xuân, khi người người chào đón mùa xuân mới, Hạnh nếm mùi vị “Tết tù” đầu tiên của một công dân nước CHXHCNVN. Công an Hà Nội đã bắt giữ trái phép Hạnh trong nhiều ngày. Không một lý do chính đáng. Không một luật lệ nào cấm hay nêu rõ Hạnh không được phép gặp công dân A hoặc công dân B của nước CHXHCNVN. Chỉ tùy tiện bắt giam, thẩm vấn, tra hỏi và sau đó giam lỏng theo cái gọi là áp giải về địa phương để địa phương quản lý.

Mùa xuân ấy là mùa xuân năm 2005. Hạnh – Đỗ Thị Minh Hạnh vừa tròn 20 tuổi.

Những ngày bị công an của đảng tròng một sợi dây thòng lọng vào cổ, Hạnh chăm sóc gia đình như một người con hiếu thảo. Khi sợi dây thòng lọng được nới rộng một chút, Hạnh về lại Sài Gòn để vừa đi học, vừa đi làm và… vừa giúp dân oan.

Hạnh đã đến, đứng vào hàng ngũ và sánh vai chiến đấu với những người Dân Oan Việt Nam trong lúc sợi dây thòng lọng của đảng quang vinh và vĩ đại vẫn lơ lửng trên đầu. Đây cũng là thời gian Đỗ Thị Minh Hạnh gặp Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.

… Tháng 01/2010 Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cùng với Đoàn Huy Chương và những người bạn cùng chí hướng về Trà Vinh để hỗ trợ cho các công nhân nhà máy Mỹ Phong. Trong các ngày từ 29/01 đến 01/02/2010, hàng vạn công nhân nhà máy Mỹ Phong – Trà Vinh đã đồng loạt đình công sau khi một số công nhân nữ bị xúc phạm nhân phẩm và bị bóc lột nặng nề. Sau đó, các cuộc đình công khác tiếp tục nổ ra trên khắp các tỉnh thành, kéo dài 7 ngày liên tục.

Gần 2 tháng sau, tập đoàn “đại diện cho giai cấp công nhân” ra lệnh lực lượng “công an còn đảng còn mình” bắt giam Hạnh và Hùng sau khi đã bắt giam Đoàn Huy Chương. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị đánh đập gãy sống mũi, tra tấn tại một nhà giam bí mật tại Sài Gòn. Sau 7 ngày bị tra tấn, khi Hùng vẫn kiên cường không khai bất cứ điều gì, công an áp giải anh về trại giam B14 – Nguyễn Văn Cừ. Đỗ Thị Minh Hạnh cũng bị đánh đập, bỏ đói và tra khảo.

Ngày 26 tháng 10 năm 2010 trong một phiên toà vội vã, không luật sư, không nhân chứng, toà án tỉnh Trà Vinh của đảng CSVN chớp nhoáng tuyên án xử tội những thanh niên thiếu nữ đã đứng lên vì quyền lợi của Dân Oan – những người là chủ của đất nước và Công Nhân – giai cấp tiên phong của đảng. Hạnh 7 năm tù. Hùng 9 năm tù. Chương 7 năm tù.

Trước vành móng ngựa của các quan tòa thực dân đỏ cộng với đám công an dày đặc, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương đã tự làm luật sư bào chữa chính mình, hiên ngang bày tỏ khí phách can trường của những công dân yêu nước và nắm trong tay chính nghĩa dân tộc”...(...)

...tôi chỉ có thể nghiến răng lại cho nước mắt khỏi trào ra khi đọc dòng tin dưới đây:

“Ngày 23/01/2009, Hạnh cùng mẹ và chị gái đến trụ sở công an để làm lại giấy chứng minh nhân dân. Khi vừa bước vào trụ sở, chị bị nhiều công an bắt lên lầu đánh đập. Nghe tiếng hét, chị gái Hạnh chạy lên thì thấy khuôn mặt em mình đầy máu. Khi cơ quan công an áp giải Hạnh về nhà lục soát, dù đã bị còng tay, nhưng chị vẫn tiếp tục bị hành hung với những cú đấm vào đầu và mặt”....(...)

Nếu ngày nào Hạnh được trả tự do mà tôi còn sống thì nhờ những ai đã đọc bài viết này nhắn Hạnh đến dự một bữa liên hoan và nhận một món quà cưới bất kỳ tùy ý cháu đề xuất.

Thương Hạnh lắm. Cầu Trời phù hộ cho cháu, cho đất nước này.

Hà Nội 9 tháng 5 năm 2011

Nguyễn Thanh Giang...”(hết trích)

Hãy suy nghĩ thêm một điểm này: Với tình hình công an cai tù tra tấn, hành hạ chị Đỗ Thị Minh Hạnh như hiện nay, không thể biết mệnh hệ của chị còn có thể  bình an tới ngàỳ ra tù hay không. Đó cũng là một lý  do cần thiết để trao Giải Nhân Quyền 2011 cho chị Đỗ Thị Minh Hạnh.

Thực ra, cuộc đời của chị Đỗ Thị Minh Hạnh đã có  một chỗ đứng riêng trong lịch sử, mà không cần bất kỳ giải thưởng nào vinh danh. Nhưng dù vậy, sự im lặng hay thờ ơ trước những cuộc đời kỳ vĩ đó sẽ là một nhượng bộ trước cái ác.

Đó là lý do để những dòng chữ này trân trọng xin phép đề cử chị Đỗ Thị Minh Hạnh cho Giải Nhân Quyền 2011.

Trần Khải

4 comments:

Bạn Hạnh được nhận giải nhân quyền năm 2011 cũng tốt thôi. Mong bạn có nhiều đóng góp cho xã hội cho nhân dân

Em đống ý chị Đổ Thị Minh Hạnh.

Minh Hạnh là một phụ nữ trẻ được giáo dục trong một môi trường không dân chủ, nhưng với sự tìm tòi học hỏi và với lòng tự tin, dũng cảm em đã dám nói và dám làm trong một xã hội độc tài đảng trị như thế nầy thì quả thật em là một anh thư nước Việt. Cầu chúc em luôn an bình và giữ vững lập trường. Việc gì đến thì nó sẽ đến!

Hanh là phu nữ tuyệt vời, bao nhiêu thằng đàn ông Việt Nam chưa ai giám đấu tranh. Vậy mà em đã giam đứng lên, vùng lên để đấu tranh vì nhân quyền, vì quyền lợi; anh thật khâm phục, anh thật sấu hổ. Hay cố lên em./.
0985532786

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More